Thứ năm, ngày 04/07/2024

Sổ tay phóng viên

Một ngày của phóng viên phân xã


(06/07/2010 12:56:14)

Anh em báo, đài địa phương nhìn vào phóng viên (PV) TTXVN thường trú tại tỉnh có vẻ như "ganh tỵ" và thường nói mình "sướng" hơn họ. Điều đó có vẻ đúng. Họ ganh tỵ cũng phải, bởi PV phân xã có địa bàn hoạt động rộng, không phải phân chia theo mảng, theo tuyến như cơ quan báo chí đông phóng viên. Hơn nữa, "cái mác" nhà báo TTXVN cũng dễ tiếp cận thông tin hơn so với phóng viên của nhiều cơ quan báo chí khác...

            Ngược lại, chính họ cũng nhìn thấy ở phân xã của TTXVN sự vất vả và "vắng vẻ". Nếu phân xã có 2-3 phóng viên trở lên thì công việc sẽ được chia ra và người này có thể "gánh" cho người kia khi bận rộn. Còn với phân xã chỉ có một người như Sóc Trăng, Trưởng xã kiêm phóng viên thì gần như không có thời gian nghỉ. Sung sướng nhất là những ngày không có cơ quan nào mời hội họp hoặc ít có sự kiện xảy ra trên địa bàn. Mà những ngày như thế thật hiếm.

 

            Một ngày bình thường

            Sáng, từ 6giờ30, tôi phóng xe máy đến phân xã, mở máy tính ra và việc trước tiên là kiểm tra hôm nay có hội họp gì không, rồi sắp xếp kế hoạch làm Dự kiến tin báo cáo cho Ban Biên tập tin Trong nước. Sau đó, nếu có thư mời hoặc theo lịch tỉnh có hội họp quan trọng là tôi thu xếp đến dự. Thường PV ngồi dự đến giờ nghỉ giải lao hoặc sau giải lao là "chuồn" nếu thấy đã có đủ tài liệu, số liệu để có thể đưa tin, phát bài được. Nếu chưa đủ thì tranh thủ giờ giải lao hỏi vị này sếp kia cho đủ rồi về mở máy gõ tin, bài. Với những cuộc họp quan trọng thì cố gắng dự tới cuối để nghe kết luận. Vừa ngồi họp vừa gõ nháp tin trên máy tính xách tay (tự trang bị).

            Nếu buổi sáng không có hội họp gì thì sau khi làm dự kiến tin phát ra Tổng xã, tôi tự cho phép mình đi ăn sáng, uống cà phê, có khi rủ thêm một vài PV báo địa phương hoặc những người bạn là cán bộ ở cơ quan này, cơ quan kia cùng uống cà phê để trao đổi thông tin, qua đó nắm bắt thêm tình hình. Thực tế, từ những chầu giao lưu cà phê như vậy mà biết thêm nhiều thông tin quý. Thời gian ăn điểm tâm buổi sáng kéo dài không quá 8 giờ 30.

            Trở về cơ quan. Kiểm tra công văn, đọc thư, báo trên mạng trong thời gian từ nửa tiếng đến một tiếng đồng hồ. Sau đó lục lại đống văn bản, tư liệu để "nghiên cứu" xem có khai thác gì được không, thường là những tài liệu từ những cuộc họp trước nhưng do chưa cần thông tin gấp nên để lại làm sau. Buổi chiều cũng tiếp nối là những cuộc hội họp hoặc đọc tài liệu lấy thông tin viết bài. Tới 5giờ30 chiều là kết thúc một ngày làm việc bình thường của phóng viên và có thể về nhà với vợ con.

           

Phóng viên Trung Hiếu trao quà của Quỹ Vì nỗi đau da cam cho nạn nhân chất độc da cam/điôxin tỉnh Sóc Trăng

Nếu thấy lâu rồi không đi xuống cơ sở thì ngay từ sáng, PV phải lên kế hoạch xem nên đi đâu để có thể làm được thông tin. Có khi là đi xuống vùng tôm lúa, vùng trọng điểm mía, màu của tỉnh hay những vùng đang có dịch sâu bệnh, cúm gia cầm, heo tai xanh, sốt xuất huyết, những mô hình làm ăn có hiệu quả... để tìm kiếm thông tin.

 

            Một ngày điển hình

            Một trong những ngày điển hình của PV phân xã Sóc Trăng không phải lâu xa mà mới xảy ra vào thứ Hai, ngày 7/6. Hôm đó, theo dự kiến tin phát, có hai sự kiện quan trọng: Đ/c Trương Tấn Sang làm việc tại Sóc Trăng, dự lễ khởi công bệnh viện Sản - nhi tỉnh với qui mô 400 giường; và tin đ/c Trương Tấn Sang dự Đại hội Đảng bộ huyện Thạnh Trị. Đây là ĐH đảng bộ điểm của tỉnh, bầu trực tiếp bí thư và cũng là ĐH đảng bộ trên hai sự kiện cơ sở đầu tiên ở Nam bộ. Hai sự kiện quan trọng diễn ra trong buổi sáng lại ở hai nơi nên PV xác định sẽ là ngày làm việc vất vả nhưng phải thật cẩn thận để không xảy ra sai sót và thông tin kịp thời.

            Theo thông báo của Văn phòng Tỉnh ủy Sóc Trăng, dự lễ khởi công bệnh viện xong, đoàn cán bộ TƯ và tỉnh sẽ xuống huyện Thạnh Trị ngay để kịp dự ĐH Đảng bộ huyện khai mạc vào lúc 7 giờ 30. Ngay từ 5 giờ 30 phút sáng, PV đã có mặt tại khách sạn nơi đoàn TƯ ở để ăn sáng và có xe đưa rước. Ăn vội chén cháo, chưa kịp uống nước thì có "lệnh" lên xe đi theo đoàn. Lễ khởi công diễn ra trong vòng nửa tiếng, PV chụp hình, nắm thông tin đầy đủ. Tuy nhiên, khi kết thúc lễ khởi công thì lại xảy ra "sự cố" cho PV. Mấy sếp của tỉnh và ngành y tế đề nghị chụp giúp hình lưu niệm với đ/c Trương Tấn Sang. Chụp xong với lãnh đạo TƯ, chủ đầu tư và mấy nhà thầu lại muốn chụp hình chung với lãnh đạo tỉnh, ngành. PV cố gắng chụp cho nhanh để chạy ra xe nhưng vẫn không kịp. Khi ra tới nơi đậu xe thì không thấy xe của Văn phòng Tỉnh ủy đâu. Gọi điện cho lái xe thì được thông tin là xe đã chạy được một đoạn khá xa, do có xe cảnh sát giao thông dẫn đường nên không thể dừng lại được.

            Tìm kiếm xe để quá giang không được, PV liền nhờ một đồng nghiệp báo địa phương đưa về khách sạn hồi sáng để lấy xe máy rồi vội phóng đi. Đoạn đường từ TP. Sóc Trăng xuống huyện đúng 35 km, nhìn đồng hồ lúc xuất phát đã 7 giờ 10, chỉ còn 20 phút nữa là ĐH khai mạc nên kiểu gì cũng muộn, đành cố gắng tới nơi trước phần nghi lễ kết thúc.

            Thật may, khi vào tới Hội trường, ĐH vẫn còn chưa xong phần nghi thức. Nhìn đồng hồ mới 7 giờ 38 phút, tức thời gian đi chỉ có 28 phút. Lĩnh tài liệu, nắm thông tin cơ bản xong, ngồi dự và chờ tới phần lãnh đạo TƯ phát biểu. Trong thời gian chờ, mở máy tính xách tay ra gõ tin Khởi công bệnh viện Sản Nhi hồi sáng rồi dùng USB phát sóng di động (cũng tự trang bị) để phát tin về Tổng xã. Sau đó xử lý hình ảnh đã chụp để chiều tối về phân xã gửi ra Ban ảnh, vì đường truyền theo USB chuyển ảnh rất chậm.

 

Trưởng xã kiêm phóng viên như ở Sóc Trăng cực nhưng mà vui. Vui vì những PV thường trú tại địa phương luôn tự hào mình là PV TTXVN, mang thương hiệu quốc gia. Mỗi khi tin, bài, ảnh của phân xã phản ánh về địa phương được các phương tiện thông tin đại chúng, các báo, đài sử dụng là lòng lại tràn ngập niềm vui...

 

            Sau khi nắm thông tin, chụp ảnh và nghe kỹ phát biểu của đ/c Trương Tấn Sang, tôi rời ĐH, trở về phân xã lúc 4 giờ 30 chiều. Mở máy ra gõ vội tin ĐH đảng bộ Thạnh Trị. PV phân xã thường ít khi làm tin lãnh đạo TƯ về địa phương, (dạng tin này thường có PV chuyên trách) nên phải cố gắng viết sao cho tốt, câu từ thật chuẩn xác, cô đọng rồi mới phát ra Tổng xã, sau đó tiếp tục làm ảnh, chuyển cho Ban ảnh. Công việc xong thì đã hơn 7 giờ tối, thở phào nhẹ nhõm vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ. Kết thúc một ngày bận rộn.

 

            Và những ngày bận "tối mắt"

            Những ngày bận rộn nhất của PV thường trú tại địa phương là vào những dịp lễ, tết, hội hè. Phân xã có một phóng viên, nhiều khi cứ nghĩ phải có "3 đầu 6 tay" thì mới chạy kịp vì công việc. Những ngày này, sắp xếp công việc đòi hỏi phải thật khoa học. Có buổi sáng tôi nhận được 4 giấy mời dự tổng kết, sơ kết, một cuộc hội thảo, một lễ động thổ công trình lớn. Chỉ có một mình nên đi sớm hơn, chỗ nào chưa kịp đi mà nơi đó có người quen thì gọi điện hẹn lại trễ một chút. Và vì nhiều nơi phải đi quá nên không nơi nào dự trọn vẹn được từ đầu đến cuối. Cũng đã có những lần nhận nhiều giấy mời họp quá đành bỏ bớt không dự vì biết dự cũng khó đưa tin. Sau này gặp lại lãnh đạo các cơ quan đó họ trách "mời mà không thèm dự" và có khi những sự kiện tương tự họ không mời nữa. Bởi vậy nên cũng đã có nhiều cuộc họp đi dự chỉ vì "hiếu hỷ", đi để cho họ nhớ mình lần sau còn mời hoặc cung cấp thông tin.

            Sóc Trăng có nhiều lễ hội của đồng bào Khmer như: Đua ghe Ngo, Đôn ta, Chôl Chnăm Thmây... Những ngày này, công việc cũng bận như những ngày Tết của người Việt, mặc dù không phải lo lễ tết nhưng thông tin phải phản ánh đậm về đời sống đồng bào, đổi mới một vùng quê đông đồng bào dân tộc chẳng hạn... những ngày này PV thường phải đi cơ sở để nắm thông tin và hay được bạn bè, cán bộ dân tộc mời về nhà vui lễ, tết cùng với họ.

            Trong mỗi kỳ Đại hội (như thời gian này) hoặc bầu cử các cấp, tiếp xúc cử tri... cũng là những ngày mà phóng viên thường trú bận rộn có khi không còn thời gian lo cho gia đình, vợ con...

 

            Không chỉ là viết báo

            Bận rộn là thế, nhưng PV phân xã không chỉ lo tác nghiệp để viết tin, bài mà còn phải viết cả báo cáo và làm những việc khác cho ngành. Đó là những dịp cuối năm, cuối quý, sơ kết, tổng kết thi đua...

            Cơ quan đại diện TP. Hồ Chí Minh quy định, cứ đến cuối quý, các phân xã về CQĐD làm quyết toán chi tiêu. Để tiết kiệm thời gian, PV thường đi vào ban đêm lên TP.Hồ Chí Minh rồi về cũng đi vào ban đêm nên chỉ mất hai đêm, một ngày. Mỗi tháng họp chi bộ cũng mất một ngày, đó là tại địa phương, sau này họp theo Cụm chi bộ Nam sông Hậu, sẽ phải mất hai ngày cả đi và về.

            Chưa hết, ngoài viết tin, bài cho Ban BTT Trong nước, phóng viên phân xã còn có nhiệm vụ làm cho các tờ báo khác trong ngành như Tin Tức, báo điện tử VietnamPlus, Ban BT-SX ảnh báo chí, Việt Nam News, Truyền hình Thông tấn... Ngay cả các trang thông tin điện tử tại địa phương cũng muốn PV TTX cộng tác vì họ tin tưởng, nhất là những thông tin quan trọng. Những lời mời này PV thường hạn chế cộng tác vì không có nhiều thời gian.

            Những việc "không tên, không trong kế hoạch" kiểu này khá nhiều, chưa kể chuyện "ăn nhậu" với những người cần quan hệ ở địa phương, những cộng tác viên mình sử dụng để nắm thông tin và "kết mối" là chuyện "như cơm bữa" của PV thường trú tại địa phương.

Trung Hiếu
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2010