Thứ năm, ngày 25/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Những cảm xúc nóng hổi từ hiện trường


(31/07/2018 16:39:16)

Những ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2018, tâm điểm của truyền thông thế giới hướng về vụ mất tích bí ẩn, cuộc tìm kiếm gian nan và chiến dịch cứu hộ thành công như một kỳ tích đưa 13 thành viên đội bóng nhí mang tên Lợn Rừng của Thái Lan về với gia đình. Đông đảo phóng viên quốc tế, trong đó có nhóm phóng viên CQTT TTXVN tại Thái Lan đã có mặt tại hang Tham Luang Nang Non, huyện Mae Sai, tỉnh Chiang Rai, miền Bắc Thái Lan để đưa tin về sự kiện này.

PV Sơn Nam đưa tin tại hiện trường

1. Vụ việc bắt đầu từ một tin rất nhỏ nhưng đáng chú ý trên báo chí sở tại. Một số phụ huynh đến trình báo cảnh sát sau khi con của họ không về nhà chiều 23/6. Tổng cộng 13 thành viên một đội bóng đá thiếu niên đã mất tích trong buổi chiều hôm đó. Người ta tìm thấy xe đạp, giày đá bóng và đồ dùng của các em bên ngoài hang Tham Luang thuộc dãy núi Nang Non, gần biên giới Myanmar, dẫn đến nhận định các em đã đi vào hang.
 
Trong các ngày tiếp theo, mưa đã khiến hang động này ngập nước và hình ảnh các bậc phụ huynh gào khóc ngoài cửa hang thật sự rất thương tâm. Nhà chức trách sở tại quyết định triển khai chiến dịch tìm kiếm cứu nạn và giới truyền thông bắt đầu vào cuộc, dù các tin tức phát đi vẫn chưa nổi bật. Mức độ “hot” của vụ việc lên cao dần khi xuất hiện nhiều đội cứu hộ đến từ các nước: Anh, Mỹ, Australia cùng đội ngũ truyền thông những nước này.
 
Tin vui không chỉ đến với gia đình các thành viên đội bóng, người dân Thái Lan mà cả ở nhiều nước khác khi hai chuyên gia lặn người Anh tìm thấy 13 thành viên đội bóng vẫn còn sống và trong tình trạng sức khỏe ổn định vào tối 2/7 -  ngày thứ mười của cuộc tìm kiếm. Ngay trong đêm, CQTT Thái Lan đã thực hiện bản tin nóng về sự kiện này và cử phóng viên lên tỉnh Chiang Rai, cách trụ sở gần 900 km, đường đi khá hiểm trở. Một bài tiêu điểm về cảm nhận của người dân Thái Lan về vụ việc này đã được phóng viên CQTT thực hiện, được các báo đăng tải.
 
Trung tâm báo chí dã chiến - nơi các nhà báo tác nghiệp

2. Chúng tôi là một trong những nhóm đầu tiên có mặt tại hiện trường trước khi đội ngũ phóng viên quốc tế rầm rộ kéo tới.
 
Theo thống kê của Ban tổ chức chiến dịch cứu hộ, đã có hơn 1.000 nhà báo Thái Lan và các nước có mặt tại trung tâm báo chí dã chiến đặt cách cửa hang gần 2km. Con đường dẫn vào khu vực này xuyên qua một cánh rừng khá lầy lội. Các đội cứu hộ hối hả bơm nước từ hang ra, trong khi những thợ lặn luân phiên vào hang để tìm lối đi tốt nhất để đưa các em ra khỏi hang. Phóng sự ảnh đầu tiên về quang cảnh khu vực cứu hộ và lực lượng tham gia cứu hộ được báo điện tử VietnamPlus đăng tải ngay trong ngày hôm đó thu hút sự quan tâm đặc biệt của độc giả. Thông tin liên quan đến vụ việc được chúng tôi cập nhật liên tục từ hiện trường bằng các loại hình báo chí.
 
Trên thực tế, tất cả phóng viên đều bị cấm tiếp cận hiện trường cứu hộ, thông tin chính thức được thu thập qua các cuộc họp báo. Nhà chức trách Thái Lan còn ban hành lệnh cấm nhân viên cứu hộ trả lời phỏng vấn và cách ly thân nhân các thành viên đội bóng nên việc khai thác thông tin rất hạn chế. Nhóm phóng viên CQTT đã cố gắng tập hợp thông tin phản ánh diễn biến chiến dịch giải cứu một cách nhanh nhất. Tin văn bản, ảnh, audio liên tục được gửi về Ban biên tập tin Thế giới, Trung tâm Truyền hình Thông tấn, báo điện tử VietnamPlus và báo Tin tức.
 
Việc sử dụng tin audio là lựa chọn hợp lý bởi thời gian rất gấp trong khi khu vực gửi tin là rừng núi, kết nối internet kém. Các hãng truyền thông quốc tế thực hiện thông tin trực tiếp bằng kết nối vệ tinh, điều mà chúng ta chưa có điều kiện thực hiện.
 
Lực lượng cứu hộ các thành viên đội bóng thiếu niên mất tích trong hang Tham Luang ngày 26/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

3. Sau nhiều ngày cân nhắc, sáng 8/7, nhà chức trách Thái Lan quyết định giải cứu đội bóng. Trung tâm báo chí dã chiến chuyển về cơ quan hành chính xã Pong Pha, cách hiện trường 5km.
 
Chúng tôi thực hiện bản tin trực tiếp đầu tiên với trang mạng xã hội Facebook của kênh Vnews thu hút hàng chục nghìn lượt xem. Trong ngày hôm đó, những bản tin truyền hình cũng được thực hiện, chuyển tải thông tin mới nhất tại hiện trường phục vụ khán giả Vnews.
 
Do chưa kịp thuê phòng trọ, tối hôm đó, chúng tôi phải ngủ tại trung tâm báo chí mới với mưa và muỗi rừng. Cũng may, có lẽ do đông người nên muỗi cũng… no nên chúng không hung hăng lắm. Thức ăn và nước uống được các tình nguyện viên cung cấp đầy đủ. Các phóng viên còn được phát dầu cao để xoa… nốt muỗi đốt và chống lạnh bởi khu vực này là vùng núi, khá lạnh về đêm.
 
Chúng tôi theo sát diễn biến và tiếp tục cập nhật thông tin trong suốt hai ngày tiếp theo. Do chủ động về thời gian nên chúng tôi đã đến được bệnh viện thành phố Chiang Rai, cách hiện trường 70 km, nơi điều trị những thành viên của đội bóng để thực hiện bản tin về tình hình sức khỏe của các em.
 
Tuy cuộc họp báo tổng kết ngày thứ hai của đợt giải cứu diễn ra muộn nhưng thông tin được cung cấp khá đầy đủ. Tin vui là sức khỏe của 8 em được đưa ra khỏi hang đều ổn định và dự kiến những thành viên còn lại sẽ được giải cứu vào ngày hôm sau.
 
Ngày thứ ba, ngày cuối cùng của chiến dịch giải cứu, công việc dường như đã nhẹ nhàng hơn. Mọi người hy vọng cuộc giải cứu sẽ kết thúc ngay trong ngày. Các phóng viên đã hỏi nhau việc đặt vé về Bangkok, bởi trước đó, đa số họ chỉ đặt vé một chiều đến Chiang Rai vì chưa biết cuộc giải cứu sẽ kéo dài bao lâu.
 
Thông tin đồ họa của TTXVN

Sự chờ đợi cũng được đền đáp. Đến 16 giờ đã có thông tin đưa thêm người ra khỏi hang. Tiếng còi xe cứu thương, tiếng máy bay trực thăng hướng về phía hang Tham Luang càng thêm khẩn trương. Mỗi lần có trực thăng bay qua là các phóng viên nhất loạt hướng lên trời với hy vọng có thêm tin tức tốt lành. Đến 18 giờ 30 phút, trang mạng của lực lượng đặc nhiệm hải quân Thái Lan xác nhận toàn bộ các thành viên của đội bóng đã được đưa ra khỏi hang. Cả trung tâm báo chí ồ lên vui sướng cùng tiếng vỗ tay không ngớt khi thấy máy bay trực thăng hướng về bệnh viện Chiang Rai đưa những thành viên cuối cùng về điều trị.
 
Ngoài trời lại đổ mưa, nhóm phóng viên CQTT đã thức trắng đêm để viết bài cảm nhận về cuộc giải cứu này với những cảm xúc nóng hổi và xúc động từ hiện trường.
 

Sơn Nam (Trưởng CQTT Bangkok, Thái Lan)
Nội san thông tấn số 7/2018