Thứ ba, ngày 21/05/2024

Sổ tay phóng viên

Trường Sa trở thành một phần cuộc sống của tôi


(22/11/2011 15:35:06)

Tháng 6, biển hiền hoà như tiếp thêm sức mạnh cho con tàu HQ 996 chở đoàn thân nhân các chiến sĩ ra thăm đảo Trường Sa. 143 con người trên tàu này là 143 niềm vui, sự háo hức và khát khao gặp người thân nơi đầu sóng ngọn gió.

            Trên tàu HQ 996, lần đầu ra đảo, tôi đã có thật nhiều "bạn". Đó là cha, là mẹ, là vợ của các chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa.

            "Vân ơi, lên boong với chị!", chị Hoàng Thị Thanh (vợ của anh Trung, đảo Trường Sa lớn) gọi tôi. Chị Thanh đã ngoài 50 tuổi. Chồng chị cứ đi miết, hết đảo này đến đảo khác, chị ở nhà thay chồng nuôi hai con, quán xuyến mọi việc gia đình. Lần đầu chị ra thăm chồng, không giấy bút nào tả nổi cảm xúc. Chị hay tìm tôi tâm sự, mặc cho sóng bên ngoài vỗ ì oạp, nắng chói chang qua từng khoang tàu, chị thường khóc mỗi khi kể chuyện gia đình khiến tôi thấy lòng mình rưng rưng.

            Cùng đi trong chuyến tàu này có nhiều vợ bộ đội tuổi đời rất trẻ: Thanh Xuân, cô giáo trường mầm non bán công Quỳ Hợp, Nghệ An, mới lấy chồng được ba tháng thì chồng đi đảo. Từ Thị Vy (Đà Nẵng) là vợ của trung uý Tài ở đảo Trường Sa lớn. Chồng Vy hai lần đi đảo, nỗi nhớ chồng của Vy dài dằng dặc nhưng cô vợ trẻ lạc quan này vẫn hát tình ca mỗi sáng khi boong tàu ngập nắng. Cô hát cho vơi đi nỗi nhớ con nơi đất liền, hát vì mong mỏi được gặp chồng từng giây từng phút. Vy tâm sự: Mỗi lần nghe tin biển dậy sóng, lòng em như thắt lại. Anh ấy ở đảo xa phải chịu biết bao gian lao em đi như thế này mới hiểu hơn sự vất vả của chồng...

            Những ngày biển lặng, chị em chúng tôi lập đội văn nghệ "cây nhà lá vườn" ngồi tập hát ngoài boong tàu, tiếng hát át tiếng sóng: "Trường Sa ơi/ Không xa đâu Trường Sa ơi/ Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ...". Mấy cô còn tự sáng tác rồi tự diễn: "Cháu lên ba thì mẹ ra Trường Sa thăm bố...". Tôi đọc được trong ánh mắt những người phụ nữ ấy cả nỗi buồn xa xăm lẫn niềm vui và khát khao cháy bỏng mong phút giây gặp chồng đến gần hơn.

            Phái nữ thì dạt dào như thế, còn những người đàn ông ra thăm con lại nén tình cảm trong lòng. Bác Trần Thọ Nam, quê ở Bắc Giang, lần đầu ra thăm con trai. Bác bảo: Tôi chỉ mong con mình cứng cáp, trưởng thành hơn. Có sóng gió mới thử thách được chí làm trai. Ông Mưng- ngư dân Quảng Ngãi, thì hồ hởi: Trai út nhà chú ở đảo An Bang. Lần này chú ra thăm con chỉ để xem nó đã bỏ được tật hay gãi đầu, gãi tai chưa...

            Sau hành trình dài trên biển rồi chúng tôi cũng đến đích. Trường Sa lớn, Trường Sa Đông, rồi Đá Tây, An Bang, Phan Vinh, đảo nào đi qua, tôi cũng đọc được sự yêu thương, tình cảm ngập tràn của bộ đội và người thân khi gặp gỡ. Tôi chụp ảnh các đôi vợ chồng chiến sĩ mà thấy rưng rưng với niềm hạnh phúc ngập tràn trong đôi mắt, nụ cười của họ. Vài ngày thăm người thân thật ngắn ngủi nhưng đã cho các chị, các bác sức mạnh để quay về.

            Tôi trở về Hà Nội, mang theo cả những cánh sóng Trường Sa. Chiếc điện thoại của tôi luôn rộn rã tiếng nói, tiếng cười của các bác, các chị, của những anh bộ đội đảo xa. Mọi người hàng ngày vẫn trò chuyện cùng tôi, câu chuyện như không có điểm dừng. Bác Nam mời tôi đến Bắc Giang quê bác ăn vải; cô bạn trẻ Mai Thị Linh khóc rưng rức trong điện thoại vì niềm vui ngập tràn khi báo tin cho tôi: Linh sắp có em bé. Mai Ca thì điện thoại đòi ảnh. Anh Hưng, anh Kiên... ở Bộ Tư lệnh vùng 4 Hải quân coi tôi như em gái vẫn thường nhắn tin hỏi thăm. Anh Khánh, thuyền trưởng tàu 996, thì giữ chiếc mũ của tôi làm kỷ niệm. Hải, Hưng- những người lính trẻ vẫn thường xuyên cùng tôi trò chuyện qua điện thoại... Tình cảm đó là món quà thiêng liêng ý nghĩa nhất mà Trường Sa tặng cho tôi. Quyển sổ của tôi đầy ắp lưu bút và những dòng địa chỉ của người thân của lính đảo từ mọi miền Tổ quốc.

            Trường Sa đã trở thành một phần cuộc sống của tôi.

Bích Vân
Theo Nội san Thông tấn, số 10/2011