Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Chi tiết - Tế bào của bài báo


(05/09/2007 09:39:19)

Ít nhưng phải "đắt"

            - Trong lần trước, tôi có trao đổi với bạn là khi viết bài nên tả nhiều mà kể ít. Chúng ta lại cũng trao đổi với nhau muốn tả cho tốt thì phải làm gì.

            - Tôi nhớ rồi... Muốn tả cho tốt thì có rất nhiều vấn đề nhưng gói gọn lại là cần nhớ hai câu, đó là hãy trả lời câu hỏi 'Như thế nào?' và hãy để cho bản thân sự vật lên tiếng. Nhưng cuối buổi trước, Người Viết Báo có nói rằng, còn một yếu tố mang tính quyết định cho sự thành công trong miêu tả, đó là việc sử dụng chi tiết. Người Viết Báo còn hẹn là sẽ trao đổi kỹ về vấn đề này.

            - Đúng vậy. Tôi vẫn nhớ mà. Nhưng thực ra thì trong các lần trao đổi trước, chúng ta đã đề cập đến 'chi tiết' rồi đấy. Bởi vì khi miêu tả chính là bạn đã phải sử dụng chi tiết rồi. Chi tiết, theo định nghĩa trong Từ điển Tiếng Việt là phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng. Chi tiết, ở một góc độ nào đó có thể coi là hiện tượng mà ở đó nó phản ánh bản chất của sự kiện, sự vật, con người. Chức năng của báo chí là phản ánh. Vậy muốn phản ánh sự vật, hiện tượng thì phải thông qua các chi tiết.

            Nói theo lối sách vở thì nó dài dòng và rắc rối như thế, nhưng nói nôm na thì như thế này: Một cỗ máy được cấu tạo bởi các chi tiết, các sự việc cũng thế; vì vậy muốn phản ánh sự việc nào đó thì ta phải thông qua các chi tiết.

            Chẳng hạn, cấu tạo con người gồm đầu, mình và chân tay; ở cấp độ nhỏ hơn, lại có thể phân chia tóc, tai, mắt, mũi... Ta hãy xem Nguyễn Du tả mụ Tú Bà, trùm lầu xanh:

Nhác trông lờn lợt màu da

Ăn chi to lớn đẫy đà làm sao.

            'To lớn đẫy đà' đó là chi tiết về hình thể đủ cho ta hình dung về một người đàn bà 'làng chơi khi trở về già hết duyên'. Nhưng cái thần trong hai câu thơ trên lại nằm ở chính chi tiết 'lờn lợt màu da'. Nó không những nêu bật đặc điểm của một kẻ chuyên làm ăn trong bóng đêm mà còn gợi cảm giác nhầy nhụa, nhớp nháp của cái nghề kiếm ăn trên thân xác của những người phụ nữ.

            Cũng như thế, Nguyễn Du tả Sở Khanh:

Tường đông lay động bóng cành

Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào.

            'Lay động bóng cành' là chi tiết; 'rẽ song', tức là mở cửa, nhưng mở he hé cũng là chi tiết. Nhưng cái thần trong câu thơ trên lại là cái động tác 'lẻn vào'. Đó là chi tiết về hành vi và chỉ cần chi tiết này, Nguyễn Du đã chỉ ra hành động không đàng hoàng, khuất tất, qua đó lột trần bản chất lừa lọc của một gã Sở Khanh 'bạc tình nổi tiếng lầu xanh'.

            Ấy chết, nhưng hôm nay đốc chứng hay sao mà tôi lại nảy nòi đi học đòi bình thơ, mà lại dám bình cả Truyện Kiều cơ chứ.

            - Nhưng mà tôi lại thấy dễ hiểu hơn là khi nghe Người Viết Báo nói theo kiểu lý luận như ở phần đầu đấy. Rõ ràng là qua các chi tiết mà Người Viết Báo vừa nêu, tôi thấy các nhân vật hiện lên một cách cụ thể và sống động hẳn lên.

            - Đúng vậy! Và một điều quan trọng nữa là thông qua các chi tiết đó, bạn đọc hiểu được ngay bản chất của nhân vật thông qua cảm xúc của mình chứ không phải là bằng cách áp đặt chủ quan của tác giả như kiểu "kể" chung chung chẳng hạn như: 'Tú Bà là một mụ chủ chứa đáng ghê tởm'; 'Sở Khanh là một kẻ lừa lọc'...  trong khi bạn đọc chẳng thấy chi tiết nào là biểu hiện của cái "ghê tởm", "lừa lọc" đó cả. Tất nhiên, để miêu tả đầy đủ bản chất của con người Sở Khanh và Tú Bà, Nguyễn Du sau đó còn phải thông qua một loạt chi tiết diễn tả suy nghĩ, hành động và lời nói của các nhân vật này nhưng rõ ràng, chỉ cần qua một vài chi tiết ban đầu, bạn đọc đã hiểu được nhân vật đó rồi.

            Thôi, ta hãy trở lại với các bài báo của chúng ta nhé. Trong lần trước, tôi có dẫn ra ví dụ một bài viết về sự ô nhiễm nhưng phóng viên chỉ nói chung chung là "ô nhiễm môi trường" mà không "tả" cái sự ô nhiễm ấy nó như thế nào nên bạn đọc cũng không thể nào "cảm nhận" được sự ô nhiễm.

            Bây giờ, thay vì "kể" về "cái sự ô nhiễm", bạn hãy "tả" nó ô nhiễm "như thế nào" bằng cách sử dụng các chi tiết xem sao nhé. Thay vì "kể" một cách khái quát "đoạn sông này ô nhiễm trầm trọng", bạn hãy sử dụng các chi tiết để tả, chẳng hạn như: "Dòng sông chỉ còn là một dòng nước đen ngòm, đặc quánh chảy lờ đờ, bốc mùi hôi thối rất khó chịu". Như vậy, bạn đọc sẽ hình dung rõ ràng về sự ô nhiễm. Tuy nhiên, cách tả và sử dụng chi tiết ở đây vẫn còn chung chung.

            Bây giờ, bạn hãy "tả" cụ thể hơn nữa; để minh chứng cho cái sự "bốc mùi hôi thối", bạn hãy sử dụng chi tiết, chẳng hạn: "Những người có việc phải đi qua đoạn sông này đều phải lấy tay bịt mũi cố gắng bước thật nhanh. Đứng chưa được dăm phút, một đồng nghiệp đi cùng tôi đã hắt hơi chảy cả nước mắt nước mũi bèn giục tôi rút nhanh".

            Tất cả những hành động "bịt mũi", "bước thật nhanh", "hắt hơi"... ấy đều là các chi tiết và nó đã làm cho "cái sự ô nhiễm" hiện hình một cách cụ thể, sống động trước mắt bạn đọc, làm cho bạn đọc gần như cảm thấy, nhận thấy sự ô nhiễm bằng chính các giác quan của mình.

            Cũng như vậy, khi viết về một đoạn đường bị ô nhiễm vì bụi, một phóng viên không 'kể' một cách khái quát rằng 'đoạn đường này bị ô nhiễm bụi một cách nghiêm trọng', hay tả một cách chung chung 'bụi bay mù mịt' mà đưa ra 3 chi tiết:

            1. 'Tôi để ý suốt dọc đoạn đường này, nhưng ngôi nhà xây cao tầng từ tầng 2 trở lên đều treo tấm rèm bằng vải xanh bên ngoài ban công thì lấy làm lạ: Rèm cửa người ta chỉ treo trong nhà chứ ai đời lại treo ngoài ban công? Hỏi người dân ở đây mới biết, những tấm rèm treo ngoài đó chủ yếu là để... chắn bụi.'

            2. 'Tôi ghé vào một quán nước bên đường, chưa kịp ngồi xuống ghế thì bà cụ hàng nước đã vội xua tay: 'Ấy chết! Chú chớ ngồi vội, để tôi lau ghế đã. Ở đây bụi lắm!'. Tôi đặt cuốn sổ lên chiếc bàn đầy cáu nước chè và bụi đất, ngồi uống chưa hết chén nước đã thấy bà cụ mấy lần lấy khăn lau ấm chén, bàn ghế. Khi tôi cầm cuốn sổ lên định hỏi bà cụ hàng nước một đôi điều thì hình cuốn sổ đã in trên mặt bàn phủ đầy một lớp bụi trắng.'

            3. 'Hai chiếc xe tải ầm ầm lao tới cuốn bụi mù mịt. Một phụ nữ đi xe đạp trùm khăn tùm hum chìm trong bụi vẫn phải đưa một tay lên che mặt. Bỗng chiếc xe vấp phải một ổ gà, loạng choạng rồi đổ vật ra đường. Chiếc ô tô tải đang đà chạy bỗng phanh khựng lại; bánh xe trước chỉ còn cách người phụ nữ không đầy 2 mét. Mọi người nhìn thấy cảnh tượng ấy đều thót tim. Anh lái xe bước xuống, mặt cắt không còn hột máu, giãi bày: 'Khổ quá! Bụi chẳng còn nhìn thấy đường đất gì nữa. Chỉ kịp lờ mờ thấy có bóng người ngã xuống là tôi vội đạp phanh. Chị có làm sao không?'. Người phụ nữ vừa lồm cồm dựng chiếc xe vừa phủi quần áo. Thật hú vía! May mà chiếc xe phanh kịp.'

            Như vậy ở đây phóng viên không cần phải đao to búa lớn, không cần phải nói vấn nạn bụi nó nghiêm trọng như thế nào mà bạn đọc lại cảm nhận được một cách hết sứ rõ ràng, cụ thể; thậm chí còn hình dung được mức độ bụi và ảnh hưởng của nó tới cuộc sống của người dân ở đây qua các chi tiết sống động và cụ thể như treo rèm bên ngoài ban công, hình cuốn sổ in trên mặt bàn đầy bụi... Đặc biệt, chi tiết người phụ nữ ngã xe suýt bị ô tô cán còn cho bạn đọc thấy hậu quả của ô nhiễm bụi một cách hết sức cụ thể, như là mắt thấy tai nghe.

            - Qua các ví dụ mà Người Viết Báo đưa ra, quả là tôi thấy việc đưa các chi tiết vào trong bài có hiệu quả thực sự: Bài viết sinh động, hấp dẫn hẳn, bạn đọc sẽ hứng thú hơn khi đọc những bài này và điều quan trọng là họ tiếp nhận được vấn đề mà ta muốn chuyển tải một cách hứng thú và sâu sắc. Riêng tôi thì tôi còn hiểu được tại sao từ trước đến nay bài viết của tôi cứ bị chê là khô khan, nhợt nhạt, thậm chí thiếu cảm xúc rồi. Thú thực là trong bài của tôi, và không ít đồng nghiệp nữa chủ yếu là 'kể', toàn là những lời khái quát chung chung; nếu có đoạn nào tả thì cũng là tả chung chung nốt chứ ít khi có những chi tiết cụ thể, sinh động như Người Viết Báo vừa dẫn ra. Tôi sẽ phải rút kinh nghiệm ngay. Nhưng có một điều tôi muốn hỏi, chi tiết quan trọng như thế nhưng chẳng lẽ khi viết cứ phải đưa tất cả các chi tiết vào bài?

            - Không phải tôi muốn nói như thế và nếu bạn có muốn như thế cũng không thể nào thực hiện được. Vì một con người, một sự kiện, một sự việc có biết bao nhiêu chi tiết làm sao bạn có thể miêu tả hết được. Và một câu hỏi đặt ra là bạn miêu tả như thế để làm gì cơ chứ. Vấn đề ở đây là phải lựa chọn chi tiết. Bạn phải căn cứ vào mục đích, chủ đề của bài viết để chọn chi tiết cho phù hợp. Nghĩa là chi tiết phải nêu bật được chủ đề. Muốn vậy bạn phải làm sao chọn được chi tiết thật 'đắt'; nghĩa là chi tiết ấy phải vừa hết sức cụ thể, sinh động nhưng lại vừa phải phản ánh được bản chất của sự vật, hiện tượng. Chẳng hạn như chi tiết mà Nguyễn Du miêu tả Sở Khanh 'Rẽ song đã thấy Sở Khanh lẻn vào' thì cái động tác 'lẻn' ấy nó vừa hết sức cụ thể, sống động, bạn đọc hoàn toàn có thể hình dung được nhưng qua chi tiết ấy nó cũng lại nêu được cái bản chất của một con người bất minh.

            Bạn đừng tham nhiều chi tiết, bài sẽ bị loãng và bạn đọc sẽ bị bội thực. Thậm chí nếu tham nhiều chi tiết sẽ có thể xảy ra trường hợp bạn  không 'quản lý' được các chi tiết, dẫn đến có chi tiết 'đá' nhau, mâu thuẫn nhau hoặc làm 'hại' chủ đề. Vì vậy bạn cần nhớ trong việc sử dụng chi tiết: 'Ít nhưng đắt'.

            - Nhưng vấn đề là làm thế nào để có được chi tiết, mà lại là chi tiết 'đắt' như Người Viết Báo nói?

            - Ở đây có ít nhất hai vấn đề: Bạn phải xác định rõ chủ đề và phải chú ý quan sát. Có chú ý quan sát thì bạn mới có thể phát hiện được chi tiết nhưng bạn lại phải xác định thật rõ chủ đề bài viết thì mới phát hiện và chọn được chi tiết phục vụ cho chủ đề đó.

            - À! Tôi hiểu rồi, có như thế mới tránh được tình trạng lấy cái chân bàn về lắp cái ghế như những lần trao đổi trước Người Viết Báo đã nói.

            - Đúng đấy! Nhưng để chọn được chi tiết đắt, ta còn cần có cái tầm, một sự nhậy cảm và con mắt thật tinh đời.

            - Nhưng làm sao để được như thế?

            - Ta chỉ có thể có được điều đó bằng cách học tập, tích lũy và chịu khó rèn luyện. Lần này chúng ta trao đổi đã khá dài rồi đấy. Ta tạm dừng ở đây nhé. Nếu có gì thắc mắc bạn cứ nêu ra để ta cùng trao đổi tiếp.

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Trên quê hương nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến (05/09/2007 09:14:31)

"TÃƠi táỪổ hào là dÃằn ThÃƠng táỨần" (05/09/2007 09:06:31)

Hỗ trợ tác phẩm báo chí chất lượng cao (01/08/2007 10:06:37)

Lời khuyên về phát triển mối quan hệ với các nguồn cung cấp thông tin (01/08/2007 10:05:13)

Chuýằ‡n tÃĂc nghiỏằ‡p cỏằĐa phóng viÃên phÃÂn xÃÊ vÃạng cao (01/08/2007 10:03:55)

ChuýãƯn ẵỔi thõỪổc tõãƯ ẵỔõãưy ẳơ nghẵẹa (01/08/2007 10:03:02)

"BáỪỔ tÃƠi là ngẳồáỪŨi ráỨầt táỨễn tÃằm váỪỈi ngháỪẮ" (01/08/2007 09:54:22)

Xếp lương khi nâng ngạch, chuyển ngạch, chuyển loại công chức, viên chức (13/07/2007 15:53:24)

Hãy để cho sự vật lên tiếng (13/07/2007 15:52:26)

Tôi bắng nhắng đấy! (13/07/2007 15:51:09)