Thứ sáu, ngày 26/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Từ những chuyến làm nghề tại Tây Nguyên


(03/07/2018 16:20:06)

Cách đây gần 4 năm, tháng 10/2014, tôi nhận nhiệm vụ tại CQTT Đắk Lắk với bao lo lắng, phần vì phải xa gia đình, xa phố phường Hà Nội náo nhiệt, phần vì những khó khăn, thử thách ở địa bàn công tác mới. Đối với tôi, mỗi chuyến đi là một lần tích lũy kinh nghiệm. Chuyến đi lần này để lại trong tôi những kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời làm báo tại TTXVN.

PV Dương Giang thâm nhập điểm nóng phá rừng tại huyện Đắk Song, tỉnh Đắk Nông


Ngày mới đặt chân đến Tây Nguyên, ngắm hàng thông xanh rì hai bên đường Hồ Chí Minh, xa xa là những cánh rừng bát ngát, cảm nhận về Tây Nguyên xanh và quyến rũ biết nhường nào. Tôi mang bên mình chiếc máy ảnh, rong ruổi khắp các miền đất Tây Nguyên, ghi nhận vẻ đẹp thiên nhiên, con người và văn hóa của đồng bào các dân tộc bản địa: M’nông, Ê-đê, J’rai, Bahnar... và thực hiện một số phóng sự ảnh về những vấn đề đang tồn tại ở các tỉnh Tây Nguyên như nạn phá rừng, hạn hán, bảo tồn văn hóa truyền thống...
 
Đường chính và đường tắt
 
Có lẽ, chuyến công tác để lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất là việc đưa tin về vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đa Chomo (Lâm Đồng) làm 12 người mắc kẹt, vào cuối tháng 12/2014, khi tôi vừa vào công tác được một thời gian ngắn. Khi tai nạn xảy ra, cơ quan điều động tôi tăng cường đến CQTT Lâm Đồng phối hợp đưa tin. Vì rất gấp nên tôi chỉ kịp chuẩn bị một ít tư trang, dành thời gian lên mạng tra cứu, tìm hiểu về đường đi và phương tiện đi lại để đến hiện trường nhanh nhất. Tôi quyết định đi bằng xe máy cho linh hoạt. Từ TP. Buôn Ma Thuột đến huyện Lạc Dương, Lâm Đồng theo Google Maps chỉ dẫn khoảng 250km, với nhiều đèo dốc quanh co.
 
Tôi lên đường trong tâm trạng háo hức nhưng càng đi về phía Lâm Đồng, trời càng mưa nặng hạt và lạnh hơn, đường đi thì không dễ dàng. Con đường tắt dẫn đến Lạc Dương cứ nhỏ dần, từ tỉnh lộ, rồi đường liên huyện, liên xã, đường nhựa rồi đến đường đất. Người dân cho hay, đường này tuy gần nhưng xấu, đi rất khó khăn, nguy hiểm. Tôi quyết định quay ngược lại 50 km về ngã ba Đam Rông, rồi đi theo đường chính đến Lâm Hà. Sau 10 tiếng đồng hồ lặn lội, tôi cũng đến được Đà Lạt, kịp thời vào hiện trường phối hợp cùng anh em CQTT Lâm Đồng.
 
Vào nơi rừng “chảy máu”
 
Tây Nguyên có diện tích rừng khá lớn, nhưng thường xảy ra các vụ phá rừng khá nghiêm trọng. Còn nhớ lần đầu nhận tin lâm tặc phá rừng tại huyện Krông Năng (Đắk Lắk), tôi quyết định đi một chuyến xem rừng “chảy máu” như thế nào. Chúng tôi may mắn được mấy anh “hoa tiêu” thạo đường rừng dẫn lối. Tôi cải trang thành người đi rừng, ngồi sau xe “tổ lái” luồn lách theo lối mòn đến cửa rừng. Trước khi vào rừng, chúng tôi phải tìm nơi giấu xe an toàn, tránh bị lộ. Việc đi bộ theo kịp người dân bản địa là một thử thách lớn đối với phóng viên. Máy ảnh tuy đã giấu trong áo khoác bó chặt vào người nhưng vẫn thấy cồng kềnh.
 
Đi được một phần ba quãng đường, chân tôi mềm nhũn, mồ hôi đầm đìa. Trong suốt hành trình, tôi luôn bị tụt lại phía sau, các anh “hoa tiêu” phải cử một người đi kèm đề phòng sự cố. Hết buổi sáng, tưởng phải bỏ cuộc, nhưng khi nghe những người phía trước báo phát hiện có cây rừng bị hạ, tinh thần và máu nghề nghiệp nổi lên khiến tôi quên hết mệt mỏi. Nhìn thấy những cây gỗ to bị lâm tặc xẻ thành từng hộp để ngổn ngang trong rừng, vừa mừng vì chuyến đi có kết quả lại vừa lo vì phải tìm cách ra khỏi rừng sao cho an toàn, nếu gặp lâm tặc thì mất ảnh, mất đồ nghề, thậm chí là mất mạng. 
 
Chứng kiến những cánh rừng xanh “chảy máu”, tôi tự nhủ mình phải có trách nhiệm trong việc bảo vệ rừng bằng chính công việc của một phóng viên Thông tấn. Sau hàng loạt tin, ảnh về những vụ phá rừng ở các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông... của tôi được đăng tải, các cơ quan chức năng đã khẩn trương vào cuộc xử lý.
 

PV Dương Giang lội sình lầy trong chuyến tác nghiệp tại quần thể sinh cảnh thông nước (thủy tùng) 

Lội sình lầy gặp đỉa
 
Một kỷ niệm nữa khiến tôi không bao giờ quên trong chuyến tác nghiệp ở quần thể sinh cảnh thông nước (thủy tùng) - quần thể duy nhất của Việt Nam còn sót lại ở hai huyện Krông Năng và Ea H’leo của tỉnh Đắk Lắk - đó là đỉa cắn.
 
Làm việc với Ban quản lý Khu bảo tồn loài sinh cảnh thông nước, thấy chúng tôi muốn đi thực tế, đại diện Ban quản lý hỏi: “Các anh thực sự muốn vào vùng lõi của khu quần thể? Đi vào đó rất khó khăn, vừa nguy hiểm cho bản thân, lại vừa rủi ro cho thiết bị tác nghiệp...”. Thấy chúng tôi quyết tâm, Ban quản lý tạo điều kiện, hỗ trợ tốt nhất, từ quần áo bảo hộ, giày, tất đến kinh nghiệm đi trên sình lầy…
 
Lội xuống khu sình lầy rộng khoảng hai hécta, nếu không muốn hỏng máy ảnh, máy quay phải tuân thủ theo đúng chỉ dẫn. Vậy là tôi giơ máy ảnh cao qua đầu, chân lội dưới nước ngập ngang ngực. Người đi trước bước vào đâu thì người sau đi đúng chỗ đó, giữ khoảng cách không quá xa để nếu ai tụt xuống hố thì người khác còn ứng cứu kịp thời. Đỉa thấy hơi người nên bủa vây. Đi được một lúc thấy chân vừa ngứa vừa buồn, biết là đỉa bám nhưng đành chịu. Đi cố đến một gốc cây tôi đưa chân lên mặt nước, nhờ đồng nghiệp gỡ con đỉa ra khỏi chân. Chuyến đi nhớ đời, các anh trong Ban quản lý thừa nhận lần đầu tiên có nhà báo dám xuống sình lầy ghi hình.
 
Thời gian ở Tây Nguyên, rong ruổi khắp các thôn, buôn giúp tôi trưởng thành hơn về mọi mặt, từ kinh nghiệm thực tế đến sự hiểu biết về bản sắc văn hóa đa dạng của đồng bào dân tộc bản địa, đặc biệt là kỹ năng độc lập tác nghiệp của phóng viên “ba trong một”.
 
Từ những cố gắng của mình cùng sự hợp tác của đồng nghiệp, tôi vinh dự nhận được một số giải thưởng báo chí và bằng khen của Trung ương và địa phương. Đó là những phần thưởng có được từ những chuyến đi, những lần trải nghiệm thực tế, là nguồn động lực cho những phóng viên trẻ như chúng tôi tiếp tục rèn luyện và cống hiến.
 

Dương Giang
Nội san Thông tấn số 6/2018