Thứ ba, ngày 21/05/2024

Sổ tay phóng viên

Trò chuyện với Nhà báo


(08/09/2011 12:55:42)

Phó TBT phụ trách báo Le Courrier du Vietnam Hoàng Lan Hương: Náo nức gặp nhau trong "Không gian Pháp ngữ"

            Đối với những người làm báo tiếng Pháp, Chủ nhật ngày 20/3/2011 ghi dấu một niềm vui: Lần đầu tiên, chuyên mục Không gian Pháp ngữ chính thức ra mắt trên Kênh truyền hình Vnews (khi đó vừa tròn 7 tháng tuổi). Chúng ta cùng chia sẻ với chị Hoàng Lan Hương, Phó Tổng biên tập phụ trách tòa soạn báo Le Courrier du Vietnam, về công tác chuẩn bị cho chuyên mục này.

            Chuyên mục Không gian Pháp ngữ ra đời đúng ngày 20/3- Ngày hội của những người nói tiếng Pháp trên toàn thế giới - là một nỗ lực lớn lao của tập thể tòa soạn Le Courrier du Vietnam và phòng Chuyên đề Vnews; với sự giúp đỡ của Văn phòng khu vực, thuộc Tổ chức Pháp ngữ quốc tế (OIF).

            Những ngày này, khi đất trời xao xuyến sang thu, Vnews vừa tròn một tuổi và "Không gian Pháp ngữ" thì đã trải qua hơn 10 chương trình, trong mỗi chúng tôi vẫn vẹn nguyên cảm xúc của những ngày mới bắt tay vào việc. Mọi thứ bộn bề tưởng chừng khó vượt qua đối với chúng tôi- những người xưa nay chỉ quen làm báo viết. Rồi người dẫn chương trình chọn ai đây? Chỉ là 15 phút cho mỗi buổi lên sóng, hai tuần một chương trình, nhưng đối với chúng tôi, đó là một bài toán nan giải.

            Nhiều cuộc họp "hẹp" giữa anh chị em tham gia chương trình trong tòa soạn, họp "rộng" giữa ê-kíp của chúng tôi với lãnh đạo và nhóm biên tập chuyên đề của THTT, rồi những buổi đào tạo tại chỗ liên tục được tổ chức...

            Và thế là khó khăn phải lùi bước trước quyết tâm cao của tập thể báo Le Courrier du Vietnam, đặc biệt, trước sự chỉ đạo sát sao, sự hỗ trợ và cộng tác hết sức nhiệt tình của lãnh đạo, anh chị em đồng nghiệp Trung tâm Truyền hình. Số đầu tiên của chúng tôi đã ra mắt đúng kế hoạch, được ban lãnh đạo cơ quan và đông đảo công chúng đánh giá tốt, cả về nội dung chương trình lẫn hình thức thể hiện. Chúng tôi rất vui vì sức lan tỏa của chương trình, bên cạnh lời khen ngợi còn có cả những nhận xét, gợi ý chân tình từ đông đảo bạn xem truyền hình, với mong muốn chương trình ngày càng hoàn thiện.

            Vui hơn nữa là từ nay, giữa bạn xem truyền hình và chúng tôi đã có một địa chỉ trên Vnews, để đến hẹn lại được gặp nhau trong "Không gian Pháp ngữ".
 
 

 

BTV Thu Minh: Truyền hình - sản phẩm của tình đồng đội

            "Truyền hình - sản phẩm của tình đồng đội" là câu nói được BTV Thu Minh, Trưởng phòng Multimedia, Ban biên tập tin Thế giới, nhắc đến nhiều lần trong cuộc trò chuyện với chúng tôi...

 

            PV: Là một biên tập viên báo viết lâu năm, giờ chuyển sang làm tin truyền hình, chị có thể chia sẻ những thuận lợi và khó khăn đã trải qua?

            Thu Minh: Chúng tôi đã gắn bó với công việc truyền hình được hơn một năm. Ban đầu là vài bản tin một ngày. Bây giờ đã đảm trách toàn bộ các bản tin, làm việc 24/24 giờ và tất cả các ngày trong năm. Đặc thù công việc hoàn toàn mới, với những yêu cầu và sức ép cũng rất khác với việc biên tập văn bản trước đây, trong khi nhiều điều kiện còn hạn chế... nên khó khăn không ít. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã dự liệu được những khó khăn vất vả và huy động tối đa sức mạnh tập thể của Ban, nhờ đó đã chủ động được trong mọi tình huống.

            Còn nói về những cảm nhận của chúng tôi khi làm truyền hình thì điều đầu tiên là cần phải có sức khỏe tốt mới có thể bám sát "dòng chảy" không ngừng của các bản tin. Bất kể là vào nửa đêm hay giữa trưa, mắt luôn phải "mở to" trước một tập dày mo-rát hoặc để tìm chọn hình ảnh; đầu óc luôn phải tỉnh táo để không sai sót; giọng đọc luôn phải giữ độ thanh trong; và đặc biệt là phải luôn giữ bình tĩnh kể cả khi chiếc máy dựng hình cứ "ì" ra không chịu "nghe lời".

            Điều thứ hai mà chúng tôi cảm nhận sâu sắc, đó là sự phối hợp, tinh thần làm việc tập thể phải rất cao. Để có một bản tin chất lượng với những thông tin mới nhất lên sóng đúng giờ, mỗi người, ở mỗi phần việc của mình đều phải rất cố gắng. Điều này càng thể hiện rõ khi có những sự kiện quan trọng, thông tin "nóng" cần đưa ngay. Những lúc như thế, chúng tôi phân công người biên tập text, người theo dõi tin nguồn để cập nhật chi tiết, người tìm hình, người liên lạc với bộ phận tổ chức sản xuất để sắp xếp bản tin... , không khí làm việc thật sôi nổi. Và rồi, đến giờ phát sóng, mỗi chúng tôi đều cảm thấy vui vui khi theo dõi sản phẩm của cả ê-kíp.

 
 

 

MC Yên Khương: Cố gắng tạo phong cách riêng cho chương trình

            Yên Khương (tên thật là Nguyễn Thị Yến) - người dẫn chuyên mục Radar văn hóaVăn hóa toàn cảnh (báo Thể thao&Văn hóa). Vốn là dân báo viết, được tòa soạn giao nhiệm vụ biên tập và dẫn chương trình trên truyền hình, vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, cô gái sinh năm 1987 này đã nỗ lực hoàn thành tốt công việc. Dưới đây là vài điều chia sẻ của Yên Khương sau một năm gia nhập đội ngũ làm Truyền hình Thông tấn.

Yên Khương trong một buổi ghi hình chuyên mục Radar văn hóa

PV: Ấn tượng đầu tiên khi bạn chuyển từ báo viết sang làm báo hình?

 

Yên Khương: Tôi đã học được cách tư duy sống động từ hình ảnh.

 

PV: Được đánh giá là một trong những MC có duyên của Kênh truyền hình Thông tấn, Yên Khương đã lựa chọn cho mình phong cách dẫn như thế nào?

 
Yên Khương: Cụ thể trong chương trình Radar Văn hóa mà tôi tham gia, tôi cố gắng hướng tới sự chân thành nhất có thể.

 

PV: Những dự định của bạn trong tương lai để đóng góp nhiều hơn nữa cho kênh Vnews?

 

Yên Khương: Làm truyền hình đòi hỏi tính tập thể rất cao, tôi cùng nhóm PV, BTV Văn hóa thuộc phòng Multimedia của báo Thể thao & Văn hóa đang thực hiện hai chương trình Văn hóa toàn cảnhRadar Văn hóa phát sóng trên Truyền hình Thông tấn. Sau một năm làm việc, chúng tôi cơ bản giữ được tính ổn định và hướng tới sự hấp dẫn của cả hai chương trình nói trên. Quan điểm của tôi: Cố gắng làm những điều tốt nhất ở hiện tại, và tương lai chính là bước kế tiếp.

 

 

 

Nguyễn Đăng Lâm, Trưởng phân xã Quảng Ngãi: Làm truyền hình vất vả nhưng rất vui!

            Ở Quảng Ngãi hiện nay, truyền hình Thông tấn phát sóng trên hai kênh My TV và truyền hình cáp (số thuê bao khoảng trên 60.000 hộ). Hàng chục năm làm PV tin - ảnh, tôi đã thấy bận, nay làm thêm thông tin truyền hình lại càng thêm vất vả, nhưng niềm vui nhiều hơn khi tin của mình được phát nhanh hơn đài truyền hình địa phương và được mọi người ngợi khen. Nói một cách công bằng, tin truyền hình của phân xã Quảng Ngãi chưa phải đã nhiều và chưa thật hay, nhưng anh em phân xã luôn nhắc nhau không chạy theo số lượng, đưa tin tràn lan mà cân nhắc, lựa chọn sự kiện để đưa lên sóng. Tin ít một phần cũng bởi lý do là phân xã có 3 phóng viên nhưng mới chỉ được trang bị một máy quay nhỏ (anh em vẫn nói vui là vừa bằng "một lon bia") thì khó mà chủ động, có khi một ngày ở tỉnh diễn ra 3-4 sự kiện cần đưa tin, nhưng... "máy kia khôn xẻ làm ba được". Trình độ quay, dựng hình của PV phân xã cũng có hạn vì mới được qua một lớp tập huấn ngắn hạn của ngành nên các sản phẩm tin, phóng sự do PV phân xã thực hiện phát về Trung tâm mới ở dạng "thô", do vậy các khâu biên tập, kỹ thuật ở Trung tâm vì thế cũng vất vả hơn.          

            Để thông tin ngày càng phong phú và chất lượng hơn, trong thời gian tới, Vnews cần phối hợp chặt chẽ hơn với các phân xã trong và ngoài nước. Các chi nhánh của Vnews nên có kế hoạch đến với từng phân xã để phối hợp làm thông tin và hướng dẫn cho PV "nằm vùng" những "chiêu" mới trong việc tác nghiệp, nhất là về kỹ thuật dựng. Thông qua hệ thống phân xã, Trung tâm có thể mở rộng mạng lưới cộng tác viên của các đài phát thanh truyền hình địa phương, đồng thời tiếp tục mở lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ truyền hình cho PV các phân xã thì chất lượng sẽ tốt hơn nhiều.

 

 
 
Nguyễn Văn Thông, Trưởng phân xã Gia Lai: Quyết tâm lớn, trách nhiệm cao

Trưởng phân xã Gia Lai - Nguyễn Văn Thông (phải) thực hiện phỏng vấn cho truyền hình

            Sau một năm thực hiện thêm nhiệm vụ mới - làm thông tin truyền hình - tôi thấy rất phấn khởi bởi ngành có thêm một kênh thông tin quan trọng, có thể đến với khán giả nhanh và sinh động nhất. Phân xã Gia Lai đặt quyết tâm thực hiện tốt nhiệm vụ này, dẫu rằng làm truyền hình, nỗi vất vả của PV phân xã tăng thêm nhiều. Nhất là khi phương tiện đi lại chưa được trang bị và hoạt động ở một địa bàn miền núi thì khó khăn, vất vả nhân lên bội phần. Tuy vậy, thời gian qua, các PV phân xã luôn nỗ lực cao nhất trong tác nghiệp truyền hình, cố gắng hoàn thiện sản phẩm rồi mới phát về Trung tâm, nhất là về hình ảnh.

            Tuy nhiên, do tính chất công việc còn quá mới mẻ nên chất lượng sản phẩm truyền hình của chúng tôi chắc chắn vẫn chưa được như mong muốn. Để cho chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, đáp ứng tốt nhu cầu của người xem truyền hình, tôi thiết nghĩ cần có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ hơn từ Tổng xã đến từng phân xã. Cụ thể, hàng tháng (có thể là hàng quý) cần có sự nhận xét, đánh giá và phân tích những tin, phóng sự tốt; đồng thời nêu lên những tin, phóng sự chưa đạt yêu cầu để cho những người trực tiếp làm truyền hình cơ sở rút ra được những bài học kinh nghiệm.

 

 
 
Kim Há, phóng viên phân xã Cà Mau: Mong muốn có định mức phù hợp

            Làm truyền hình mới thấy có rất nhiều cái khó. Phóng viên đi cơ sở tác nghiệp truyền hình phải mang theo hành trang quá cồng kềnh, nào là máy quay phim, chân máy, máy tính xách tay và nhiều thứ khác, trong khi phương tiện đi lại là xe máy. Có chuyến công tác chúng tôi phải vượt đoạn đường xa trên 100km. Chưa hết, phóng viên phân xã làm tin truyền hình phải một mình thực hiện nhiều công đoạn: viết đề cương, ghi hình, dựng hình, viết lời bình rồi chuyển tin về Tổng xã. Do đó, phóng viên nhiều khi gặp khó khăn về thời gian. Tuy vậy, niềm vui khi có những sản phẩm do chính mình khổ công thực hiện được phát sóng, phục vụ công chúng trên khắp mọi miền đất nước, đã động viên chúng tôi rất nhiều.

            Tôi mong ngành tính toán, ban hành các chế độ và định mức phù hợp cho phóng viên làm truyền hình; đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cung cấp kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm làm truyền hình hiện đại cho đội ngũ phóng viên thường trú tại các phân xã. Và nếu được đầu tư phương tiện đi lại, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ, phóng viên các phân xã sẽ có điều kiện tốt để làm ra những sản phẩm truyền hình nhanh, hấp dẫn, có tính cạnh tranh hơn.

 

 
 
Hoàng Chương, Trưởng phân xã TTXVN tại Lào: Truyền hình giúp phóng viên năng động hơn

            Truyền hình Thông tấn mặc dầu mới thành lập nhưng đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Lãnh đạo nước bạn, cán bộ Đại sứ quán cũng như bà con người Việt đều khen Truyền hình Thông tấn nội dung phong phú, đa dạng.

            Là PV của TTXVN "đứng chân" trên nước bạn, tôi rất vui mỗi khi được xem sản phẩm của mình trên tivi "nhà mình" dù làm truyền hình khá vất vả. Để có sản phẩm thông tin cho báo hình, PV phải bám sát hiện trường, phỏng vấn, viết tin, chọn hình và truyền sản phẩm về Tổng xã. Đó là quá trình lao động tổng hợp, đòi hỏi PV phải thạo việc và có tâm huyết. Phân xã Viêng Chăn hiện nay chỉ có một phóng viên, vừa làm tin phổ biến, vừa chụp ảnh, lại viết bài cho các báo, làm báo cáo... "Nặng gánh" thế nhưng tôi luôn cố gắng làm tốt tin truyền hình. Tôi thấy, làm truyền hình khiến tôi năng động hơn.

            Thời gian tới, Truyền hình Thông tấn cần trao đổi nghiệp vụ nhiều hơn với PV phân xã để anh em biết những điều đã làm được và quan trọng hơn cả, những điều chưa làm được, còn phải cố gắng. Có như vậy mới sớm khẳng định được thương hiệu Vnews.

 

 
 
Nguyễn Cường Dũng, phóng viên phân xã TTXVN tại LB Nga: Tăng cường trao đổi với phân xã

            Qua một năm hoạt động, có thể thấy, Truyền hình Thông tấn đã có bản sắc riêng, ngày càng thể hiện tính chuyên nghiệp trong việc cập nhật thông tin về các sự kiện xảy ra ở trong nước và trên thế giới.

            Trong thời đại bùng nổ thông tin, để có thể phát triển mạnh mẽ và nâng cao tính cạnh tranh, Truyền hình Thông tấn cần xây dựng chiến lược phát triển cho trước mắt và lâu dài; đào tạo đội ngũ cán bộ; trang bị cho phóng viên các phương tiện tác nghiệp hiện đại. Đặc biệt, cần nâng cao chất lượng các chuyên mục bình luận về các vấn đề thời sự nóng bỏng trong khu vực và thế giới đồng thời cần tăng cường chỉ đạo và có ý kiến nhận xét, đánh giá chất lượng tin, hình do các phóng viên phân xã chuyển về.

            Là những người tham gia hoạt động truyền hình chúng tôi thấy vui nhưng cũng rất vất vả, đôi lúc gặp áp lực không nhỏ khi phải tham gia những sự kiện lớn, quan trọng, thời gian làm việc không kể ngày đêm, thậm chí có lúc gặp nguy hiểm khi tác nghiệp các vụ việc nghiêm trọng. Vì vậy, chúng tôi mong muốn những thông tin chúng tôi chuyển tải về được sử dụng và ghi nhận xứng đáng.

 

 

 

Vnews và những chuyến đi
Phóng viên Hữu Duyên tác nghiệp tại Hội đồng Bầu cử Trung ương trong ngày Bầu cử

            Tôi chuyển sang làm phóng viên Truyền hình Thông tấn với hành trang là kinh nghiệm 10 năm làm phóng viên tin ở phân xã TP. Hồ Chí Minh cùng một tháng học về biên tập truyền hình. Khó khăn, nhưng tôi yêu công việc của mình và xung quanh là những người bạn, đồng nghiệp và gia đình luôn cổ vũ và động viên tôi.

            Rồi tôi nhập cuộc nhanh dần, trở thành phóng viên của nhóm Nội chính thuộc phòng Thời sự. Được phân công theo dõi các hoạt động của Quốc hội, tôi cùng nhóm Nội chính nhanh chóng xây dựng chuyên mục "Hướng về bầu cử ĐBQH khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016". Chuyên mục phát sóng số đầu tiên vào đầu tháng 3/2011.

            Khi mà các hoạt động chuẩn bị cho cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra sôi nổi, các phóng viên nhóm Nội chính đã có mặt khắp mọi nơi trên cả nước để phản ánh không khí chuẩn bị cho ngày hội bầu cử tại các địa phương. Hai phóng viên Hoàng Thúy, Quyết Thắng đến với Trường Sa; Quyết Chiến ngược lên Tuyên Quang - ATK kháng chiến, Lệ Hằng và Công Định lên địa đầu của Tổ quốc Lũng Cú (Hà Giang) để được chung vui cùng đồng bào các dân tộc trong Ngày hội non sông...

            Trong đợt tuyên truyền về bầu cử, tôi cũng có thêm nhiều dấu ấn trong sự nghiệp làm báo của mình. Bao nhiêu điều lần đầu tiên tôi được làm: Thực hiện một chuyến công tác dài, xuyên địa bàn từ Tây Nguyên, Tây Nam bộ qua Đông Nam bộ, được đến nhiều địa danh nổi tiếng như Sóc Bom Bo, Côn Đảo; được tận mắt chứng kiến cuộc sống thiếu thốn, giao thông đi lại khó khăn của đồng bào dân tộc M’Nông ở Đăk Nông...

            Thời gian làm truyền hình với tôi và hầu hết các phóng viên của phòng Thời sự - Vnews chưa nhiều nhưng chúng tôi đã thực sự bắt nhịp được vào vòng xoáy của công việc. Cũng như Vnews, chỉ mới tròn một năm tuổi nhưng đã bước đầu được khán giả đón nhận và yêu thích.

 

 

  
Nhớ mãi chuyến công tác Mường Nhé
Quay phim Đinh Anh Tuấn

            Đang nhâm nhi li cà phê sáng trước cổng cơ quan, tôi nhận được cú điện thoại của sếp lệnh đi công tác đến huyện Mường Nhé (Điện Biên) ngay buổi chiều. Trước đó vài ngày, một số báo chí nước ngoài và các mạng tiếng Việt hải ngoại quan tâm "thái quá" về Mường Nhé, có những bài viết phản ánh về mảnh đất xa xôi, hẻo lánh này với những cách tiếp cận rất khác nhau. Nhóm phóng viên Thông tấn chúng tôi đã thực hiện một chuyến công tác dài ngày trên mảnh đất cuối trời Tây Bắc với hy vọng đưa những câu trả lời trung thực nhất đến công chúng.

            Lên Mường Nhé, điểm đến đầu tiên của chúng tôi là bản Huổi Khon. Xe ô tô men theo con đường quanh co từ xã Nậm Kè mất khoảng hơn nửa tiếng đồng hồ thì đến bản. Anh lái xe bảo rằng, dăm năm về trước, nếu ai muốn đến Huổi Khon phải đi bộ mất 3-4 tiếng đồng hồ vì chưa có đường ô tô vào bản. Nay, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, đường ô tô đã đến tận nơi.

            Dừng chân tại bản Huổi Khon, chúng tôi được chiêm ngưỡng một bức tranh thiên nhiên hữu tình Tây Bắc. Xa xa là những ngọn núi nhấp nhô trong sương trắng bồng bềnh. Trước mắt là một màu xanh mướt mát, mềm mại của những đồi lúa, nương ngô đang chớm độ lên đòng, trổ hoa. Thấp thoáng bên các sườn đồi là những ngôi nhà mái tôn, mái phi-brô xi-măng và những lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Tôi đã tranh thủ ghi được những cảnh sắc núi non tươi đẹp này.

            Để có được những thông tin nhanh chóng và chính xác nhất gửi về cơ quan, chúng tôi đã làm việc liên tục ngày đêm để dựng và truyền tin, thậm chí cả đoàn phải ngủ ngay tại trụ sở UBND.
            Nghề báo tuy vất vả nhưng thực sự rất thú vị với tôi. Chuyến công tác này đã cho tôi thêm rất nhiều kinh nghiệm tiếp cận thông tin cũng như vốn sống. Thật vui vì trong cuốn sổ tay, hành trình những điểm đến trong nghề báo của tôi lại có thêm một địa chỉ mới.
 
 
  
Để có những hình ảnh chân thực

Phóng viên Thu Huyền cùng ê-kip tác nghiệp tại lán trọ học trường THCS Trung Lý (xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa)

            Mới vào nghề báo được mấy năm, sẽ là quá sớm để tôi nói về kỷ niệm đáng nhớ nhất trong nghề. Nhưng có một chuyến công tác 4 ngày ở xã Trung Lý, Mường Lát, Thanh Hóa đã để lại những kỷ niệm khó quên trong tôi. Đó là hình ảnh những em học trò nghèo với bữa cơm chỉ có mỗi nồi cơm trắng; là bữa tối của gia đình dân tộc Mông chỉ toàn mèn mén mà đứa lớn, đứa nhỏ tranh nhau ăn; là hình ảnh những thầy cô giáo đã không quản ngại khó khăn gắn bó với miền rừng núi Thanh Hóa, sớm tối lên lớp với học trò; là những ân tình của y bác sỹ với đồng bào, với cả bệnh nhân nước làng giềng Lào; là những chiến sỹ biên phòng kiên định hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ biên cương của Tổ quốc... Tất cả đều khó khăn, thiếu thốn nhưng đong đầy đoàn kết, yêu thương. Chuyến đi đã cho tôi và cả đoàn những trải nghiệm, những hình ảnh chân thực nhất và thông tin của chúng tôi đã khiến nhiều khán giả của Truyền hình Thông tấn phải rưng rưng...

Nhiều tác giả
Theo Nội san Thông tấn, số 8/2011