Thứ năm, ngày 04/07/2024

Sổ tay phóng viên

Lên rừng xem hái thảo quả


(09/02/2010 08:46:31)

Gần hai năm là phóng viên thường trú tại tỉnh Lào Cai, được nghe rất nhiều về chuyện bà con vùng cao lên núi thu hoạch thảo quả (thường được gọi là "vàng đen"), nhưng chưa lần nào tôi có đủ dũng khí tham gia khám phá. Loại cây này chỉ phát triển ở những cánh rừng nguyên sinh ở độ cao hơn 1.500 m so với mực nước biển. Lấy quyết tâm đi một lần cho thoả chí tò mò, đầu tháng 10/2009, tôi cùng một đồng nghiệp báo địa phương lên đường.

            Mùa thu hoạch thảo quả chỉ kéo dài 2 - 3 tuần mà chúng tôi lại chọn đi vào lúc cuối vụ. Vì vậy để đến những nương chưa thu hoạch, chúng tôi buộc phải đi rất xa và leo rất cao. Ngúc ngoắc trên những con đường rừng lởm chởm đá cấp phối, con xe "Wave" cà tàng của tôi dường như đã quá già, giảm sóc rên lục cà lục cục trên suốt tuyến đường hơn 40 cây số đến tận thôn Tả Ngảo, xã Bản Qua, huyện Bát Xát.

            Đến thôn, hỏi bà con đường lên nương thảo quả ai cũng chỉ nói "Chi bâu" (tiếng Thái là "không biết"). May sao khi đến trường tiểu học Tả Ngảo, anh Lý A Chiệp, người Mông, nhân viên của trường biết chút tiếng Việt, liền hỏi: "Các anh đi đâu đấy?". Mừng quá, chúng tôi vội trả lời: "Lên nương thảo quả xem thu hoạch". Anh Chiệp nói ngay: "Chỉ còn hộ anh Páo đang xếp lò, lên đó mất nửa ngày. Các anh có đi thì em đưa đi, 100 ngàn, em đưa tới tận lán". Chúng tôi gật đầu đồng ý, anh Chiệp thật thà bảo: "Đường đi xa và khó lắm, các anh phải chuẩn bị sẵn thực phẩm, nhớ mua nhiều rượu vào đấy nhé".

            Đường lên nương là một lối mòn vắt ngược sườn núi dựng đứng. Thỉnh thoảng mới bắt gặp những bước chân người lịch bịch địu thảo quả xuống núi, chúng tôi phải đứng nép về bên đường cho bà con lao xuống. Những bộ quần áo thổ cẩm ướt sũng cùng mồ hôi đầm đìa khuôn mặt, họ nói bằng tiếng địa phương: "Đêm qua, trên núi mưa to lắm, đi cẩn thận không làm mồi cho con ma rừng đấy", nghe anh Chiệp dịch lại mà rợn tóc gáy. Đi hết khoảng ruộng bậc thang, chúng tôi đến khu rừng chuối lập loè những búp đỏ tía, tiếp đến là rừng gỗ với những thân cây to mấy người ôm không xuể, dưới mặt đất chằng chịt dương xỉ, song, mây, xấu hổ...

            Gần 10 tiếng đồng hồ vật lộn với con đường rừng quái ác, trời bắt đầu nhá nhem, chúng tôi cũng đến được lán thảo quả nhà anh Páo. Mùi ngào ngạt của thảo quả khác xa với những gì tôi biết qua mùi nước phở mà tôi từng thưởng thức, bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến. Cái lán lụp xụp, được che bằng chiếc bạt màu xanh và những lớp lá rừng. Người dân nơi đây gọi chỗ này là "khách sạn" chốn cùng lâm, bởi duy nhất ở đây có ánh đèn từ máy phát điện loại nhỏ mà anh Páo mang lên.

            Anh Páo không lấy gì làm vui vẻ, miễn cưỡng tiếp bởi biết chúng tôi là nhà báo. Nghe lao xao tiếng của mấy người làm công gần đó, tôi kéo anh Chiệp ra một góc để hỏi xem họ đang nói gì. Anh Chiệp dịch lại: "Bọn nhà báo lại lên kiểm tra xem mình có chặt rừng để trồng, sấy thảo quả không đây, tao ghét bọn này". Biết được chuyện đó, chúng tôi phân bua với anh Páo, chỉ lên chụp ảnh cây thảo quả và xem thu hoạch thôi, việc tuyên truyền sẽ giúp bà con bán được giá cao hơn. Anh Páo vẫn nhìn chằm chằm chúng tôi với ánh mắt nghi ngờ. Anh đồng nghiệp báo địa phương đi cùng tôi phải "dở bài" kinh nghiệm ở miền núi lâu năm, mang rượu ra cùng uống để chứng tỏ mình là "người của bản".

Thu hoạch thảo quả

            Anh Páo có vẻ cởi mở hơn, giục chúng tôi rửa mặt rồi ăn cơm. Cái lạnh nơi núi cao thật đáng sợ, buốt đến thấu xương. Mâm cơm đạm bạc chỉ có mấy miếng thịt khô treo trên bếp lửa, vài quả trứng tráng, bát canh mì tôm trương phềnh, còn lại là các bát đựng rượu làm tôi hoa mắt, chóng mặt. Chén chú, chén anh, cuộc nói chuyện bắt đầu rôm rả cũng là lúc bao nhiêu tâm sự được giãi bầy. Mấy thanh niên làm thuê nói: "Các anh lên sớm chút nữa thì có thịt gà rừng và lợn rừng, đêm qua không bắn được con thú nào, các anh ăn tạm vậy nhé".

            Chuyện càng lúc càng hấp dẫn, mọi người chuyển sang đề tài đánh bạc trên nương thảo quả. Một anh kể rằng hôm trước có một cậu tên Lù mất cả nương thảo quả vì chơi sóc đĩa. Ban đầu đặt cược chỉ bằng đấu, rồi đến cả bao quả, máu lên, lôi cả nương ra đánh. Nhìn quanh lều thấy mấy khẩu súng kíp, tôi hỏi: "Chính quyền cấm dùng súng rồi, sao các anh còn để ở đây, không sợ bị bắt à?". Vừa cười, anh Páo vừa nói: "Ở đây chỉ có con ma rừng nó bắt thôi chứ ai bắt". Hóa ra, cứ đêm đến, dân bản lại vào rừng để săn bắn thú, phần để sinh hoạt, phần mang xuống chợ bán. Ở lán có 7 người đàn ông thì có tới 5 khẩu súng săn. Đêm về khuya, cuộc rượu rồi cũng đến hồi tàn, tôi nằm xuống "ổ" chìm trong giấc mộng. Đám thanh niên rủ nhau vào rừng săn bắn, chỉ còn mỗi anh Páo ngồi bên lò sấy thảo quả, thỉnh thoảng đút từng khúc gỗ to bằng bắp đùi vào lò. Đang mơ màng bỗng một tiếng "đoàng" phát ra từ súng kíp của đám thợ săn, tôi giật bắn mình. Sáng dậy, đã thấy hai chú gà rừng xấu số nằm quay đơ bên nồi nước chờ sôi.

            Tìm hiểu thực tế mới biết nhiều chuyện buồn, vui trên nương thảo quả. Vui vì nhiều người dân từ những hộ nghèo đã đổi đời trở thành triệu phú, tỷ phú, nhà cửa xây dựng khang trang, tiện nghi đầy đủ nhờ thảo quả. Buồn vì rừng nguyên sinh đang bị tàn phá, động, thực vật bị tiêu diệt không thương tiếc. Theo tính toán của ngành lâm nghiệp, để sấy 10 kg thảo quả tươi cần 1m³ gỗ. Để đối phó với quy định của Kiểm lâm không được chặt cây gỗ tươi trong rừng, dân bản đã đưa ra "sáng kiến" ken cây. Cuối vụ thu hoạch năm trước, họ chặt 3/4 thân cây để cây chết dần rồi đổ. Mùa thu hoạch năm sau, họ vô tư khuân những cây đó về làm chất đốt cho lò sấy quả. Hiện Lào Cai có 55 xã trồng cây thảo quả với diện tích trên 7.000 ha. Sản lượng hàng năm khoảng 1.020 tấn quả khô (khoảng 7 ngàn tấn quả tươi). Nếu đem nhân với số củi, gỗ sấy hàng năm là cả một con số khổng lồ.

            Sau chuyến đi ngược rừng thảo quả, tôi ngồi trước máy tính với hai dòng suy nghĩ lẫn lộn, viết bài tốt hay viết bài phản ánh thực trạng buồn đây? Với trách nhiệm của một phóng viên phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan nhất, tôi đã chọn cho bài của mình cái tít "Cây thảo quả, lợi bất cập hại". Một thời gian sau, phản hồi của UBND tỉnh Lào Cai chỉ đạo các cấp chính quyền địa phương có trồng cây thảo quả tuyệt đối không để người dân bản địa chặt phá cây cối tại những cánh rừng nguyên sinh và mở rộng diện tích cây thảo quả; đồng thời nghiên cứu áp dụng dự án nước ngoài trồng thảo quả tại những cánh rừng trồng, kết quả đem lại khá khả quan. Hy vọng chuyến đi xem "hái tiền" lần sau, niềm vui sẽ trọn vẹn với cả người dân "phố núi" và cánh nhà báo thường trú phân xã địa phương chúng tôi.

Thanh Hải
Theo Nội san Thông tấn, số 1+2/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Vất vả nhưng vui (08/02/2010 16:23:35)

Sát cánh với các bạn Lào những ngày SEA Games (08/02/2010 16:20:49)

Xung quanh chuýằ‡n hỏằc truýằn hÃơnh.... (08/02/2010 16:17:26)

Những cái Tết "lệch pha" ấm tình người trên đất phù tang (08/02/2010 16:00:48)

Quy định về sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép và trả tiền nhuận bút (04/01/2010 12:00:32)

9 lý do khiến máy tính "treo xanh lè" (04/01/2010 11:59:19)

Chuýằ‡n thặ°ỏằng ngày cỏằĐa phóng viÃên TÃÂy NguyÃên (04/01/2010 11:57:33)

Đồng hành cùng người dân vùng lũ (04/01/2010 11:55:18)

Quyền của cán bộ, công chức (27/11/2009 09:28:26)

Các cách để tải tập tin trên Internet (27/11/2009 09:26:17)