Thứ năm, ngày 04/07/2024

Sổ tay phóng viên

Làm phóng viên thường trú ở nước ngoài:

Đi một ngày đàng......


(05/08/2010 15:31:20)

Gần 18 tháng sống ở Nhật Bản chưa phải là thời gian dài trong cuộc đời làm báo, nhưng nó đã mang lại cho tôi nhiều kinh nghiệm quý báu và giúp tôi vững vàng hơn. Tuy nhiên, một chặng đường dài vẫn còn ở phía trước. Tôi sẽ tiếp tục nỗ lực làm việc để xứng đáng với niềm tin mà TTXVN đã trao cho thế hệ trẻ chúng tôi.

Đối với những người thích khám phá, làm phóng viên thường trú ở nước ngoài chắc hẳn là một công việc rất thú vị. Tuy nhiên, đây cũng là công việc đầy khó khăn và thách thức, nhất là đối với các phóng viên trẻ, đòi hỏi mỗi người không chỉ giỏi chuyên môn, nghiệp vụ, biết tiếng bản địa, am hiểu văn hóa, phong tục và tập quán của nước sở tại mà còn phải có bản lĩnh vững vàng.

Năm 2009, tôi đã được TTXVN cử làm phóng viên thường trú ở Tokyo. Dù đã từng đến Nhật Bản hai năm trước nhưng đây là lần đầu tiên tôi được cử đi thường trú ở nước ngoài. Tôi hiểu rằng rất nhiều thách thức đang chờ đợi mình ở phía trước.

Vừa mới chân ướt, chân ráo tới Tokyo, tôi đã có kỷ niệm đáng nhớ đầu tiên. Một hôm, anh Hideo Sakai, một người bạn Nhật làm việc ở hãng tin Jiji Press, dẫn tôi tới thăm trụ sở của hãng ở gần ga Ginza. Khi từ ga Ginza ra, chúng tôi phải đi qua một cái thang cuốn để lên mặt đất. Do thói quen ở Việt Nam, khi lên thang cuốn, tôi đứng vào giữa và cứ vô tư nói chuyện với anh Sakai đang đứng ở phía trên, bên trái. Đi đến giữa chừng, tôi cảm thấy có điều gì bất ổn ở phía sau nên quay lại. Thật bất ngờ, phía sau tôi là một hàng dài người đang đứng ở dưới với vẻ mặt rất nôn nóng. Nghe thấy tiếng động đằng sau, anh Sakai cũng quay lại và vội nhắc tôi: "Tùng-san, em phải đứng sang bên trái". Tôi không hiểu lắm nhưng cũng đứng sang bên trái theo lời của anh Sakai. Sau đó, những người đứng ở phía dưới, bên phải của thang cuốn vội vã bước lên ngang qua tôi. Lên tới mặt đất, anh Sakai ôn tồn giải thích: "Ở Tokyo, khi đi thang cuốn, bạn phải đứng ở bên trái. Phía bên phải dành cho những người có việc gấp và họ sẽ bước đi trên thang cuốn chứ không đứng lại". Vâng, đó là bài học đầu tiên của tôi ở Nhật Bản. Kinh nghiệm rút ra từ bài học này đó là: "Phóng viên thường trú nước ngoài phải am hiểu phong tục và tập quán của nước sở tại". Những lần sau đó, tôi chú ý hơn tới việc quan sát các tập tục bất thành văn trong xã hội Nhật Bản và phát hiện ra rất nhiều điều thú vị.

Tokyo được gần một năm, với lợi thế của tuổi trẻ, tôi đã đi khá nhiều nơi và gặp gỡ nhiều người Nhật nên cũng tích lũy được vốn kiến thức kha khá về xứ sở hoa anh đào. Vì vậy, khi nhận được thông tin TP. Hà Nội sẽ tổ chức Tuần lễ Văn hóa Hà Nội ở tỉnh Fukuoka, tôi cảm thấy khá tự tin là có thể tự đến đó để đưa tin về sự kiện này. Vẫn như mọi khi, tôi chuẩn bị mọi thứ cần thiết để phục vụ cho chuyến công tác, từ các thiết bị để tác nghiệp, đồ dùng hàng ngày tới thông tin về địa bàn sẽ đến và về sự kiện sắp diễn ra. Tôi cũng không quên gọi điện thoại cho Tổng lãnh sự Vũ Huy Mừng để thông báo về kế hoạch của mình và nhờ anh đặt chỗ ở khách sạn. Tới ga Tokyo, tôi nói với nhân viên của quầy bán vé: "Hãy bán cho tôi một vé tới Fukuoka". Xuất phát từ ga Tokyo lúc 14 giờ bằng tàu tốc hành, tôi chắc mẩm sẽ có mặt tại tỉnh Fukuoka sau hơn 3 tiếng theo đúng lịch trình. Tuy nhiên, sáu tiếng sau đó, tàu mới tới Fukuoka. Và điều đáng buồn hơn nữa là khi tới Fukuoka, tôi mới phát hiện ra rằng đó là ga Fukuoka thuộc tỉnh Toyama ở miền Trung Nhật Bản chứ không phải tỉnh Fukuoka ở phía Nam. Để quay lại tỉnh Fukuoka, tôi phải mất ít nhất 10 tiếng và không thể kịp giờ khai mạc Tuần lễ Văn hóa Hà Nội. Có lẽ, do có nhiều người đã bị nhầm lẫn như trường hợp của tôi nên ở ga Fukuoka, người ta đã làm hẳn bản hướng dẫn đường đi để quay lại tỉnh Fukuoka. Phần vì mệt, phần vì chán nản, tôi quyết định quay về Tokyo. Mặc dù sau đó, tôi vẫn có tin và ảnh về sự kiện này nhờ sự hỗ trợ của Tổng lãnh sự Việt Nam tại Fukuoka nhưng chuyến công tác thất bại này đã cho tôi một bài học: "Phải kiểm tra và kiểm tra kỹ lưỡng mọi thông tin".

Tục ngữ có câu: "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao". Câu nói này càng đúng đối với các phóng viên thường trú ở nước ngoài. Có một câu chuyện mà đến bây giờ tôi vẫn nhớ mãi. Khi mới sang Nhật Bản được hai tháng, tôi đã bị bỏng nặng ở chân. Lúc đầu, tôi cũng hơi hoang mang vì không thể đi đâu với đôi chân bị bỏng, trong khi vợ tôi không biết tiếng Nhật và chưa thông thạo địa bàn. Tuy nhiên, chỉ vài giây sau, tôi đã lấy lại bình tĩnh và cảm thấy rất yên tâm vì mình còn có những đồng nghiệp ở bên cạnh. Ngay sau khi được thông báo, một đồng nghiệp trong phân xã đã đi mua thuốc và đưa tôi tới bệnh viện khám. Nhờ sự giúp đỡ tận tình đó, vết bỏng của tôi đã mau chóng bình phục.

Không chỉ giúp đỡ nhau trong cuộc sống thường nhật, chúng tôi cũng hợp tác chặt chẽ trong công việc. Do chỉ có một số lượng hạn chế nhân lực nhưng lại phải làm nhiều loại hình báo chí (từ viết tin, phỏng vấn, chụp ảnh đến quay video) nên nếu không làm việc theo nhóm, chúng tôi sẽ không thể phản ánh kịp thời các sự kiện quan trọng ở Nhật Bản tới độc giả trong nước. Mỗi khi có sự kiện lớn như cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản cuối tháng 8/2009 hay cuộc bầu cử Chủ tịch Đảng Dân chủ Nhật Bản vào đầu tháng này, chúng tôi phải làm cả ngày lẫn đêm trong suốt thời gian diễn ra sự kiện đó. Dù vất vả nhưng mỗi khi thấy "những đứa con tinh thần" xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, chúng tôi cảm thấy rất vui bởi mình đã hoàn thành nhiệm vụ "cầu nối thông tin" và góp phần giúp tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước.

Thanh Tùng
Theo Nội san Thông tấn, số 7/2010

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Phụ cấp độc hại, nguy hiểm trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình (05/08/2010 15:27:12)

Giấy phép quảng cáo trên báo chí (06/07/2010 13:14:14)

Virus - những rắc rối & cách phòng chống (06/07/2010 13:08:40)

"TÃƠi là phÃỠng viÃến thẳồáỪŨng trÃỨ cáỪậa TTXVN" (06/07/2010 13:01:14)

Hối hả những ngày chung sống với lũ (06/07/2010 12:59:18)

Một ngày của phóng viên phân xã (06/07/2010 12:56:14)

Virus - Những rắc rối & cách phòng chống (08/06/2010 10:23:54)

Quy định về phỏng vấn trên báo chí (08/06/2010 10:22:32)

Phân xã Lào Cai: Đưa Quỹ Vì nỗi đau da cam đến với những phận đời không may mắn (08/06/2010 10:15:59)

Phân cảnh kỹ thuật truyền hình (08/06/2010 10:13:16)