Thứ bảy, ngày 06/07/2024

Sổ tay phóng viên

Một phân xã toàn nữ


(05/11/2007 16:02:04)

Tám nữ phóng viên ở một phân xã! Lịch sử TTXVN chưa từng có. Sống thẳng thắn, cởi mở, yêu thương và tin tưởng nhau là điều các chị luôn hướng tới. Nhân dịp Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, NSTT có buổi trò chuyện với các chị.

- Chào các chị. Công việc của các chị dạo này thế nào?

- Chị Hồng Hạnh: Chúng mình vẫn thế. Công việc lúc nào cũng căng ra. Hương theo dõi an ninh trật tự. Mai đảm nhiệm các vấn đề y tế, giao thông. Nghĩa lĩnh phần địa chính nhà đất, Kim Anh lo tòa án, Thuận thì công nghiệp, du lịch và tôi là các vấn đề xã hội. Chị Bình, Trưởng phân xã Hà Nội mới về hồi giữa năm thay anh Nguyễn Văn Hải, thế là Phân xã toàn nữ. 

- Chà, cũng bận rộn đấy chứ?

- Chị Thu Hương: Hôm nọ tôi đón con vừa về đến nhà thì nhận được tin về một vụ buôn lậu hàng mỹ phẩm kém chất lượng tại chợ đầu mối phía Nam. Thế là, chỉ kịp để đồ ăn và con vào nhà rồi ba chân bốn cẳng, phi thẳng đến hiện trường... Viết xong tin, ấn nút gửi vào mạng rồi mới thấy bụng đói meo, hóa ra từ chiều đến giờ chưa có gì bỏ vào bụng. Lại thương con ở nhà. Mà tụi trẻ nhà mình cũng hay lắm, cứ xẩm tối không có  mẹ về là bé gái thứ hai của mình mới gần bốn tuổi lại líu lo hỏi: "Mẹ bận làm tin hả bố?" 

- Công việc lúc nào cũng đột xuất ạ?

- Chị Hồng Hạnh: Tụi mình thường xuyên phải đối mặt với những sự kiện xảy ra trên địa bàn. Công việc thường không có lịch cụ thể lại hay nhằm đúng giờ cao điểm phải đón con, lo cơm nước. Chưa kể, các hoạt động diễn ra vào ngày lễ, ngày nghỉ, buổi tối... Nghĩa là lúc nào thiên hạ chơi bời, nghỉ ngơi thì mình phải làm việc.

- Chị Minh Nghĩa:  Phụ nữ làm báo nói chung cũng có nhiều hạn chế. Đối với tôi, nản nhất là chuyện đón con. Nhà xa, cơ quan cũng xa. Tôi rất sợ những buổi chiều muộn  phải ở lại cơ quan để làm tin, bởi lúc đó cũng chính là thời gian con tan học. Tâm trạng khi ấy thật khó tả, bởi nếu làm xong tin thì từ cơ quan về tới trường cũng mất 30 phút, chưa kể tắc đường. Thành ra, nhiều lần cháu bị 'bỏ rơi' ở trường, ngồi buồn thiu chờ mẹ. Còn những hôm  đón con xong phóng vội về nhà làm tin, dắt xe vào, chỉ kịp chào bố mẹ một câu rồi lao ngay lên gác, vội vã khởi động máy, rồi ngồi tí tách luôn. Có những lúc viết bài quên chưa ấn nút ghi, cô con gái nhỏ tý toáy đứng bên cạnh tắt phụt máy đi, thế là bao công sức bay đi mất. Mẹ lại cặm cụi viết lại từng câu, từng chữ... Giận con lúc ấy nhưng tôi cũng hiểu mình chưa trọn trách nhiệm trong việc giữ gìn sự hài hòa, cân bằng giữa công việc và gia đình, đặc biệt trong thực hiện thiên chức người mẹ. 

- Tôi từng nghe chuyện chị Mai khi tác nghiệp đóng giả bệnh nhân đi nạo hút thai khi mới vào nghề, chưa lập gia đình. Lúc ấy, chị có 'ngại' không?

- Chị Tuyết Mai: Tôi được phân công theo dõi Dân số và Giao thông thì cả hai mảng này không ít lần đòi hỏi tôi phải "liều mình". Cái vụ mà chị vừa hỏi thú thật hồi đó tôi ngại vô cùng. Tôi phải giả là bệnh nhân để đi dò hỏi, tìm hiểu về việc một số cơ sở y tế vẫn lén lút thu tiền làm dịch vụ trong khi Thành phố có quyết định không thu tiền người dân thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình.

- Chị Hồng Hạnh: Đấy là bạn chưa biết vụ đưa tin giải phóng mặt bằng hồ Ba Mẫu của chị Mai. Khi bài được đăng trên báo Tin Tức, chị phải đối mặt với một nhóm người dân quá khích. Họ kéo đến cổng trụ sở cơ quan mình ở số 5 Lý Thường Kiệt, đe dọa gặp phóng viên để "xử lý'. Hồi ấy cơ quan còn nghĩ đến cả phương án để bảo vệ an toàn cho phóng viên.

- Chị Tuyết Mai: Nghĩ lại cũng thấy 'ghê' nhưng quan trọng hơn cả là mình thông tin đúng và sau đó, nhờ báo chí, một số đối tượng cứng đầu đã hợp tác, nộp hồ sơ giấy tờ đất cho đơn vị triển khai dự án. 

- Thế các chị ngại điều gì nhất?

- Chị Hồng Hạnh, Thu Hương: Tất nhiên là sợ sót lọt những thông tin quan trọng. Địa bàn Thủ đô rộng lớn, có nhiều sự kiện xảy ra cùng lúc, nên khó tránh khỏi sơ suất, song mỗi lần như vậy đều rất buồn, băn khoăn, trăn trở mãi. 

- Dành nhiều thời gian và công sức cho công việc. Vậy các chị giữ lửa cho tổ ấm của mình như thế nào?

- Chị Thu Hương: Đây quả là vấn đề... khó nói. Có nhiều lúc mình thấy rất áy náy. Ai lại, cả nhà có kế hoạch đi chơi, đáng nhẽ mẹ phải là người chỉn chu nhất nhưng đến lúc mọi người chuẩn bị xong hết rồi, dắt xe ra khỏi nhà thì mẹ lại vướng vào một vụ làm tin đột xuất. Mảng an ninh trật tự của mình là thế, sự kiện diễn ra bất thường không thể lường trước được. Chính vì vậy mặc dù vừa qua chị em làm việc với nhau bao nhiêu năm nhưng mãi đến 1/6 vừa qua, chúng tôi mới thu xếp để đưa các cháu đi chơi một chuyến tại Đầm Long, Hà Tây. Các cháu rất vui vẻ, thích thú khiến các mẹ cũng vui lây.

- Chị Minh Nghĩa: Thực ra, trong thâm tâm, bất cứ ông chồng nào cũng muốn người vợ của mình chỉn chu, chăm lo cho gia đình, nhất là chuyện ăn, ngủ, học hành của con cái. Vì thế, ngoài thời gian dành cho công việc, tụi mình luôn cố gắng dành quỹ thời gian ít ỏi còn lại cho gia đình, để tổ ấm lúc nào cũng có "lửa". Mặc dầu vậy, cũng phải thừa nhận rằng mình còn nhiều khiếm khuyết. Điều đáng mừng là chị em phân xã chúng tôi luôn nhận được sự cảm thông của các ông chồng cũng như của cả gia đình. Tôi sống với bố mẹ chồng nhưng chưa bao giờ thấy bố mẹ phàn nàn về công việc của tôi ngay cả khi tôi đi làm vào giờ nghỉ, ngày nghỉ. Chồng tôi, mặc dù không thạo lắm về kỹ thuật máy tính, nhưng mỗi khi có gì trục trặc, anh ấy cũng sẵn sàng giúp đỡ, thậm chí biết cả giờ 'khóa sổ" nhận tin ở cơ quan vợ.  

- Một tập thể toàn nữ, có bao giờ các chị cảm thấy hạn chế không?

- Chị Hồng Hạnh: Việc gì ở đây cũng đến tay chị em tôi. Việc khó quá không làm được thì sang phòng bên cạnh nhờ mấy anh. Các anh ấy gọi chúng tôi là "100% cotton" nhưng lúc nào cũng vui vẻ giúp đỡ. Kể ra phân xã có một "đấng mày râu" thì cũng quý để những lúc sự kiện xảy ra vào đêm hôm khuya khoắt đã có vị ấy tác chiến cho. 

- Thế điều gì các chị cảm thấy thú vị nhất khi ở trong một tập thể toàn nữ?

- Chị Tuyết Mai: Có thể do tính chất công việc 'động' nên chúng tôi rất thích hội hè vui vẻ. Là nữ nhưng ở đây mọi người quen 'ăn to nói lớn'. Bình thường, có khi nói chuyện với nhau cũng ầm ầm đến mức có anh đi qua cửa phòng lại ngỡ là chúng tôi đang cãi nhau! Biết đông nữ là phức tạp nên chúng tôi rất coi trọng sự thẳng thắn, chân tình. Ai có tâm sự gì bức xúc, mang ra chị em cùng 'giải tỏa''.

   Hai món ăn chúng tôi thích nhất là thịt chó và lòng lợn. Chắc có lẽ vì được ăn với mắm tôm. Ăn thịt gà thì chỉ toàn tranh nhau gặm xương. Đi vào quán là phải gọi... bia

Tất nhiên, đôi lúc cũng có trục trặc nho nhỏ nhưng chúng tôi vượt qua hết để đến giờ chị em tôi vẫn là một tập thể vui vẻ, đoàn kết, gắn bó thương yêu nhau. 

- Xin cảm ơn các chị. Chúc các chị mãi trẻ, đẹp và luôn thành công trong công việc.

Hiền Anh (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2007

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Mở phân xã trên nước Mỹ (05/11/2007 15:47:02)

Xử lý vi phạm quy định về cung cấp thông tin trên báo chí (09/10/2007 09:25:50)

Một số Công nghệ ứng dụng cho hệ phần mềm hỗ trợ sản xuất thông tin * (09/10/2007 09:21:30)

"TrẢẶm dÃằu" ẢỔáỪỚ ẢỔáỨậu TrẳồáỪỲng xÃặ (09/10/2007 09:15:16)

Phóng viên miền núi chuyện nay mới kể (09/10/2007 09:10:12)

Cô gái Oâxtrâylia hát chèo và phóng viên ảnh Trọng Chính (09/10/2007 09:07:16)

Sử dụng ảnh trong tranh cổ động và bìa xuất bản phẩm (05/09/2007 09:46:03)

Sử dụng nguồn thông tin ẩn danh (05/09/2007 09:41:59)

Chi tiết - Tế bào của bài báo (05/09/2007 09:39:19)

Trên quê hương nhà báo - liệt sĩ Trần Kim Xuyến (05/09/2007 09:14:31)