Thứ hai, ngày 20/05/2024

Sổ tay phóng viên

Đi một ngày đàng...


(29/02/2012 09:23:00)

Thâm niên làm báo của tôi chưa thật nhiều, nhưng cũng đã có những trải nghiệm không thể nào quên trong quãng thời gian hơn chục năm là phóng viên thường trú ở các địa bàn miền núi, biên cương của Tổ quốc. Những năm tháng lăn lộn ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã giúp tôi tích lũy cả kinh nghiệm sống lẫn kinh nghiệm nghề nghiệp.

    

Phóng viên Viết Tôn (thứ hai từ trái sang) tác nghiệp tại xã vùng cao Phố Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) 

      Tết 2006 tôi ở lại Điện Biên. Trên đường vào huyện Tủa Chùa dự lễ Gầu Tào (Tết của đồng bào dân tộc Mông), anh Mùa A Sơn, khi đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên và bây giờ là Chủ tịch tỉnh, nói với tôi: "Đồng bào Mông quý cán bộ lắm. Hôm nay chú là khách quý nên vào mâm cỗ ngồi thế nào cũng được, say rượu thì cứ đi ngủ, đừng ngại". Tôi băn khoăn gặng hỏi, anh Sơn giải thích: "Đồng bào mình có một qui định rất nghiêm, nếu là già làng trưởng bản hay người có uy tín, cán bộ khi đến nhà là khách quý. Còn là con cháu thì khi ăn cỗ, phải ngồi quay mặt vào trong nhà, cấm kỵ ngồi quay lưng vào bàn thờ". Chỉ vài câu ngắn ngủi như vậy nhưng đã dạy cho tôi một bài học về sự "nhập gia". Nếu không chịu khó quan sát, tìm hiểu đến tận những chi tiết nhỏ về phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc, về bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao thì người phóng viên không thể làm tốt công việc của mình.

Một kỷ niệm khác là chuyến đi phá án ma túy cùng các chiến sĩ biên phòng Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Điện Biên. Chuyện xảy ra vào tháng 4/2006. Biết tin các chiến sĩ biên phòng vừa tóm gọn một đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy và đang trên đường áp giải về Sở chỉ huy, tôi vội đến và chứng kiến việc các chiến sĩ đang đưa đối tượng vào phòng tạm giữ. Tôi tiến đến gần đối tượng định chụp ảnh thì các chiến sĩ biên phòng ngăn lại. Một chiến sĩ giải thích: "Bắt được đối tượng này nhưng việc của chúng tôi chưa hẳn đã xong, vì nhiều tên trong băng nhóm của chúng còn đang mai danh ẩn tích. Lúc này nhà báo không được chụp ảnh. Để khi chuyên án kết thúc, chúng tôi sẽ mời anh qua cùng khai thác thông tin, lúc đó anh chụp hình cũng chưa muộn". Tôi giật mình, nếu không được giải thích như vậy, có lẽ tôi sẽ làm công sức của các anh "đổ xuống sông xuống biển".

Sau này, khi chuyên án kết thúc thành công, giữ đúng lời hứa, Đại tá Cao Thế Khiển, khi đó là Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy bộ đội biên phòng Điện Biên, đã cung cấp cho tôi những tấm hình bọn tội phạm ma túy mà các anh đã chụp. Trong những lần tìm hiểu tư liệu để viết bài về những chuyên án ma túy của lực lượng vũ trang, sau này tôi còn biết thêm: Bọn buôn bán "cái chết trắng" thường rất hung hãn, chúng hay manh động và luôn sử dụng vũ khí nóng. Nếu hôm đó tôi chụp ảnh các chiến sĩ dẫn giải đối tượng rồi đưa lên báo, vô tình tôi để lộ danh tính các anh và đồng bọn của chúng có thể trả thù gia đình, cá nhân các chiến sĩ. Và nếu như vậy, thì chính việc tôi hăng hái tuyên truyền thành tích của các anh lại phản tác dụng.

Khi về thường trú tại Yên Bái, năm 2007 viết bài chống lâm tặc phá rừng Túc Đán huyện Trạm Tấu có một việc có lẽ suốt đời làm báo tôi sẽ không quên. Những bài báo ấy tôi toàn ký tên thật. Chú Phan Đình Khôi, Ban biên tập tin Kinh tế (đã nghỉ hưu) thấy vậy đã điện thoại động viên tôi và nhắc khéo: "Cháu viết chống tiêu cực nên lấy bút danh, không nên ký tên thật. Bởi khi bọn lâm tặc bị bắt và đi tù, sau này mãn hạn tù, chúng mà trả thù cháu thì...". Những lời nhắn nhủ đó của chú Khôi đã cho tôi thêm kinh nghiệm, biết tỉnh táo ngay cả lúc say nghề. Và những tác phẩm chống tiêu cực sau này, tôi đều ký bút danh để không lộ thân phận mình.

Kết thúc nhiệm kỳ thường trú ở ba tỉnh, khi về báo Tin Tức tôi còn có điều kiện đi đến nhiều tỉnh, nhất là địa bàn miền núi. Được Ban biên tập báo Tin Tức tin tưởng giao "đứng" trang Dân tộc và miền núi, khi báo Tin Tức đã tham gia chương trình 975 nên các chuyến công tác vùng sâu, vùng xa của tôi càng nhiều. Được đến những bản làng xa xôi, tôi càng có điều kiện trau dồi kinh nghiệm và vốn sống, trưởng thành và nhanh nhậy hơn khi tác nghiệp.

Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm lý thú, vừa bổ ích với chính mình vừa để cống hiến. Qua những chuyến đi ấy, vốn sống và kiến thức về cơ sở trong tôi cũng dầy lên theo năm tháng. Mỗi "ngày đàng" một "sàng khôn". Thấm nhuần điều ấy nên tôi luôn trong tư thế sẵn sàng, cơ quan yêu cầu là... lên đường.

Nguyễn Viết Tôn
Theo Nội san Thông tấn, số 02/2012