Thứ bảy, ngày 11/05/2024

Tin tức trong ngành

62 năm Thông tấn xã Giải phóng (12/10/1960-12/10/2022): Những người làm báo song hành cùng lịch sử


(12/10/2022 13:50:11)

Trong suốt 15 năm chống Mỹ ác liệt, từ năm 1960 đến 1975, mặc dù gặp khó khăn về nhiều mặt, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật thiếu thốn, nhất là phải thay đổi trụ sở hàng chục lần do bị Mỹ-ngụy tấn công nhưng Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) đã kiên quyết bám trụ, không ngừng phát triển cả về lực lượng và tổ chức, duy trì “mạch máu” thông tin liên tục, thông suốt, với khẩu hiệu “Làn sóng điện không bao giờ tắt” như một mệnh lệnh. Với những thành tích và sự hy sinh lớn lao đó, TTXGP đã được Trung ương Cục miền Nam khen tặng 16 chữ vàng “Cần cù dũng cảm, tự lực cánh sinh, khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ”. Tháng 10/2020, nhân dịp kỷ niệm 60 năm thành lập, TTXGP lại vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân - phần thưởng cao quý, thể hiện sự ghi nhận, trân trọng của Đảng, Nhà nước đối với những đóng góp, thành tích đặc biệt xuất sắc của TTXGP trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.


Vào lúc 19 giờ ngày 12/10/1960, tại khu rừng Chàng Riệc (tỉnh Tây Ninh), TTXGP đã phát đi bản tin đầu tiên, trịnh trọng thông báo về sự ra đời của hãng thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. “TTXGP là cơ quan phát ngôn và thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” - thông báo viết, “có nhiệm vụ phổ biến tin tức và kinh nghiệm đấu tranh phong phú của đồng bào ở khắp nơi, phản ánh uy thế ngày càng lớn của phong trào cách mạng và sự suy sụp của tập đoàn thống trị miền Nam. Ngoài ra, TTXGP cũng sẽ cung cấp một số tài liệu về tình hình địch và ta để vạch trần âm mưu, ý đồ của địch cũng như để làm sáng tỏ đường lối, chính sách của cách mạng”.
 

Bản tin đầu tiên của TTXGP được phát đi từ chiến khu Dương Minh Châu, thông báo về sự ra đời của hãng thông tấn chính thức của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam ngày 12/10/1960

Kể từ ngày đó, bản tin của TTXGP phát vào 18 giờ hằng ngày đã trở thành nguồn thông tin không thể thiếu của nhiều cơ quan báo chí Việt Nam và quốc tế, cũng như đối với những người quan tâm tình hình miền Nam Việt Nam vào thời điểm đó. “Theo TTXGP” là cụm từ thường thấy trên các mặt báo trong suốt những năm tháng của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước...
 
Trong những năm 1966-1967, đội du kích TTXGP kiên cường bám trận địa, phối hợp với bộ đội địa phương, quân chủ lực bẻ gẫy trận càn lớn của địch. Trong ảnh: Phóng viên TTXGP trong trận càn Junction City (1967)

Ra đời trong hoàn cảnh gian khổ, khắc nghiệt của chiến tranh, TTXGP liên tục phải sơ tán trụ sở chính hàng chục lần, nhưng bản tin Giải phóng xã luôn đều đặn lên sóng. Đóng góp vào sự nghiệp chung của dân tộc, những người làm báo TTXGP đã thực sự là những chiến sĩ, chiến đấu bằng cả ngòi bút và cây súng... Tin, ảnh của TTXGP từ Cà Mau đến Quảng Trị, từ vùng nông thôn U Minh Thượng đến đô thị Sài Gòn-Gia Định... đều luôn nóng hổi tính thời sự, không chỉ cung cấp kịp thời cho các cơ quan thông tấn báo chí trong, ngoài nước, mà còn giúp Trung ương Cục miền Nam phân tích, nhận định tình hình để đi đến những quyết định có tính chiến lược, chỉ đạo kịp thời hoạt động trên chiến trường.
 
Tổ điện báo viên của TTXGP gửi tin, bài về Cứ

Trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến, không một chiến trường, không một hướng tiến quân, không một địa bàn chiến đấu nào vắng mặt phóng viên của TTXGP. Có thể nói, ở đâu có trận đánh là ở đó phóng viên TTXGP có mặt. Những phóng viên, kỹ thuật viên của TTXGP tràn đầy nhiệt huyết, bất chấp gian khổ, hy sinh, có mặt trên khắp các mặt trận, các chiến trường để đưa những bức ảnh nóng hổi, những dòng tin còn khét mùi thuốc súng về cuộc chiến đấu gian khổ và những chiến thắng của quân dân miền Nam... Đặc biệt, trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, những bước chân của các nhà báo, cán bộ kỹ thuật của TTXGP và Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX) đã theo sát từng bước chân thần tốc, dũng mãnh của những đoàn quân giải phóng tiến về giải phóng Sài Gòn, đón ngày đại thắng của dân tộc...
 
Phóng viên TTXGP tác nghiệp ở chiến trường Củ Chi

Những dòng tin, những bức ảnh của phóng viên TTXGP không chỉ mang giá trị tiếp sức, chia lửa với chiến trường, truyền sức mạnh tinh thần đến mỗi người dân của Việt Nam, mà còn là những nhân chứng lịch sử vô giá, sống mãi với thời gian...

Trong hơn 15 năm tồn tại và phát triển (1960-1976), TTXGP đã đi từ không đến có, từ ít đến nhiều, từ yếu đến mạnh. Từ lúc ban đầu chỉ là một đơn vị kỹ thuật truyền tin, với khoảng 10 người, trải qua 15 năm vừa chiến đấu, vừa xây dựng đội ngũ, vừa làm nhiệm vụ thông tin, lực lượng của TTXGP đã ngày càng lớn mạnh, được tôi luyện qua từng trận đánh, từng chiến dịch. Vào thời điểm cuối năm 1974, quân số của TTXGP đã lên đến 441 người, với đầy đủ các phòng-ban tin, ảnh, văn phòng, kỹ thuật, điện báo... TTXGP là đơn vị có quy mô lớn nhất trong số các cơ quan của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam với những thiết bị truyền thông hiện đại nhất và có tính bảo mật cao thời bấy giờ như máy phát điện, máy phát sóng, máy thu phát teletype, telephoto... Hệ thống kỹ thuật của TTXGP thu-phát được tin, ảnh nhanh nhất, chất lượng cao nhất trong khối thông tin báo chí cách mạng tại miền Nam.

Cuộc kháng chiến chống Mỹ với biết bao gian khổ, hy sinh của cả dân tộc đã lùi xa, nhiều năm đã đi qua kể từ ngày 30/4/1975 - khi những nhà báo-chiến sĩ của VNTTX và TTXGP có mặt cùng những đoàn quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập, chứng kiến giờ khắc cáo chung của chính quyền Sài Gòn và đưa tin chiến thắng.
 
Điện báo viên TTXGP dừng chân ở Trảng Bàng (Tây Ninh) để chuyển về căn cứ tin Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, ngày 30/4/1975

Những đóng góp, hy sinh của tập thể cán bộ TTXGP trong quãng thời gian đó thật không bút mực nào có thể tả hết. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, TTXGP có hơn 240 phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, điện báo viên... đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ thông tin hoặc trực tiếp chiến đấu, tương đương 50% tổng biên chế của TTXGP vào thời điểm cuối năm 1974. Đó thực sự là tổn thất vô cùng lớn, nhưng cũng là niềm tự hào của TTXGP nói riêng, Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) nói chung.

Ngày 24/5/1976, TTXGP đã hợp nhất về ngôi nhà chung VNTTX và đổi tên thành Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN)- cơ quan thông tấn duy nhất của nước Việt Nam thống nhất - đánh dấu một giai đoạn mới trong bước phát triển của ngành thông tấn nhà nước Việt Nam. Sức mạnh của hai người anh em thông tấn tiếp tục được phát huy trong giai đoạn mới của đất nước, trải khắp trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam.

Trong thời đại công nghệ số, trước sự phát triển không ngừng của truyền thông trong nước và thế giới, TTXVN đứng trước áp lực cạnh tranh thông tin ngày một lớn, vừa phải giữ vững vai trò là dòng thông tin chủ lưu, chính thống phục vụ đắc lực công cuộc đổi mới, sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, vừa phải đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của công chúng trong xã hội hiện đại. Do đó trong những năm tới, TTXVN sẽ phải nỗ lực vượt bậc, đổi mới toàn diện để tạo ra sản phẩm thông tin có sức hấp dẫn và lan tỏa trong hệ thống báo chí và dư luận xã hội nói chung góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Với mục tiêu xây dựng TTXVN thành cơ quan thông tấn mạnh, một tổ hợp truyền thông đa phương tiện chủ lực của quốc gia, nhiệm vụ đặt ra cho TTXVN là hết sức to lớn và nặng nề, đòi hỏi đội ngũ hơn 2.200 cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên, nhân viên của ngành phải nỗ lực không ngừng. Trong cuộc sống hiện tại, mỗi cán bộ, nhân viên TTXVN tự hào được bước đi trên nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá mà lớp lớp những nhà báo-chiến sĩ, trong đó có những nhà báo-chiến sĩ của TTXGP đã dày công gây dựng./.
 
Thừa uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng TTXGP nhân kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập, tháng 10/2020

 

TTXVN/Nội san Thông tấn

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng những tháng cuối năm 2022 (11/10/2022 15:31:46)

Chuyện về T6 năm xưa (11/10/2022 12:06:19)

Gieo mầm ước mơ cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Bình Phước (11/10/2022 11:26:27)

Triển lãm và trao giải cuộc thi ảnh, video clip "Hà Nội mát xanh" (10/10/2022 20:29:39)

Trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 15 (07/10/2022 09:58:00)

Chủ tịch nước gửi thư biểu dương TTXVN (05/10/2022 16:57:22)

Những nhà báo Thông tấn ghi danh trên dặm dài đất nước (04/10/2022 15:49:12)

Liên hoan Truyền hình Thông tấn lần thứ V - năm 2022: Sự trưởng thành của các nhà báo trẻ (04/10/2022 15:48:47)

Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập TTXVN (15/9/1945-15/9/2022): Phía sau sàn diễn (04/10/2022 15:42:30)

Phòng, chống thông tin xấu độc, phát huy vai trò của báo chí chính thống (30/09/2022 18:39:39)