Thứ năm, ngày 25/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

An toàn, an toàn rồi!


(09/08/2018 15:05:35)

An toàn, an toàn rồi! Chúng tôi đã reo lên sung sướng khi xe ô tô chở 4 phóng viên đi tác nghiệp mưa lũ tại tỉnh Lai Châu dừng bánh trước cổng trụ sở số 5 Lý Thường Kiệt, Hà Nội vào lúc 4 giờ sáng 2/7.

 

Trưởng CQTT Lai Châu Trần Văn Hoàng (phía trước) và đồng nghiệp vượt qua một điểm sạt lở trên đường vào xã Tả Ngảo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu, tháng 6/2018

Do mưa lớn kéo dài, đêm 23 và rạng sáng 24/6, trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xuất hiện lũ ống, lũ quét. Các huyện Nậm Nhùn, Tam Đường, Than Uyên, Sìn Hồ bị thiệt hại nặng nề. Cảnh báo nguy cơ lũ quét, sạt lở đất ở mức cực kỳ nguy hiểm. Trước tình hình mưa lũ diễn biến phức tạp, sáng 25/6, Ban giám đốc Trung tâm Truyền hình Thông tấn điều động chúng tôi lên Lai Châu phối hợp cùng anh em CQTT phản ánh thông tin về tình hình mưa lũ.
 
Dự báo chặng đường trước mắt sẽ vô cùng khó khăn, thậm chí có thể mắc kẹt trong vùng mưa lũ nhiều ngày, ngoài các thiết bị chuyên dụng phục vụ tác nghiệp, chúng tôi còn mang theo lương khô, áo phao, ủng, nước uống, đồ cứu hộ... Đây không phải lần đầu tiên tác nghiệp trong điều kiện mưa lũ, nên chúng tôi hiểu rằng, để đảm bảo đầy đủ, kịp thời thông tin và hình ảnh thì phải có sức khỏe và tinh thần tốt trong suốt hành trình.

Rời Hà Nội từ sáng sớm, nhưng do thời tiết xấu, giao thông nhiều nơi rất khó khăn, nên phải mất nửa ngày di chuyển chúng tôi mới đến được huyện Tam Đường - một trong những khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ. Thật xót xa khi chứng kiến cảnh tượng hoang tàn, nhiều diện tích lúa, hoa màu, thủy sản và nhà cửa của người dân bị vùi lấp dưới bùn đất dày hàng mét. Nghiêm trọng hơn, mưa lớn kéo dài khiến nền đất úng nước đã gây sạt lở vùi lấp, cuốn trôi 5 người dân địa phương. Chúng tôi tưởng chừng như không thể tiếp tục cuộc hành trình của mình…
 
PV Đỗ Bá Thành (đi đầu) và đồng nghiệp trên đường vào bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu

Phải đợi đến ngày hôm sau, khi thời tiết khá hơn, chúng tôi mới tiếp tục di chuyển vào bản Nậm Há 1, xã Noong Hẻo, huyện Sìn Hồ. Đường sá chỗ bùn lầy lội, chỗ cát nhão, lổng chổng đá hộc, lúc đi được bằng ô tô, lúc phải đi bộ, cùng với khoảng 15kg thiết bị máy móc trên vai khiến việc tiếp cận hiện trường của chúng tôi gặp nhiều khó khăn.
 
Lội trong bùn đến ngang ống chân, cảm giác như có ai đó đang kéo chân lại, hay lúc qua suối, nước ngập đến đầu gối, chảy xiết như muốn cuốn phăng đi tất cả là những trải nghiệm đáng nhớ. Thậm chí, có đoạn đường chúng tôi vừa đi qua, ngoảnh mặt lại đã thấy đá trên núi ầm ầm đổ xuống. Khó khăn là vậy nhưng khi tận mắt chứng kiến và lắng nghe những câu chuyện của các gia đình có người thân bị lũ cuốn trôi, bị mất nhà cửa, ruộng nương do mưa lũ, ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ đang đói khát, mất cha mẹ khiến chúng tôi có thêm động lực để truyền tải những hình ảnh chân thực, sống động nhất, chia sẻ phần nào nỗi đau của đồng bào nơi đây với độc giả cả nước.
 
Tác nghiệp trong lầy lội bùn đất

Trong điều kiện mọi thứ gần như bị tàn phá hoàn toàn bởi mưa lũ, sóng 3G không thể sử dụng để gửi tin, bài về Tổng xã, chúng tôi quyết định tìm những khu vực gần trạm BTS hay có internet ổn định để truyền hình ảnh về kịp phát mỗi bản tin đầu giờ của Truyền hình Thông tấn. Hoàn thành xong công việc, chúng tôi vẫn không khỏi bàng hoàng khi nghĩ lại những nguy hiểm vừa đối mặt, nhưng chính sự say nghề đã giúp chúng tôi vượt qua tất cả.

Đỗ Bá Thành
Nội san thông tấn số 7/2018