Thứ ba, ngày 03/09/2024

Tin trong ngành

Chuyện về ngôi làng biệt lập giữa rừng


(17/01/2023 11:14:10)

Cách đây 6 năm - năm 2016, một cơ duyên đã đưa tôi đến với miền “đất võ, trời văn” để nhận nhiệm vụ phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) thường trú tại Bình Định. Và nơi đây, tôi đã có nhiều kỷ niệm cùng những chuyến đi nhớ đời. Theo sự điều động phân công của cơ quan, từ tháng 9/2022, tôi chuyển về công tác tại Cơ quan thường trú (CQTT) Quảng Trị.

Phóng viên Nguyên Linh (ngoài cùng bên phải) cùng đội thanh niên tình nguyện lắp đặt bộ năng lượng điện mặt trời cho người dân làng O2, xã Vĩnh Kim, Vĩnh Thạch, Bình Định, tháng 8/2018

Tôi nhớ như in chuyến “công tác đặc biệt” kéo dài một tuần, cùng đội thanh niên tình nguyện Tỉnh đoàn Bình Định trong chương trình lắp đặt năng lượng điện mặt trời cho người dân làng O2, xã Vĩnh Kim, huyện miền núi Vĩnh Thạnh vào giữa tháng 8/2018.

Buổi sáng, khi đang ngồi cà phê, tình cờ nghe anh Lý Anh Việt, cán bộ Tỉnh đoàn giới thiệu kế hoạch tình nguyện ở làng O2 - ngôi làng xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh Bình Định, nằm trên núi Konhlon cao vời vợi, biệt lập với thế giới bên ngoài, tôi thấy đây là đề tài hay, háo hức muốn đi, muốn viết để được trải nghiệm. Ngay sau đó, tôi báo cáo đề tài, kế hoạch với Trưởng CQTT và hào hứng chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp, các vật dụng, lương thực thiết yếu để đi rừng. Đường vào làng khó khăn phải đi bộ, leo núi cao trong nhiều giờ nên hành lý mang theo phải gọn nhẹ, ưu tiên sạc dự phòng và pin máy ảnh. Trước khi đi, tôi không quên gọi điện thông báo với gia đình việc mình đi công tác miền núi, có thể nhiều ngày không liên lạc được.

Bốn giờ sáng, xuất phát từ TP. Quy Nhơn, vượt qua hơn 110km, đoàn tình nguyện đến địa điểm tập kết ở thượng nguồn sông Kôn, gần nhà máy thủy điện Vĩnh Sơn lúc trời vừa hửng sáng. Chúng tôi rời ô tô để bắt đầu chinh phục đỉnh núi Konhlon, mang ánh sáng đến với đồng bào Ba Na. Con đường độc đạo đến làng O2 dài chừng 10km, bắt đầu từ cây cầu treo dựng tạm bợ bằng tre và dây mây bắc qua sông Kôn, leo lên những ngọn núi cao và “bò” qua những con dốc dựng đứng. Hơn 5 tiếng leo núi, chúng tôi cũng đến được làng O2 khi chân tay mệt rã rời.
 
Đường vào làng O2 đi qua nhiều ngọn núi cao và chiếc cầu treo tạm bợ rất nguy hiểm

Ngôi làng nhỏ bé hiện dần ra trước mắt, hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Làng có 48 hộ đều thuộc diện hộ nghèo, với 190 khẩu là người dân tộc Ba Na, nằm lọt thỏm giữa rừng núi cao và heo hút. Đường xá đi lại khó khăn nên người dân nơi đây sống cách biệt, tự cung tự cấp, nhiều người trong làng không biết chữ, không biết tiếng Kinh. Bí thư chi bộ làng O2 Đinh Rươn dẫn nhóm thanh niên ra tận đầu làng đón và đưa chúng tôi đến nhà rông, chỉ chỗ ăn ở. Đội tình nguyện 10 người chúng tôi “phân lô” chỗ ngủ và học nhanh nếp ăn, nếp ngủ ở nhà rông của làng.

Đêm đầu tiên ở vùng cao, bên bếp lửa bập bùng với ché rượu cần thơm phức mà làng O2 đãi khách, già làng Bók Xuân say sưa kể câu chuyện giữ đất, giữ rừng. Trước đây, chính quyền địa phương đã có chủ trương di dời cả làng đi nơi khác có địa hình thuận lợi hơn để phát triển kinh tế. Nhưng làng đã có từ lâu đời, đồng bào sống ở đây đã quen, hồn thiêng của tổ tiên vẫn ở trong những cánh rừng. Chính vì vậy, già làng Bók Xuân cùng người dân vẫn quyết ở lại, gắn bó với O2.

Những ngày ở O2, tôi vừa thu thập thông tin, quay phim, chụp hình, vừa cùng đoàn tình nguyện đào hố, dựng cột, lắp ráp thiết bị năng lượng điện mặt trời cho bà con. O2 nằm biệt lập giữa rừng già, bao đời nay người dân sống không có điện, không nước sạch, không sóng điện thoại, không đường giao thông... Nguồn điện sáng cho cả làng nhờ vào chiếc máy nổ phát điện chạy bằng dầu diesel của huyện, mỗi đêm chạy 2-3 tiếng; nhưng chiếc máy nổ đã hư, không chạy được nữa. Tác nghiệp trong điều kiện thiếu thốn, không điện, không sóng điện thoại trong suốt một tuần là một áp lực lớn. Hằng đêm, tôi phải nhờ người dân bản địa dẫn ra ngọn núi trước làng để gọi điện thoại, “kết nối” với bên ngoài. Tranh thủ thời gian, tôi đi thăm thú khắp làng, tìm hiểu cuộc sống của bà con nơi đây. Thành quả của chuyến công tác ấy là loạt ảnh, bài, phóng sự truyền hình được đăng, phát sóng trên các báo, kênh truyền hình của TTXVN, mang đến sự mới lạ, thú vị, thu hút sự quan tâm của công chúng.

Thời gian công tác ở làng O2, chúng tôi nhận được những tình cảm ấm áp, nghĩa tình. Đồng bào O2 hiền lành, mến khách, ngày nào cũng có người mang rau rừng, măng, bí xanh đến cho chúng tôi, có người mang cả gà, vịt đến để cải thiện bữa ăn cho đoàn. Buổi tối, dân làng kéo đến nhà rông uống rượu, hát múa giao lưu. Hơn một tuần, toàn bộ các hộ dân ở làng O2 đều được lắp bộ năng lượng điện mặt trời. Có điện, làng O2 nhộn nhịp hơn, hoàng hôn xuống, cả làng bừng sáng nhờ ánh đèn điện, những âm thanh rộn ràng của tiếng nhạc phát ra từ những mái nhà sàn xua đi sự vắng lặng, hoang vu của núi rừng. Những tấm panel điện mặt trời vừa được lắp đặt không chỉ làm thay đổi đời sống tinh thần của người dân sống biệt lập giữa rừng mà còn mang đến niềm hy vọng về một cuộc sống mới.
 
Làng O2 nằm biệt lập, lọt thỏm giữa đại ngàn

Hôm tiễn đoàn xuống núi, dân làng O2 chuẩn bị một bữa cơm rượu khá thịnh soạn, toàn những sản vật ngon, lạ của núi rừng mà bà con góp lại để bày tỏ tấm lòng mến khách. Trong câu chuyện ấm áp buổi chia tay, tôi vẫn nhớ rõ từng khuôn mặt đen đúa, cái nắm tay ấm thật chặt và nụ cười tưới rói của người dân O2. Họ nói lời cảm ơn và gửi gắm về xuôi ước mong có một con đường để kết nối với thế giới bên ngoài, giúp dân bản vơi đi phần nào khó khăn, vất vả.

Tạm biệt O2, niềm vui lan tỏa trong tôi suốt chặng đường về. Thượng nguồn sông Kôn vẫn rì rầm chảy về xuôi như lời thì thầm của người O2, mong ước có một con đường. Từ chuyến công tác vùng cao O2, được sống chung với đồng bào, nghe những tâm sự giản dị của bà con, tôi luôn tự nhủ phải có thêm nhiều chuyến đi về vùng đặc biệt khó khăn, có nhiều hơn nữa tin, bài mang hơi thở cuộc sống, làm “cầu nối” đưa những tâm tư, nguyện vọng của đồng bào các dân tộc thiểu số đến với Đảng, Nhà nước. Bước sang năm mới 2023, tôi mong mình có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục đến với người dân ở những vùng đất xa xôi nhất, khó khăn nhất./.

Nguyên Linh - CQTT tại Quảng Trị
Nội san Thông tấn Xuân 2023

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Hiệu quả từ công tác phối hợp (17/01/2023 11:07:02)

Hiệp định Paris 1973 - Bước ngoặt tiến tới hòa bình (17/01/2023 11:04:35)

Thăm và chúc Tết Quý Mão 2023 (13/01/2023 17:20:10)

Hội chợ Xuân gây Quỹ nghĩa tình đoàn viên (12/01/2023 16:51:34)

Triển khai nhiệm vụ công tác Đảng năm 2023 (06/01/2023 18:37:32)

Hội nghị Tổng kết công tác ngành năm 2022 và triển khai nhiệm vụ năm 2023: Năm 2023 - Năm của nội dung số (06/01/2023 14:43:04)

Bàn giao và đưa vào sử dụng Trung tâm thông tin TTXVN tại Hải Dương (05/01/2023 10:18:26)

Phát huy sức mạnh tổng hợp (04/01/2023 07:56:56)

Không ngừng sáng tạo (04/01/2023 07:55:47)

Vượt bão COVID-19 (04/01/2023 07:54:19)