Thứ bảy, ngày 27/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Chúng tôi làm tin ở đất nước Mặt trời mọc


(03/07/2018 16:53:28)

PV Nguyễn Tuyến (bên trái) với các thành viên Công đoàn lao động Yokohama tại cầu Murasame, nơi từng diễn ra cuộc biểu tình phản đối Mỹ tiến hành chiến tranh tại Việt Nam


Tôi nhận nhiệm vụ làm phóng viên thường trú tại Nhật Bản vào tháng 8/2015. Lần đầu tiên được lãnh đạo cơ quan tin tưởng giao nhiệm vụ làm việc tại một trong những địa bàn trọng điểm, tôi rất tự hào, nhưng cũng lo lắng bởi chưa hình dung được sẽ đối mặt với những thử thách nào trong vai trò mới ở nơi không có chung ngôn ngữ, không cùng văn hóa.
 
Sau khi sang đất nước Mặt trời mọc được vài tháng, tôi nhận nhiệm vụ đưa tin Nhật Bản kỷ niệm 5 năm thảm họa động đất, sóng thần 2011. May mắn là trước đó, trong một lần trao đổi với đơn vị phụ trách báo chí của Bộ Ngoại giao Nhật Bản, tôi đã ngỏ ý muốn được tạo điều kiện đi công tác vùng Đông Bắc Nhật Bản để tìm hiểu về sự hồi phục của nơi này sau thảm họa. Vì vậy, tôi cùng phóng viên Gia Quân đã được tham gia đoàn báo chí nước ngoài đến vùng Đông Bắc vào cuối tháng 2/2016.
 
Thử thách lớn nhất với chúng tôi là làm phóng sự truyền hình vì cả hai đều là lính mới trong lĩnh vực này. Trong chuyến công tác đó, khi tôi ghi chép và tìm kiếm ý tưởng, thì phóng viên Gia Quân ghi hình. Hai ngày tác nghiệp ở vùng Đông Bắc, chúng tôi đã có đầy đủ tư liệu để dựng ba phóng sự truyền hình, các bài viết và phóng sự ảnh. Lượng hình quá nhiều khiến việc biên tập khá vất vả, song chúng tôi rất mừng vì đã hoàn thành được chùm phóng sự truyền hình đầu tiên của mình.
 
Với kinh nghiệm được tích lũy theo thời gian, chúng tôi dần quen với việc làm tin truyền hình cho dù đôi khi vẫn còn gặp những tình huống bối rối.
 
Tác nghiệp ở Nhật Bản, đối với các đề tài dân sinh, nếu chỉ làm tin văn bản và tin ảnh thì phóng viên hoàn toàn có thể vào vai một khách du lịch đi tìm hiểu xứ sở bản địa. Tuy nhiên, khi tác nghiệp mảng truyền hình, với máy quay, chân máy, micro có gắn logo, cho dù chỉ ghi hình phóng viên đứng dẫn trên vỉa hè hay ghé vào khoảng sân rộng của một tòa nhà đến việc ghi hình trám, phóng viên phải xin phép chính quyền hoặc đơn vị sở tại theo quy định. Việc xin phép ghi hình mất tối thiểu là một tuần. Đối với các kế hoạch dài hơi và có tính khả thi cao thì thủ tục này không có vấn đề gì. Tuy nhiên, với những trường hợp đột xuất, đây sẽ là một khó khăn lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp Nhật Bản lại hạn chế tối đa tiếp xúc với báo chí, đặc biệt là báo chí nước ngoài.
 
Khi thực hiện đề tài “Bài toán đỗ ô tô – Lời giải từ Tokyo”, tôi và phóng viên Nguyễn Thành Hữu đã trao đổi với nhau rất kỹ cách thức triển khai. Ngoài sự hỗ trợ của Cục Phòng cháy chữa cháy Nhật Bản khi bố trí cho chúng tôi các cuộc phỏng vấn và ghi hình chính thức, chúng tôi muốn đề cập thêm một số khía cạnh như các bãi đỗ ô tô trên đường, các bãi đỗ ô tô dân sinh và công nghệ đỗ ô tô hiện đại đang được ứng dụng tại Tokyo.

Đối với phần ghi hình tại bãi đỗ ô tô, phóng viên Thành Hữu đưa ý tưởng về vị trí và thời gian mà anh cho là dễ tác nghiệp, chẳng hạn tại một tuyến đường rộng, mật độ ô tô không quá cao. Việc ghi hình thực hiện vào buổi trưa và chỉ trong vòng 60 phút, đúng thời gian ô tô được phép đỗ.  Đối với phần hình ảnh công nghệ đỗ ô tô, do thời hạn phát sóng đã gần kề, trong khi các doanh nghiệp mà tôi liên hệ đều yêu cầu đợi thêm hai tháng, phóng viên Thành Hữu đã sử dụng máy quay nhỏ, vào bãi đỗ xe của các tòa nhà cao tầng, tác nghiệp với danh nghĩa khách tham quan tò mò về sự hiện đại của hệ thống đỗ ô tô ở đây. Chúng tôi vào một bệnh viện ở thủ đô Tokyo, tôi vào vai một người có hẹn với bạn tại bệnh viện, còn phóng viên Thành Hữu là người đi cùng tôi đến điểm hẹn. Tôi bắt chuyện với các nhân viên tại bãi đỗ xe để lấy thông tin, Thành Hữu ghi hình cảnh bãi đỗ ô tô hoạt động. Cho dù chỉ chiếm một phần nhỏ trong phóng sự nhưng những hình ảnh này đã góp phần làm cho phóng sự trở nên sống động hơn.
 

Tác nghiệp tại Kurayoshi, Tottori, Nhật Bản

Gần đây nhất là phiên tòa sơ thẩm xét xử bị cáo trong vụ án bé gái quốc tịch Việt Nam bị sát hại tại tỉnh Chiba. Sau khi nắm được thông tin về khung giờ diễn ra phiên tòa, liên lạc được với người nhà và luật sư của nạn nhân, tôi và phóng viên Bùi Hồng Hà xuất phát từ Tokyo khá sớm. Tôi đảm nhận các đầu mối liên lạc, nắm thông tin thời điểm người nhà và luật sư của nạn nhân xuất hiện, tìm người Nhật đồng ý trả lời phỏng vấn, sau đó thông báo với nhóm ghi hình để di chuyển đến vị trí phù hợp. Ban đầu, tôi hòa vào dòng người Nhật Bản xếp hàng để đợi bốc thăm vào dự phiên tòa.
 
Theo số liệu của tòa án cung cấp, có tới hơn 400 người tham gia bốc thăm song chỉ có 65 người được vào phòng xét xử. Sau khi lọt vào phiên tòa với tư cách dân thường, tôi vội ra ngoài tòa án để phối hợp với các đồng nghiệp. Chúng tôi tìm một quán cà phê gần đó để theo dõi ngày xét xử đầu tiên. Tại hiện trường, trong khi tôi đảm nhận phần soạn tin văn bản, gửi hình về Tổng xã, phóng viên Hồng Hà tìm cách tiếp cận các đồng nghiệp Nhật Bản đang túc trực ở bên ngoài phiên tòa và liên tục cập nhật cho tôi các diễn biến mới của phiên tòa để bổ sung vào tin. Tại Tokyo, phóng viên Thành Hữu có nhiệm vụ theo dõi báo chí Nhật Bản xem truyền thông nước sở tại nhận định về vụ án. Nếu nhận thấy sự bất thường, anh sẽ thông báo với tôi và chủ động làm tin. Nhờ sự phối hợp hiệu quả, thông tin về ngày đầu tiên của phiên xử vụ án bé gái Việt Nam bị sát hại tại Chiba đã được đăng, phát kịp thời.

Qua quá trình tác nghiệp, chúng tôi thấy rằng, bên cạnh năng lực cá nhân, sự phối hợp hiệu quả với đồng nghiệp là yếu tố rất quan trọng để mỗi phóng viên thường trú hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại lễ trao giải báo chí TTXVN năm 2017, tôi vinh dự được trao tặng danh hiệu “Phóng viên địa phương đa năng”. Đó là sự ghi nhận cố gắng của cá nhân tôi, cao hơn là ghi nhận hoạt động hiệu quả của tập thể CQTT tại Nhật Bản. Đó chính là điều mà chúng tôi rất tự hào.
 
 
 

Nội san Thông tấn số 6/2018