Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

"BáỪỔ tÃƠi là ngẳồáỪŨi ráỨầt táỨễn tÃằm váỪỈi ngháỪẮ"


(01/08/2007 09:54:22)

Thông tấn xã Việt Nam là ngôi nhà lớn của nhiều thế hệ phóng viên, biên tập viên mà trong số họ không ít người là những thành viên trong cùng một gia đình. Gia đình nhà báo Lương Nghĩa Dũng là một ví dụ. "Lớp cha trước, lớp con sau", hiện nay, con trai ông, phóng viên ảnh Lương Xuân Trường đang tiếp tục công việc của ông. NSTT có buổi trò chuyện với phóng viên Lương Xuân Trường về người cha của anh, nhà báo - liệt sĩ Lương Nghĩa Dũng, người vừa được tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật chuyên ngành Nhiếp ảnh với tác phẩm "Đấu pháo ở Dốc Miếu".

* Nội san Thông tấn (NSTT) xin chúc mừng anh và gia đình về giải thưởng Nhà nước tặng cho tác phẩm ảnh nổi tiếng của nhà báo Lương Nghĩa Dũng - bố anh. Anh có suy nghĩ gì về tác phẩm này?

- Đây thực sự là vinh dự đối với gia đình tôi. Năm nay là tròn 35 năm ngày mất của bố tôi. Tác phẩm "Đấu pháo ở Dốc Miếu" được ông chụp ở Quảng Trị năm 1967. Đây là một trong bốn tác phẩm tôi gửi đi bình chọn, cùng với các tác phẩm: "Nữ dân quân Ngư Thủy", "Đưa xe tăng vào trận", "Đánh chiếm sân bay Ái Tử" được ông chụp từ năm 1967 đến năm 1971. Theo tôi, Hội đồng thẩm định đã đánh giá xác đáng, họ đã rất tinh tế khi nhìn nhận, đánh giá tác phẩm.

Trước đó, tác phẩm này có tên "Quân dân Vĩnh Linh dội bão lửa xuống đầu thù". Khi làm lại ảnh, tôi đã phát hiện một chi tiết rất đáng lưu ý: một quả đạn pháo quân thù nổ ngay trước hầm của quân ta, những mảnh đạn và mảng đất bay văng ngược lại phía khẩu pháo của ta. Nếu không phóng khéo, phim không trong thì chi tiết này sẽ rất mờ và khó có thể nhận ra. Trong khi đó, hai chiến sĩ pháo binh của ta, một người đang tiếp đạn, một người bắn, cả hai đầu không đội mũ sắt, tóc bay dựng ngược. Mặc dù trong ảnh ta không thấy sự hiện diện của quân thù song, thông qua hình ảnh quả đạn pháo và khói bụi mịt mù, tôi cho rằng đây là một cuộc đấu pháo. Sau đó, tôi có tham khảo ý kiến của một người bạn chiến đấu của bố tôi, cũng là một chuyên gia nhiếp ảnh thì được biết đây chính là một cuộc đấu pháo của một phân đội pháo binh Vĩnh Linh với pháo địch ở Dốc Miếu (Vĩnh Linh - Quảng Trị). Vì vậy, tôi đã đặt lại tên tác phẩm là "Đấu pháo ở Dốc Miếu".

Điều tôi cảm nhận ở tác phẩm đó là sự khốc liệt của chiến tranh. Ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết, ở cả phía người được chụp và người chụp, chỉ là trong gang tấc.

 

Phóng viên ảnh Lương Nghĩa Dũng, trong chuyến công tác trên đường 559. (Ảnh: TL TTXVN)

* Được biết, hiện anh đang công tác tại Phòng ảnh Kinh tế, Ban Biên tập - Sản xuất ảnh báo chí. Điều gì đã đưa anh đến với nghề phóng viên ảnh?

- Năm 1992, tôi đang làm việc trong ngành Thương mại tỉnh Hoà Bình, cuộc sống rất khó khăn. Chú Chu Chí Thành, người bạn của bố tôi đang làm việc tại Ban ảnh, tới chơi nhà. Qua trò chuyện, chú Thành mới biết hoàn cảnh gia đình và có trao đổi với mẹ tôi là sẽ đề nghị cơ quan nhận tôi về chỗ ông. Tôi về làm việc tại Thông tấn xã Việt Nam là như vậy. Khi mới về đây, tôi chưa hề có khái niệm gì về báo chí, về nghề ảnh. Sau này, từ năm 1993-1996, tôi được cơ quan cho đi học Khoa báo chí - Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Công việc đầu tiên khi tôi vào TTXVN là dựng lại toàn bộ ảnh của bố tôi đã chụp vào những quyển ma-két riêng. Tôi đã mất sáu tháng trời "lục" toàn bộ kho ảnh về chiến tranh của TTXVN để tìm được đầy đủ ảnh của bố tôi.

 

* Khi tìm lại "dấu vết" của cha, anh nhận thấy điều gì ở ông? Có điểm gì giống nhau giữa anh và bố anh không?

- Tôi không nghĩ rằng bố tôi là một người có năng khiếu đặc biệt về nhiếp ảnh, nhưng ông là người rất tận tâm với nghề. Khi được xem gần như toàn bộ lô ảnh chụp về cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước, tôi thực sự khâm phục lớp phóng viên chiến tranh hồi đó. Họ đã có mặt ở tất cả mọi nơi của cuộc chiến, giống như những người lính thực thụ. Để có được những tác phẩm phản ánh sự khốc liệt của chiến tranh, họ sẵn sàng đổ máu, thậm chí hy sinh cả tính mạng để ghi lại những khoảnh khắc lịch sử, những khoảnh khắc không bao giờ lặp lại. Họ thật sự là những con người dũng cảm. Tôi tự hào vì bố tôi nằm trong số những con người tiên phong đó. 

Toàn bộ ma-két ảnh của ông mà tôi dựng lại từ năm 1966 đến ngày mất năm 1972 gồm 2.200 ảnh. Bố tôi dốc hết thời gian của mình cho công việc. Ông có mặt ở hầu hết các điểm đánh phá ác liệt của giặc Mỹ ở miền Bắc, đường dây 559, Quảng Bình, Vĩnh Linh, chiến trường Lào, Đường 9 - Khe Sanh... rồi cuối cùng ông nằm lại ở Nam Quảng Trị sáng 1/5/1972, đúng ngày Quảng Trị giải phóng.

Điều mà tôi thấy mình có đôi chút giống bố là sự nghiêm túc, tận tâm với nghề theo kiểu "cần cù bù thông minh", vì tôi cho rằng mình cũng không có năng khiếu nhiếp ảnh cho lắm (cười).

 

* Ba mươi lăm năm đã trôi qua, kỷ niệm nào làm anh và gia đình nhớ đến ông nhất?

Bố tôi ít về nhà lắm. Vả lại đến chuyến đi cuối cùng của bố, tôi mới hơn 5 tuổi, ký ức về ông chỉ loáng thoáng. Tôi nhớ có một lần, khi tôi khoảng 3-4 tuổi gì đó, đang chơi ở sân, nghe tin bố về, thích quá, chạy vội về, vấp phải bậc cửa, bập cằm vào viên gạch và để lại cái sẹo mãi đến giờ (anh chỉ vào vết sẹo dưới cằm và cười). Tôi nhớ được về bố có lẽ vì vết sẹo này.

Mẹ tôi cũng thường hay nhắc đến chuyến đi cuối cùng của bố tôi: Đó là đêm 26 Tết Nhâm Tý năm 1972, bố tôi lên đường vào Quảng Trị. Xe cơ quan qua nhà đón. Nhà tôi cách Quốc lộ 1 chưa đầy một cây số. Khi chuẩn bị bước lên xe, bố quay lại nói với mẹ: "Nếu như anh không về thì cố gắng cho các con học hành đến nơi đến chốn nhé". Bà bảo chưa bao giờ ông lại dặn dò như thế, dường như ông linh cảm thấy điều gì đó không hay xảy ra. Nghe theo lời dặn của bố, sau khi Việt Nam ký kết Hiệp định đình chiến 1973, mẹ đưa anh chị em tôi lên thị xã Hà Đông ở để có điều kiện tốt hơn trong việc học hành.

Tuy bố mất sớm nhưng bù lại anh chị em tôi được mẹ rất đỗi thương yêu, chăm sóc. Còn tôi, khi về TTXVN, được làm việc bên cạnh nhiều đồng nghiệp năm xưa của bố tôi, những con người đã vào sinh ra tử cùng ông, tôi đã học được rất nhiều từ những bậc cha, chú đó.

Hà Thanh (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2007