Thứ hai, ngày 06/05/2024

Tin tức trong ngành

Bài tường thuật đầu tiên về giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước


(04/04/2024 17:38:45)

Nhà báo Trần Mai Hạnh (1943-2024), nguyên Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam, nguyên phóng viên chiến trường của Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN), vừa qua đời đột ngột ngày 2/4 khi đang thăm lại chiến trường xưa, gặp gỡ những người đồng chí, đồng nghiệp đã từng sát cánh cùng ông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nội san Thông tấn xin giới thiệu bài viết “Kỷ niệm bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước” của nhà báo Trần Mai Hạnh trong cuốn sách “Thông tấn xã Việt Nam với Đại thắng mùa xuân 1975” (Nhà xuất bản Thông tấn, 2010), ghi dấu ấn sâu đậm trong sự nghiệp của ông.

1. Tháng 3/1975, sau chiến thắng Buôn Ma Thuột vài ngày, vào một buổi chiều tôi đang làm việc tại Ban biên tập tin miền Nam của VNTTX thì được lệnh lên gặp Phó tổng biên tập Đỗ Phượng. Tôi vừa đặt chân vào phòng, Phó tổng biên tập đã chỉ thị ngay - giọng rất chân tình, khẩn trương:

- “Mai Hạnh chuẩn bị đi Nam bộ trong đoàn của anh Đào Tùng, Tổng biên tập. Sẽ lên đường ngay. Ban biên tập tin Trong nước đưa danh sách hơn chục phóng viên nhưng tôi chọn Mai Hạnh vì Hạnh đã có những năm làm phóng viên ở chiến trường Quảng Đà”.

Tôi quá xúc động vì hạnh phúc đến quá bất ngờ. Đang lĩnh quân trang, súng ngắn, chuẩn bị tài liệu chờ ngày lên đường thì Trần Mai Hưởng, em ruột tôi là phóng viên VNTTX vừa từ Vĩnh Linh trở ra Hà Nội sau một chuyến đi biệt phái, biết tôi sắp vào chiến trường, Mai Hưởng rất háo hức muốn đi. Chỉ một, hai hôm sau, tôi thấy Mai Hưởng thông báo đã được cơ quan chọn cử vào mặt trận Trị Thiên và sẽ lên đường trước tôi.
 

Tổng biên tập VNTTX Đào Tùng (ngoài cùng bên trái) cùng đoàn phóng viên ghép ghe làm phà đưa xe qua sông trên đường vào chiến trường miền Nam, tháng 4/1975

Đoàn chúng tôi gồm 10 cán bộ, phóng viên, kỹ sư vô tuyến điện, điện báo viên và lái xe, do anh Đào Tùng, Tổng biên tập dẫn đầu, rời Hà Nội sáng sớm ngày 2/4/1975. Lễ tiễn rất đông và xúc động diễn ra tại trụ sở VNTTX, số 5 Lý Thường Kiệt. Anh Đỗ Phượng, Phó tổng biên tập VNTTX khi đó, sau này là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, đại biểu Quốc hội, Tổng giám đốc TTXVN xiết chặt tay tôi trước khi xe lăn bánh, dặn dò: Mai Hạnh cố gắng dọc đường viết thật nhiều tin, bài gửi về. Nhưng cố gắng viết được bài tường thuật đầu tiên về những giờ phút lịch sử trọng đại của dân tộc, mà tôi tin rằng sẽ không còn xa nữa.

Cũng sáng 2/4/1975 đó, báo Nhân dân đăng bài tường thuật “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng” của Mai Hưởng điện về khiến tôi càng thêm phấn chấn.

Theo kế hoạch, đoàn chúng tôi sẽ đi theo đường mòn Hồ Chí Minh ngay từ Vĩnh Linh để vào B2 (căn cứ của Thông tấn xã Giải phóng, viết tắt là TTXGP, tại Tây Ninh). Nhưng khi đoàn vào đến binh trạm Vĩnh Linh thì Tây Nguyên, Huế, Đà Nẵng đã được giải phóng, quân ta đang tiến đánh dọc quốc lộ 1. Anh Đỗ Phượng ở Hà Nội điện cho anh Đào Tùng truyền đạt chỉ thị của cấp trên là tìm mọi cách hành quân để có mặt ở B2 với thời gian sớm nhất. Anh Đào Tùng quyết định thẳng tiến theo quốc lộ 1 cho nhanh, đến đâu tắc đường không đi được thì lại rẽ lên đường mòn Hồ Chí Minh đi tiếp. Chiều tối 3/4, chúng tôi tới Vĩnh Linh và đi suốt đêm vào thẳng Huế. Tại Huế tôi gặp lại Trần Mai Hưởng và các anh Lâm Hồng Long, Ngọc Quả... trong mũi phóng viên đi trước ít ngày.

Ngày 6/4, đoàn vào Đà Nẵng. Anh Đào Tùng gặp, chỉ thị công tác cho phóng viên các mũi chiến dịch đang hội quân ở Đà Nẵng. Ngoài đoàn đi theo anh Đào Tùng, tôi nhớ còn có các anh: Lâm Hồng Long, Trần Mai Hưởng, Ngọc Quả, Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm...
 
Tổng biên tập VNTTX Đào Tùng cùng hai nhà báo Văn Bảo (ngoài cùng bên trái) và Trần Mai Hạnh (ngoài cùng bên phải) tại căn cứ TTXGP trước khi lên đường tiến về Sài Gòn, tháng 4/1975

Ngày 7/4, đoàn chúng tôi rời Đà Nẵng, thẳng quốc lộ 1 vào thành phố Quy Nhơn vừa giải phóng. Trong lúc cánh Lâm Hồng Long, Trần Mai Hưởng, Đinh Quang Thành, Vũ Tạo, Hứa Kiểm nhận lệnh bám theo các binh đoàn chủ lực vượt qua Quy Nhơn, tiến về Nha Trang và đi sâu vào trong, thì sáng 10/4/1975, đoàn chúng tôi rời Quy Nhơn rẽ phải lên đường 14, qua Pleiku, Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk rồi theo đường mòn Hồ Chí Minh qua Bình Phước, Đức Lập, tới Bù Đăng, Bù Đốp, Lò Gò (Lộc Ninh). Từ đây chúng tôi vào Trung ương cục “R” - nơi trú quân của TTXGP và cơ quan tuyên huấn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Những ngày giữa tháng 4/1975, không khí ở “đại bản doanh” của TTXGP giữa rừng Tây Ninh nhộn nhịp khác thường. Tình hình chiến sự được các anh Đào Tùng và Trần Thanh Xuân, Phó tổng biên tập VNTTX, Giám đốc TTXGP tổ chức giao ban, phố biến rất kịp thời. Quân ta đang tiến như vũ bão và ngày giải phóng Sài Gòn đã đến nơi rồi. Phóng viên tin, ảnh được phiên chế thành từng tốp, được hướng dẫn, gợi ý về chủ đề, mỗi người được phát một bản đồ về đô thành Sài Gòn có đánh dấu các vị trí quan trọng của địch và hướng dẫn đường đi ngắn nhất từ các hướng tới thẳng Dinh Độc Lập. Lúc đó, có một tình huống xảy ra là ô tô của TTXGP quá ít, tôi và Văn Bảo (phóng viên ảnh đi trong đoàn anh Đào Tùng) cùng một số anh em khác không còn chỗ sắp xếp trên xe. Đoàn chúng tôi có hai xe com-măng-ca, một chiếc bị hỏng, không phụ tùng thay thế phải nằm lại Lộc Ninh, chiếc còn lại phải trực ở cứ để phục vụ anh Đào Tùng. Đi suốt từ Hà Nội vào đây, không lẽ giờ phút lịch sử giải phóng Sài Gòn phải nằm lại trên rừng Tây Ninh. Anh Đào Tùng đã viết giấy bảo lãnh nhận tiền của Trung ương cục và các anh ở TTXGP và đã sang tận biên giới Campuchia mua cho Văn Bảo và tôi một chiếc Honda 90 phân khối mới tinh.

2. Sáng 29/4/1975, anh Trần Thanh Xuân đi com-măng-ca đít vuông dẫn đầu đoàn phóng viên TTXGP tiến về Sài Gòn. Anh Đào Tùng tiễn tôi và Văn Bảo ra tận cửa rừng. Phút chia tay, anh chụp với hai chúng tôi một bức ảnh kỷ niệm.

Chiếc Honda 90 phân khối mới tinh, rất bốc. Văn Bảo đèo tôi vượt lên trên cùng. Qua cầu gỗ Cần Đăng, qua nhiều khu rừng rậm rạp, chúng tôi đã tới chân núi Bà Đen (Tây Ninh). Đường rất khó đi, nhiều đoạn cây cối ngổn ngang. Đi được khoảng trăm cây số, trời còn nắng gắt thì bỗng lốp sau của xe bị thủng. Người mệt lả, chỉ còn một chút nước trong bi đông và mấy viên thuốc tăng lực được phát từ Hà Nội. Tôi và Văn Bảo bàn nhau, bằng mọi cách, mọi giá phải tiến lên, dù phải đi cả đêm theo vết bánh xe ô tô mà đi. Dọc đường, lũ lượt lính ngụy bị đánh tan tác chạy ngược lại. Chúng tôi lên sẵn đạn súng ngắn rồi Văn Bảo dắt xe, tôi đẩy phía sau. Mãi đến chiều, tôi may mắn gặp được một đơn vị bộ đội làm nhiệm vụ vận tải đóng ngay ở bìa rừng. Các chiến sĩ nhiệt tình vá lại săm bị thủng, kiểm tra lại xe, băng vết thương ở cổ chân Văn Bảo và nấu mì cho chúng tôi ăn, sau đó tiễn chúng tôi lên đường.
 
Nhà báo VNTTX Trần Mai Hạnh (đeo kính) cùng các đồng nghiệp tại cửa ngõ Sài Gòn, sáng sớm 30/4/1975

Đã 8 giờ đêm, đường rừng tối đen, đèn xe yếu ớt nhưng lòng chúng tôi phấn chấn vô cùng vì chắc sẽ đuổi kịp đoàn. Trời bỗng đổ mưa như trút, đường trơn, lầy lội, khó đi vô cùng. Nhưng rất may, đúng lúc ấy, phía trước có ánh đèn pha ô tô lóe lên chói mắt. Văn Bảo dừng xe, tôi reo như hét lên vì nhận ra xe của anh Trần Thanh Xuân quay lại tìm chúng tôi. Tôi lên xe anh Xuân, Văn Bảo lái mô tô theo sau về địa điểm trú quân. Lúc ấy đúng 12 giờ đêm 29/4/1975 - đêm cuối cùng của chiến tranh. Đêm ấy tôi không ngủ, chỉ mong trời mau sáng. Tôi nằm thao thức, mường tượng ra giây phút tiến vào Dinh Độc Lập và bài tường thuật sẽ viết về những phút giây lịch sử trọng đại của đất nước. Khoảng 5 giờ sáng, chúng tôi được lệnh lên đường. Anh Trần Thanh Xuân thông báo quân ta đã tiến sát Sài Gòn và yêu cầu các phóng viên phải bằng mọi cách vượt lên bám sát các lữ đoàn xe tăng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập.

Xe máy tăng ga, đồng hồ báo tới trên 50km/giờ. Văn Bảo đèo tôi vượt lên dòng thác người và xe cộ nườm nượp trên đường... Khoảng 11 giờ 45 phút trưa 30/4/1975, tôi đến Dinh Độc Lập. Sự kiện lịch sử vừa diễn ra. Cờ chiến thắng vừa được cắm trên nóc Dinh Độc Lập. Trần Mai Hưởng, Vũ Tạo, Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, Đinh Quang Thành... đi theo Sư đoàn 304 và Lữ đoàn xe tăng 203 của Quân đoàn II đã có mặt trước chúng tôi. Các anh đã kịp ghi lại nhiều hình ảnh về những phút giây lịch sử, trong đó có bức ảnh chụp một chiếc xe tăng trong đội hình hành tiến đang vượt qua cổng Dinh Độc Lập của Trần Mai Hưởng được sử dụng rộng rãi sau này như một biểu tượng cho ngày chiến thắng.

Tôi hỏi ngay các dữ kiện không thể thiếu của bài tường thuật (mấy giờ chiếc xe tăng đầu tiên húc tung cánh cửa chính Dinh Độc Lập? Mấy giờ cờ chiến thắng được cắm trên nóc Dinh Độc Lập? Chiến sĩ cắm cờ tên là gì? Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng như thế nào, ta tuyên bố chiến thắng như thế nào?...) rồi lao ngay lên tầng 2. Toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn vừa tuyên bố đầu hàng còn ngồi ở đó. Tôi lập tức hỏi và ghi lại cuộc đối thoại lịch sử giữa Tổng thống ngụy quyền Dương Văn Minh và cán bộ chỉ huy quân giải phóng đánh chiếm Dinh Độc Lập (sau này tôi được biết đó là đồng chí Phạm Xuân Thệ, lúc đó là Đại úy, Trung đoàn phó Trung đoàn 66 của Quân đoàn II cùng với Lữ đoàn xe tăng 203 của quân đoàn được lệnh đột kích, thọc sâu đánh chiếm Dinh Độc Lập).

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng không thể không nhớ tới Bác Hồ, không thể không tìm đến nơi Bác đã ra đi tìm đường cứu nước. Tôi và Văn Bảo ra ngay bến Nhà Rồng. Tại đây, Văn Bảo đã chụp được bức ảnh lịch sử, một chiếc tàu hải quân ngụy bị pháo ta bắn trúng bốc cháy ngùn ngụt. Tôi phỏng vấn được một công nhân làm việc lâu năm ở cảng về tình cảm sâu nặng của người dân Sài Gòn với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu và ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng...
 
Bài tường thuật "Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng" đăng trên Bản tin Đấu tranh thống nhất của VNTTX, ngày 1/5/1975

Mặc dầu còn rất nhiều địa điểm quan trọng như trụ sở Bộ tổng tham mưu ngụy, Tổng nha Cảnh sát, tòa Đại sứ Mỹ... nhưng tôi không ham đi tiếp mà lập tức quay về trụ sở Việt tấn xã để viết bài tường thuật. Khoảng 2 giờ chiều tôi đã viết xong. Bài tường thuật dài khoảng 1.200 từ đó có tên “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”, được chia thành hai phần chính với hai tít nhỏ “Những giờ phút lịch sử” và “Sài Gòn rạng rỡ”.

Bài tường thuật đã viết xong nhưng tôi loay hoay không biết chuyển về Hà Nội bằng cách nào. Điện đài 15w mang theo và cả điện báo viên đều để lại trên Cứ vì công suất đó không thể với tới Hà Nội. Chưa điện được bài nên tôi chẳng lòng dạ nào đi đâu, cứ loanh quanh ở Việt tấn xã ngóng chờ xe chở điện đài và các điện báo viên của TTXGP. Mãi chiều tối các anh mới tới. Sau khi các đồng chí điện báo viên tìm chỗ đặt máy, căng ăng-ten bắt được liên lạc, tôi liền đưa bài tường thuật để các đồng chí điện về, không phải điện về Hà Nội mà là điện về trụ sở TTXGP trên rừng Tây Ninh. Sau này, tôi được biết tối đó anh Phạm Vỵ, cán bộ Phòng Thư ký của Bộ Biên tập cùng đi trong đoàn đã trực cạnh điện đài, xé từng đoạn bài tường thuật của tôi đang được điện về để anh Đào Tùng duyệt lại trước khi điện báo viên dùng điện đài công suất lớn điện tiếp về Hà Nội.
 
Báo Nhân dân ngày 2/5/1975 đăng bài tường thuật của nhà báo VNTTX Trần Mai Hạnh với nhan đề "Tiến vào 'phủ tổng thống" ngụy"

Vì điện báo viên phải đánh moóc từng chữ nên rất mất thì giờ. Bài tường thuật được đăng trên bản tin Đấu tranh thống nhất của VNTTX, phát báo ngay trong đêm 30/4/1975 cũng với đầu đề “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng”. Bản tin phát báo đêm 30/4/1975 bằng teletype của VNTTX chắc do quá khuya nên báo Nhân dân ra sáng 1/5/1975 không đăng kịp. Báo Nhân dân ngày 2/5/1975 đã đăng toàn văn bài tường thuật này nhưng đặt lại đầu dề là “Tiến vào Phủ Tổng thống ngụy”. Bài báo ghi rõ tên người viết: “Trần Mai Hạnh, phóng viên VNTTX tại Sài Gòn”.

3. Trưa 1/5/1975 lịch sử, tôi và Văn Bảo với chiếc đài bán dẫn mang theo, đang trên ô tô đi giữa đường phố Sài Gòn sôi động, nườm nượp những dòng người của ngày hội lớn thì nghe được buổi thời sự đặc biệt của Đài Tiếng nói Việt Nam. Sau khi đọc bản tin đặc biệt của TTXGP: “Từ sáng 1/5/1975, toàn bộ miền Nam nước ta đã hoàn toàn giải phóng”, Đài đã đọc trang trọng bài tường thuật “Thành phố Hồ Chí Minh rực rỡ sao vàng” của tôi. Tôi đã rưng rưng nước mắt. Đời phóng viên có hạnh phúc nào, có niềm xúc động nào lớn lao hơn thế. Lúc ấy tôi nghĩ đến công lao của Bộ Biên tập VNTTX, tới anh Đỗ Phượng đã chọn cử tôi đi chiến dịch lịch sử này, tới anh Đào Tùng đã đứng ra bảo lãnh để có tiền mua xe Honda cho tôi và Văn Bảo có phương tiện tiến về Sài Gòn, tới anh Trần Thanh Xuân đã cho xe ô tô quay lại tìm tôi và Văn Bảo hỏng xe đang loay hoay giữa trời đêm bịt bùng trong rừng rậm Tây Ninh vào đêm cuối cùng của chiến tranh, tới các đồng nghiệp đã ngã xuống, tới các đồng chí điện báo viên TTXGP người đẫm mồ hôi và bụi đường vừa hành quân tới đã lập tức lắp điện đài, căng ăng-ten bắt liên lạc để kịp điện bài tường thuật của tôi. Tuy ký tên tôi, nhưng bài tường thuật là của cả một tập thể với công sức của bao người...
 
Giấy công tác đặc biệt của Uỷ ban Quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định cấp cho nhà báo Trần Mai Hạnh, ngày 1/5/1975

Cũng trong ngày 1/5/1975, tôi xin được Giấy công tác đặc biệt của Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định cho phép tôi, với tư cách phóng viên, được hoạt động nghiệp vụ trên toàn thành phố và yêu cầu các đơn vị và chính quyền các cấp giúp đỡ tôi hoàn thành nhiệm vụ. Nhờ đó, tôi đã đi được khắp thành phố, gặp gỡ các nhân chứng lịch sử, thu thập được nhiều tài liệu, tư liệu giá trị. Ngoài nhiệm vụ phóng viên VNTTX, viết tin, bài kịp thời cho Tổng xã, trong đó có những bài tường thuật viết chung với Trần Mai Hưởng về cuộc mít tinh ra mắt Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn - Gia Định (7/5/1975), về lễ diễu binh lịch sử mừng chiến thắng tại Sài Gòn (15/5/1975), tôi còn viết được một số tác phẩm văn học đã được xuất bản như: “Tình yêu và án tử hình” (Nhà xuất bản Thanh Niên), “Sụp đổ và tự thú”, “Ngày tận thế” (Nhà xuất bản Quân đội Nhân dân). Cuốn tiểu thuyết lịch sử “Những ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa” tôi cũng đã hoàn thành, năm 2000 tiểu thuyết đã được báo Văn nghệ đăng nhiều kỳ và Đài Tiếng nói Việt Nam đọc dài kỳ trong buổi đọc truyện đêm khuya. Vì lý do riêng, đến nay, cuốn sách chưa in được để giới thiệu với độc giả...
 
Các nhà báo VNTTX gồm: Lâm Hồng Long (thứ nhất bên trái), Hứa Kiểm (thứ tư bên trái) và Đinh Quang Thành (thứ nhất bên phải) cùng các đồng nghiệp tại Sài Gòn sau ngày giải phóng, tháng 5/1975

Thời gian đã lùi xa, bao sự kiện đã diễn ra, bao biến cố đã đến với mỗi cuộc đời trong quãng thời gian không ngắn ấy. Ngồi viết lại những dòng này để đóng góp vào cuốn sách “Thông tấn xã Việt Nam với Đại thắng mùa Xuân 1975”, tôi bỗng xúc động, bồi hồi. Anh Văn Bảo, anh Lâm Hồng Long và nhiều phóng viên TTXVN cùng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 nay không còn nữa. Những sự kiện lịch sử chỉ diễn ra một lần, cũng như đời mỗi con người chỉ sống có một lần. Nhưng để hiểu hết chân giá trị của lịch sử, để hiểu đúng một con người lại cần có thời gian, nhiều khi không thể chỉ đánh giá một lần. Lịch sử và cuộc sống luôn là một dòng chảy liên tục, bất tận. Trong cuộc sống hiện tại ngày hôm nay có nền tảng và những giá trị tinh thần vô giá của quá khứ, đồng thời cũng chứa đựng mầm mống và sức sống mãnh liệt của tương lai...
 
Hà Nội, tháng 9/2009

Nội san Thông tấn

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Truyền thông giúp thay đổi thực hành sản xuất và hành vi tiêu dùng (04/04/2024 17:11:14)

Triển lãm ứng dụng công nghệ thực tế ảo về hoạt động thanh niên  (03/04/2024 10:12:02)

“Đổi rác lấy cây” - Chương trình mang thông điệp xanh (03/04/2024 10:07:08)

Sinh hoạt chuyên đề “Nghi thức quốc tế và văn hóa bàn tiệc Âu-Mỹ” (03/04/2024 10:00:44)

Hợp tác truyền thông hướng tới kỷ niệm 70 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Mông Cổ (02/04/2024 19:16:25)

Vụ tấn công tại Moskva: Những ghi nhận từ địa bàn (02/04/2024 18:26:44)

Hòa nhập với bà con dân tộc (01/04/2024 16:44:09)

Hai công việc, một trách nhiệm (01/04/2024 16:42:39)

Kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26/3/1931-26/3/2024): Trao tặng Tủ sách Đinh Hữu Dư và công trình “Thắp sáng địa chỉ đỏ” tại Tuyên Quang (01/04/2024 14:38:16)

Giải thưởng Cống hiến 2024: Vinh danh những gương mặt truyền cảm hứng, đóng góp nổi trội (27/03/2024 23:49:12)