Thứ bảy, ngày 20/04/2024

Tin tức trong ngành

Chuyện ở nơi tâm dịch


(02/04/2021 17:10:08)

Đây là lần thứ ba, dịch COVID-19 quét qua Hải Dương và có lẽ là lần ảnh hưởng nghiêm trọng nhất đến mọi mặt đời sống, kinh tế-xã hội của tỉnh. Trước tình hình dịch bùng phát nhanh và phức tạp, Cơ quan thường trú (CQTT) Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) tại Hải Dương xác định đưa thông tin nhanh, chính xác nhưng cũng phải rất hài hòa để vừa động viên lực lượng phòng, chống dịch vừa tránh gây hoang mang cho người dân. Nội san Thông tấn xin giới thiệu những chia sẻ của nhà báo Đinh Mạnh Tú, Trưởng CQTT tại Hải Dương, về những ngày nỗ lực vượt khó và những kinh nghiệm quý rút ra trong đợt tác nghiệp đặc biệt này.

Trưởng CQTT TTXVN tại Hải Dương Đinh Mạnh Tú dẫn hiện trường đưa tin về khu vực cách ly xã Lê Lợi, TP. Chí Linh, tỉnh Hải Dương, trong đêm giao thừa Tết Tân Sửu 2021

Xử lý thông tin ban đầu
 
Tính đến nay, đã hơn hai tháng kể từ khi ca dương tính với SARS-C0V-2 đầu tiên được phát hiện tại Hải Dương, ngày 27/1, thời điểm chỉ còn hơn chục ngày nữa là đến Tết nguyên đán Tân Sửu.
 
Còn nhớ, chiều hôm đó, khi nhận được thông tin đầu tiên về ca bệnh COVID-19 mới, chúng tôi lập tức liên hệ với lãnh đạo tỉnh Hải Dương, Sở Y tế nhưng tất cả đều không liên lạc được. Trong khi đó, tại Tổng xã, các đơn vị thông tin liên tục gọi điện, chỉ đạo phải có thông tin ngay vì một số tờ báo đã đưa tin. Với kinh nghiệm nhiều năm thường trú tại địa bàn, chúng tôi nhận định, đây sẽ là đợt dịch nguy hiểm nhất, ảnh hưởng nặng nề đến Hải Dương.
 
Tại thời điểm đó, dù rất nóng ruột song chúng tôi không thể đưa thông tin, làm báo cáo bởi không có nguồn tin nào xác nhận sự việc. Điều quan trọng là tại Hà Nội đang diễn ra Đại hội Đảng lần thứ XIII. Tất cả những đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh Hải Dương đang tham dự Đại hội và không thể liên lạc được. Trong khi đó, yêu cầu cao nhất của TTXVN là mọi thông tin phát ra phải hết sức cẩn trọng và chính xác. Sau cả trăm cuộc điện thoại, cuối cùng cũng có một nguồn tin xác nhận, nhưng đề nghị TTXVN phải cân nhắc việc đưa tin ngay lúc này, tránh gây hoang mang dư luận, để tỉnh Hải Dương có biện pháp xử lý ổ dịch kịp thời. Trong khi đó, một số tờ báo điện tử đưa tin ban đầu đã rút tin này.
Trong thời gian 42 ngày (từ 27/1 đến 10/3), CQTT TTXVN tại Hải Dương đã thực hiện 126 tin, bài văn bản; 74 tin, phóng sự truyền hình; 81 chủ đề ảnh với hàng trăm bức ảnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại địa bản. Có những ngày cao điểm, CQTT Hải Dương đã thực hiện cả chục, tin bài văn bản; 5-6 tin, phóng sự truyền hình và nhiều chủ đề ảnh theo yêu cầu của các đơn vị thông tin. CQTT Hải Dương đã khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực hoàn thành một khối lượng thông tin khá lớn, tạo được sự khác biệt của TTXVN với các cơ quan báo chí khác.

 
Chúng tôi băn khoăn giữa việc đưa tin hay không. Sau 10 phút trao đổi với đồng nghiệp, tôi quyết định báo cáo với Ban lãnh đạo ngành và đề xuất CQTT TTXVN tại Hải Dương chưa đưa tin ngay, để ngày 28/1 có thông tin chính thức từ cơ quan chức năng mới đưa tin. Phó chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương sau này mới tiết lộ, việc chưa thông tin cho báo chí là do tỉnh đã có kế hoạch xử lý hàng nghìn F1 liên quan đến trường hợp mắc COVID-19 đầu tiên. Khi được biết chủng virus mới có tốc độ lây lan rất nhanh, tỉnh Hải Dương đã giữ bí mật thông tin để toàn bộ số công nhân của công ty TNHH điện tử POYUN đi làm trở lại và tiến hành phong tỏa ngay sau đó, đồng thời cách ly toàn bộ số công nhân này. Nếu thông tin lộ ra ngoài, nhất là vào dịp cận Tết nguyên đán, có thể sẽ có nhiều công nhân tự ý bỏ việc, tỏa đi các địa phương khác để về nhà đón Tết. Lúc này, hậu quả sẽ không thể lường hết được.
 
Đúng theo kế hoạch, ngày 28/1, Hải Dương đã phong tỏa toàn bộ công ty POYUN và TP. Chí Linh. PGS.TS, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Tổ trưởng Tổ công tác của Bộ Y tế Trần Như Dương đã nhận định, đây là quyết định đúng đắn nhất, giúp Hải Dương có cơ hội khống chế dịch bệnh ngay từ đầu.
 
Thay đổi phương thức tác nghiệp
 
Khi dịch bùng phát tại địa phương, CQTT TTXVN tại Hải Dương có ba phóng viên nhưng một phóng viên nam gần như không tham gia đưa tin và xin cách ly tại nhà do từng có mặt tại một địa điểm nằm trong danh sách truy vết của cơ quan chức năng tại TP. Chí Linh (ổ dịch của Hải Dương lúc đó). Vì thế, lực lượng phóng viên thực hiện tuyến tin phòng, chống dịch COVID-19 của CQTT Hải Dương chỉ còn tôi và phóng viên Mạnh Thị Minh.
 
CQTT Hải Dương cũng đã bàn bạc và quyết định không xin chi viện từ Tổng xã do dịch bệnh xảy ra đúng dịp Tết nguyên đán. Để đảm bảo thông tin nhanh, chính xác, chúng tôi đã phân công công việc cụ thể cho từng phóng viên. Trưởng CQTT bám sát Ban chỉ đạo phòng, chống dịch của tỉnh, lên kế hoạch tổ chức tuyến thông tin dài hơi. Đồng thời, phân công một người sản xuất thông tin truyền hình, một người thực hiện thông tin văn bản và ảnh để gửi về Tổng xã nhanh nhất. CQTT Hải Dương cũng xây dựng các đề tài, cùng nhau bàn bạc, thảo luận cách thức thực hiện sao cho hiệu quả và đảm bảo an toàn, không để xảy tình trạng phóng viên bị nhiễm bệnh.
 
 
Nhóm phóng viên CQTT TTXVN tại Hải Dương phỏng vấn người dân về tình hình sản xuất nông nghiệp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội, tháng 3/2021  

Để thực hiện tuyến thông tin về dịch COVID-19, các cơ quan báo chí đã cử nhóm phóng viên cùng phương tiện, trang thiết bị tốt nhất có mặt tại Hải Dương. Thậm chí, họ sẵn sàng cử người vào ăn, ngủ, tác nghiệp trong khu vực phong tỏa. Tuy nhiên, CQTT Hải Dương không thể làm như vậy, bởi chúng tôi chỉ có hai người. Vào vùng phong tỏa là khả năng nhiễm bệnh rất cao do virus lây lan nhanh, không có triệu chứng nên khó có thể phân biệt được người nhiễm bệnh hay khỏe mạnh. Vì thế, chúng tôi đã tận dụng tất cả các mối quan hệ với anh em đồng nghiệp trên địa bàn, nhất là trong các khu vực bị phong tỏa, cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến… để có thông tin, cũng như phối hợp để cùng thực hiện thông tin về dịch bệnh một cách chân thực và chính xác nhất.
 
Với mối quan hệ tốt với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành, tôi đã được tham gia vào các nhóm Zalo chỉ đạo thông tin về COVID-19 của tỉnh nên CQTT Hải Dương luôn có được thông tin nhanh, chính xác.
 
Việc thường xuyên đưa thông tin lên trang Facebook cá nhân của phóng viên CQTT Hải Dương được nhiều người quan tâm, theo dõi, từ lãnh đạo đến các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Qua tương tác trên mạng xã hội, nhiều người đã cung cấp các thông tin bên lề, thông tin ở trong vùng dịch mà nhiều cơ quan báo chí khác khó tiếp cận.
 
Sẻ chia trong tâm dịch
 
Bên cạnh việc thông tin kịp thời về tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, CQTT Hải Dương còn phối hợp với Đoàn thanh niên TTXVN vận động nhiều nhà hảo tâm quyên góp vật tư y tế phòng, chống dịch; đồng thời trao tận tay số vật tư này tới các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch, với số tiền gần 350 triệu đồng.
 
Tổng cộng trong ba đợt bùng phát dịch, CQTT Hải Dương đã phối hợp với các đơn vị trong ngành trao tặng trang thiết bị, vật tư y tế cho tỉnh Hải Dương với tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Qua đó, khẳng định vị thế, vai trò của TTXVN tại địa phương.
 
Dịch bệnh xảy ra đúng vào dịp Tết nguyên đán, trong khi mọi người được xum vầy cùng gia đình thì các phóng viên CQTT Hải Dương phải tập trung cao độ cho công việc. CQTT đã kịp thời động viên các phóng viên bằng nhiều hình thức, cả về vật chất và tinh thần, để vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
 
Đại diện CQTT TTXVN tại Hải Dương và Tỉnh đoàn Hải Dương trao tặng vật tư y tế phòng chống dịch COVID-19 cho người dân xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, tháng 2/2021

Những kỷ niệm khó quên
 
Đối với CQTT TTXVN tại Hải Dương, Tết Tân Sửu năm nay có lẽ là cái Tết ấn tượng và khó quên nhất, bởi chúng tôi làm việc gần như quên thời gian và không có bữa ăn nào đúng giờ. Thậm chí, bữa tối thường xuyên diễn ra lúc 23 giờ, bởi buổi tối là lúc thông tin đến dồn dập, đòi hỏi phải tập trung xử lý ngay. Sức ép thông tin khiến chúng tôi phải gồng mình lên để làm việc. Có những thời điểm ốm, mệt mà không dám nghỉ ngơi, chỉ ngả lưng một chút rồi lại làm bạn với máy tính, máy quay, máy ảnh. Nhiều lúc mệt quá, anh em gục xuống bàn làm việc, chợp mắt năm, mười phút rồi lại choàng dậy đi làm.
 
Nhớ lại ngày 30 Tết, thực hiện những cảnh quay cuối cùng của phóng sự truyền hình Tết đặc biệt ở nơi tâm dịch thì đã hơn 21 giờ. Hoàn tất việc dựng hình, viết bài, gửi về Tổng xã là lúc chuông đồng hồ điểm 23 giờ, bắt đầu bước vào thời khắc giao thừa. Cảm thông với sự bận rộn của anh em phóng viên TTXVN, một người bạn đã mời chúng tôi đến nhà, dùng bữa cơm giao thừa với gia đình. Rất xúc động với tấm thịnh tình của bạn, chúng tôi tranh thủ ghé qua, dùng miếng bánh chưng và miếng giò để cảm nhận hương vị ngày Tết, rồi xin phép quay lại cơ quan ngay để tiếp tục công việc. Trên đường đi, ngó vào những căn nhà ven đường, chúng tôi không khỏi ngậm ngùi khi ai ai cũng được quây quần, đầm ấm bên gia đình đón chào năm mới, trong khi chúng tôi vẫn “lang thang” ngoài đường. Nhưng rồi, chúng tôi mau chóng tự nhủ, bên chúng tôi vẫn có hàng nghìn y bác sỹ, nhân viên y tế, lực lượng chức năng đang cùng người dân từng giờ từng phút đẩy lùi dịch bệnh.
 
Hơn một tháng tác nghiệp tại tâm dịch, nhiều lần chúng tôi nhận được thông tin, một người thân của nhân vật vừa phỏng vấn là F1 và đang được đưa đi cách ly. Nhận thức rõ mối nguy hiểm rất đặc thù của nghề nghiệp, cứ một tuần chúng tôi lại đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 một lần và thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm lần nào cũng vậy, dài dằng dặc và nhiều lo âu. Bởi nếu CQTT có một người bị dương tính và đưa đi điều trị, cách ly thì toàn bộ thông tin trên địa bàn sẽ bị bế tắc…
 
Có mặt tại hiện trường, tận mắt chứng kiến hình ảnh những cháu bé 6-7 tuổi, non nớt, lạ lẫm thậm chí hoảng sợ khi phải xa gia đình vào khu cách ly tập trung, hay hình ảnh người dân Hải Dương vận động nhau chia ngọt sẻ bùi, từ cân gạo, quả trứng đến việc giúp nhau tiêu thụ nông sản bị dồn ứ vì lệnh phong tỏa… khiến chúng tôi không khỏi xúc động.
 
Những thước phim chúng tôi ghi được trên những cánh đồng su hào, bắp cải quá lứa thu hoạch, súp lơ nở hoa trên đồng vì không được thu mua, những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt sạm đi vì nắng gió của người nông dân được truyền tải mạnh mẽ và ấn tượng trên các phương tiện thông tin của ngành, chứa đựng những xúc cảm không thể nào quên trong đời làm báo của chúng tôi. Và ngay sau đó, trên mạng xã hội, những người con của Hải Dương đi làm ăn xa và cả những tấm lòng Việt đang hướng về Hải Dương kêu gọi nhau thu mua nông sản để bán giúp bà con quê nhà. Và có lẽ, chúng tôi - những phóng viên TTXVN phải cảm ơn nghề, đã cho chúng tôi được sống, được chứng kiến và ghi lại những dấu ấn đặc biệt như thế!
 

Đinh Mạnh Tú - Trưởng CQTT tại Hải Dương
Nội san Thông tấn số 3/2021

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Tết “covid” xa nhà (02/04/2021 17:09:58)

Xoay xở trong đại dịch (02/04/2021 17:09:36)

Những bông hoa việc tốt  (02/04/2021 17:09:12)

Những cô gái đi "R" ngày ấy (02/04/2021 17:09:02)

Chuyển đổi số - cơ hội và thách thức với người làm báo trẻ Thông tấn (02/04/2021 17:01:51)

Trưng bày ảnh trực tuyến "90 năm - Đoàn ta tự hào tiến bước" (02/04/2021 16:58:11)

Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở vùng cao, biên giới  (02/04/2021 16:02:06)

Tổng kết công tác thi đua khen thưởng năm 2020 (31/03/2021 09:46:04)

Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức và người lao động năm 2020: Đổi mới quyết liệt trong quản lý điều hành, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị (30/03/2021 20:08:48)

Hãng thông tấn quốc gia Argentina mong muốn tăng cường hợp tác với TTXVN (30/03/2021 09:27:30)