Thứ tư, ngày 24/07/2024

Sổ tay phóng viên

"TÃƠi là phÃỠng viÃến thẳồáỪŨng trÃỨ cáỪậa TTXVN"


(06/07/2010 13:01:14)

Mới đây mà đã thấm thoắt gần 10 năm kể từ khi tôi chập chững bước chân vào đại gia đình Thông tấn. Làm việc ở cơ quan thông tin truyền thông quốc gia là điều không chỉ riêng tôi mà còn biết bao sinh viên báo chí đang ngồi trên giảng đường đại học thầm mơ ước. "Số" tôi thật may, sau khi tốt nghiệp đại học, tôi được tuyển dụng vào ngành, chính thức là "con nhà" TTXVN.

            Thời gian làm nhà báo Thông tấn chưa lâu, nhưng tôi đã may mắn được cử làm phóng viên thường trú ở hai tỉnh khu vực Nam Bộ. Những năm đầu vào ngành, tôi thường trú tại Cà Mau, cực Nam Tổ quốc. Khi ấy, vừa lạ lẫm với nghề, vừa lạ địa bàn nhưng với lòng yêu nghề, cộng thêm sức trẻ, tôi nhanh chóng bắt kịp nhịp độ nghề báo. Cà Mau, thời điểm đó, điều kiện giao thông khó khăn, nhiều xã, huyện đi lại chỉ có duy nhất bằng đường thuỷ, mất nhiều thời gian. Đó là điểm đặc thù mà những phóng viên thường trú địa bàn sông nước rất ngại. Những chuyến công tác về các xã ven biển, tôi ra bến tàu từ tờ mờ sáng tại thành phố Cà Mau, đến khi mặt trời khuất dưới ngọn cây đước, cây mắn mới đến nơi. So với các huyện ven biển, Ngọc Hiển là huyện xa nhất. Cho đến bây giờ, giao thông về huyện này vẫn còn trắc trở. Đối với phóng viên thường trú, khi trang thiết bị hành nghề hiện đại như máy tính xách tay, internet không dây, máy chụp hình chưa được trang bị đầy đủ thì áp lực tiếp cận sự việc, truyền tin về Tổng xã luôn "ám ảnh", nhất là khi sự việc "nóng" xảy ra ở một địa bàn xa xôi, điều kiện đi lại khó khăn như các xã ven biển ở Cà Mau. Nhưng nói thế thôi, chúng tôi luôn tìm cách xoay xở để vượt khó hoàn thành nhiệm vụ thông tin.

            Thời gian dần trôi theo sự cuốn hút của công việc. Khi thông thạo địa bàn cũng là lúc tôi được ngành phân công sang phân xã Bạc Liêu từ ngày 1/4/2006. Thế là, một lần nữa tôi làm lại từ đầu. Từ làm quen địa bàn, con người, gây dựng các mối quan hệ địa phương, cơ sở... Công việc này đối với phóng viên thường trú là điều cực kỳ quan trọng. Nói thì đơn giản nhưng thực tế, phóng viên phải mất rất nhiều thời gian, công sức.

            Bạc Liêu và Cà Mau trước đây thuộc tỉnh Minh Hải, được chia tách từ năm 1997. Nhìn chung, về văn hóa, xã hội cũng như điều kiện phát triển kinh tế ở Bạc Liêu không khác mấy so với Cà Mau. Thế mạnh và đặc trưng của tỉnh cũng là trồng lúa, nuôi tôm, trồng rừng, làm muối... Nhưng đối với một tỉnh lạ, con người lạ, mọi thứ đều lạ lẫm... cũng khiến một phóng viên trẻ, nghiệp vụ khiêm tốn như tôi muốn tiếp cận được địa bàn, trở thành phóng viên thường trú đĩnh đạc đòi hỏi phải lao vào cuộc, đối mặt với thử thách.

            Có điều ở tỉnh lẻ như Bạc Liêu, mọi thứ dường như đều bình bình, xã hội, kinh tế không gì vượt trội, việc xác định chủ đề đưa tin, viết bài sao cho đạt định mức hàng tháng trở thành một áp lực không đơn giản chút nào. Đôi lúc, vì định mức, tôi vẫn viết những tin bài dễ dãi, dẫu biết rằng, thông tin cùng chủ đề dù có tiếp cận từ nhiều góc độ khác nhau, làm mới bằng nhiều cách thì cũng vẫn gây nhàm chán với bạn đọc. Tôi đã đặt quyết tâm tìm mọi cách khắc phục, đầu tư nhiều hơn sao cho tin bài không bị đi theo lối mòn, khuôn sáo.

            Cái khó nhất đối với phóng viên thường trú ở vùng Nam Bộ là phương tiện đi tác nghiệp ở những vùng sâu vùng xa, nơi xảy ra những vụ việc "nóng" cách xa trung tâm tỉnh lỵ cả trăm kilômét. Những lúc ấy, để tiếp cận hiện trường sớm nhất, ghi lại hình ảnh đẹp nhất là bài toán không đơn giản chút nào. Thấu hiểu được những khó khăn đó, ngành đang dần từng bước trang bị máy móc, thiết bị giúp phóng viên phân xã vững lòng hơn khi lên đường. Giờ đây, với tôi chuyện thường trú tỉnh lỵ hay việc đi tác nghiệp nơi xa xôi hẻo lánh không còn là điều băn khoăn, lo lắng nữa, mà áp lực hơn cả là nay, những phóng viên phân xã đang kiêm cả mấy vai: đưa tin, chụp ảnh, làm thông tin truyền hình và cả phát hành, quảng cáo nữa thì sẽ phải "đánh đấm" thế nào đây cho không hổ danh phóng viên TTXVN.

Huỳnh Sử
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2010