Thứ hai, ngày 29/04/2024

Kỹ thuật - Công nghệ

Sử dụng an toàn, hiệu quả hệ thống cấp điện UPS


(24/09/2010 14:03:37)

Thời gian vừa qua, mặc dù sở hữu hệ thống cung cấp điện rất hiện đại nhưng đôi lúc các trụ sở của TTXVN vẫn xảy ra sự cố gây mất điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác thông tin. Lý do có rất nhiều nhưng tựu trung lại là do người sử dụng chưa cẩn thận hoặc thiếu kiến thức dẫn đến những sự cố đáng tiếc. Trang khoa học công nghệ lần này xin được gửi đến bạn đọc một vài kiến thức cơ bản và những yêu cầu góp phần cho hệ thống điện an toàn, đảm bảo tính liên tục cho công tác thông tin.

UPS (Uninterruptible Power Supplier) được hiểu là hệ thống nguồn cung cấp liên tục hay đơn giản là bộ lưu trữ điện dự phòng nhằm làm tăng độ tin cậy cung cấp điện cho hệ thống.

Ở Việt Nam hiện nay, sản lượng điện hàng năm sản xuất ra không đủ nhu cầu phải nhập thêm của nước ngoài. Ngoài ra, hệ thống truyền tải thường hay gặp sự cố do thời gian, môi trường, sự gia tăng rất nhanh của các hộ tiêu thụ điện. Ngành điện thường xuyên phải sửa chữa, nâng cấp hệ thống truyền tải điện. Việc xảy ra lỗi nguồn hoặc mất nguồn điện lưới là thường xuyên, làm giảm độ tin cậy cung cấp điện. Điều này không ảnh hưởng nhiều đối với hệ thống chiếu sáng hoặc hệ thống điện cơ. Tức là đối với kỹ thuật tương tự (analog) thì chất lượng điện chỉ bao gồm hai chỉ tiêu quan trọng nhất là điện áp và tần số.

Nhưng đối với hệ thống kỹ thuật số (Digital) vấn đề không đơn giản như vậy. Đặc biệt với các thiết bị trong lĩnh vực công nghệ thông tin được ứng dụng từ công nghệ kỹ thuật số luôn được xem là bước đệm quan trọng trong việc làm gia tăng sản phẩm, giảm thiểu chi phí sản xuất và tạo sự ổn định bền vững cho xã hội.

Độ tin cậy cung cấp điện của các hệ thống có máy tính cần phải tăng lên rất nhiều, vì mất điện dù chỉ trong một vài mili giây sẽ có nguy cơ mất hết thông tin hoặc làm rối loạn quá trình trao đổi dữ liệu máy tính và các yêu cầu hệ thống kỹ thuật số phải khởi động lại. Và ứng dụng tốt nhất để khắc phục những khó khăn trên đó là sử dụng thiết bị lưu điện UPS.

Thiết bị lưu điện UPS được phân thành các dòng sản phẩm chính về công nghệ như sau: UPS Offline đơn thuần, UPS Offline công nghệ Line-interactive, UPS Online, UPS tĩnh, UPS quay.

a) UPS offline: Khi có nguồn điện lưới, UPS sẽ cho điện lưới thẳng tới phụ tải. Khi mất điện, tải sẽ được chuyển mạch cấp điện từ ắc quy qua bộ inverter. Dạng điện áp ra của bộ inverter loại này thường là (dạng xung chữ nhật, không SIN). Phạm vi áp dụng UPS loại này thường cho các thiết bị đơn giản, công suất nhỏ, ít nhạy cảm lưới điện, đòi hỏi độ tin cậy thấp. Đa số các UPS ngày nay đều có phần mềm kèm theo giao tiếp với máy tính qua cổng COM hoặc USB. Phần mềm này cho phép kiểm soát các trạng thái hoạt động của UPS (điện áp vào/ra, tải tiêu thụ...).Ngoài ra bạn còn có thể lập thời khoá biểu tự động (mở /đóng máy tính theo giờ, ngày, tuần, tháng).

Loại UPS Off-Line

Loại UPS On-Line

b) UPS online: Hoạt động theo nguyên tắc chuyển đổi kép: từ AC sang DC sau đó chuyển ngược DC sang AC. Do đó nguồn điện cung cấp cho tải hoàn toàn do UPS tạo ra đảm bảo ổn định cả về điện áp và tần số. Điều này làm cho các thiết bị được cung cấp điện bởi UPS hầu như cách ly hoàn toàn với sự thay đổi của lưới điện. Vì vậy, nguồn do UPS online tạo ra là nguồn điện sạch (lọc hầu hết các sự cố trên lưới điện), chống nhiễu hoàn toàn. Điện áp ra hoàn toàn hình SIN.

Vai trò của UPS rất quan trọng trong hệ thống thông tin của TTXVN. Nó đảm bảo duy trì nguồn điện liên tục cho các hệ thống thiết bị thông tin như các máy chủ, các modem, các switch, và hệ thống máy tính phục vụ tác nghiệp cho các phóng viên, biên tập.

UPS của tòa nhà 79 Lý Thường Kiệt cấp điện liên tục 24/24 giờ cho các đơn vị: tầng 14- Báo điện tử Việt NamPlus; Tầng 12- Ban tin Đối ngoại; tầng 11 và tầng 8- Trung tâm Truyền hình thông tấn; tầng 10- Trung tâm Kỹ thuật thông tấn- Hệ thống máy chủ: Quản lý, phân phối và lưu giữ thông tin; tầng 9- Trung tâm Dữ kiện Tư liệu; tầng 7- Ban tin Thế giới; tầng 6- Ban tin Trong nước và Ban tin Kinh tế; tầng 4- Trung tâm Tin học, Ban Thư ký và Ban lãnh đạo cơ quan; tầng 2- Ban Ảnh.

UPS của tòa nhà 33 Lê Thánh Tông cấp điện liên tục 24/24 giờ cho các đơn vị: Tòa soạn báo Tin Tức, Thể thao& Văn hóa.

Hệ thống UPS của TTXVN đều là loại Online, công suất lớn, được vận hành, khai thác và bảo dưỡng thường xuyên bởi đội ngũ kỹ thuật của phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật- TTKT.

Tuy vậy, hệ thống nguồn UPS cũng tiềm tàng những rủi ro và cũng có thể bị tê liệt bất cứ lúc nào nếu người dùng không coi trọng và gìn giữ nó. Hoặc do người sử dụng tùy tiện hoặc do sử dụng một số thiết bị điện cũ, nguy cơ hỏng cao. Bản thân UPS cũng có thể có lỗi của các linh kiện bên trong nó (đây là điều bất khả kháng).

Là những người quản lý kỹ thuật, cung cấp nguồn điện UPS đến người dùng, chúng tôi thường xuyên chăm lo cho hệ thống, mong muốn hệ thống hoạt động liên tục, hiệu quả. Tuy nhiên, chúng tôi cũng mong muốn người sử dụng thực hiện đúng theo những lời khuyên sau đây để góp phần cho hệ thống an toàn, đảm bảo tính liên tục cho công tác thông tin:

Phải phân biệt được mình đang sử dụng nguồn điện nào: nguồn điện UPS hay nguồn điện thường, nếu không phân biệt được thì hãy liên hệ với đội ngũ kỹ thuật, SĐT: 2369/2377 hoặc 2368/2379.

Chỉ cắm vào nguồn điện UPS các thiết bị ưu tiên như máy chủ, switch, modem, các case máy tính (không cắm monitor).

Không được cắm vào nguồn điện UPS các thiết bị như: Bình đun nước, lò vi sóng, tủ lạnh, tivi, máy in, máy photo, monitor, bộ nạp điện thoại, loa.

Khi có sự thay đổi vị trí làm việc, di chuyển các thiết bị đến vị trí mới, cần cắm nguồn cho các thiết bị đúng quy định.

Các máy tính cũ sau khi bảo dưỡng hoặc sửa chữa, trước khi đưa vào sử dụng, phải được cắm chạy thử ở nguồn điện thường ổn định, không gây sự cố mới được đưa vào nguồn điện UPS.

Các đơn vị khi được bổ xung máy tính mới, cần phải thông báo hoặc đề nghị TTKT cấp thêm nguồn ổ cắm UPS, TTKT sẽ cử người khảo sát, nếu đủ điều kiện về công suất nguồn UPS thì cấp thêm.

Phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật
Theo Nội san Thông tấn, số 8+9/2010