Thứ ba, ngày 23/04/2024

Phóng viên đi, phóng viên viết

Ăn Tết ta ở trời Tây


(23/01/2017 09:34:14)

Bạn bè vẫn thường hỏi tôi rằng sống ở Tây mà Tết đến thì buồn lắm nhỉ. Làm sao có được không khí Tết như ở nhà. Đúng vậy mà lại không phải vậy. đi làm nhiệm vụ phóng viên thường trú nước ngoài mang đến cho chúng tôi trải nghiệm khác về những cái Tết xa xứ bên đồng nghiệp mới, bạn bè với những ấn tượng khó quên.

Nhà báo Đỗ Sinh (bên phải) và phu nhân Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Anh trong dịp Tết nguyên đán

 
Náo nức Tết cộng đồng
Ba năm thường trú tại Anh, chúng tôi được tham gia cùng Đại sứ quán tổ chức Tết cộng đồng cho kiều bào. Công việc chúng tôi được phân công trong ngày hôm đó là trang trí các phòng tiệc, chuẩn bị đồ ăn và đón khách. Nhiệm vụ quan trọng hơn cả là phản ánh không khí Tết cộng đồng bằng những hình ảnh, dòng tin sống động để gửi về Tổng xã.
 
Tôi vẫn nhớ cảm giác hồi hộp pha chút căng thẳng trong cái Tết đầu tiên khi chụp ảnh mà chỉ lo nhỡ đâu không được tấm nào ưng ý. Lần đó, chứng kiến khuôn viên Đại sứ quán vốn không mấy rộng rãi lại cùng lúc đón tiếp mấy trăm kiều bào, du học sinh và bạn bè quốc tế, tôi thực sự bị ngợp. Nhưng rồi cảm giác ấy cũng qua nhanh.
 
Thật sự xúc động khi thấy bà con gặp nhau tay bắt mặt mừng, hỏi han rôm rả, mách nhau năm nay bánh chưng ở đâu ngon, cửa hàng nào có bán gấc để thổi xôi bày mâm cỗ Tết cho đẹp, cho may mắn cả năm. Bà con sống xa Tổ quốc từ lâu nhưng vẫn cố gắng gìn giữ những phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của người Việt. Cũng thật thú vị khi nhìn thấy các bạn Tây lóng ngóng với đôi đũa để rồi tấm tắc khen món nem rán sao mà ngon đến vậy!
 
Qua mỗi năm, Tết cộng đồng tại Anh lại có thêm những tiết mục mới làm cho không khí đón Tết thêm ý nghĩa.
 
Chợ hoa và mâm cơm tất niên
Tại thủ đô London của Vương quốc Anh có một khu chợ trời đặc biệt chỉ mở vào ngày Chủ nhật hằng tuần và luôn thu hút một lượng du khách khổng lồ tới tham quan mua sắm. Đó là chợ hoa nổi tiếng đã có hàng trăm năm, nằm trên đường Columbia. Mỗi khi Tết đến, chợ hoa này trở thành địa chỉ không thể bỏ qua của cộng đồng người Việt tại London, bởi ở đây người ta có thể mua được những loài hoa lá, cây cảnh đặc trưng cho ngày Tết cổ truyền.
      
Chúng tôi quyết định đến chợ hoa này để làm phóng sự “Chợ hoa Tết ở London”. Có mặt tại phiên chợ Chủ nhật đúng ngày 30 Tết âm lịch, tôi bỗng nhớ da diết không khí tất bật ở nhà khi mọi người hối hả mua bán chuẩn bị cho mâm cơm cúng tất niên. Với cộng đồng kiều bào ta ở London, nỗi nhớ quê hương hẳn được bù đắp phần nào khi đến với chợ hoa. Ở đây, bà con vẫn có thể mua được cành đào, cây quất, nụ tầm xuân, mẫu đơn, lay ơn, hay đơn giản là bình hoa thủy tiên để trưng bày trong dịp Tết.
 
Không khó để chúng tôi tìm được những người Việt để phỏng vấn. Cô Bình cho biết, đã sống ở Anh 35 năm nhưng Tết nào cô cũng giữ truyền thống gói bánh chưng, làm giò xào và mua hoa đào chơi Tết. Với gia đình anh Tuân, đã sống hơn 10 năm ở London, đón Tết năm nay, anh chị đã chọn một cây quất cảnh nhỏ xinh nhưng đủ cả quả xanh, quả vàng. Bà bán hàng hoa hẳn cũng đã quen với sở thích trưng quất cảnh của cộng đồng người châu Á mỗi dịp Tết cổ truyền nên đã chuẩn bị sẵn một lượng cây cảnh khá dồi dào, đặc biệt là khi ngày chợ phiên lại trùng với ngày cuối cùng của năm.
 
Mải mê chụp hình quay phim, trưa đến lúc nào không hay. Chúng tôi vội vàng thu xếp đồ nghề để ra về, không quên mua thêm vài bó hoa đào. Chợ hoa cách CQTT cũng khá xa. Về đến nhà đã hơn 2 giờ chiều. Do chênh lệch múi giờ, 5 giờ chiều London là lúc Hà Nội đón Giao thừa nên chúng tôi chỉ còn 3 tiếng đồng hồ để làm mâm cơm cúng tất niên. Mâm cỗ Tết của chúng tôi cũng có đầy đủ xôi gấc, bánh chưng, giò xào, giò lụa, canh măng, canh bóng. Cái thiếu ở đây chính là những người thân yêu trong gia đình… Sau  giây phút bồi hồi, chúng tôi quay lại với công việc, nhanh chóng gỡ băng, làm tin, chọn ảnh để “mở hàng” cho bản tin ngày mùng Một Tết. 
 
Đi lễ chùa đầu năm mới
Chùa Linh Sơn là ngôi chùa Việt duy nhất tại London. Mỗi dịp Tết đến Xuân về, ngôi chùa này lại tấp nập chào đón những người con dù ở xa Tổ quốc nhưng vẫn giữ phong tục đi lễ chùa đầu xuân.
 
Từ 8 giờ tối ngày 30 Tết, nhiều bà con đã tập trung tại điện chính để chuẩn bị cho khóa lễ đón năm mới. Các em bé mặc trang phục dân tộc đi cùng bố mẹ, chăm chú nghe tiếng kinh tiếng mõ. Có cả những cô gái Việt đưa bạn trai hay chồng là người nước ngoài đến lễ chùa.
 
Những người tôi có dịp hỏi thăm, nói chuyện ở đây đều cho biết, họ vẫn thường xuyên đi lễ chùa và giữ truyền thống ăn Tết cổ truyền của quê hương, của cha mẹ, ông bà, tổ tiên, để lưu truyền cho các thế hệ sau.
 
Không khí Tết dân tộc lan tỏa từ khói hương trầm thơm ngát tới vẻ xúc động xen lẫn hân hoan của các Phật tử khi được nhận lì xì mừng tuổi lấy may từ vị sư trụ trì. Ra về, hầu như ai cũng nhớ mua một lọ muối nhỏ theo đúng truyền thống “Đầu năm mua muối” với mong muốn cuộc sống cả năm được mặn mà, đầm ấm.
Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán cho người Việt được bày bán tại các siêu thị ở London (Vương quốc Anh)

 
 

Theo Nội san thông tấn số Xuân 2017

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cảm hứng làm phóng sự Tết  (23/01/2017 09:24:32)

Từ điểm nóng Trung Đông… (01/12/2016 09:55:06)

Đưa tin bầu cử ở xứ cờ hoa (01/12/2016 09:46:56)

Đưa tin từ tâm lũ miền Trung (08/11/2016 09:58:18)

Nơi rừng nghiến trăm tuổi bị đốn hạ  (04/11/2016 18:19:49)