Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Giọt mồ hôi sau những khuôn hình


(13/07/2007 15:49:04)

Nụ cười lạc quan luôn nở trên môi. Hài hước. Bụi bặm. Đôi khi hơi kỳ quặc. Nhưng nếu quăng mình vào công việc, họ hết mình. Giọt mồ hôi của họ đã nhỏ xuống sau mỗi khuôn hình để có được những phóng sự ảnh đậm chất đời thường, những bức ảnh cho tờ báo và những bức ảnh cho chính mình. Đó là những Phóng viên ảnh trẻ của Báo ảnh Việt Nam.

Phòng phón viên của Báo ảnh Việt Nam rất đông phóng viên ảnh trẻ. Mỗi người một cá tính, một thế mạnh trong từng lĩnh vực và họ đã để lại dấu ấn cá nhân trong từng tác phẩm. Điều ghi nhận ở những phóng viên trẻ này là họ rất yêu nghề.

         Để có một bức ảnh chụp thiếu nữ tắm hoa sen thể hiện văn hoá spa của Việt Nam, phóng viên An Thành Đạt đầu tư tới 5 tháng liền tìm kiếm người mẫu. Tiêu chí của anh là khuôn mặt người mẫu phải đầy đặn mang vẻ đẹp của người thiếu nữ Á Đông; dáng hình phải có đường cong gợi cảm. Anh đã cất công đi gặp hàng trăm cô người mẫu, săm soi từng nét mày, ánh mắt. Người thể hiện được khuôn mặt thì dáng hình lại hơi thô, người được dánh thì khuôn mặt lại quá sắc sảo. Nhiều lúc người mẫu phải gắt lên: 'Anh khọm và khó tính quá...'. Khi tìm được người mẫu thì thời điểm đó lại không có hoa sen, anh lại phải chờ đến tháng Bẩy mùa sen nở để thực hiện tác phẩm của mình. Ba giờ sáng, Đạt lặn lội lên chợ Quảng Bá chọn mua hoa sen. An cầu kỳ chọn loại sen tươi mới cắt ở hồ, nhụy sen vàng, cánh đỏ. Anh thuê một ô tô chở sen đến một spa của khu nghỉ Tản Đà cách Hà Nội hơn 60 cây số. Đúng lúc tác nghiệp trời đổ mưa tầm tã, cả người mẫu và phóng viên ảnh làm việc dưới trời mưa. Ô dùng để che cho máy móc còn người thì chân đất, xắn quần, tóc đầm nước mưa. Ba, bốn cái thẻ nhớ với hàng nghìn kiểu ảnh đã chụp hết, hai cuộn phim slide hết bay và thành công ngoài mong đợi là Đạt đã có một bức ảnh tuyệt vời chụp khoảnh khắc người mẫu tắm sen dưới mưa rất tự nhiên.

Đó chỉ là một tình huống nhỏ trong nghề của anh. Đạt còn có bộ ảnh 'Kiếp tằm' khá nổi tiếng mà cái giá để chụp bộ ảnh đó là gần 3 năm liền. Anh mòn chân ở làng nuôi tằm Bắc Ninh, sống và ở với người dân trồng dâu nuôi tằm như một người địa phương.

Phút ngẫu hứng của PV Đinh Công Hoan khi gặp em bé người Dao trong chuyến công tác tại Lào Cai. (Ảnh: Trí Công).

Hoan 'già' là biệt hiệu của Đinh Công Hoan. Anh được mệnh danh là thích đi đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đam mê và mong muốn mà anh vẫn ấp ủ là làm sao chụp được bộ ảnh các dân tộc ít người Việt Nam. Anh đi nhiều các tỉnh phía Bắc, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu... Nhiều vùng bản bà con thuộc cả mặt anh, họ trân trọng những bức ảnh anh gửi tặng và thường treo ở chỗ trang trọng trong nhà. Có nhiều thầy mo, trưởng bản quý anh đến mức họ đưa anh cái chứng minh nhân dân của bố, mẹ mình đã ố vàng. Anh không ngần ngại mang về Hà Nội rồi ngồi chỉnh photoshop, in ra, gửi cho họ. Vì vậy, trong ví của anh, mỗi lần đi công tác về, không mấy khi là không có vài ba tấm chứng minh thư của đồng bào gửi nhờ. Được bà con dân tộc quý, đó cũng là lợi thế khi đi tác nghiệp ở các vùng miền núi. Hễ trên miền núi có sự kiện gì, có khi chỉ là một đám cưới, có khi là lễ hội vùng cao,... anh đều được bà con thông báo. Cảm động hơn, có người đi bộ hàng chục cấy số đến bưu điện huyện gửi thư viết tay cho anh.

Phòng Phóng viên chúng tôi thường đùa: 'Hễ có ai ở miền núi gọi đi là mắt anh long lanh lạ thường' và dù có ngày Tết, ngày nghỉ anh cũng balô lên đường. Anh ăn ngủ và nằm lì ở các tỉnh miền núi phía Bắc khá nhiều để làm dày lên bộ ảnh các dân tộc của mình.

PV Trọng Chính trong chuyến công tác tại Hoà Bình. (Ảnh: CTV).

Nếu như Thành Đạt có thế mạnh chụp ảnh về thời trang, nghệ thuật, Công Hoan chuyên về ảnh các dân tộc thì phóng viên Trọng Chính lại đam mê chụp ảnh các vấn đề xã hội. Anh đã có bộ ảnh về nữ Anh hùng châu Á Nguyễn Thị Huệ với căn bệnh HIV đoạt giải báo chí quốc gia. Để có những bức ảnh về đề tài xã hội, anh đã phải nhiều lần 'liều mình'. Anh đã từng vác máy vào trại giam theo những tù nhân, ngồi ăn cùng các bệnh nhân HIV, thậm chí lần mò dưới gầm cầu Long Biên vào ban đêm mà chỉ sơ suất nhỏ là có thể dẫm lên kim tiêm của dân nghiện. Chuyến đi công tác tại Nam Định về đề tài sinh thái môi trường, anh lội bùn vác máy, chân dẫm lên mảnh chai tứa máu mà vẫn xoay mình đuổi theo mấy chú cò để chụp ảnh.

PV Hoàng Hà và võ sĩ đạo tại Bình Định. (Ảnh: Trí Công).

Đại diện cho thế hệ 8X trẻ khỏe là Hoàng Quang Hà, Hà có thế mạnh là to, béo, có thể phóng xe máy ầm ầm hàng trăm cây số với bộ máy nặng 20kg trên lưng mà không biết mệt. Thế mạnh của Hà là chụp ảnh thể thao. Bóng đá, cầu mây, võ thuật... không mấy cuộc thi là không có mặt Hà. Có lần, Hà đã phi xe máy mấy trăm cây số lên Điện Biên. Lên đến nơi, chỉ kịp quẳng xe một góc, anh vác máy lao đi chụp. Bức ảnh 'Đồng đội' chụp tại Điện Biên lần đó đã được giải Nhì cuộc thi ảnh 'Việt Nam Đất nước-Con người' năm 2004 của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam.

Sau mỗi chuyến đi, mỗi hành trình của những phóng viên ảnh, sản phẩm họ mang về thắm đượm lòng yêu nghề và cũng thấm đẫm mồ hôi. Nhưng bạn đọc được thưởng thức những tấm ảnh đầy ắp hơi thở cuộc sống. 

Bích Vân
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2007