Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Xoay xở giữa tâm lũ Sanamxay


(04/09/2018 14:51:35)

Ngày 25/7, hai ngày sau sự cố vỡ đập thủy điện Sepien Senamnoi, nhóm phóng viên thuộc CQTT Kon Tum và Chi nhánh Trung tâm Truyền hình Thông tấn tại Đà Nẵng được cử lên đường đến huyện Sanamxay, tỉnh Attapeu, Lào. Với sự chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo ngành, Ban giám đốc Cơ quan khu vực miền Trung - Tây Nguyên, sự phối hợp ăn ý giữa nhóm phóng viên và CQTT tại Viêng Chăn, những thông tin nóng hổi, chân thực nơi tâm lũ Sanamxay liên tục được chuyển tải đến công chúng.

PV Quang Thái, Xuân Quý tiến vào tâm lũ Sanamxay

Nói chuyện “mỏi tay”
 
Khi nhận lệnh lên đường sang Lào, chúng tôi không khỏi lo lắng bởi đây là lần đầu tiên đi công tác tại nơi hoàn toàn xa lạ cả về con người, địa bàn và ngôn ngữ. Những câu hỏi “làm sao phỏng vấn người dân, chính quyền”; “đường vào vùng tâm lũ như thế nào”; “không biết tiếng thì tác nghiệp ra sao”... khiến chúng tôi trăn trở suốt chặng đường đi.
 
Đường đến vùng tâm lũ Sanamxay thật không đơn giản. Nói chuyện “mỏi cả tay” với người dân Lào mỗi khi hỏi đường đã mang lại những tiếng cười, giúp anh em bớt mệt mỏi trên chặng đường dài. Qua vài lần gặp khó khăn trong giao tiếp, chúng tôi rút kinh nghiệm, khi hỏi thăm đường chỉ cần nhắc đến cụm từ “Sanamxay - Attapeu” là có ngay sự chỉ dẫn. Cuối cùng, sau 9 tiếng đồng hồ, kể từ khi xuất phát, chúng tôi cũng đã đến được Sanamxay.
 
Đến nơi, chúng tôi nhanh chóng bắt tay vào công việc. Những bản tin về cộng đồng người Việt Nam trong vùng bị ảnh hưởng lũ; 26 công nhân của Hoàng Anh Gia Lai được đưa đến nơi an toàn hay những người dân Lào cùng chung tay nối thông tuyến đường dẫn vào Sanamxay… được chúng tôi chuyển ngay về Tổng xã với những tình tiết nóng hổi, chính xác và sinh động.
 
Người dân Lào hỗ trợ đưa xe của TTXVN vào vùng tâm lũ

Tình huống bất ngờ
 
Sự khác biệt ngôn ngữ thực sự là một thử thách lớn với chúng tôi. Là những người có mặt sớm nhất tại tâm lũ Sanamxay, để có những thông tin, hình ảnh nhanh, chính xác thiệt hại về người và tài sản sau sự cố vỡ đập thủy điện, chúng tôi phải đi tìm người Việt Nam hoặc những người dân Lào nói được tiếng Việt. Trong khi chờ người phiên dịch, chúng tôi chớp thời cơ phỏng vấn ngay Phó tỉnh trưởng tỉnh Attapeu khi biết ông có thể hiểu được một chút tiếng Việt. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn, ông chỉ có thể nói bằng tiếng Lào.
 
Trước tình thế này, chúng tôi vẫn ghi hình, đồng thời dùng điện thoại ghi âm toàn bộ phát biểu của Phó tỉnh trưởng tỉnh Attapeu. Bản ghi âm sau đó được chuyển ngay về CQTT tại Lào để dịch sang tiếng Việt. Nhờ đó, những thông tin ban đầu về ảnh hưởng của sự cố vỡ đập thủy điện Sepien, về số người thương vong, mất tích, công tác khắc phục của chính quyền tỉnh Attapeu… nhanh chóng được chuyển về Tổng xã tại Hà Nội.
 
PV Nguyễn Thanh Phong tác nghiệp tại điểm chia cắt bởi nước lũ

Vượt lên khó khăn
 
Ngày hôm sau, chúng tôi tiếp tục hành trình bốn tiếng đồng hồ di chuyển trên chiếc xuồng nhỏ vào các bản Thà Phỉn, May và Hỉn Lạt. Chiếc xuồng chông chênh giữa biển nước mênh mông, có thể lật úp bất cứ lúc nào khiến chúng tôi không dám cử động. Dù đã nhiều lần tác nghiệp ở vùng lũ, nhưng tôi và phóng viên Xuân Quý chỉ thật sự tin là đã an toàn khi rời chiếc xuồng vừa chở chúng tôi ra khỏi tâm lũ.
 
Trong những tác phẩm gửi về Tổng xã, chúng tôi tâm đắc nhất chùm tin, ảnh về phút giây đoàn tụ của nhiều gia đình sau bốn ngày lưu lạc giữa lũ dữ. Hình ảnh người dân vui mừng bước ra từ trực thăng cứu hộ, những cái ôm đẫm nước mắt khi gặp lại người thân khiến chúng tôi rất xúc động và nhanh chóng ghi vào ống kính.
 
PV Quang Thái phỏng vấn người dân tại Sanamxay

Sự giúp đỡ chí tình
 
Để có được những dòng tin, hình ảnh chân thực, sinh động đó, không thể không nói đến những người Việt Nam trên nước bạn Lào. Trong quá trình tác nghiệp, chúng tôi luôn nhận được sự giúp đỡ tận tình từ họ. Không chỉ người dân Lào mà bà con người Việt Nam trên đất bạn Lào cũng gặp vô vàn khó khăn do sự cố vỡ đập thủy điện, nhưng họ luôn sẵn sàng giúp đỡ, chỉ đường, phiên dịch, giúp chúng tôi thâm nhập vùng lũ một cách nhanh nhất.
 
Đặc biệt, để đưa nhóm phóng viên vào hiện trường sớm nhất, phải kể đến sự tận tâm, thậm chí “lì lợm” của lái xe Ngô Xuân Tú. Trên con đường dẫn vào vùng lũ sình lầy, trơn trượt, nhiều đoạn khó đi đến mức khiến chiếc xe Fortuner gầm rú, trượt bánh quay ngang đường, nhưng vẫn không làm anh nhụt chí. Không chỉ đảm bảo an toàn trên suốt hành trình, những bữa ăn vội nơi rốn lũ Sanamxay của cả nhóm chúng tôi cũng được anh Tú chuẩn bị chu đáo và đầy đủ.
 
Trở về an toàn

Năm ngày tác nghiệp giữa tâm lũ Sanamxay, Attapeu đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm. Chúng tôi được tôi luyện trong vô vàn thử thách, khó khăn, để kịp chuyển tải những dòng tin, hình ảnh chân thực về những thiệt hại của người dân Lào, cộng đồng người Việt Nam tại Lào cũng như công tác khắc phục hậu quả sự cố vỡ đập thủy điện Sepien về nước nhanh, chính xác, phục vụ nhu cầu cập nhật thông tin của công chúng trong và ngoài nước, góp phần chia sẻ khó khăn với nước bạn Lào anh em.
 

Quang Thái
Nội san thông tấn số 8/2018