Thứ sáu, ngày 19/04/2024

Tin tức trong ngành

40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ: Đẹp mãi tình đồng chí, đồng nghiệp


(05/01/2019 16:19:12)

Đã 40 năm trôi qua kể từ ngày giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ (7/1/1979 - 7/1/2019), cũng tròn 40 năm ngày Đoàn chuyên gia TTXVN lên đường làm nhiệm vụ quốc tế giúp Thông tấn xã Campuchia - SPK (nay là AKP). Nội san Thông tấn lược trích giới thiệu bài viết “Có những năm tháng ở mặt trận Tây Nam” của đồng chí Đỗ Phượng (1930 - 2017), nguyên UVTƯ Đảng, nguyên Tổng giám đốc, Trưởng đoàn chuyên gia TTXVN tại Campuchia (1979 - 1981) để bạn đọc hiểu thêm về những tháng ngày gian khó, thắm đượm tình đồng chí, đồng nghiệp của những người làm báo Việt Nam - Campuchia cách đây bốn thập kỷ. Bài viết đăng trong cuốn sách “Những năm tháng ở Campuchia”, NXB Thông tấn - năm 2009.

Tổng giám đốc Đào Tùng (thứ ba bên phải) thăm Trung tâm đài phát SPK, tháng 4/1979

1. Cuối năm 1978, năm tổ PV tin, ảnh được lệnh rời cơ quan từ TP. Hồ Chí Minh theo năm cánh quân ra trận. Khác những ngày lên đường chống Mỹ, mỗi tổ được trang bị một xe jeep, chiến lợi phẩm của tháng 4/1975. Không ồn ào đưa tiễn, chỉ là những cái bắt tay lặng lẽ, vội vàng. Ngay lập tức, một đề nghị được chuyển về Hà Nội, giao cho Cục Kỹ thuật Thông tấn chuẩn bị sẵn sàng một cơ sở thu phát với lực lượng cán bộ, nhân viên kỹ thuật đủ mạnh cho một hãng thông tấn quốc gia.
 
Trưởng ban biên tập tin Trong nước Trần Hữu Năng được điều vào từ mấy tháng trước và một số cán bộ nhận lệnh cùng bạn chuẩn bị sẵn sàng vào Phnom Penh, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Phó tổng giám đốc Trần Thanh Xuân. Anh Ngô Dương Luận, Chánh văn phòng Cơ quan đại diện tại TP. Hồ Chí Minh, được phân công phụ trách hậu cần cho toàn bộ mặt trận.
 
Chiều 7/1/1979, cuộc họp lực lượng cán bộ, PV, nhân viên kỹ thuật chuẩn bị cho chiến trường đang diễn ra ở hội trường số 5 Lý Thường Kiệt dưới sự chủ trì của Tổng giám đốc Đào Tùng thì nhận được điện của anh Trần Hữu Năng báo tin đã vào Phnom Penh và đề nghị thực hiện ngay kế hoạch lớn giúp bạn.
 
Ngay trong tối 7/1, Đảng ủy, Ban lãnh đạo cơ quan họp và quyết định: Đồng chí Đỗ Phượng phải đi ngay ngày hôm sau, một phần vì công việc, một phần lo sức khỏe của đồng chí Trần Thanh Xuân không thể làm việc dài ngày ở Phnom Penh. Đồng chí Đào Tùng, Hoàng Tư Trai và Lương Văn Hóa hoàn thiện việc chuẩn bị máy móc và người, liên hệ xin hai máy bay quân sự để vận chuyển. Danh sách 70 người được duyệt gồm PV, BTV tiếng Anh, Pháp, cán bộ quản lý, kỹ thuật, hành chính, phục vụ, xuất phát từ Hà Nội cùng một số cán bộ, nhân viên đã được huy động trước đó, tổng cộng khoảng hơn 100 người. Quyết định thành lập chi bộ đảng, chi đoàn thanh niên và công đoàn cơ sở trực thuộc Đảng bộ, Đoàn thanh niên và Công đoàn TTXVN để bảo đảm làm việc có quy củ, có tổ chức, kỷ luật, bài bản trên đất bạn.
 
Rời TP. Hồ Chí Minh với vài bộ đồ dã chiến còn lại từ thời chống Mỹ, chúng tôi sang Phnom Penh bằng máy bay trực thăng quân sự. Anh Trần Thanh Xuân, anh Trần Hữu Năng và anh em ở TP. Hồ Chí Minh sang trước, đã thu xếp một tòa nhà vừa ở, vừa làm việc gần các bạn Campuchia, cùng ăn chung một bếp. Đồng chí Chây Sa Phon - người được Đảng Nhân dân cách mạng Campuchia phân công phụ trách xây dựng hãng thông tấn Campuchia - cùng chúng tôi bàn việc đến các khu tập trung lao động ở nông thôn tìm kiếm trí thức, sinh viên, học sinh còn sống sót. Thật may mắn, chỉ trong một tuần lễ, SPK tìm được hai người đã tốt nghiệp đại học và hàng chục thanh niên có trình độ tú tài và trung học.
 
Cùng lúc đó, trang thiết bị kỹ thuật và cán bộ từ Hà Nội đã đến nơi. Anh Trần Thanh Xuân về lại TP. Hồ Chí Minh cùng anh Ngô Dương Luận chuẩn bị xe tiếp tế lương thực, thực phẩm, quần áo… cho các bạn Campuchia. Cũng không quên đem sang cả máy may và vải các loại cho các bạn nữ tự may đồ.
 
PV Phạm Tiến Dũng (ngồi giữa) tại Campuchia, năm 1979

2. Sau khi thống nhất kế hoạch lâu dài về tổ chức và hoạt động của SPK và đoàn chuyên gia, cũng như yêu cầu cấp bách phải hoàn thành trước lễ mừng chiến thắng, đồng chí Chây Sa Phon xin gặp các đồng chí Ủy viên Thường vụ phụ trách tư tưởng và tổ chức của Trung ương Đảng bạn. Lần đầu cùng đồng chí Chây Sa Phon chính thức ra mắt lãnh đạo cấp cao của bạn, chúng tôi thật bất ngờ vì bên cạnh hai đồng chí Ủy viên Thường vụ phụ trách tư tưởng và tổ chức của bạn, có cả đồng chí Chăn Xi (Thủ tướng đầu tiên của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Campuchia), đồng chí Chia Xim và đồng chí Chia Sốt. Các đồng chí lãnh đạo cấp cao của bạn quan tâm thăm hỏi sức khỏe và đời sống của các chuyên gia. Sau khi nghe đồng chí Chây Sa Phon báo cáo kế hoạch tổ chức và hoạt động của SPK, lãnh đạo bạn cùng thảo luận với tinh thần phấn chấn và nhất trí quyết định:
 
Thứ nhất, nhanh chóng xây dựng Thông tấn xã Campuchia SPK từng bước phù hợp với cơ cấu của một hãng thông tấn quốc gia, nhưng cần có bước đi vững chắc, vừa dựa vào sự hỗ trợ của chuyên gia Việt Nam vừa tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ của chính mình, không được việc gì cũng ỷ lại Việt Nam.
 
Thứ hai, các ban biên tập SPK do các đồng chí Campuchia phụ trách với sự hợp tác của chuyên gia Việt Nam. Riêng cục kỹ thuật và các bản tin tiếng nước ngoài tạm thời do các đồng chí Việt Nam chịu trách nhiệm chính.
 
Thứ ba, tại lễ mừng chiến thắng, các PV ảnh Campuchia chịu trách nhiệm chính. PV ảnh Việt Nam thực hiện nhiệm vụ giống như các PV ảnh quốc tế khác.
 
Thứ tư, đồng ý tổ chức lớp học cấp tốc dạy tiếng Việt cho cán bộ Campuchia và dạy tiếng Khmer cho cán bộ Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh.
 
Thứ năm, đồng chí Chây Sa Phon lựa chọn những người đủ tiêu chuẩn văn hóa và trong độ tuổi thanh niên sang Hà Nội cùng các bạn Lào theo học lớp đại học kỹ thuật do TTXVN và trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức.
 
Thứ sáu, trong hai trí thức có bằng đại học, lựa chọn một người làm phó cho đồng chí Chây Sa Phon, còn một người Trung ương bố trí công tác khác. Lựa chọn một số anh chị em thành thạo tiếng nước ngoài để bồi dưỡng phục vụ các hoạt động đối ngoại của SPK sau này.
 
Sau đó, lễ mừng chiến thắng đã diễn ra tốt đẹp. Giới báo chí nước ngoài nhận được các văn bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp cùng tiếng Khmer. Ảnh do các bạn Campuchia chụp khá tốt. Tin, ảnh mừng chiến thắng được phát nhanh từ Phnom Penh qua đài phát sóng điện báo tự động và đường phát ảnh vô tuyến.
 
Từ trái sang: Các PV Hà Lộc, Nhật Nam, lái xe SPK, PV Đình Cao trên đường đi công tác tại tỉnh Xiêm Riệp, tháng 1/1979

3. Guồng máy của SPK khởi động tốt. Bộ phận ảnh tiến bộ nhanh, bộ phận tiếng Anh, tiếng Pháp sớm bắt tay vào công việc. Tin trong nước còn nhiều khó khăn do bạn chưa quen lấy tin, trong khi cán bộ Việt Nam không biết tiếng Khmer, phải cần đến phiên dịch và qua trung gian tiếng Pháp. Bộ phận kỹ thuật phối hợp với ta tốt, bạn chưa có kỹ sư nên chuyên gia phải lo các khâu chủ yếu. Bù lại, các kỹ thuật viên trẻ của bạn chịu khó học hỏi chuyên gia theo lối kèm cặp nên tiếp thu khá nhanh.
 
Lãnh đạo bạn đã chính thức bổ nhiệm anh Dith Mun Thy và anh Em Sam An làm Phó tổng giám đốc SPK, dần dần tạo mối quan hệ, cách làm việc phù hợp giữa đoàn chuyên gia và SPK. Tuy còn phải giúp bạn nhiều việc nhưng không còn tình trạng làm thay bạn như ban đầu.
 
Về phía ta, tất cả năm tổ theo năm cánh quân đều đã trở về. Toàn đoàn trên 100 người họp mặt đông đủ. Ta quyết định đặt trụ sở công khai của phân xã TTXVN (nay đổi thành CQTT) tại Phnom Penh do anh Trần Hữu Năng làm Trưởng phân xã. Các phóng viên đi theo các cánh quân về làm PV phân xã.
 
Cùng bàn bạc với anh Chây Sa Phon và Ban lãnh đạo SPK, ta nhất trí mở lớp học tiếng Việt tại TP. Hồ Chí Minh và chọn người gửi ra Hà Nội học đại học ngành vô tuyến điện. Trường Đại học Bách khoa và Cục Kỹ thuật TTXVN đã chuẩn bị xong cơ sở, giáo trình và cán bộ giảng dạy.
 
Rời Phnom Penh cùng mấy chục bạn Campuchia và cả Việt Nam tự nguyện học tiếng Việt, tiếng Khmer, chúng tôi về TP. Hồ Chí Minh. Cố Phó thủ tướng Vũ Đình Liệu (tức Tư Bình) lúc đó đang là Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh, mặc dù là giờ nghỉ trưa, đã nhiệt tình đưa chúng tôi đi chọn và giao ngay ba căn biệt thự ở gần Cơ quan đại diện TTXVN để bạn có chỗ ăn, ở khang trang và an tâm học tập. Chính vì lẽ đó, sau khi lớp học kết thúc, TTXVN đã sửa sang chu đáo và trả lại các biệt thự nguyên vẹn cho thành phố.
 
Ở Hà Nội, với sự giúp đỡ nhiệt tình của Ban lãnh đạo và cán bộ giảng dạy trường Đại học Bách khoa, khóa học đặc biệt đào tạo kỹ sư vô tuyến điện cho các bạn Lào và Campuchia đã khai giảng. Ngồi quây quần với các bạn Lào và Campuchia vốn đã quen biết, các bạn khoe với chúng tôi bằng tiếng Việt, niềm vui được các thầy cô giáo Việt Nam giảng dạy, chỉ bảo, học có kết quả, không nhớ nhà như lúc mới tới Hà Nội và nhất định phải học xong, được cấp bằng mới về nước.
 
Lớp đào tạo PV, BTV nhiếp ảnh cho Thông tấn xã SPK do TTXVN tổ chức, năm 1981

4. SPK đi vào hoạt động được một năm, tự đảm đương được nhiều việc. Mấy chục cán bộ Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ về nước. Thủ đô Phnom Penh và đất nước Campuchia hồi sinh từng ngày. Được lãnh đạo cấp cao khuyến khích, SPK tổ chức một cuộc mít tinh, liên hoan ngoài trời kỷ niệm một năm thành lập. Lần đầu tiên, một sự kiện nội bộ quan trọng của SPK do bạn tự lo liệu, sắp đặt. Đoàn chuyên gia chỉ làm khách mời, dù là đoàn khách đông.
 
Đồng chí Bu Thoong, Trưởng ban Tuyên huấn (sau làm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia) nói trong xúc động: Cảm ơn Việt Nam, cảm ơn anh chị em TTXVN đã không tiếc xương máu, thậm chí hy sinh một phần lợi ích dân tộc, bị các thế lực thù địch xuyên tạc, tạo cớ để bao vây, cấm vận, vẫn một lòng giúp Campuchia thoát nạn diệt chủng. Riêng TTXVN giúp Thông tấn xã SPK có cơ sở kỹ thuật ngang tầm bè bạn thế giới, có đội ngũ cán bộ vừa học, vừa làm, từng bước trưởng thành...
 
Bạn trưởng thành nhanh, mở rộng hoạt động đối ngoại, cung cấp nhiều cán bộ cho các cơ quan khác của Campuchia. Những năm tiếp theo, lãnh đạo SPK đã chủ động, tích cực tham gia các hội nghị Tổng giám đốc thông tấn xã các nước XHCN, mở rộng quan hệ với các tổ chức báo chí nước ngoài và đặc biệt, lần đầu tiên tham dự kỳ họp OANA tổ chức tại Tokyo, Nhật Bản, với tư thế một hãng thông tấn độc lập.
 
Cuối những năm 1980, trước những biến động chính trị và sự thay đổi về thể chế, SPK được thay đổi tên gọi nhưng đội ngũ cán bộ chủ chốt từ năm 1979 vẫn thay nhau giữ vị trí lãnh đạo hãng thông tấn. Nhiều thành viên của SPK những ngày đầu sau này đảm đương nhiều trọng trách của Nhà nước Vương quốc Campuchia. Mối quan hệ giữa TTXVN và SPK vẫn phát triển tốt đẹp trong tinh thần hữu nghị, láng giềng, hợp tác chiến lược giữa Cộng hòa XHCN Việt Nam và Vương quốc Campuchia, trong khuôn khổ quan hệ các nước tiểu vùng sông Mekong, các quốc gia Đông Nam Á và cả trong diễn đàn Liên hợp quốc.
 
Đến nay, nhiều chuyên gia TTXVN sang giúp bạn từ những ngày đầu đã về cõi Bác Hồ. Mãi mãi ghi nhớ công lao và những kỷ niệm đẹp về các anh, các chị. Đạo lý sống của người Việt, của tình đồng chí chiến đấu càng trong gian lao càng tỏa sáng. Đẹp mãi tình người, tình đồng chí, đồng nghiệp trong những năm tháng trên mặt trận Tây Nam.
 
(Đầu đề do Nội san Thông tấn đặt)

Đỗ Phượng
Nội san thông tấn số 12/2018

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ Khmer Đỏ: Biên cương sáng mãi tình đoàn kết hữu nghị  (05/01/2019 16:18:51)

Thông tấn xã Việt Nam giành giải cao cuộc thi tuyên truyền về TP. Đà Nẵng (05/01/2019 16:18:48)

Bước phát triển mới trong công tác đoàn và phong trào thanh niên (02/01/2019 16:45:23)

Đảng ủy Thông tấn xã Việt Nam ban hành Nghị quyết về công tác thanh niên (02/01/2019 16:43:44)

Hội nghị cán bộ, viên chức các CQTT phía Bắc (02/01/2019 16:36:49)

Cập nhật kỹ năng ảnh báo chí và truyền hình cho phóng viên miền Trung - Tây Nguyên (02/01/2019 16:35:18)

Bộ trưởng Bộ Thông tin Campuchia làm việc với CQTT Phnom Penh (02/01/2019 16:33:40)

Độc đáo "phiên chợ" gây Quỹ nghĩa tình đoàn viên (27/12/2018 16:05:57)

Triển lãm ảnh “Ấn tượng Việt Nam – Trung Quốc 2018” (27/12/2018 09:24:34)

Chúc mừng Sư đoàn 304 kết nghĩa nhân ngày thành lập Quân đội (22/12)  (21/12/2018 19:26:28)