Thứ năm, ngày 25/07/2024

Sổ tay phóng viên

Tôi đã làm báo trong sự khốc liệt của chiến tranh


(12/05/2010 09:35:27)

Giữa năm 1974, khi đang làm công tác biên tập ở TTXGP, tôi được cơ quan cử tham gia đoàn công tác của Ban Tuyên huấn Trung ương cục miền Nam làm nhiệm vụ xây dựng phong trào, củng cố và phát triển lực lượng ở vùng giải phóng, chống địch lấn chiếm và cung cấp mọi nguồn lực cho kháng chiến.

 

Địa bàn tôi về công tác là xã Hòa Hợp, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh. Xã này nằm sát biên giới với Campuchia, một mặt giáp với xã Phước Tân, thuộc quyền kiểm soát của chính quyền Sài Gòn. Đây là địa bàn rất quan trọng vì nằm trên hành lang đi về các tỉnh đồng bằng Sông Cửu Long và miền Tây Nam Bộ. Trong số bốn ấp của xã, ấp Tà Nông là nơi buôn bán sầm uất, nhà phố cất san sát tuy đa phần là nhà lợp tôn hoặc mái lá. Đêm đêm, thị tứ Tà Nông lung linh ánh sáng từ đèn măng xông, tiếng nhạc xập xình từ các quán ăn uống, giải khát. Thị tứ Tà Nông trở thành một cửa khẩu quan trọng cung cấp hàng hoá, vật tư, nhiên liệu, nhu yếu phẩm cho kháng chiến.

Mặc dù người mệt ngoài, lại căng thẳng do cả ngày tham gia khắc phục hậu quả của trận ném bom, tôi vẫn thức suốt đêm để viết xong bản tin và bài ghi nhanh. Công việc tiếp theo là làm sao đưa nhanh được tin, bài và phim về căn cứ của TTXGP để kịp phát ra Hà Nội.

           

Với vị trí quan trọng và đặc biệt là cuộc sống mới đang đổi mới từng ngày nơi đây, Đảng uỷ và chính quyền xã nhận định: Hòa Hợp là cái gai trong mắt địch, sớm muộn chúng cũng tấn công đánh phá, không bằng bộ binh lấn chiếm, thì cũng dùng phi pháo hoặc máy bay ném bom hủy diệt. Để chủ động phòng ngừa, Đảng uỷ xã chỉ đạo đội du kích tăng cường bám địa bàn đề phòng địch lấn chiếm, đồng thời vận động các gia đình đào hầm hố phòng tránh pháo và máy bay ném bom. Đúng như dự đoán, vào một ngày tháng 7/1974, lúc 9 giờ 30 sáng, thời điểm chợ Tà Nông đang lúc đông đúc nhất, các em học sinh trường cấp 1 đang chăm chú nghe thày giáo giảng bài... thì bất ngờ trên không trung tiếng rít của máy bay phản lực như xé rách bầu trời và từng loạt bom na pan, tên lửa bắn xuống. Mặt đất rung chuyển, khói lửa ngút trời, tiếng la, tiếng khóc của những người dân hiền lành vô tội bị giết bị thương vang lên thảm thiết. Khi cuộc oanh tạc man rợ của máy bay địch xảy ra, tôi vừa từ cuộc họp dưới ấp về nơi ở, chỉ cách khu vực chợ Tà Nông khoảng 100 mét. Với kinh nghiệm và linh tính của một người đã trải qua những năm tháng chống chiến tranh phá hoại của Mỹ trên miền Bắc, nghe tiếng rít của máy bay, phản xạ tức thì của tôi là lao vội ra hầm trú ẩn. Vừa kịp vào hầm thì tôi cảm thấy mặt đất rung chuyển. Căn hầm tôi đang trú bỗng tối sầm do cửa bị ép vào và sập xuống. Trong giây phút hiểm nghèo đó, tôi vừa cố gắng dùng tay bới đất, vừa lựa thế để trồi thoát ra ngoài. Tôi quan sát nhanh, căn nhà nơi tôi ở cách đây mấy phút chỉ còn là một hố bom và cả khu phố Tà Nông trở thành một biển lửa. Tất cả ba lô, tư trang, đồ dùng của tôi đã bị bom giặc đốt cháy sạch. Trong lúc tiếng máy bay của địch còn gầm rú, khói lửa mịt mù, tôi chạy ngay đến khu vực chợ và bến đò Tà Nông là những nơi bị hứng chịu bom đạn nặng nề nhất. Một cảnh tượng bàng hoàng, đau thương hiện ra trước mắt tôi, 42 người dân vô tội bị bom Mỹ giết hại; gần 100 ngôi nhà bị cháy, hàng trăm người khác bị thương, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em. Tại trường tiểu học, do có hệ thống hầm hào trú ẩn tốt nên chỉ một số học sinh bị thương, nhưng trường học và sách vở của các em bị cháy trụi. Tìm hiểu, nắm tình hình, gặp gỡ nhân chứng lấy tài liệu để viết tin, bài lúc đó đối với tôi khá thuận lợi, vì chính mình cũng là người trong cuộc. Tôi lại nghĩ làm sao để ghi lại những hình ảnh tội ác này phát ra thế giới để tăng thêm tính thuyết phục, để loài người tiến bộ tận mắt thấy được nỗi đau thương, mất mát do những hành động man rợ của đế quốc Mỹ và tay sai gây ra. Là phóng viên tin, không được phát máy ảnh, hơn nữa tôi lại đang đi công tác phát động quần chúng. Đang tần ngần, xuýt xoa tiếc rẻ cho một cơ hội có thể bị bỏ qua, chợt nhớ ra: Tà Nông có một tiệm chụp ảnh, mình cứ đến đặt vấn đề mượn máy, mượn phim biết đâu? Nghĩ là làm, tôi vội chạy đến gặp ông chủ tiệm ảnh nói rõ yêu cầu và mục đích của mình. Thật không ngờ, ông chủ tiệm chụp ảnh cho tôi mượn ngay chiếc máy ảnh YASHICA chụp phim 6 x 6 kèm theo bốn cuộn phim (phim và máy ảnh trong kháng chiến cực kỳ quý). Không chậm trễ, tôi phóng ngay ra hiện trường, thu vào ống kính tất cả những hình ảnh, những sự kiện đắt giá.

Từ nơi tôi đang công tác cách xa căn cứ tuy chỉ khoảng 60 km nhưng để đưa được tin, bài, ảnh về cứ là chuyện không hề dễ dàng. Trong kháng chiến, mọi hoạt động đi lại chỉ là đi bộ. Đó là chưa kể đường đi rất khó khăn, nhiều đoạn phải đi vòng sang đất Campuchia, mà thời gian ấy, bọn khmer đỏ gây ra nhiều vụ rắc rối cho ta ở biên giới như cướp bóc, giết cán bộ, chiến sĩ ta nếu đi nhỏ lẻ.

Mờ sáng hôm sau, nhờ một du kích địa phương chở xe đạp đến ngã ba Cây Cầy, biên giới với Campuchia, tôi ngồi đợi khoảng nửa tiếng sau, có một đoàn chừng 30 chiến sĩ đi xe đạp tới. Họ thuộc một đơn vị hậu cần đang đi lấy hàng đã đồng ý cho tôi đi nhờ. Với lực lượng đông đảo như vậy, lại có đầy đủ vũ khí, vậy mà suốt chặng đường đi trên đất bạn cũng có nhiều phen thót tim, trước thái độ thù địch của các chốt Khmer đỏ. Quãng đường được đi bằng xe đạp khá dài, tôi chỉ còn phải cuốc bộ chừng 10 km nữa.

 

Ngay đêm hôm đó và mấy ngày sau, Đài phát thanh tiếng nói Việt Nam và Đài phát thanh Giải Phóng lieê tục đọctin, bài của tôi. Các báo in ở Miền Bắc lúc đó đăng tin, bài này thế nào thì tôi không rõ, vì đang ở chiến trường, nhưng ở B2, báo Giải phóng đã giật tít lớn đăng trên trang nhất.

 

Về đến cứ khoảng 5 giờ chiều, tôi lên thẳng nhà và cũng là nơi làm việc của đồng chí Trần Thanh Xuân, Giám đốc TTXGP để báo cáo tình hình và nộp tin, bài, những cuộn phim đã chụp. Sau khi nghe tôi báo cáo ngắn gọn về tình hình, chú Năm Xuân (chúng tôi gọi thủ trưởng của mình như thế) cho chuyển ngay 04 cuộn phim xuống B22 (tên gọi của bộ phận ảnh), với lời dặn: tráng phim và làm ảnh ngay, chuyển B81 (tên gọi của bộ phận kỹ thuật) phát nhanh nhất ra Hà Nội. Riêng với bản tin và bài ghi nhanh, chú Năm Xuân dặn tôi đưa ngay về cho các đồng chí lãnh đạo B73 (tên gọi của bộ phận biên tập tin) xử lý theo cấp độ khẩn. Người xử lý tin, bài của tôi là đồng chí Nguyễn Đức Giáp, lúc đó là Phó trưởng B73. Anh Giáp đọc tin xong, không chữa một chữ nào, ký cho phát ngay. Riêng bài ghi nhanh của tôi, về nội dung anh cũng không chữa, không thêm bớt một chữ nào, nhưng đầu đề của bài viết thì anh sửa lại hoàn toàn. Lúc đó, do vội và cũng do thiếu kinh nghiệm, tôi đặt một cái tít bài rất chung chung là: Giặc Mỹ lại gây thêm tội ác dã man với đồng bào vùng giải phóng. Anh giảng giải cho tôi, cái tít phải khái quát được toàn bộ nội dung của bài viết, nhưng phải rút được những chi tiết đắt giá nhất của bài viết để gây ấn tượng cho người đọc, người nghe. Anh sửa lại là "Bom Mỹ lại rơi xuống võng em thơ, xuống trang sách học trò". Tít này không chỉ hay về câu chữ, mà nó làm xúc động lương tri loài người, tạo nên sự căm phẫn trước tội ác tột cùng của quân giặc. Thật khâm phục trước việc xử lý nhanh nhạy và sắc sảo của anh Đức Giáp. Chỉ sửa một cái tít mà giá trị bài viết được nâng lên rất nhiều. Về phần ảnh chủ đề tốt, bố cục ảnh chặt chẽ, xử lý ánh sáng tốt, B22 đã chọn hơn chục tấm để phát telephoto. Tôi được lãnh đạo TTXGP và lãnh đạo B73 biểu dương về tinh thần trách nhiệm, vượt khó khăn, thông tin kịp thời và hiệu quả cao.

Ngày hôm sau, chú Năm Xuân cho giao liên mời tôi lên gặp. Tôi nhớ mãi hình ảnh của chú lúc đó, chú đã lớn tuổi, lại bị bệnh phải cắt đi nửa lá phổi, sống trong rừng thiếu thốn, chú gầy và xanh. Chú hỏi han đủ điều, về công việc, về cuộc sống ở chiến trường, những khó khăn, thuận lợi. Chiều ấy chú, thím giữ tôi lại ăn cơm. Nhìn chú, thím ăn cơm đạm bạc, trong ánh sáng hắt hiu của của cây đèn dầu, lòng tôi như thắt lại. Khi tôi chào ra về để ngày mai trở lại địa bàn công tác, thím Năm cho tôi 2.000 đồng (tiền của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ), tôi xin không nhận: Chú, thím đã lớn tuổi cần tiền để bồi dưỡng, cháu đi công tác đã có cơ quan lo, dân lo, hơn nữa cháu còn trẻ, cũng đã quen chịu đựng gian khổ. Chú Năm nói với tôi giọng hiền từ: Đây là tấm lòng của chú, thím, hãy cầm lấy, đi công tác nhớ giữ gìn sức khỏe. Tôi cầm 2.000 đồng mà nước mắt cứ trào ra. Hình ảnh ấy, tấm lòng yêu thương ấy cứ theo tôi suốt trong những năm tháng kháng chiến và cho đến mãi bây giờ. Chú Năm đã đi xa nhiều năm rồi. Tôi viết lại những dòng này, vừa là để ôn lại kỷ niệm khó quên của những ngày đầu tiên làm báo, vừa để thay một nén hương dâng lên người thầy, người thủ trưởng hết mực yêu thương và kính trọng của tôi.

Phạm Nhật Nam
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2010