Chủ nhật, ngày 07/07/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tin văn bản


(09/10/2007 09:18:08)

Phóng viên trẻ: Tôi có một băn khoăn định hỏi Người Viết Báo từ lâu mà chưa có dịp: Một số lần, tôi dựa vào các báo cáo, các văn bản để làm tin, viết bài nhưng sau đó cứ bị chê là "bài viết như báo cáo". Vậy chẳng lẽ phóng viên không được viết tin bài theo báo cáo, theo văn bản hay sao?

            Người Viết Báo: Các báo cáo, quyết định, thậm chí là công văn..., mà ta gọi chung là văn bản, là một trong những nguồn thông tin và là nguồn thông tin khá quan trọng của nhà báo. Thứ nhất đó là nguồn thông tin chính thống; thứ hai, vì những thông tin đó ở dạng văn bản nên có tính chính xác cao. Hồ sơ về một vụ việc nào đó thực chất cũng là văn bản. Các nhà báo, kể cả nhà báo phương Tây đều rất coi trọng việc khai thác thông tin từ các văn bản. Tôi chưa thấy một nhà báo nào 'chê' văn bản và cũng chưa thấy ai cấm nhà báo khai thác văn bản để viết cả.

            - Thế thì tại sao tin bài của tôi lại cứ bị chê là khô khan, viết... 'như báo cáo'?

            - Bạn cần để ý là tin bài của bạn như bạn nói là bị chê 'viết như báo cáo' chứ không phải bị chê là 'viết theo báo cáo', đúng không. Như vậy lỗi ở đây không phải là do nguồn tin từ báo cáo mà nếu có là do cách viết, cách thể hiện 'như báo cáo'. Tức là, nếu không phải là 'bê' gần như nguyên xi báo cáo vào tin bài thì cũng là chỉ sử dụng thông tin trong báo cáo để viết và sử dụng ngôn ngữ, văn phong hành chính vào trong tin bài nên bài của bạn mới bị chê là khô khan 'như báo cáo'.

            - Tôi hiểu rồi! Quả là nhiều khi ngại suy nghĩ, tôi cứ chặt từng khúc báo cáo ra rồi chêm liên từ vào thế là thành tin, bài.

            - Thực ra thì khi sử dụng báo cáo, văn bản để làm tin, không ai cấm việc trích nguyên văn từng đoạn, từng ý vào tin bài. Vấn đề ở đây là bạn phải diễn đạt như thế nào cho nó ra một bài báo chứ không phải là là để bạn đọc khi dọc tin bài vẫn có cảm giác là đang đọc một văn bản hành chính. Tức là, bạn phải làm sao nói cho lọt tai bạn đọc.

            Trước đây, trong một lần trao đổi tôi đã nói đại ý rằng, bài báo và văn bản hành chính có một điểm khác nhau cơ bản là: Đối với người đọc, văn bản hành chính mang tính áp đặt còn bài báo mang tính tự nguyện. Có nghĩa là, đối với văn bản hành chính, người có phận sự bắt buộc phải đọc; còn đối với bài báo, bạn đọc có đọc hay không là tùy ở họ. Do đó, nhà báo phải viết sao cho đủ sức thuyết phục bạn đọc tìm đến và đọc bài của mình. Vì vậy, nhà báo không thể viết tin bài như một văn bản hành chính bởi nếu như thế, bạn đọc sẽ chán và không muốn đọc bài báo ấy. Như vậy, vấn đề ở đây không phải là có được viết theo báo cáo hay không mà là bạn phải viết như thế nào để hấp dẫn bạn đọc.

            - Nhưng viết thế nào để hấp dẫn bạn đọc?

            - Đó là sự phấn đấu trong suốt cuộc đời làm báo của mỗi phóng viên mà một phần trong những vấn đề đó chúng ta đã trao đổi trong chủ đề 'Viết như thế nào?'. Tuy nhiên, lần này chúng ta sẽ trao đổi cụ thể vấn đề làm thế nào để 'biến' một bản báo cáo hoặc một quyết định hành chính (gọi chung là văn bản) thành một tin bài khả dĩ có thể thu hút được bạn đọc. Vì vậy khi xử lý văn bản, bạn cần lưu ý một số điều sau:

            Thứ nhất, ngôn ngữ, văn phong trong các văn bản là ngôn ngữ, văn phong hành chính, thậm chí nhiều khi còn mang 'ngôn ngữ' của chuyên ngành thống kê nên thường đã được tổng hợp, khái quát vì vậy mà rất khô khan, đơn điệu.

            Thứ hai, bạn hãy lưu ý một điều: Mặc dù có vai trò quan trọng nhưng các văn bản hành chính cũng chỉ là nguồn tin nên bạn chỉ có thể dựa vào đó để triển khai các công việc phóng viên tiếp theo chứ đừng 'diễn ca báo cáo' thành tin.

            - Như vậy thì phóng viên dùng các văn bản ấy để làm gì?

            - Như trên tôi đã trao đổi, các văn bản hành chính là một nguồn thông tin rất quan trọng vì tính chính thống và chính xác của nó. Vì vậy, bạn hãy khai thác tối đa điểm mạnh này của văn bản. Chẳng hạn, các bản báo cáo thường cho ta một cái nhìn bao quát về một vấn đề, một địa phương hay một doanh nghiệp, từ đặc diểm tình hình, những thuận lợi, khó khăn đến quá trình thực hiện nhiệm vụ và kết quả công việc... Các bản báo cáo cũng mang tính tổng hợp cao, đưa ra những nhận định, đánh giá khái quát về một hay nhiều vấn đề; đồng thời cũng cung cấp cho ta những số liệu rất cần thiết cho việc viết báo...

            Tuy nhiên, bạn chỉ nên dựa vào các bản báo cáo đó để tìm hiểu, từ đó phát hiện vấn đề rồi sử dụng các luận điểm và các số liệu trong báo cáo để dựng cái khung cho bài viết. Còn công việc chính bạn vẫn phải đi cơ sở để tìm hiểu thực tế để bồi da, đắp thịt cho bài viết, làm cho bài viết trở nên sinh động, hấp dẫn. Bởi vì, cái mà bạn đọc cần ở bài báo là thực tiễn sinh động của cuộc sống chứ không phải là những nhận định khái quát và con số khô khan.

            - Tôi hiểu rồi, nói như Người Viết Báo thì ở một góc độ nào đó, có thể coi các văn bản vẫn chỉ là 'lý thuyết màu xám' nên nhà báo cần phải thêm 'cây đời xanh tươi' để cho bài báo có hồn hơn. Thế nhưng thực tế có không ít tin chỉ đưa về một quyết định mới, ví dụ như quyết định tăng hay giảm thuế nhập khẩu xăng dầu chẳng hạn, mà vẫn thu hút được sự quan tâm của bạn đọc đấy thôi?

            - Tôi hiểu bạn định nói rằng, cái tin đó chỉ đưa về nội dung văn bản mà vẫn là một tin hay, manh tính thời sự chứ gì. Điều đó hoàn toàn đúng. Nhưng ở đây, bản thân văn bản đó, mà như ví dụ cụ thể của bạn là quyết định tăng giảm thuế nhập khẩu xăng dầu, đã là một sự kiện cần đưa tin, do đó nó trở thành đối tượng của tin tức rồi. Vì vậy chỉ cần nêu nội dung văn bản cũng đã thành tin, thậm chí là tin sốt dẻo, được nhiều bạn đọc quan tâm.

            Tuy nhiên, tôi cũng lưu ý bạn một điều, trong quyết định thay đổi thuế suất nhập khẩu như bạn nói ở trên, Bộ Tài chính chỉ nói từ ngày bao nhiêu, thuế suất nhập khẩu xăng dầu là bao nhiêu, ví dụ là 5% chẳng hạn chứ không nêu rõ 'từ 2% lên 5%' hay 'từ 7% xuống 5%' nên có người ít am hiểu và quan tâm đến lĩnh vực này sẽ không biết là như vậy thì thuế tăng hay giảm, tăng giảm bao nhiêu. Do đó, nếu trong tin, bên cạnh việc nêu thuế suất mà Bộ Tài chính mới quy định, bạn còn nêu được thuế suất trước đó là bao nhiêu thì bạn đọc sẽ biết được như vậy là thuế tăng hay giảm, tăng giảm bao nhiêu; và khi đó thì tin của bạn cũng đã phong phú và giúp ích cho bạn đọc hơn rồi. Nếu trong tin bạn lại nêu được nguyên nhân của việc tăng giảm thuế đó và phân tích sự tác động của việc tăng giảm thuế tới nền kinh tế và đời sống của người dân thì rõ ràng, bài báo đã có chiều sâu và hấp dẫn hơn một cái tin thông báo đơn thuần.

            Tuy nhiên, tôi muốn nói với bạn một điều...

            - Tôi hiểu Người Viết Báo định nói gì rồi, đó là ta phải tích lũy tư liệu và am hiểu vấn đề?

            - Bạn nói hoàn toàn đúng. Cho nên có người nói làm báo chính là quá trình tìm hiểu và tích luỹ. Điều đó cũng lý giải những nhà báo lão thành, những nhà báo giỏi trong bài viết thường có sự liên hệ rất sâu sắc và nhiều khi chính điều đó tạo nên chiều sâu và làm nên cái tầm của bài báo cũng như tác giả. Nhưng thôi, điều này lại liên quan đến công tác tư liệu của phóng viên mà khi nào có điều kiện tôi sẽ trao đổi với bạn sau.

Người Viết Báo
Theo Nội san Thông tấn, số 9/2007