Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Bàn về nâng cao chất lượng ảnh báo chí


(05/11/2007 15:58:57)

Đây là một vấn đề rộng lớn mà trong bài viết này không thể nói hết được một cách thấu đáo. Xin được nêu hai vấn đề nhỏ nhân Nội san Thông tấn số ra tháng 9/2007 đề cập.

Việc thứ nhất: Phóng viên ảnh "chẻ" ảnh nhưng vẫn được Ban Biên tập duyệt cho phát mạng, tức là ảnh đã được "đăng báo" hàng ngày của TTXVN. Đó là tấm ảnh kỹ thuật viên đang làm xét nghiệm ký sinh trùng sốt rét (phát mạng ngày 22/5/2007) đến ngày 24/5, vẫn là kỹ thuật viên ấy lại đang làm xét nghiệm HIV/AIDS. Cũng lại vẫn ảnh phát mạng ngày 11/6/2007, một bác sĩ bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang đang khám và điều trị cho trẻ em bị bệnh viêm màng não. Nhưng chỉ hôm sau, vị bác sĩ lại chuyển sang chủ đề tập huấn sử dụng các loại máy khử trùng; và đến ngày 9/8/2007 cũng vẫn vị bác sĩ ấy đang khám và điều trị cho 120.000 lượt người...

Ở đây chúng ta không trách nhân vật bức ảnh là cô kỹ thuật viên và vị bác sĩ nọ, vì họ làm những việc đúng với chức năng, nhiệm vụ được giao. Phóng viên ảnh cũng đã ghi thực những động tác chuyên môn của họ.

Đó là một thực tế người thật, việc thật.

Điều cần bàn là việc phóng viên ảnh đã "chẻ" ảnh và đã "qua mặt" được người biên tập, người thẩm định cuối cùng cho phát ảnh lên mạng (đăng báo).

Theo tôi, cơ chế khoán định mức là hợp lý, nó đánh giá được chất lượng làm việc của từng phóng viên, biên tập một cách công bằng hơn. Nhưng ngược lại một số phóng viên thiếu nghiêm túc có thể lợi dụng cơ chế "khoán định mức" để chạy theo số lượng đơn thuần chứ không phấn đấu vì nghề nghiệp báo chí. Do vậy, trách nhiệm của biên tập viên và người thẩm định ở các Ban biên tập đòi hỏi phải rất tinh tường, công tâm. Còn nhớ trước đây, trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước cũng như giai đoạn đầu xây dựng Tổ quốc, mỗi phóng viên tin, ảnh của TTXVN đều nêu cao tinh thần trách nhiệm, tính tự giác trong hoạt động nghiệp vụ, có rất nhiều tin hay ảnh tốt gây được tiếng vang lớn, ghi dấu ấn đậm nét trong bạn đọc. Vấn đề ở đây là lòng yêu nghề và sự nhạy bén thông tin đã thấm vào từng đường gân, thớ thịt của người phóng viên một hãng thông tấn quốc gia.

Việc thứ hai: Nội san Thông tấn số 9/2007 có đăng tiểu phẩm: "Nhưng còn cái sự sướng" của Xuân Trường. Tại sao Xuân Trường lại từ chối không nhận 4 giải B gồm: 2 phóng sự ảnh, 1 chùm ảnh và 1 ảnh đơn.

Trước tiên phải khẳng định Xuân Trường có lý. Mà cái lý cao nhất như đã trình bày là phóng viên ảnh có tính độc lập rất cao. Tính độc lập hay nói khác đi là tính sáng tạo trong tạo hình nghệ thuật là rất cần thiết. Chính vì vậy không thể tùy tiện cắt, gọt, sản phẩm ảnh, nhất là trong trường hợp ảnh của Xuân Trường đã được sử dụng, được phát mạng.

Còn nhớ, khi từ trong Nam ra nhận công tác ở Tổng xã tôi được Phó Tổng giám đốc Hoàng Tư Trai hồi đó quyết định phân sang Ban Biên tập ảnh, với lý do đơn giản: "Ảnh thiếu biên tập viên và đảng viên". Thế là từ phóng viên tin tôi về làm biên tập ảnh. Hồi đó tôi được anh Lê Châu giải thích: "Phóng viên ảnh rất tự do... làm biên tập là cầm cương của những con ngựa bất kham". Từ đó cho tới tận bây giờ, tôi vẫn cố tìm hiểu cụm từ "những con ngựa bất kham" mà vẫn chưa lý giải được một cách ngọn ngành.

Thực tế công tác ở Ban Biên tập ảnh, tôi thấy hàng loạt phóng viên ảnh thuộc bậc đàn anh (tạm gọi là chim đầu đàn trong làng nhiếp ảnh Việt Nam) như: các anh Ngọc Khanh, Đức Như, Vũ Hanh, Trần Sơn, Kim Hùng, Minh Trường, Minh Lộc, Nguyễn Chính... là những hình mẫu về lòng say mê nghề nghiệp  và sự sáng tạo độc lập. Đức tính rất cần có cho mỗi phóng viên khi cầm máy, khi bấm máy tạo nên góc cạnh, tạo nên phong cách của từng người và của một lớp người - lớp phóng viên đã làm nên những dấu ấn không phai mờ trong làng nhiếp ảnh báo chí Việt Nam.

Hồng Long
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2007