Thứ tư, ngày 24/07/2024

Sổ tay phóng viên

Hối hả những ngày chung sống với lũ


(06/07/2010 12:59:18)

Cơn đại hồng thủy hồi cuối tháng 9 đầu tháng 10 năm 2009 hoành hành ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đã xác lập nhiều "kỷ lục" về sự giận dữ của thiên nhiên: Kỷ lục về cường độ lũ và sức tàn phá trên diện rộng; kỷ lục thiệt hại về tài sản và con người; kỷ lục về sự cô lập nhiều địa phương trong nhiều ngày liền do mưa lũ làm tắc đường, sạt lở núi; kỷ lục về sự gồng mình chống lũ của nhân dân, chính quyền địa phương và kỷ lục về... cước phí điện thoại của phóng viên phân xã.

            Mọi chuyện bắt đầu từ nửa đêm 28/9. Mưa như trút nước lúc trời chuyển dần về sáng. Sáng sớm 29/9, tôi lập tức lao đến Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh bám theo xe của ông Văn Tất Cường, thành viên Ban chỉ đạo. Tin đầu tiên của Phân xã truyền về Tổng xã được thực hiện bằng thư thoại: "Mưa lũ gây thiệt hại nặng trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Đến 7 giờ sáng nay 29/9, lượng mưa phổ biến từ 100 đến hơn 150 mm. Mưa lũ gây sạt lở và ách tắc giao thông ở nhiều địa phương trong tỉnh. Cầu Diên Bình trên đường Hồ Chí Minh đã bị ngập. Tại thành phố Kon Tum, chính quyền địa phương đang tổ chức di rời khẩn cấp số hộ trong vùng nguy hiểm đến nơi ở an toàn. Nhiều điểm trên tuyến tỉnh lộ 672 (huyện Tu Mơ Rông) bị sạt lở nghiêm trọng. Mực nước trên sông Đắk Bla hiện lên gần báo động 3, sông Pô Cô nước lũ lên trên báo động 3. Cầu tạm Đắc Cấm trên đường Hồ Chí Minh bị cuốn trôi...".

            Chiếc xe của chúng tôi lao đi trong màn mưa dày đặc. Điện thoại di động của tôi không ngừng hoạt động. Tin tiếp theo cũng được tôi thực hiện bằng thư thoại: "Mưa lũ làm 6 người chết, 1 người mất tích, hàng trăm ngôi nhà bị tốc mái".

            Từ điểm cầu Đắk Tờ Kan trên tỉnh lộ 678 bị sập trở về, tôi nhận được lệnh của đồng chí Ngô Anh Văn, Giám đốc CQĐD TTXVN tại Đà Nẵng: Trên đường Hồ Chí Minh có một lượng hành khách bị mắc kẹt. Phân xã xác minh, viết nhanh tin này! Tôi gọi ngay cho ông Nguyễn Phúc Phận, Chủ tịch UBND huyện Đắk Glei. Tin về sự kiện này được phát về Tổng xã ngay sau đó.

            Có sự chỉ đạo kịp thời và phóng viên Phân xã bám sát tình hình nên ngay trong đêm 29/9, tôi đã viết tin phản ánh lực lượng cứu hộ của Quân đoàn 3 đã phối hợp với lực lượng của địa phương, cứu được trên 200 người sống ở dọc sông Đắk Bla đang bị nước lũ đe dọa đến nơi trú ẩn an toàn. Lực lượng vũ trang của huyện Đắk Glei đã mở được đường lên đèo Lò Xo (đường Hồ Chí Minh) để giải phóng hơn 20 hành khách bị mắc kẹt trên tuyến đường này.

            Một giờ đêm 29/9, tôi và phóng viên ảnh Trần Lê Lâm quyết tâm "bám" sát các cánh quân cứu hộ phía Nam sông Đắk Bla. Sáng 30/9, Trưởng ban BTT Trong nước Vũ Xuân Bân yêu cầu: Viết ngay một bài về công tác cứu nạn cứu hộ. Và bài "Thức trắng đêm vật lộn với lũ dữ cứu người" được viết với nguồn điện từ máy phát điện của Đài PT-TH tỉnh. Toàn TP. Kon Tum đã mất điện từ mấy ngày nay. Trước đó vài giờ, tin về chuyến thăm và chỉ đạo ứng chiến với lũ của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tôi cũng viết nhờ từ nguồn điện phát của Ngân hàng Đầu tư.

            Sau hai ngày "chiến đấu" với lũ, đến lúc này, chúng tôi đã thật sự thấm mệt. Rất may là bài này được Ban Trong nước chấm "hào phóng" 130 điểm. Sáng 1/10, tôi quyết định theo một cánh quân cứu hộ về vùng rốn lũ huyện Tu Mơ Rông. Tôi "chộp" được chiếc ô tô của một người bạn. Xe đến xã Diên Bình (đường Hồ Chí Minh) thì bị chặn lại. Nghe tôi trình bày "hoàn cảnh", anh Thủy - Đội phó Đội tuần tra Cảnh sát giao thông tỉnh giúp đỡ bằng cách đề nghị một thanh niên đi xe máy chở tôi vượt qua Diên Bình. Thanh niên đó "cự" lại: Đường thế này làm sao đi được. Anh Thủy ra lệnh: "Đây là sếp lớn đi kiểm tra lũ lụt, anh chở sếp đi khi nào không đi được nữa thì sếp đi bộ".

 

Trong những ngày mưa lũ, phóng viên Phân xã đã phải căng hết mình để có mặt tại hầu hết các điểm nóng giận dữ của thiên nhiên. Ăn ngủ thất thường, mặt mày phờ phạc, tôi và phóng viên ảnh Lê Lâm cứ gọi là hoạt động... hết công suất.

 

            Chiếc xe chạy được khoảng vài trăm mét thì khựng lại vì trước mắt là hàng chục nghìn mét khối đất và gỗ lấp kín đoạn đường dài gần 2 cây số. Sau một hồi lội bộ qua "đoạn đường đau khổ" này, tôi được một thanh niên khác cho đi nhờ về phía huyện Đắk Tô. Những thông tin nóng hổi đầy ắp mấy trang sổ tay.

            Gần trưa, chúng tôi đến trụ sở UBND huyện Tu Mơ Rông. Lãnh đạo huyện đi vắng, các nhân viên Văn phòng ủy ban lắc đầu: Điện bị cắt hết rồi, lượng dầu chạy máy nổ còn rất ít, không thể nổ máy cho anh được. Rất may là sau đó, ông Vũ Hữu Tuấn, Chủ tịch UBND huyện, đi kiểm tra tình hình lụt bão trở về đã ra lệnh cho nổ máy phát điện. Bài "Tan nát làng Mô Bành" ra đời sau hơn hai tiếng đồng hồ viết cật lực. Viết xong tôi tìm ra bưu điện huyện để truyền tin.

            Tiếng là Bưu điện huyện nhưng mới vừa thành lập nên chỉ nhỉnh hơn Bưu điện văn hóa xã. Đường truyền bằng ADSL bị đứt, đường truyền bằng cổng 1269 cũng vô vọng. Lại gặp may, một chiếc ô tô của cán bộ cấp tỉnh đi "phòng chống bão lụt" chạy qua. Tôi bám càng chiếc xe này trở ra phía huyện Đắk Tô truyền bài ‘Tan nát làng Mô Bành" về Tổng xã khi trời đã tối.

            Mưa lũ đi qua, hàng loạt các vấn đề cấp bách nhằm khắc phục hậu quả đặt ra trước mắt. Đó là việc tổ chức thăm hỏi và cứu trợ kịp thời cho các gia đình có người chết, bị thương, mất nhà cửa nhất là ở những vùng còn bị chia cắt, vùng bị lũ quét và những vùng có nguy cơ sạt lở núi cao; đó là hoạt động của các lực lượng vũ trang trong việc giúp đỡ nhân dân dựng lại nhà ở, khắc phục tình trạng tắc đường, đảm bảo cung cấp lương thực, thực phẩm, nước uống, quần áo cho nhân dân vùng ngập lũ; cấp thuốc chữa bệnh, thuốc khử trùng nước uống, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau lũ; khôi phục các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trường học, bệnh xá, giao thông, thủy lợi; kiểm soát giá cả thị trường tránh tình trạng đầu cơ tăng giá; vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị giống cây trồng giúp nhân dân sớm phục hồi sản xuất... Công việc cứ thế diễn ra và phóng viên của Phân xã cũng không nằm ngoài quỹ đạo chung đó. Vất vả nhưng vui!

Đoàn Hữu Trung
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2010