Thứ tư, ngày 24/07/2024

Sổ tay phóng viên

Phân xã Lào Cai: Đưa Quỹ Vì nỗi đau da cam đến với những phận đời không may mắn


(08/06/2010 10:15:59)

Hơn mười năm qua, ngày nào cũng vậy, ông Nguyễn Văn Hiển (62 tuổi), dân tộc Tày, bản Thâm Luông, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên (Lào Cai) mỗi lần mang cơm cho đứa con đẻ của mình là Nguyễn Văn Hùng (32 tuổi) lại rơi nước mắt. Bởi lẽ anh Hùng bị nhiễm chất độc màu da cam nay đã hoá như "con thú dữ" phải nhốt trong chiếc cũi gỗ rộng chừng 5m2.

            Theo chân người cán bộ Hội chữ thập đỏ xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, một ngày đầu năm 2010, các phóng viên phân xã Lào Cai đem số tiền trích từ Quỹ Vì nỗi đau da cam của TTXVN đến tặng một số đối tượng khó khăn trên địa bàn. Bảo Yên là một huyện vùng cao cách thành phố Lào Cai 120km, cư dân chủ yếu là bà con dân tộc ít người, đời sống vất vả, khó khăn.

            Bước vào cổng nhà ông Nguyễn Văn Hiển, từ xa, chúng tôi đã nghe tiếng ai đó lảm nhảm, đôi lúc gào thét vọng ra từ phía chiếc cũi gỗ dựng nơi bờ ao. Ra đón chúng tôi là một người đàn ông cao gầy, đen đúa. Đó là ông Hiển - cha đẻ của nạn nhân Hùng. Mới qua tuổi 60, nhưng khuôn mặt ông Hiển đã già nua, khắc khổ, nước da tái xạm vì không chỉ lo mưu sinh mà còn nỗi đau đứa con bị tâm thần do di chứng chất độc màu da cam từ ông truyền lại, sức lực của ông dường như đã bị cạn kiệt. Ông Hiển nghẹn ngào nói: "Phải nhốt con mình vào chiếc chuồng kia, tôi đau xót lắm mấy chú ơi!".

            Năm 1968, nghe tiếng gọi của quê hương, đất nước, ông cùng bao thanh niên lên đường nhập ngũ. Nhiều năm đóng quân, chiến đấu tại chiến trường B. Năm 1976, ông Hiển phục viên trở về quê hương với chiếc ba lô trên vai như bao cựu chiến binh khác sau khi hoàn thành nghĩa vụ. Năm 1979, ông xây dựng gia đình. Một năm sau đó, hai vợ chồng ông vui mừng đón "quý tử" đầu lòng. Hạnh phúc chẳng tày gang, đứa con mới lọt lòng đã mắc phải chứng bệnh thiểu năng, phát triển không bình thường. Gia đình đã bán hết tài sản, trâu, bò và các vật dụng có giá trị trong nhà để chạy chữa cho Hùng nhưng bệnh tình của Hùng vẫn không thuyên giảm. Khi Hùng 10 tuổi cũng là lúc mẹ đẻ mắc phải bệnh hiểm nghèo qua đời. Mỗi tuổi bệnh của Hùng càng nặng thêm. Đến năm 21 tuổi, Hùng phát bệnh thần kinh, mất tính người, không có khả năng tự chăm sóc bản thân, thường xuyên lang thang hết làng này qua thôn khác. Nguy hiểm hơn nữa, Hùng thường đập phá đồ đạc trong gia đình, hàng xóm, lấy lửa đi đốt nhà và đốt rừng. Thương con nhưng không còn cách nào khác, ông Hiển đành đóng một chiếc cũi gỗ để trong cái chòi cạnh bờ ao, nhốt Hùng vào đó để tránh nguy hiểm cho xã hội.

            "Tính đến nay, Hùng đã phải sống trong chiếc cũi này 11 năm rồi" - ông Hiển kể trong nước mắt. Hơn 30 tuổi đầu, nhưng Hùng không có cảm giác xấu hổ, cũng không biết tiết trời nóng lạnh là gì, quần áo, chăn màn đưa vào cho Hùng chẳng mấy chốc đã bị xé nát tươm. Mỗi lần muốn làm vệ sinh cắt tóc cho con, ông Hiển phải nhờ thanh niên trong xóm hỗ trợ trói chặt Hùng lại. Nhiều lúc trời rét nằm trong nhà nghe tiếng gió rít bên ngoài, ông Hiển thương con phải nằm trong chiếc cũi, không mảnh áo, quần, không biết phải làm sao được với cảnh gà trống nuôi con không may mắn, đành nuốt nước mắt vào trong.

            Để chăm sóc cho Hùng, ông Hiển phải bỏ hết mọi việc đồng áng cũng như mọi việc trong gia đình, hoàn cảnh gia đình đã nghèo lại càng nghèo thêm. Hiện nay, ngoài việc phải chăm sóc Hùng, ông Hiển còn chăm sóc người cha 90 tuổi già yếu. Ba người sống nhờ vào số tiền 1,3 triệu đồng phụ cấp chất độc màu da cam của hai bố con. Cuộc sống của ba thế hệ nhà ông Hiển đang vô cùng bi đát chưa tìm ra được giải pháp cho những ngày khó khăn đang chờ đợi phía trước.

            Chia tay cha con anh Hiển và những gia đình khác trong lòng chúng tôi không khỏi bùi ngùi, hy vọng suất hỗ trợ nhỏ bé từ Quỹ vì nỗi đau da cam của TTXVN, sẽ chia sẻ phần nào những khó khăn về kinh tế trong gia đình có nạn nhân bị nhiễm chất độc màu da cam. Tuy số tiền hỗ trợ không lớn nhưng đó là cả tấm lòng của TTXVN với lòng biết ơn sâu sắc gửi đến những người đã hy sinh xương máu đem lại hoà bình ngày hôm nay. Ba năm qua, ba huyện (Văn Bàn, Bát Xát, Bảo Yên) với 30 số phận đã được chia sẻ. Chúng tôi sẽ còn tiếp tục duy trì, đẩy mạnh phong trào nhân đạo này, cố gắng góp một phần kinh tế để giảm bớt khó khăn cho những mảnh đời không may mắn trong những năm tiếp theo.

Đ/c Lục Văn Toán, Trưởng phân xã Lào Cai (thứ ba bên phải), cùng các nạn nhân chất độc da cam xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên được nhận quà từ Quỹ Vì nỗi đau da cam TTXVN nhân dịp Tết Nguyên đán 2010

Văn Toán - Thanh Hải
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2010