Thứ năm, ngày 25/07/2024

Sổ tay phóng viên

Ngày Tết tác nghiệp trên "nóc nhà Đông Dương"


(08/04/2010 10:12:00)

Hòa trong dòng người ngược xuôi sắm Tết, ngày 27 tháng Chạp (10/2/2010), tôi nhận được tin cấp báo từ một cộng tác viên ở xã vùng sâu: "Đang xảy ra cháy rừng tại nhiều điểm trên Sa Pa, thiệt hại nhiều lắm!".

Điều đáng lưu ý là đám cháy vẫn chưa được dập tắt, điểm cháy thuộc khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Hoàng Liên. Tôi linh cảm, đây là vụ cháy không thể coi thường nên lập tức trở về cơ quan thu thập thêm thông tin rồi gửi gấp về Tổng xã tin mở màn: "Cháy 200 ha rừng ở Vườn quốc gia Hoàng Liên chưa rõ nguyên nhân". Nhưng tiếc thay, tin tôi cho là quan trọng lại bị Ban biên tập Tin trong nước xếp vào chùm tin mang tên Pháp luật, thành ra lọt thỏm chẳng ai biết mà truy cập.

            Buồn nhưng không nản, tôi tiếp tục bám sát nguồn tin. Tôi được biết lửa đã theo gió nóng cháy lan nhiều điểm, khiến cán bộ Vườn quốc gia và lực lượng kiểm lâm không thể tự dập tắt. Ngày hôm sau, 28 tháng Chạp, hai địa danh Séo Mý Tỷ (xã Tả Van) và Ma Quái Hồ (xã Bản Hồ) thuộc vùng lõi Vườn quốc gia chính thức thành tâm điểm vụ cháy. Địa phương vào cuộc nhưng không thể dập tắt đã báo Trung ương hỗ trợ. Sáng 29 Tết, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát đáp máy bay lên kiểm tra và chỉ đạo chữa cháy tại Lào Cai. Đang đi xe máy tìm đường vào "tuyến lửa", nghe tin có máy bay trực thăng lên tham gia chữa cháy, tôi thay đổi kế hoạch. Tôi lập tức quay lại thành phố tham dự cuộc họp khẩn của tỉnh, ghi hình và nắm tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng và Trưởng ban phòng chống thiên tai cứu hộ cứu nạn Cao Đức Phát. Tại đây tôi được biết, phương án dùng máy bay trực thăng thả nước dập lửa không thể thực hiện được vì địa hình núi non hiểm trở. Tinh thần chỉ đạo của Bộ trưởng cũng như toàn Ban chỉ huy PCCC rừng lúc này là huy động tối đa lực lượng tại chỗ, sử dụng các phương tiện hiện đại, kết hợp với vận dụng kinh nghiệm dân gian để chống cháy, kiên quyết không để ngọn lửa cháy lan vào vùng lõi Vườn quốc gia Hoàng Liên.

 

 

Đêm 30 Tết, những người cứu rừng, trong đó có tôi, đón Giao thừa trên sườn Tây, cách đỉnh Phan Xi Păng chưa đầy 5km. Khoảnh khắc thiêng liêng chuyển đổi giữa năm cũ và năm mới trên nóc nhà Đông Dương khiến ai cũng xúc động.

 

 

            Trưa 29 Tết, sau khi dập tắt được đám cháy ở Séo Mý Tỷ, lực lượng chữa cháy gồm hơn 1.000 người, kể cả bộ đội địa phương, công an lẫn tự vệ các xí nghiệp, cơ quan trong tỉnh và dân quân các xã thuộc huyện Sa Pa lại tập trung về thôn Nậm Ngấn, xã Nậm Sài để lập đường băng cản lửa, đón đầu đám cháy lan từ Dền Thàng và Ma Quái Hồ (xã Bản Hồ) xuống - điểm cháy này cách thị trấn Sa Pa về phía đông khoảng 30km. Biết vào rừng sâu càng gọn nhẹ bao nhiêu càng tốt bấy nhiêu, tôi gửi lại toàn bộ tư trang gồm máy tính xách tay và sổ sách khác tại nhà người quen ở thị trấn Sa Pa, chỉ mang theo chiếc máy ảnh số và máy ghi âm, lên xe máy, đổ dốc về hướng Bản Hồ và Nậm Sài nơi đang xảy ra cháy. Đến đầu dốc Bản Dền, cách thị trấn Sa Pa khoảng 20km, nhìn lên hướng núi cao đã thấy nhiều cột khói bốc lên, tàn tro bay kín cả một vùng trời. Hỏi người dân địa phương đường tiếp cận điểm cháy gần nhất, tôi cắt rừng, lội khe tiếp cận đám cháy chụp lấy những hình ảnh thời sự: cận cảnh, toàn cảnh sau đó lộn ra thị trấn ngay để kịp về đưa tin trước 18 giờ. Chiều 29, thị trấn du lịch Sa Pa sôi động khác thường, nhưng không phải chỉ là sắm Tết mà nhà nào cũng tất bật chuẩn bị để chồng, con trai lên núi với bộ đội và các lực lượng cứu rừng. Bà con các dân tộc thị trấn thực hiện chỉ đạo của tỉnh: "Dập tắt được giặc lửa mới ăn Tết".

            Thấy tôi trở về mặt mũi lấm lem, quần áo còn nguyên bụi đường đã lao vào làm việc, bà Huệ, chủ nhà tôi gửi tư trang, ái ngại: "Nhà báo ở lại với đồng bào Sa Pa đón Tết thôi, tối nay gia đình mổ lợn gói bánh chưng đấy". Tôi cảm ơn và sau khi truyền xong tin, ảnh về Tổng xã liền chào chủ nhà và phóng xe vượt 40km về thành phố.

            Mới kịp ra chợ mua được cành đào về cắm thì lại nhận được điện thoại từ cơ sở báo về hai tin một lúc: Ngọn lửa phía Đông vùng hạ huyện Sa Pa đã cơ bản được khống chế, nhưng ở sườn phía Tây đường lên đỉnh Phan Xi Păng lại xuất hiện đám cháy mới lan từ Lai Châu sang rất nguy hiểm. Chỉ một mình trực Tết, không thể bám hai sự kiện ở hai tuyến Đông và tây để lấy tin và hình ảnh cứu rừng, tôi phải nhờ đến bạn đồng nghiệp báo địa phương làm tin, ảnh ở sườn Đông, còn tôi tức tốc lên sườn Tây theo chân hai tiểu đoàn bộ đội Quân khu II mới tăng cường vào vùng cháy. Tại đây các đơn vị bộ đội cơ động bằng cơ giới, còn tôi trung thành với xe gắn máy cũ kỹ bò ngược dốc đến Trạm Tôn. Gửi xe vào Trạm, tôi cuốc bộ bám sát đoàn người lên núi theo đường mòn hướng lên đỉnh Phan Xi Păng như những vận động viên leo núi, quên cả sự đói và khát.

            Từ Trạm Tôn đến điểm cao 2.400m so với mặt biển thì đội quân cứu hoả "chạm trán" với giặc lửa. Không một phút nghỉ ngơi, đoàn người không kể quân, dân, nam, nữ, đến nơi là khớp lệnh, dàn hàng ngang phát đường băng cản lửa. Chỉ trong vòng hai tiếng đồng hồ, hơn hai ngàn con người ở đây đã dọn được 6.000m đường băng cản lửa, rộng hơn 100m chống cháy lan vào vùng lõi Vườn quốc gia.

 

 

Tác nghiệp trong sự kiện này, tôi thêm thấu hiểu sự cần thiết của những phương tiện hiện đại mà cơ quan đã trang bị cho phân xã như: điện thoại di động, máy ghi âm, máy tính xách tay.

 

 

            Khi tôi ghi được những hình ảnh và không khí chiến đấu với giặc lửa ở sườn Tây thì phía sườn Đông, người đồng nghiệp cũng kịp thời chuyển cho tôi một số tư liệu và hình ảnh khắc phục đám cháy cuối cùng. Ăn vội miếng bánh chưng của bộ phận hậu cần đưa lên, tôi làm tin thứ 5 và cũng là tin cuối cùng về vụ cháy gửi về Ban biên tập trước lúc 18 giờ mùng Một Tết. Ngày mùng Hai tôi làm tiếp tin dọn vệ sinh Vườn quốc gia và cuộc họp gấp của tỉnh đánh giá rút kinh nghiệm chữa cháy rừng của các lực lượng chức năng.

            Như vậy, trong 5 ngày Tết cổ truyền của dân tộc, cán bộ, chiến sỹ, nhân dân các dân tộc Lào Cai và rất nhiều nhà báo đều tạm quên Tết để tham gia cứu rừng. Do biết phân xã chỉ còn mình tôi trực Tết nên Tổng Giám đốc Trần Mai Hưởng và Phó Tổng Giám đốc Hà Minh Huệ thường xuyên gọi điện động viên và khen ngợi tin, ảnh kịp thời trong những ngày xảy ra cháy rừng. Chính những lời quan tâm động viên của lãnh đạo Ngành đã giúp tôi quên cực nhọc, lên núi, xuống đèo bám theo sự kiện để thông tin hiện tượng kịp thời.

            Rút kinh nghiệm đợt thông tin này, tôi tự thấy rằng với địa bàn cháy rộng như thế, nhưng do biết vận dụng phối hợp với đồng nghiệp địa phương và bám sát Ban chỉ huy PCCC rừng, tôi đã có được tin, ảnh đầy đủ và phát sớm về Tổng xã. Tuy năm nay đón năm mới không được thảnh thơi nhưng tôi cảm thấy vui và thanh thản vì đã góp sức với những người cứu rừng, một cái Tết đầy kỷ niệm trong đời làm báo.

Lục Văn Toán
Theo Nội san Thông tấn, số 3-2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Nghĩa vụ của cán bộ, công chức (09/02/2010 08:55:05)

Lên rừng xem hái thảo quả (09/02/2010 08:46:31)

Vất vả nhưng vui (08/02/2010 16:23:35)

Sát cánh với các bạn Lào những ngày SEA Games (08/02/2010 16:20:49)

Xung quanh chuýằ‡n hỏằc truýằn hÃơnh.... (08/02/2010 16:17:26)

Những cái Tết "lệch pha" ấm tình người trên đất phù tang (08/02/2010 16:00:48)

Quy định về sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép và trả tiền nhuận bút (04/01/2010 12:00:32)

9 lý do khiến máy tính "treo xanh lè" (04/01/2010 11:59:19)

Chuýằ‡n thặ°ỏằng ngày cỏằĐa phóng viÃên TÃÂy NguyÃên (04/01/2010 11:57:33)

Đồng hành cùng người dân vùng lũ (04/01/2010 11:55:18)