Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Chống tiêu cực là trách nhiệm và lương tâm của nhà báo


(13/05/2008 10:50:32)

Đó là khẳng định của hai cây bút trẻ Hoàng Văn Ngoạn và Đỗ Ngọc Giang của báo Thể thao&Văn hoá, trong cuộc tiếp xúc với phóng viên Nội san Thông tấn sau khi đoạt giải A Giải báo chí trẻ TTXVN 2008 với phóng sự điều tra "Gió... cao su", phản ánh nỗi thống khổ của nhiều người dân ở vùng biên giới Tây Ninh bị những thế lực xấu xa chiếm đoạt đất đai một cách hết sức bất công.

PV: Xin chúc mừng thành công của hai anh. Tác phẩm "Gió... cao su" được hình thành như thế nào?

Hoàng Văn Ngoạn (HVN): Chùm phóng sự điều tra "Gió... cao su" gồm 3 bài, được Ngọc Giang (bút danh Giáng Thăng) và tôi (bút danh Thái Nguyên) viết trong ba ngày liền. Nhưng thực tình từ khi có ý tưởng cho đến lúc bài được đăng mất khoảng 6 tháng.

Ý tưởng của chúng tôi xuất phát từ nhiều chuyến công tác lên vùng cao su ở biên giới tỉnh Tây Ninh (khi đó Ngọc Giang mới được cơ quan điều động về Phân xã Tây Ninh). Qua những chuyến đi, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến những khó khăn cùng cực của một bộ phận đồng bào vùng biên. Có phải họ quá lười biếng? Họ không biết cách khai thác đất đai màu mỡ nơi đây?... Chúng tôi quyết định đi tìm câu trả lời cho câu hỏi: Sự nghèo đói và mất niềm tin của một bộ phận người dân sống sau những cánh rừng cao su bạt ngàn kia bắt nguồn từ đâu? Ngoài những thông tin do dân chúng phản ánh, chúng tôi đã điều tra, thu thập được nhiều hồ sơ, tài liệu liên quan đến sai phạm của các "quan đất" ỷ thế, cậy quyền, dùng nhiều thủ đoạn để tước đoạt đất đai của người dân, đẩy họ đến bước đường cùng.

PV: Tại sao các anh chọn đề tài "hóc búa" này?

Đỗ Ngọc Giang (ĐNG): Vấn đề khiếu nại tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo là một bức xúc lớn trong xã hội chúng ta hiện nay. Chúng tôi nghĩ rằng các nhà báo, nhất là những nhà báo thường trú tại các địa phương có những vụ việc khiếu kiện đất đai nổi cộm, không được bỏ qua thực tế này mà phải coi việc phản ánh tiêu cực là trách nhiệm và lương tâm nghề nghiệp. Vấn đề là khi theo đuổi những đề tài loại này, phóng viên phải thấu hiểu nỗi bức xúc của người dân; vạch trần những hành động tiêu cực, thậm chí là tội ác, của một bộ phận cán bộ thoái hóa, biến chất. Nhưng cũng không vì thế mà để những vụ việc đen tối che lấp những mặt tích cực của xã hội nước ta trên mặt báo. Đây chính là một thử thách đối với bản lĩnh nhà báo. Một nền kinh tế phát triển theo cơ chế thị trường sẽ không tránh được các hệ lụy tiêu cực, trong đó tiêu cực về đất đai là một trong những vấn đề nổi cộm. Điều cốt lõi của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương là phải giải quyết thỏa đáng cho người dân. Đó chính là bài học lấy dân làm gốc mà Bác Hồ đã dạy chúng ta. Đây cũng là tinh thần chủ đạo khi chúng tôi phản ánh vụ việc một bộ phận cán bộ "biết cách tính toán" đã sở hữu nhiều héc ta cao su sau nhiều vụ thu đất của dân một cách bất công, hoặc phù phép "biến" đất công thành đất tư.

PV: Các anh điều tra như thế nào?

ĐNG: Đây là bí mật nghề nghiệp (cười). Mỗi phóng viên khi tác nghiệp đều có cách điều tra riêng, vấn đề là phải thu thập được càng nhiều thông tin càng tốt. Trong trường hợp này, chúng tôi không chỉ lấy thông tin từ những người bị mất đất hoặc đơn giản từ các cơ quan chức năng, mà còn phải tiếp cận với cả những phần tử tiêu cực, những kẻ chiếm đoạt đất đai của dân và của Nhà nước.

PV: Trong quá trình điều tra, các anh gặp những thuận lợi và khó khăn gì?

HVN: Thuận lợi là chúng tôi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của quần chúng nhân dân và những cán bộ liêm chính trong các cấp chính quyền tỉnh Tây Ninh. Cần loại bỏ suy nghĩ cho rằng những người làm trong bộ máy công quyền đều vô cảm, mà thực tế còn nhiều cán bộ, nhân viên thấu hiểu nỗi khổ của người dân. Tuy nhiên, cũng có nhiều cuộc hẹn gặp với một số lãnh đạo tỉnh đã bị khất lần. Họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và không muốn công khai xuất hiện trước nhà báo. Cái khó nhất là làm sao tiếp xúc, moi được càng nhiều thông tin của người bị tố cáo càng tốt. Biên giới Tây Ninh dài hàng trăm ki-lô-mét, chúng tôi gặp nhiều khó khăn trên đường tác nghiệp, những trở ngại nhỏ như xe hết xăng phải dắt bộ nhiều cây số. Có những tình huống tưởng chừng nan giải, như khi chúng tôi trong tay có văn bản báo cáo về số hộ thiếu đất sản xuất nhưng không dám sử dụng vì công văn đóng dấu Mật. Cuối cùng, chúng tôi nghĩ ra cách nêu thông tin lên để cho một cán bộ Hội Nông dân tỉnh nói giúp. Vậy là giải mật được tài liệu.

PV: Các anh có tâm đắc với chùm bài "Gió...cao su" của mình?

ĐNG: Phải nói là rất tâm đắc. Chúng tôi đã nung nấu ý tưởng này rất lâu và khi bài được đăng tải trên báo Thể thao&Văn hóa đã có hàng chục cuộc điện thoại gọi về tòa soạn ở TP.HCM để cảm ơn cũng như đề nghị cung cấp thêm thông tin. Đây là sự động viên lớn và cũng là niềm hạnh phúc cho người phóng viên khi đứa con tinh thần được dư luận đón nhận, bản thân được bạn đọc tin cậy.

HVN: Chúng tôi chia xẻ với những dân nghèo của tỉnh Tây Ninh vì nỗi uất ức họ phải chịu đựng hàng chục năm nay. Tôi còn nhớ có lần, sau một ngày làm việc trên biên giới, chúng tôi đang ngồi uống nước thì điện thoại di động đổ chuông: có người muốn cung cấp thêm thông tin về việc dùng súng ép dân giao đất. Tôi liền quên hết mệt nhọc khi anh Lưu (một người dân mất đất được nêu trong chùm phóng sự) đến đưa cho xem hàng loạt tấm ảnh chụp cảnh cán bộ và bảo vệ nông trường cao su chĩa thẳng súng vào dân, đe dọa họ.

ĐNG: Có thể nói loạt bài "Gió... cao su" có hiệu ứng xã hội rất lớn. Ngay khi loạt bài này được đăng tải, Thanh tra Chính phủ lập tức vào cuộc. Đích thân ông Nguyễn Văn Nên, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh, đã xuống hai huyện Tân Biên và Tân Châu trực tiếp giải quyết khiếu nại tố cáo của dân.

Tất cả những ông "quan tham" có tên trong bài đều đã bị khởi tố hình sự về tội tham ô, cố ý làm trái quy định pháp luật về đất đai, hoặc buộc thôi việc. Nhiều cán bộ biến chất, lợi dụng chính sách chung để chiếm đất cũng đang phải kê khai diện tích đất đó với Ban chống tham nhũng của tỉnh Tây Ninh.

PV: Chùm phóng sự điều tra này đã giúp được gì cho người dân?

HVN: Ngay sau khi báo đăng tải, chính quyền Tây Ninh đã cử nhiều đoàn công tác đến những điểm nóng bỏng khiếu kiện để giải quyết. Trước mắt, mỗi hộ dân đã được cấp một héc ta đất để sản xuất, ổn định cuộc sống.

PV: Các anh có định tiếp tục theo đuổi những đề tài "hóc búa" như trên không?

ĐNG: Chắc chắn là có. Chủ đề sắp tới là ở TP. Hồ Chí Minh và cũng là đề tài... cấp đất.

PV: Xin cảm ơn hai anh. Chúc các anh có những thành công hơn nữa.

Lệ Phương (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2008