Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

ChuýãƯn ẵỔi thõỪổc tõãƯ ẵỔõãưy ẳơ nghẵẹa


(01/08/2007 10:03:02)

Vào một ngày trời mưa sụt sùi, chúng tôi, những đoàn viên, thanh niên Ban Biên tập tin Đối ngoại, Ban Biên tập tin Trong nước và Trung tâm Nghe nhìn Thông tấn, tổ chức chuyến đi thăm và tặng quà cho các em bé bị nhiễm HIV đang được nuôi dưỡng tại Trung tâm Giáo dục lao động số II Hà Nội.

Sáu giờ sáng, xe lăn bánh, dần dần rời xa Hà Nội. Ngồi trên xe, choán một phần tâm trí tôi là cảm giác háo hức xen lẫn rụt rè, vì tôi chưa bao giờ đi thực tế, nhất là lại đến một trung tâm đặc biệt. Trước khi đi, tôi đã được nghe giới thiệu Trung tâm giáo dục phục hồi nhân phẩm cho gái mại dâm, điều trị cắt cơn cho người nghiện, chăm sóc và điều trị cho gái mại dâm và trẻ mồ côi nhiễm HIV bị bỏ rơi. Toàn là những điều mà tôi mới chỉ nghe, nhìn qua báo, đài, vô tuyến. Tôi trộm nghĩ: Chẳng biết mọi người có cảm giác dè dặt không, nếu không thì có lẽ mình tôi là người chưa "quán triệt" lời kêu gọi không phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS!

Đến gần Trung tâm, mưa đã ngớt. Bầu trời sáng và không khí trong lành ở đây giúp tôi bớt căng thẳng hơn.

Khi đoàn chúng tôi tới gian nhà cấp 4 nơi các em ở, các "mẹ" trong Trung tâm đã tập trung khoảng hơn 20 em độ 2,3 tuổi ngồi giữa phòng, chúng tôi cũng ngồi xuống xung quanh thành một vòng tròn to. Đúng là tôi đã lo lắng vô lối. Các bé ở đây đều rất xinh xắn và hiếu động. Khi chúng tôi  bóc kẹo và bánh, bé nào cũng ngước lên với cái nhìn ngây thơ và háo hức. "Mẹ" của các bé thì nhìn chúng tôi với ánh mắt vẫn có chút e dè. Họ đều là những người phụ nữ không may nhiễm phải căn bệnh AIDS. Một số đã được điều trị tại Trung tâm trước khi nhận công việc này, số khác tìm đến Trung tâm vì muốn những ngày còn lại của mình được chăm sóc cho những đứa trẻ đáng thương, bị bỏ rơi vì cũng mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Trong lòng vẫn canh cánh "nhiệm vụ" của một nhà báo- đã đi là phải có bài, tôi mon men đến gần một "mẹ" ở Trung tâm, lăm lăm giấy bút và máy ghi âm. Tôi hăng hái "bổ" như cái máy, như hằng ngày đi hội nghị vẫn thường phỏng vấn. Không ngờ, tôi vừa mới dứt lời đề nghị hết sức nhã nhặn "Chị cho em hỏi một vài câu, chị nhé!", một chị ở đây đã từ chối: "Mình không biết gì đâu" và lịch sự giới thiệu một chị khác trả lời thay. Vội "tác nghiệp" nên tôi đã quên mất là các chị ở đây đâu phải là đại biểu đi dự hội nghị. Thế là tôi cất hết giấy, bút, máy ghi âm, rồi đi lòng vòng quanh nhà, chủ động bắt chuyện với các chị một cách tự nhiên.

Tôi sà xuống cạnh chị đang ôm một bé khoảng 6 tháng tuổi, trông rất xinh xắn, ngộ nghĩnh với cái khăn đỏ chít trên đầu. Nghe tôi nói khoản tiền trợ cấp 445.000 đồng cho các mẹ và 270.000 đồng một tháng cho các bé là quá ít để đảm bảo sự sống chứ chưa nói đến việc chữa bệnh, chị chỉ cười buồn, rồi nói: "Đúng là rất khó khăn, nhưng được thế này với bọn mình đã là tốt lắm rồi."

Chị bảo tình yêu thương của những người nhiễm HIV như chị giờ đây dồn cả cho các con, chúng rất đáng yêu, vì thế lại càng đáng thương. Có khi mấy hôm trước còn vui đùa đấy, chỉ cần nhiễm lạnh, cảm, là cả cơ thể suy sụp theo, ăn uống không được và các mẹ chẳng còn cách gì hơn là để Trung tâm đưa con lên bệnh viện tuyến trên điều trị.

"Mỗi khi có đứa con nào ra đi, chúng tôi thấy như mình vừa mất đi một phần nào đó rất quan trọng trong cuộc sống. Chúng tôi luôn muốn ở bên khi các con bệnh, chỉ sợ chúng ra đi mà không có người thân," chị Hương, một mẹ ở Trung tâm vừa nói, vừa trìu mến xoa xoa bàn tay bé xíu của một bé vừa mới được đưa vào.

Hình ảnh những em bé quây quần hạnh phúc bên các mẹ cho dù cuộc sống còn nhiều khó khăn giúp cho tôi cảm nhận sâu sắc về hai từ "hạnh phúc" - một hạnh phúc rất đỗi bình dị, về tình yêu cuộc sống thiết tha từ các mẹ - những người đã vượt lên nỗi đau thể xác để tiếp tục vun mầm sự sống cho những đứa trẻ bất hạnh nhiễm HIV. Chuyến đi cũng giúp tôi có thêm kinh nghiệm trong tác nghiệp, để tiếp tục sự nghiệp viết lách đầy chông gai nhưng cũng vô cùng lý thú.

Bùi Hồng Nhung
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2007