Thứ hai, ngày 29/07/2024

Tin trong ngành

Về lại chiến trường xưa


(08/05/2015 15:44:08)

Cơ quan TTXVN khu vực phía Nam những ngày giữa tháng 3/2015 tấp nập chào đón những người khách đặc biệt- những cán bộ, PV, điện báo viên và lái xe từ miền Bắc vào, thăm lại chiến trường xưa.

Đoàn cựu kỹ thuật Thông tấn thăm căn cứ kháng chiến TTXGP tại Lò Gò, Tân Biên, Tây Ninh.

 

Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ngoài việc tăng cường cơ sở vật chất, kỹ thuật cho TTXGP, VNTTX đã cử hàng trăm cán bộ chủ chốt, PV, điện báo viên, nhân viên kỹ thuật, theo các mũi tiến quân, tham gia các chiến dịch ở khắp các chiến trường Trung - Nam bộ. Hôm nay gần 90 người (có cả dâu, rể) có dịp về nguồn.

 

 
Thăm căn cứ kháng chiến của TTXGP

Chúng tôi chọn ngày 16/3/2015 để tổ chức chuyến thăm chiến trường xưa, bởi cũng vào ngày này cách đây 43 năm, các PV lớp GP10 đã lên đường vào Nam. 18 giờ, mọi người có mặt đông đủ. Buổi giao lưu giữa 52 thành viên trong đoàn từ Hà Nội vào với hơn 30 cán bộ, PV đi chiến trường hiện sống ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, diễn ra trong không khí đầm ấm. Mọi người xúc động tưởng nhớ hơn 260 liệt sĩ của TTXVN đã ngã xuống trên khắp các chiến trường và những người không may bị bệnh hiểm nghèo đã qua đời, nghi do nhiễm chất độc da cam.

Thắp hương tại căn cứ Lò Gò, Tân Biên

Trong buổi gặp mặt ấy, có một vị khách mời đặc biệt, người đã đồng hành cùng chúng tôi suốt 43 năm qua - ông Đỗ Phượng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng giám đốc TTXVN. Phó Tổng giám đốc Lê Duy Truyền, thay mặt lãnh đạo ngành, cũng bay từ Hà Nội vào tham dự buổi giao lưu, thể hiện sự trân trọng đối với những cán bộ, PV một thời khói lửa.

Ngày hôm sau, đoàn đã tới thăm căn cứ kháng chiến của TTXGP tại Lò Gò, Tân Biên, Tây Ninh. Mọi thứ đã đổi thay, đường mòn ngày xưa nay mở rộng, trở thành đường tuần tra biên giới, cây rừng phủ kín hai bên. Nhưng không ai trong chúng tôi quên một thời gian khổ. Những địa danh như Lò Gò, xóm Giữa, cầu Cần Đăng, Xa Mát, Phum cháy, sông Vàm Cỏ Đông... vẫn in đậm trong tâm trí mỗi người. Nguyễn Đăng Chiến nhớ lại: Ngày ấy, ở trong căn cứ, việc gì cũng phải làm, từ công tác chuyên môn tin, ảnh đến đi chợ, gùi gạo, làm rẫy, nấu cơm... Sợ nhất là mùa khô, nước cạn, phải xuống giếng moi đất, dễ bị ngạt thở.

Ngày thứ hai đoàn thăm chiến khu Đ - Mã Đà - Khu căn cứ kháng chiến của Trung ương cục miền Nam (1961-1962), nơi đây cũng có căn cứ của TTXGP; nay cơ quan đặt một nhà bia tuởng niệm nằm trong Khu bảo tồn thiên nhiên văn hóa thuộc huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Theo đường 32 vào khu căn cứ, có đoạn chỉ 8 km nhưng có tới 130 khúc cua. Tại khu nhà thờ các lãnh đạo Trung ương cục miền Nam chúng tôi kính cẩn thắp hương tưởng nhớ những cán bộ, chiến sỹ đã hy sinh.

 

Cuộc hội ngộ đặc biệt của lớp GP10

Một cuộc họp mặt hết sức đặc biệt của riêng lớp PV GP10 (khoảng 70 người tham dự) diễn ra sáng ngày 23/3, trong đó có 24 cặp vợ chồng ở khắp ba miền Trung- Nam - Bắc tụ hội: Vũ Long Sơn - Vương Nghĩa Đàn, Cao Trọng Nghiệp - Lê Thị Kim Thoa, Nguyễn Đình Na - Hoàng Thị Bích, Triệu Thị Thùy - Hồ Phước Huề, Dương Đức Quảng - Cao Tân Hòa, Vũ Tứ Hải - Hà Thị Thân, Đặng Thanh Phàn - Nguyễn Thị Thủy... Ngay cả Đào Thị Tuyết Mai, đã định cư ở nước Mỹ xa xôi nhưng nghe tin về cuộc thăm lại chiến trường xưa, đã nhanh chóng thu xếp "bay" về để tham dự buổi gặp mặt. Có thể nói, trong suốt 43 năm qua, lớp GP10 chưa từng có cuộc hội ngộ nào đông vui như vậy.

Ông Đỗ Phượng lúc nào cũng có mặt đúng lúc để chia vui cùng "các em" GP10. Chúng tôi coi ông như anh cả trong nhà. Ký ức về lớp GP 10 luôn in đậm trong ông: "Từ khóa 1 đến khóa 10 đã có bao nhiêu đồng chí được điều đi các chiến trường nhưng không khóa nào có tên GP. Chỉ khóa này, khóa học đặc biệt được tổ chức theo chỉ thị của Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ, đào tạo nhân lực dành riêng cho chiến trường nên đặt tên là GP10 (GP là viết tắt của từ "giải phóng"). GP10 xứng đáng là một danh hiệu trong lịch sử xây dựng và phát triển của TTXVN

Cuộc vui nào cũng đến hồi kết thúc. Xin mượn mấy câu thơ của nhà báo, nhà thơ Hoàng Đình Chiến, để thay cho lời kết bài báo này.

"Tóc pha sương, mắt lệ cười

Chưa nâng ly đã thấy trời ngả nghiêng

Phận đời hai nẻo chung, riêng

Bốn mươi năm trả, vẹn nguyên nợ trần".
 

Trong đợt về nguồn này, còn một cuộc gặp mặt khác cũng diễn ra với những cảm xúc dạt dào, đó là cuộc gặp của những ông bà nguyên là cán bộ, điện báo viên, kỹ thuật viên của TTXGP, nay người Bắc kẻ Nam cùng tụ lại ở TP. Hồ Chí Minh. Ai nấy tay bắt mặt mừng, nhiều người sau 40 năm mới gặp lại, ôm nhau rơm rớm nước mắt. Với việc các ông Đỗ Sỹ Mến và Đăng Chức vào, ông Nguyễn Thanh Bền, nguyên Trưởng phòng Đô thị, TTXGP, có dịp nhóm họp lại đầy đủ tổ Thông tấn trong chiến dịch 30/4/1975 (gồm 5 người: Thanh Bền- PV tin, Trần Thiêm- PV ảnh, Đỗ Sỹ Mến, Phạm Trọng Tiệp- báo vụ viên và Nguyễn Đăng Chức- kỹ thuật viên). Đoàn kỹ thuật cũng có buổi giao lưu với phòng Kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh.


CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Những dòng tin đầu tiên viết ở Sài Gòn (08/05/2015 15:36:41)

Một thời không thể quên (08/05/2015 15:33:43)

Câu chuyện về bức ảnh chiếc xe tăng 846 (08/05/2015 15:27:26)

Nhìn lại một quá khứ hào hùng (08/05/2015 14:46:09)

Tổng hợp tin trong ngành (theo Nội san Thông tấn số 3/2015) (03/04/2015 16:09:06)

Đào tạo báo chí trong lĩnh vực kinh tế (03/04/2015 15:14:11)

Công ty In - Thương mại TTXVN: Bước tiến mới cùng chứng chỉ ISO (03/04/2015 10:08:52)

Tự hào là "dân Thông tấn" (03/04/2015 09:34:16)

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện sách 70 năm Thông tấn xã Việt Nam (02/04/2015 15:44:11)

Năm sản phẩm thông tin mới - bước tiến mới của TTXVN (02/04/2015 15:38:58)