Thứ năm, ngày 25/07/2024

Sổ tay phóng viên

Những dấu ấn ở chiến trường Bến Tre


(12/05/2010 11:32:15)

Ngày 5/3/1974, nhận lệnh điều động của lãnh đạo TTXGP, tôi cùng hai phóng viên ảnh Phạm Độ và Nguyễn Văn Thiều hăng hái lên đường về chiến trường Bến Tre, quê hương "đồng khởi".

Từ R về Bến Tre, băng lộ, vượt sông, luồn lách qua ấp chiến lược, đồn bót địch, phải mất 57 ngày đêm. Các trạm giao liên đưa chúng tôi tới Tiểu ban thông tấn báo chí tỉnh Bến Tre vào đúng ngày Quốc tế lao động 1/5. Anh Tám Hoàng Lê, Phó trưởng Tiểu ban và anh chị em đồng nghiệp đón tiếp chúng tôi rất nồng nhiệt.

Tiểu ban thông tấn báo chí đóng tại xã Bình Khánh, huyện Mỏ Cày Nam, là cái nôi của "đồng khởi 1960", cũng là nơi làm việc của Ban tuyên huấn Tỉnh uỷ, lãnh đạo Tỉnh ủy Bến Tre, nên việc nắm thông tin của chúng tôi có nhiều thuận lợi. Những tin, bài của tôi do đồng chí Lê Hà, Trưởng ban Tuyên huấn Tỉnh ủy duyệt và được chuyển về TTXGP rất nhanh. Nhiều tin, bài phá bót, diệt đồn, mở rộng vùng giải phóng được TTXGP chuyển ra Tổng xã tại Hà Nội và chương trình thời sự của Đài tiếng nói Việt Nam đọc ngay trong ngày. Những lúc như thế chúng tôi rất vui và các anh lãnh đạo, bộ đội, du kích, nhân dân Bến Tre được khích lệ rất nhiều.

Làm phóng viên chiến trường ở Bến Tre đã để lại trong tôi những dấu ấn khó phai. Xã Hiệp Hưng (Giồng Trôm) là nơi tôi lui tới nhiều nhất. Tôi rất kính phục dì Chín Hiền, Bí thư xã, dáng người nhỏ bé, nhưng rất giỏi chỉ đạo diệt ác, phá kìm, bóc đồn bót địch. Chính vì vậy, Hiệp Hưng trở thành xã điểm, địa bàn đứng chân của ta trong thế diệt ác, phá kìm.

Từ Lương Hòa, nơi tôi đang thai nghén bài viết "Màu xanh trên quê hương giải phóng" thì nhận được thông báo của lãnh đạo tỉnh Bến Tre: Trung ương chỉ đạo đêm 10/12/1974 toàn Bến Tre đồng loạt tấn công. Tôi lập tức rời Lương Hòa theo giao liên trở về Hiệp Hưng. Ngày 14/12/1974, bộ đội địa phương tỉnh Bến Tre đánh thắng giòn dã trận Bầu Dơi, tiêu diệt gần 70 tên, trong đó có 6 sĩ quan; làm thiệt hại nặng tiểu đoàn 415 Ngụy, tạo được tiếng vang lớn cho bộ đội ta, gây hoang mang trong binh lính và chính quyền địch. Những lúc như thế này tôi viết thật hưng phấn về chiến thắng của quân và dân Bến Tre, có lúc cảm hứng viết cả thơ "từ trận địa Bầu Dơi".

 

Mặc dù chúng tôi không có dịp theo các mũi tiến công của bộ đội ta trong trận Tổng tiến công giải phóng Sài Gòn, vì các phóng viên tin, ảnh, điện báo của "thê đội 1" đã lên đường. Nhưng chúng tôi đều rất vui khi nghe Tổng Giám đốc VNTTX Đào Tùng nói chuyện tại "đại bản doanh" TTXGP về quyết định của Bộ chính trị, của Đảng ta mở chiến dịch Hồ Chí Minh.

 

Thừa thắng xốc tới, ngày 7/1/1975 quân dân Bến Tre lại đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn 454 ở Giồng Sâu. Trước thế và lực của ta ngày càng mạnh, quân dân Bến Tre đã bức địch rút liền 20 đồn bót trong một ngày 26/3. Sau đó, tuyến đồn bót của Tiểu đoàn 418 ở Bao Ngạn, Mười Lưỡng, Chợ Cái Mít, Bà Đập, Tám Thai, Giồng Xồm, Giồng Sâu bị ta san phẳng, giải phóng cơ bản các xã Thạnh Phú Đông, Tân Hào A. Vùng giải phóng liên hoàn được mở ra từ Lương Hòa, huyện Giồng Trôm đến vùng biển Tân Hưng, huyện Ba Tri dài gần 20 km, vì thế chúng tôi có thể đi lại tự do suốt ngày đêm để đưa tin, chụp ảnh về không khí chiến thắng.

Giữa những ngày này, chúng tôi nhận được chỉ thị của lãnh đạo TTXGP trở về R. Chúng tôi hiểu rằng sau chiến thắng Buôn Ma Thuột và hàng loạt các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung, miền Đông Nam bộ được giải phóng thì ngày toàn thắng đã sắp về ta.

Đăng Thục
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2010