Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Ánh sáng trí tuệ trong một câu nói của Bác


(02/06/2008 09:09:45)

Trong số những yếu tố làm nên chân dung lãnh tụ lỗi lạc - danh nhân văn hoá thế giới Hồ Chí Minh, không thể không kể đến khả năng sử dụng ngôn từ siêu việt của Người. Từ xưa đến nay, đã có hàng chục cuốn sách, hàng trăm bài báo ca ngợi Hồ Chí Minh như một nghệ sĩ ngôn từ bậc thầy. Thế nhưng, có vẻ như tất cả những công trình đó mới chỉ là sự khởi đầu. Bởi khi tiếp xúc với nhiều văn bản từ lâu đã trở thành quen thuộc đối với hàng triệu công chúng của Bác, chúng ta vẫn thường xuyên cảm thấy ngỡ ngàng trước sự toả sáng của không ít câu chữ mà Người từng nói, từng viết. Bài viết này của chúng tôi xin đề cập một trường hợp như thế.

Năm 1946, trong cuộc nói chuyện với đồng bào trước lúc sang Pháp, Bác có câu: "Đồng bào thương tôi, ... làm theo lời tôi nói".

Ở đây, chúng tôi đã cố ý lược đi một từ ở chỗ dấu ba chấm để làm một cuộc thử. Với câu hỏi "Theo anh (chị), Bác đã dùng từ gì ở đó?" được đặt ra cho nhiều đối tượng khác nhau (tất cả đều có trình độ đại học trở lên), chúng tôi đã nhận được các phương án trả lời với các từ: Hãy, phải, thì, cần, nên, xin, cứ nhớ, mong, cùng, cố gắng, sẽ, vậy, ắt.

Có một điều thú vị là tất cả các phương án nói trên đều chuẩn xác về mặt ngôn ngữ, song lại không trùng với phương án của Bác. Chắc chắn Bác đã cân nhắc rất kỹ và đã có sự lựa chọn tối ưu tới mức ngỡ ngàng.

Vậy tại sao Bác lại không sử dụng các phương án trên? Chúng ta hãy thử cùng nhau tìm câu trả lời.

- Hãy: "Đồng bào thương tôi, hãy làm theo lời tôi nói". "Hãy" ở đây biểu thị tính chất mệnh lệnh của phát ngôn. Do vậy, câu nói của Bác "hãy làm theo lời tôi nói" trở thành câu ra lệnh. Điều này sẽ khẳng định quyền uy của Bác, qua đó làm gia tăng khoảng cách giữa một vị lãnh tụ tối cao và quảng đại quần chúng nhân dân. Vì lẽ đó, Bác, với tư cách là một vị cha già kính yêu và gần gũi của cả dân tộc,  không thể sử dụng.

- Phải: "Đồng bào thương tôi, phải làm theo lời tôi nói". "Phải" có ý nghĩa là: "ở trong điều kiện bắt buộc không thể không làm, nhất thiết không thể khác hoặc nhất thiết cần phải có". Như vậy, từ này làm cho câu nói của Bác mang tính áp đặt, gợi cảm giác nặng nề đối với quần chúng nhân dân.

- Thì: "Đồng bào thương tôi, thì làm theo lời tôi nói". "Thì" là một thành tố trong cặp từ quan hệ "nếu...thì..." dùng để biểu thị giả thiết hay điều kiện. Do đó, câu này sẽ trở thành câu điều kiện, thể hiện sự tính toán, cân nhắc đầy sắc màu lý trí, khiến người đọc, người nghe không cảm nhận được sự gần gũi, thân thiết của Bác đối với mình.

- Cần: "Đồng bào thương tôi, cần làm theo lời tôi nói". "Cần": "Không thể không làm, không thể không có, vì nếu không làm, không có thì sẽ có hại". Câu này nhấn quá mạnh vào tính cấp thiết, vào tầm quan trọng của việc làm theo lời Bác. Cho nên, nó cũng có giọng điệu nặng nề, thể hiện một sắc thái thiếu khiêm nhường nào đó về mặt ý nghĩa.

- Nên: "Đồng bào thương tôi, nên làm theo lời tôi nói". "Nên" là dấu hiệu của lời khuyên. Mà đối với lời khuyên thì người ta có quyền lựa chọn: làm hoặc không làm. Câu này chưa thể hiện được đầy đủ tình cảm cũng như niềm tin của Bác đối với quần chúng nhân dân.

 - Xin: "Đồng bào thương tôi, xin làm theo lời tôi nói". Từ "xin" ở đây có thể hiểu theo hai cách: 1,"biểu thị thái độ khiêm tốn, lịch sự"; 2, "cầu xin". Với cách hiểu thứ nhất của từ "xin", câu nói của Bác sẽ trở nên trang trọng tới mức khách sáo, không phù hợp với đối tượng mà nó hướng tới là quần chúng nhân dân. Còn với cách hiểu thứ hai, câu nói này thể hiện sự hạ thấp vị thế của chủ thể phát ngôn. Cả hai trường hợp đều không thể được Bác sử dụng.

- Cứ: "Đồng bào thương tôi, cứ làm theo lời tôi nói". "Cứ": "Từ biểu thị ý nhấn mạnh thêm về sắc thái khẳng định, không kể khách quan như thế nào". Câu này thể hiện lòng tin tới mức tuyệt đối hoá của chủ thể phát ngôn vào sự đúng đắn trong tư tưởng của mình. Điều này cũng có nghĩa: người nói đã phần nào chủ quan.

- Nhớ: "Đồng bào thương tôi, nhớ làm theo lời tôi nói". Từ "nhớ" mang sắc thái dặn dò, nhắc nhở. Nghe câu nói này, công chúng khó tránh khỏi có ý nghĩ: người nói lo rằng người nghe có thể quên vì chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề mà anh ta vừa nêu. Và như vậy, nó không phù hợp với quan hệ đầy tin tưởng giữa Bác và quần chúng nhân dân.

- Mong: "Đồng bào thương tôi, mong làm theo lời tôi nói". "Mong" trong trường hợp này biểu thị ý nghĩa: "có nguyện vọng rằng, ước muốn rằng". Do vậy, câu nói trên không thể hiện tính chủ động của chủ thể phát ngôn cũng như niềm tin của người đó vào đối tượng tiếp nhận là "đồng bào".

- Cùng: "Đồng bào thương tôi, cùng làm theo lời tôi nói". Câu nói này có thể hiểu là lời khuyên nhủ mà cũng có thể hiểu là lời kêu gọi nhân dân thống nhất hành động. Trong cả hai trường hợp nó đều chưa thể hiện được niềm tin của chủ thể phát ngôn; mặt khác, còn hàm ý: đồng bào hình như vẫn chưa sẵn sàng hành động hoặc thiếu sự đoàn kết, nhất trí.

- Cố gắng: "Đồng bào thương tôi, cố gắng làm theo lời tôi nói". Từ "cố gắng" làm cho câu văn mang giọng điệu của một lời động viên, an ủi. Trong trường hợp này, chủ thể phát ngôn có vẻ chưa đánh giá đúng mức khả năng của quần chúng nhân dân và cũng chưa bộc lộ được niềm tin của mình vào họ.

- Sẽ: "Đồng bào thương tôi, sẽ làm theo lời tôi nói". Từ "sẽ" dùng để biểu thị thời tương lai, cho nên nó đã giới hạn phạm vi thời gian của hành động "làm theo lời tôi nói" (đồng bào từ trước tới nay luôn làm theo lời Bác, chứ đâu chỉ có ở một thời điểm nào đó). Mặt khác, nó còn thể hiện tính chắc chắn thái quá của sự việc, mà Bác Hồ hiểu rất rõ nên không dùng "sẽ".

- Vậy: "Đồng bào thương tôi, vậy làm theo lời tôi nói". "Vậy" trong bối cảnh này "dùng để chỉ điều vừa được nói đến là xuất phát điểm cho điều sắp được nêu ra". Như thế, hai vế trong câu nói của Bác thể hiện quan hệ nhân quả ("Đồng bào thương tôi" là nguyên nhân, "vậy làm theo lời tôi nói" là kết quả). Song, vế thứ hai "vậy làm theo lời tôi nói" là cấu trúc cầu khiến, nói cụ thể hơn, nó có dạng thức: "vậy, đồng bào hãy làm theo lời tôi nói". Điều này làm cho phát ngôn của Bác mang sắc thái cứng rắn của một mệnh lệnh.

- Ắt: "Đồng bào thương tôi, ắt làm theo lời tôi nói". "Ắt": "Từ biểu thị ý khẳng định điều cho là chắc chắn sẽ xảy ra với điều kiện đã nói đến". Do vậy, phát ngôn của Bác trở thành câu điều kiện. Thêm vào đó, từ "ắt" còn biểu thị tính tất yếu của hành động "làm theo lời tôi nói", tức là thể hiện sự tự tin tuyệt đích của người nói. Những sắc thái này, như chúng tôi đã luận giải trong trường hợp dùng "thì" và "cứ", Bác hoàn toàn không muốn đồng bào phải cảm nhận khi nghe câu nói của Người.

Vậy, ở chỗ dấu ba chấm nói trên, Bác Hồ đã dùng từ gì?

Câu trả lời thật bất ngờ: từ "chắc". "Đồng bào thương tôi, chắc làm theo lời tôi nói". Một câu nói tưởng chừng hết sức đơn giản nhưng là kết quả của cả một sự chắt lọc kỹ lưỡng.

Quan hệ giữa Bác và quần chúng nhân dân là quan hệ giữa những người ruột thịt (từ "đồng bào" khẳng định điều này). Bác luôn tin tưởng vào sức mạnh vô tận của nhân dân: "Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân. Trong thế giới không gì mạnh bằng lực lượng đoàn kết của nhân dân". Thêm vào đó, Bác là người khiêm nhường nên không bao giờ tuyệt đối hoá lòng tin của mình tới mức chủ quan.

Tất cả những yếu tố trên thúc đẩy Bác lựa chọn từ "chắc". "Chắc" mới chỉ là "có nhiều khả năng, rất có thể". Như vậy, về mặt ý nghĩa, "chắc" thể hiện niềm tin lớn nhưng vẫn lường trước những tình huống không mong đợi, dù với xác suất rất nhỏ, có thể xảy ra. Mặt khác, từ "chắc" còn làm cho cấu trúc câu nói của Bác không mang sắc thái điều kiện, cũng không biểu thị chức năng cầu khiến. Những lý do trên đã giúp câu nói của Bác thật mềm mại, nhẹ nhàng, ân cần, gần gũi, phù hợp với phong thái vốn có của Bác mà vẫn đầy hiệu lực: Ai có thể không nghe và làm theo ý nguyện chân tình, tràn ngập niềm tin nhưng vẫn đầy khiêm tốn của một người vẫn đối xử với ta với tư cách của "người cha, người bác, người anh"?

Thế mới hay, Bác là người cẩn trọng trong sử dụng câu chữ tới mức nào.

Từ ví dụ cụ thể này, ta có thể rút ra 3 bài học sau:

Thứ nhất, trước khi nói và viết, cần xác định rõ các nhân tố tham gia hoạt động giao tiếp (những người tham gia giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp, cách thức giao tiếp, v.v.).

Thứ hai, với mỗi ý tưởng, hãy cố gắng tìm ra nhiều cách diễn đạt khác nhau. Sau đó, cân nhắc để lựa chọn cách diễn đạt phù hợp và hiệu quả nhất.

Thứ ba, những người càng có vị trí quan trọng trong xã hội (nhất là các nhà quản lý, các nhà truyền thông), càng phải nắm chắc và thường xuyên trau dồi các kiến thức về sử dụng ngôn ngữ.

Tiến sĩ Hoàng Anh
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2008

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vừa tăng số lượng vừa chú trọng chất lượng tin - bài (02/06/2008 08:58:51)

Bài học về sự tiết kiệm (02/06/2008 08:53:16)

Hội nghị mở rộng Ban chấp hành Liên chi hội Nhà báo TTXVN (13/05/2008 11:20:20)

Sôi động giải Ảnh báo chí thế giới  (13/05/2008 11:01:07)

"TÃắc pháỨẹm bÃắo chÃễ cháỪỄn láỪỄc nẢẶm 2006" máỪỎt cuáỪỔn sÃắch ẢỔÃắng ẢỔáỪỄc (13/05/2008 10:58:59)

Chống tiêu cực là trách nhiệm và lương tâm của nhà báo  (13/05/2008 10:50:32)

Mấy suy nghĩ về đổi mới cách viết tin (13/05/2008 10:48:36)

Câu chuyện định mức (13/05/2008 10:47:45)

Chi hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh TTXVN triển khai nhiệm vụ năm 2008 (14/04/2008 16:24:01)

Phóng viên Nguyễn Văn Nhật, Phân xã Nghệ An, được tặng Bằng khen của Tổng Giám đốc (14/04/2008 16:19:30)