Thứ tư, ngày 24/07/2024

Sổ tay phóng viên

Đầu xuân gặp gỡ nữ nhà báo tuổi Mão


(12/01/2011 10:13:20)

Canh Dần đi qua, Tân Mão đã đến. Một năm mới, mùa xuân mới đem đến cho con người nhiều xúc cảm bâng khuâng đến lạ thường. Trong dòng cảm xúc đó, NSTT đã có buổi gặp gỡ đầu Xuân với nữ nhà báo tuổi Mão - Tuyết Nhung, cùng chị chia sẻ kỷ niệm của những ngày làm phóng viên thường trú, đón Tết, trực Tết ở xứ hoa anh đào.

            PV: Chào chị, mùa xuân đang đến, chị có nhớ cảm giác những ngày ăn Tết xa nhà khi đi thường trú ở phân xã Tôkyô?

            Nhà báo Đoàn Thị Tuyết Nhung (ĐTTN): Tất nhiên là nhớ chứ! Ba năm ăn Tết xa nhà quả là những kỷ niệm khó quên. Nhớ vì ăn Tết ở nơi "xứ người" khác nhiều so với ăn Tết ở nhà. Đáng nói nhất có lẽ là không khí Tết. Ở một nơi mà họ ăn Tết theo lịch Dương còn mình theo lịch Âm thì chắc chắn sẽ có nhiều điều khác biệt và việc không có không khí Tết là chuyện bình thường.

 

            PV: Xa quê, khác biệt về phong tục tập quán, để có một cái Tết truyền thống hẳn có nhiều khó khăn?

            ĐTTN: Nhìn chung, mọi người ở phân xã ăn Tết khá đơn giản. Một phần do không có điều kiện để nấu nhiều món ăn mang đặc trưng của hương vị Tết quê nhà vì thiếu thốn nguyên liệu, phần nữa do các phóng viên hoặc không đưa vợ, con sang, hoặc chưa xây dựng gia đình nên cũng không quá cầu kỳ.

           

Nhà báo Đoàn Thị Tuyết Nhung (thứ hai bên trái) trao đổi với tu nghiệp sinh Việt Nam tại một công trường xây dựng

Các phóng viên nam có khi chỉ cần một cái bánh chưng, một cây giò lụa và một cây giò bò là coi như có Tết rồi. Vì là nữ, nên tôi có phần cầu kỳ hơn đôi chút. Tôi cố gắng sắm một mâm ngũ quả (tất nhiên là không có nải chuối xanh như ở nhà), nấu xôi gấc (ruột gấc do ở nhà gửi sang), luộc gà, gói nem, và đặc biệt là nấu một nồi măng lớn, vừa để mời khách, vừa chia sẻ với anh em phân xã. Tôi còn lùng mua một số cành đào bằng nhựa để cắm ở phân xã cho có không khí Tết. Cũng giữ phong tục như ở nhà, chúng tôi thường đi lễ chùa để cầu mong sức khỏe và những điều tốt đẹp đến với mọi người trong gia đình. Trong những ngày Tết, chúng tôi cũng đến nhà một số người bạn thân thiết để chúc Tết.

 

            PV: Trong khoảnh khắc giao thừa xa xứ, điều gì khiến chị nhớ nhất về Tết quê nhà?

            ĐTTN: Bạn vừa nhắc đến khoảnh khắc Giao thừa, đúng, đó là giây phút nhiều xúc cảm nhất của tôi mỗi dịp Tết đến xuân về. Xa quê, không còn cảnh sum vầy, mẹ là người tôi nhớ nhất lúc đó. Khoảnh khắc giao thừa thiêng liêng, mẹ tôi cúng một mâm cơm ngoài trời để đón Xuân về. Ai đó trong nhà được phân công đi hái lộc sẽ về xông nhà ngay sau thời khắc chuyển giao. Nghe xong lời chúc Tết của Chủ tịch nước, cả nhà sẽ họp mặt đông đủ để chúc Tết và mừng tuổi lẫn nhau, sau đó cùng ngồi quây quần bên mâm cơm, vừa thưởng thức các món ăn đậm đà hương vị Tết, vừa nói chuyện rôm rả. Chủ đề chính là ôn lại những gì diễn ra trong năm cũ và bàn những dự định trong năm mới. Có lẽ vì thế mà thời khắc Giao thừa ấm cúng đó luôn đọng mãi trong ký ức của tôi, bây giờ và mãi mãi sau này dù ở bất cứ nơi đâu.

 

            PV: Lúc đó, ở nước ngoài chị thường làm gì?

            ĐTTN: Hồi ở Nhật, sau bữa liên hoan tất niên tối 30 cùng với cộng đồng người Việt ở Đại sứ quán, chúng tôi có thể đi chùa hoặc về nhà chuẩn bị nốt những món ăn cần thiết để thắp hương đợi đến thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. Do giờ Nhật Bản sớm hơn 2 tiếng nên chúng tôi thường phải thức khuya hơn để đợi gọi điện về nhà chúc Tết người thân.

 

            PV: Thế chuyện trực Tết ở Phân xã ra sao?

            ĐTTN: Dù đi phân xã nước ngoài hay làm việc ở trong nước, Tết của tôi bao giờ cũng gắn với những buổi trực. Trong những ngày Tết ở Nhật Bản, ngoài việc tranh thủ đi chúc Tết mọi người và đón khách từ các cơ quan đại diện đến chúc Tết, hàng ngày tôi và các anh em phân xã đều luân phiên trực tin, chủ yếu theo dõi những sự kiện "nóng" xảy ra trên địa bàn để không bị sót tin. Có năm tối 30 Tết tôi vẫn còn ở địa phương, gần đến giờ Giao thừa mới về đến phân xã, nên cũng chẳng kịp chuẩn bị gì. Còn những năm làm việc ở nhà, tôi luôn có "duyên" với các ca trực vào sáng mùng Một. Trước khi đi phân xã, ba năm liên tiếp tôi đều trực ca này. Cái Tết đầu tiên sau khi kết thúc nhiệm kỳ về nước, tôi cũng lại được phân công đi trực vào sáng mùng Một. (Cười) Có vẻ như tôi có "duyên nợ" cùng con số 1 thì phải.

 

            PV: Vừa trực Tết vừa "giữ lửa" cho căn bếp ngày Tết được ấm cúng có khó không chị?

            ĐTTN: Trực Tết là nhiệm vụ không thể thiếu trong những ngày Tết, song còn một nhiệm vụ khác không thể "trốn tránh", đó là "nữ công gia chánh". Tất nhiên, là phụ nữ, khi đã làm việc ở TTXVN, và đặc biệt là ở Ban Biên tập tin thế giới, thì việc sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để làm tốt cả hai nhiệm vụ trên là điều bắt buộc. Và điều quan trọng hơn là phải có sự cảm thông của người thân trong gia đình.

 

            PV: Nghe nói, phụ nữ tuổi Mão thường ôn hòa, mềm mỏng và thành đạt trong công việc, chị thấy có đúng không?

            ĐTTN: Theo tôi, tuổi nào cũng có người thành đạt. Bản thân tôi không nghĩ mình thành đạt. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là cố gắng làm tốt những công việc được giao trong khả năng của mình. Có lẽ sự yêu thích công việc là nhân tố quan trọng khiến tôi hăng say nghề nghiệp. Điều chị hỏi có lẽ đúng, song sự mềm mỏng của tôi chắc còn thua xa những người cùng tuổi khác. Tôi tuổi Ất Mão, nên hay nói vui với mọi người là tuổi "ất ơ".

           

            Xin cảm ơn chị về những chia sẻ cởi mở. Chúc chị một năm mới nhiều may mắn, thành đạt!

Thân Thương (thực hiện)
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2010