Thứ năm, ngày 04/07/2024

Sổ tay phóng viên

Những chuyến đi và viết


(12/05/2010 09:43:28)

Vượt Trường Sơn vào Nam

Có thể coi lần vượt Trường Sơn vào Nam (đi B) tháng 3/1973 là chuyến đi công tác đầu tiên của phần lớn phóng viên khoá GP 10 chúng tôi. Hồi ấy, Hà Nội cũng như cả nước đang vui mừng vì Hiệp định Pa-ri vừa ký kết, không còn máy bay gầm rú trên bầu trời và những tiếng còi báo động vang lên như trước.

Đoàn phóng viên, biên tập viên VNTTX lên đường đi B tập trung ở ga Hàng Cỏ trong một buổi chiều mùa xuân ấm áp. Trải qua quãng đường dài, hết ngồi tàu, đi bộ "tăng bo" đến huyện Quảng Trạch (Quảng Bình), chúng tôi mới bắt đầu lên xe ô tô của đường dây 559 vượt Trường Sơn vào Nam.

Những buổi chiều tà, đêm tối hoặc sáng sớm, chúng tôi ngồi trên xe Zin trần trụi, không mui, không kính, chạy dưới ánh đèn gầm của xe, vượt qua những cánh rừng rậm, qua những dốc cao dựng đứng, vượt Cổng trời hay chạy trên những cánh rừng đất đỏ, trong khi trên trời vẫn còn máy bay địch do thám, bắn phá, quần đảo các tuyến đường. Sự kiện khắc sâu vào tâm trí tôi là việc xe ô tô chở nhóm phóng viên, trong đó có tôi bị đổ ở A-tô-pơ (Lào). Ba đồng chí - đồng nghiệp của tôi là chú Bang, các bạn Thuyên, Oanh đã mãi mãi nằm lại nơi đây. Sáu người bị thương nặng phải nằm bệnh xá cả tháng trời (trong đó có tôi), còn lại hầu như ai cũng bị thương nhẹ.

Chưa hết, chúng tôi còn phải đi bộ vượt rừng, qua núi, qua khe trên những chiếc cầu bằng cây rừng bị đổ vắt ngang qua suối hoặc những chiếc cầu treo bằng tre ghép lại, nối giữa hai ngọn núi chòng chành, chao đảo. Rồi những lần vượt sông ở Trung Lào, sông Mê Công ở Đông Bắc Campuchia bị máy bay địch cối, ném bom phải lao vào bờ ẩn tránh. Có một lần, chúng tôi chứng kiến cảnh máy bay B52 rải thảm dọc theo bờ bên kia sông Mê Công, làm hàng loạt cây đổ văng xuống sông, trong khi chúng tôi ở bên này sông nên thoát chết. Tất cả, đối với phóng viên là những đề tài rất hay để viết, nhưng đi Trường Sơn mệt "thở không ra hơi", bị thương, bệnh tật hoành hành và nhất là phải thường xuyên cảnh giác với máy bay ném bom B52, C130 của địch và đề phòng bọn biệt kích, thám báo nên chúng tôi - những phóng viên mới ra trường - không ai còn tâm trí viết được bài nào. Có lẽ, đây là điều nuối tiếc của nhiều phóng viên trong đoàn sau này. Riêng tôi, nhờ tranh thủ ghi nhật ký mà về sau, tôi đã viết một số bài theo dạng ghi chép cho Nội san Thông tấn.

 

Đạp xe đi mặt trận Tây Ninh

Nếu như ở miền Bắc, vào Nam là đi chiến trường thì ở căn cứ Nam bộ (R), tại Tây Ninh, khi đi mặt trận ở các tỉnh, mới chính thức là đi chiến trường. Cuối tháng 2/1975, từ căn cứ R, tôi được Ban biên tập B 73 cử xuống mặt trận Tây Ninh với chủ trương "chuẩn bị cho những trận đánh lớn". Đây là lần đầu tiên tôi đi chiến dịch và thực sự cầm bút viết tin sau gần 2 năm ở R.

Trên đường từ R xuống căn cứ tỉnh Tây Ninh, đáng nhớ nhất là khi xe chúng tôi vừa qua núi Bà Đen thì bị máy bay địch phát hiện. Chúng bắn đạn cối đuổi theo, xe chúng tôi phải phóng hết tốc lực, vượt trảng trống, lao vào rừng rồi rẽ ngang, dừng đột ngột để mọi người tỏa ra khắp nơi ẩn nấp. Mảnh bom, đạn cối nổ bay rào rào cắm vào cành cây, rơi xuống suối ngay cạnh nơi chúng tôi ẩn nấp. Rất may là không ai bị thương. Nơi tôi đến là Phân xã Tây Ninh, lúc đó, phân xã ở cùng Ban Tuyên huấn tỉnh tại núi Đất, huyện Toà Thánh (nay là Hòa Thành), cách thị xã Tây Ninh 25 km. Phân xã có hai phóng viên và một điện báo viên. Mới đến, tôi đã được Tỉnh ủy Tây Ninh cho dự các cuộc họp giao ban để nắm thông tin, qua đó, viết tin, bài (chủ yếu là tin chiến sự ngắn gọn), gửi về R.

 

Phóng viên TTXGP đi công tác ở chiến trường Nam bộ (1974)

Bốn giờ  sáng 29/4, huyện Trảng Bàng được giải phóng, cắt đứt giao thông quốc lộ 1 từ hướng Tây Bắc về Sài Gòn. Ngày 30/4, Tỉnh tổ chức 2 đoàn về giải phóng Tây Ninh: chúng tôi được bố trí đi đoàn 2 cùng các bộ phận văn phòng tỉnh uỷ, ban tuyên giáo, theo hướng chợ Long Hoa, về giải phóng Tây Ninh vào chiều 30/4.

Vừa ra khỏi rừng, chúng tôi ngỡ ngàng khi thấy hàng đoàn xe ô tô, xe tăng, các đơn vị bộ binh mới từ ngoài Bắc vào, với trang thiết bị, quần áo còn mới tinh, đang rầm rầm tiến về phía Nam. Mọi người thật rạo rực, phấn khởi, vừa đi, vừa chạy, mặc cho máy bay địch vẫn gầm rú trên trời. Ai cũng nghĩ phải: "thần tốc, thần tốc" may có mặt ở Tây Ninh và Sài Gòn ngày giải phóng. Chiều hôm đó, Tư Hoạnh, điện báo viên của phân xã vừa đi vừa mở đài phát thanh giải phóng đã reo to với tôi: " Họ đang đọc tin về dập tắt mắt thần trên núi Bà Đen, giải phóng huyện Gò Dầu, giải phóng các khu vực Bến Sỏi, Thanh Điền, quận lỵ Phước Ninh (huyện Châu Thành) và bao vây thị xã Tây Ninh của anh viết nè"! Thật vui và tự hào khi mình đang đi trong đoàn quân về giải phóng Tây Ninh - Sài Gòn, giữa lúc bom vẫn nổ, đạn réo bên tai lại được nghe tin mình viết hôm trước. Khoảng 10 giờ đêm 30/4, chúng tôi dừng chân bên suối Vàng thuộc huyện Tòa Thánh đề nấu cơm ăn. Chưa bao giờ ban đêm, giữa chiến trường lại có nhiều chỗ dám đốt lửa to nấu nướng đến thế, mặc dù thỉnh thoảng vẫn có những tiếng quát: "Tắt lửa đi không chết cả nút bây giờ". Ai có radio đều mở hết cỡ để nghe tin chiến thắng và tin Sài Gòn giải phóng.

Đi bộ suốt ngày, mệt quá, không muốn mắc võng, chỉ trải tăng bên bờ suối để ngủ, nhưng chúng tôi hầu như không ai ngủ được. Khoảng 4 giờ sáng ngày 1/5, chúng tôi thức dậy tiếp tục đi. Lúc này, tôi, anh Sáu Tâm (sau này là Tổng biên tập báo Tây Ninh) và anh Năm Thành được Ban Tuyên giáo ưu tiên giao cho mỗi người một chiếc xe đạp "cà tàng" để: "anh em phóng viên lấy tin cho nhanh"! Chúng tôi đạp xe riết, băng qua các khu vườn điều, rừng cao su, vượt qua nhiều đoàn đi bộ trước đó, vậy mà đến gần trưa 1/5 chúng tôi mới tới chợ Long Hoa - trung tâm của huyện Tòa Thánh (nay là huyện Hòa Thành). Tây Ninh đã giải phóng vào 10 giờ 30 hôm trước (ngày 30/4). Tại chợ Long Hoa, binh lính ngụy đang xếp hàng nộp súng, đạn đủ loại, chất cao như đống rạ. Anh em bộ đội phát cho chúng tôi mỗi người một khẩu súng ngắn (côn hoặc rulô). Nhìn thấy nhiều người từ người lớn đến trẻ nhỏ đều mặc quần áo trắng, tôi ngỡ là họ mặc như vậy để thay cờ trắng ra hàng, hỏi ra mới biết đó là những người theo đạo Cao Đài, thậm chí có cả binh lính ngụy không theo đạo, nhưng vẫn mặc để cải trang "tránh bị cách mạng trả thù"!

Ăn trưa bằng bánh mì xong, chúng tôi lại vội vã đạp xe về thị xã Tây Ninh, cách chợ Long Hoa khoảng 5 cây số. Trên đường đi chúng tôi thấy quần áo rằn ri, giầy, mũ, súng đạn, có cả xe máy của lính ngụy vất ngổn ngang bên đường. Ngược chiều với chúng tôi là các đoàn xe quân sự, xe chở bộ đội, dân chính và cả xe đò chở khách nườm nượp đổ về Sài Gòn. Tới thị xã Tây Ninh, chúng tôi được nghỉ tạm ở trụ sở Ty thông tin của ngụy, ngay trung tâm thị xã. Dạo quanh một vòng, tôi thấy thị xã Tây Ninh hầu như không bị tàn phá. Đặc biệt, nhà máy điện đã được anh em công nhân bảo vệ an toàn, duy trì hoạt động bình thường, cung cấp điện cho thị xã. Tôi vội vã viết các tin "Tây Ninh bảo vệ an toàn nhà máy điện", "Tây Ninh sau giải phóng"... phát ngay về căn cứ để chuyển ra Tổng xã.

Trong tôi lúc đó có bao điều xúc cảm, vậy là cuộc chiến đã kết thúc, ngày mai những người làm báo VNTTX sẽ bước vào cuộc chiến đấu mới, viết về hòa hợp dân tộc, đoàn kết, khắc phục hậu quả của chiến tranh, xây dựng cuộc sống mới.

Đồn Việt
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2010