Thứ năm, ngày 02/05/2024

Tin tức trong ngành

Vụ tấn công tại Moskva: Những ghi nhận từ địa bàn


(02/04/2024 18:26:44)

Vụ tấn công tại nhà hát Crocus City Hall gần Moskva của Nga vào tối 22/3 (giờ địa phương) khiến người dân Nga và dư luận thế giới phẫn nộ. Nắm bắt thông tin nhanh, phối hợp nhịp nhàng với Tổng xã, Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Moskva đã triển khai kế hoạch thông tin chặt chẽ, bài bản và kịp thời. Ngày 25/3, tại buổi giao ban toàn ngành, lãnh đạo ngành biểu dương CQTT Moskva trong hai ngày cuối tuần đã phối hợp tốt với các đơn vị ở Tổng xã để thực hiện thông tin, thể hiện sự hiện diện của phóng viên tại địa bàn. Cùng lắng nghe những chia sẻ của một trong những phóng viên thường trú tại Moskva khi đưa tin về vụ việc đặc biệt nghiêm trọng này.

Phóng viên CQTT TTXVN tại Moskva Lê Thị Tâm Hằng dẫn hiện trường tại nơi tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố, bên cạnh nhà hát Crocus City Hall, ngày 23/3

1. Tôi đặt chân đến Nga trong nhiệm kỳ mới vừa tròn 3 tháng. Cầm tấm thẻ phóng viên nước ngoài chưa ấm tay thì xảy ra vụ khủng bố gây chấn động cả thế giới về độ dã man, tính chất thách thức cũng như con số nạn nhân thương vong.

Ngày 22/3, tôi và một đồng nghiệp ở Đài Tiếng nói Việt Nam rủ nhau đi siêu thị mua thực phẩm. Khi ngồi ăn tối cùng nhau, không hiểu linh tính thế nào mà hai chúng tôi toàn nói về những sự vụ xảy ra tại trung tâm thương mại có siêu thị này. Nào là khủng bố bằng tin nhắn mà tôi từng đích thân chứng kiến ở nhiệm kỳ trước, nào là hình ảnh nhân viên an ninh dắt chó nghiệp vụ đi tuần ngay tại khu ẩm thực vốn là khu vực đề cao sự riêng tư cá nhân… Về đến nhà, vừa đặt túi xuống thì tôi nhận được tin nhắn từ nhóm “Đại sứ quán” về vụ nổ súng, đồng thời nhận được tin nhắn qua Messenger của phòng Tin nhanh, Ban biên tập tin Thế giới (ở Nga, chỉ dùng VPN mới vào được Facebook, mà khi ra khỏi nhà thường là không vào được VPN). Lúc đó là 20 giờ 57 phút, khoảng một tiếng sau khi vụ khủng bố xảy ra. Tôi nhanh chóng bật máy tính và không nghĩ rằng mình chỉ có thể tắt máy vào lúc 2 giờ sáng hôm sau.

Năm tiếng là khoảng thời gian phối hợp nhịp nhàng giữa phóng viên ở Moskva và biên tập viên ở Hà Nội để sản xuất cả tin nhanh và tin phổ biến. Tôi mở nhiều cửa sổ máy tính, hai điện thoại cũng dùng để truy cập các kênh thông tin “bán chính thống” vốn luôn có tin nhanh hơn, “giật gân” hơn kênh chính thống. Những lúc “nước sôi lửa bỏng” thế này, việc lựa chọn có “tin” vào các thông tin đó hay không hoàn toàn là kinh nghiệm, bản lĩnh và năng lực của phóng viên. Kinh nghiệm giúp phóng viên biết được kênh nào, thậm chí phóng viên nước ngoài nào có độ xác thực cao hơn. Bản lĩnh giúp phóng viên lựa chọn tuyến nội dung trong cùng một sự kiện, để không bị ngợp, bị bơi trong “biển” thông tin đa chiều, đa dạng, trái ngược và phủ nhận nhau liên tiếp mỗi khi có sự việc khẩn cấp xảy ra. Còn năng lực đối với phóng viên thường trú nước ngoài là khả năng ngoại ngữ để có thể tìm kiếm thông tin giữa các kênh nhanh nhất. Việc phối hợp với biên tập viên ở Tổng xã góp phần rất lớn vào việc tiết kiệm thời gian chọn tin và điều chỉnh những chi tiết chưa chính xác mà chỉ có phóng viên địa bàn mới nắm rõ.

2. Một đêm chạy đua với diễn biến đã qua. Những hình ảnh, con số đau thương của vụ khủng bố đẫm máu đã được công bố với toàn thế giới. Sang ngày hôm sau, việc chạy đua đó đã không còn cần thiết. Tôi suy nghĩ xem mình sẽ tiếp tục “triển” nội dung nào, ngoài những sự kiện thời sự nổi bật. Là phụ nữ nên tôi muốn chọn những đề tài nhân văn, liên quan đến con người. Vậy là 11 giờ trưa 23/3, tôi tìm đến điểm hiến máu tự nguyện. 

Việc di chuyển bằng phương tiện công cộng ngay sau khi xảy ra vụ khủng bố ở một siêu đô thị tại Moskva và ở một đất nước đang trong tình trạng chiến tranh như Liên bang Nga không phải là việc bình thường. Tôi băn khoăn, lo lắng song cuối cùng vẫn quyết tâm “ra đường”. Đó không phải là lựa chọn bất chấp, bởi tôi là phụ nữ, hơn nữa đã có tuổi, vốn là đối tượng được ưu tiên, được tôn trọng trong xã hội châu Âu. Tôi chọn trang phục gọn nhẹ, dễ gây thiện cảm và không một chi tiết nào bất thường. Cuối cùng, tôi quyết định bỏ lại chân máy quay vốn không thể gấp gọn vào ba lô và xác định việc tác nghiệp hoàn toàn trông cậy vào chiếc điện thoại di động.

Thực tế cho thấy những chuẩn bị của tôi là có cơ sở. Tôi đi tàu điện ngầm, đi xe buýt không gặp trở ngại. Song tại nơi tác nghiệp, một phụ nữ đến hiến máu đã hỏi tôi có thẻ phóng viên nước ngoài không. Sau khi xem đầy đủ giấy tờ của tôi, chị thay đổi hẳn nét mặt, từ thận trọng sang thiện cảm và ủng hộ. 

Khi đi làm tin thảm họa, thường chúng ta sẽ chờ những câu chuyện chấn động. Song hôm đó, những câu chuyện được nghe tại điểm hiến máu lại rất “bình thường”, hầu như ai cũng nói đó là nghĩa vụ công dân của họ mà thôi. Từ anh bạn Phedor có nhóm máu hiếm đến chị Olga sống rất xa và phải đi từ 5 giờ sáng để hiến máu mà không được vì chị còn đang điều trị chấn thương. Từ cô gái Ella còn chưa hết sốc, vì mới chỉ hai tuần trước còn ngồi xem biểu diễn ngay chính tại nơi xảy ra nổ súng cho đến đoàn người dài hàng trăm mét, kiên nhẫn trong mưa lạnh không một lời than phiền. Điều đặc biệt tôi nhận thấy ở họ là sự xót xa, đau đớn, lo lắng, song không có nổi giận hung bạo, “đòi trả nợ máu”.
 
 Dòng người không dứt tới đặt hoa tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tối 22/3 tại nhà hát Crocus City Hall

Tôi tiếp tục nhận thấy tâm trạng đó tại buổi lễ tưởng niệm nạn nhân được tổ chức đúng 24 giờ sau vụ khủng bố, tại chính nơi xảy ra khủng bố. Tòa nhà cháy tất nhiên bị phong tỏa. Khu tưởng niệm đặt tại khoảng sân bên hông tòa nhà. Dòng người mang hoa đông đến mức phải chia thành ba hàng xếp song song. Rất nhiều người mang theo trẻ em. Tôi và bạn xếp hàng khoảng 30 phút thì đến lượt được đặt hoa. Trong đoàn người đêm hôm đó, tôi thấy nhiều giọt nước mắt nhưng không có cảm xúc phẫn uất bộc phát. Và đến đặt hoa ngay tại chính nơi xả súng tàn bạo khi còn chưa qua 24 giờ thì hẳn là họ không tuyệt vọng, không bị bất kỳ sự đe dọa nào bẻ gẫy.

Trong thời gian tôi làm phóng viên thường trú tại Nga, đây là lần thứ hai xảy ra vụ việc khẩn cấp. Lần đầu tiên trong nhiệm kỳ trước của tôi là vụ khủng bố trong tàu điện ngầm ở Saint-Petersburg, còn lần này xảy ra ngay tại thành phố tôi sống. Lần trước tôi bình luận về tâm trạng người dân khi nhìn qua màn hình ti vi, còn lần này tôi trực tiếp nhìn vào nét mặt họ, nghe họ chia sẻ và phỏng vấn họ. Dẫu đã nhiều năm “cày” tin về đủ các loại thiên tai địch họa, nhưng giờ đây, khi viết đến dòng chữ “chủ nghĩa khủng bố cần phải bị tiêu diệt ở mọi hình thức”, với tôi đó không còn là khẩu hiệu, mà là một việc phải làm nếu ta muốn sống một cuộc sống bình an./.

Lê Thị Tâm Hằng - CQTT tại Moskva (Liên bang Nga)
Nội san Thông tấn số 3/2024

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hòa nhập với bà con dân tộc (01/04/2024 16:44:09)

Hai công việc, một trách nhiệm (01/04/2024 16:42:39)

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024): Trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư và công trình “Thắp sáng địa chỉ đỏ” tại Tuyên Quang (01/04/2024 14:38:16)

Giải thưởng Cống hiến 2024: Vinh danh những gương mặt truyền cảm hứng, đóng góp nổi trội (27/03/2024 23:49:12)

Tổng giám đốc TTXVN tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố tại Moskva (Liên bang Nga) (26/03/2024 16:47:34)

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024): Triển lãm ảnh trực tuyến “Đoàn viên, thanh niên Việt Nam vững tin theo Đảng” (22/03/2024 15:56:17)

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024): Sinh hoạt chuyên đề về chủ quyền biển đảo và biên giới lãnh thổ (22/03/2024 15:02:48)

Hội nghị đại biểu viên chức và người lao động TTXVN năm 2023: Giữ vững vai trò chủ lực trong môi trường thông tin sôi động, đa chiều (20/03/2024 19:17:20)

Liên chi hội Nhà báo TTXVN nhận Bằng khen của Hội Nhà báo Việt Nam (18/03/2024 20:00:32)

Hội Báo toàn quốc 2024: TTXVN được trao 2 giải A  (17/03/2024 16:41:34)