Thứ ba, ngày 21/05/2024

Sổ tay phóng viên

Khám phá vùng đất mới


(14/06/2011 11:17:59)

Khi được cơ quan phân công về thử việc ở tỉnh Cà Mau, tôi không hình dung được phân xã như thế nào, công việc ra sao. Trong một buổi liên hoan, một bạn phóng viên về Sóc Trăng rủ tôi đi bằng xe máy cho vui, cũng để biết địa bàn các tỉnh. Vậy là tôi chạy xe máy qua các tỉnh miền Tây, chạy xe lên cầu Mỹ Thuận, cầu Cần Thơ rồi đặt chân lên Cà Mau, vùng đất cực Nam Tổ quốc.

             Mới và lạ...

            Có tới Cà Mau tôi mới biết đến vùng sông nước mà phương tiện giao thông chủ yếu là tàu, thuyền. Đi lại bằng thuyền, đi đám cưới, đi đám giỗ, đi chơi, đi uống cà phê đều bằng thuyền, bán dạo cũng bằng thuyền, bán chè, bán kem, bán thức ăn bằng thuyền... Những chiếc xuồng máy chạy ầm ầm dưới sông, rạch, tung bọt trắng xóa. Ngồi trên chiếc ghe máy đi qua sông rộng lớn, ghe tròng trành vì sóng lớn, thấy thấp thỏm, vậy mà nhiều người và nhiều em học sinh vẫn đi hàng ngày, không hề lo sợ. Cao tốc công cộng chạy trên những con sông lớn từ thành phố đến các huyện, chốc chốc lại ghé vào các bến đón, trả khách như xe buýt trên đường bộ. Ca nô là phương tiện nhanh nhất để đi lại, không có ca nô công cộng, muốn đi phải đặt trước với chủ phương tiện. Ngồi trên ca nô, chỗ ngồi nhỏ, không có chỗ vịn, phải bám chặt tay vào thành, chạy nhanh và lướt trên mặt nước, cảm giác mạnh như đi tàu lượn siêu tốc.

            Người dân miền Tây vô cùng hiếu khách, đến độ làm tôi ngạc nhiên. Khách đến nhà, họ đem tất cả những sản vật đang có để đãi khách, dành cho khách chiếc ghế tốt nhất, có thể là cả chiếc giường tốt nhất, chăn mền tốt nhất. Vào thăm nhà đồng bào Khmer, tham dự lễ Dâng bông, lễ Ok Om Bok, Tết Chol Chnam Thmay... lại còn bất ngờ hơn. Nếu người miền Tây nói chung hiếu khách một thì đồng bào Khmer hiếu khách gấp hai, thậm chí gấp ba lần.

 

            ... Sợ và tự hào

            Tưởng mấy con trăn chỉ có trên rừng và nuôi trong sở thú, vậy mà ở đây nhiều gia đình nuôi trăn trong nhà. Trăn nuôi trong lồng có lưới sắt, nằm cuộn tròn hoặc xen kẽ với nhau, nhiều con rất to và dài. Người trong nha,ø từ lớn tới nhỏ, không hề sợ trăn, có thể vuốt ve, cho trăn ăn, bồng trăn đi tắm. Nhìn mấy người phụ nữ và mấy đứa nhỏ khiêng con trăn nặng 30 đến 50 kg đi tắm mà thấy rùng mình. Mặc dù người ta nói trăn nuôi hiền, không cắn, không quấn người nhưng tôi vẫn không dám chạm vào. Đi thăm trại người ta nuôi cá sấu trong mấy chuồng như chuồng heo, và cá sấu thì háu ăn như heo vậy. Có lưới cao xung quanh che chắn, nhưng bọn cá sấu háu ăn cứ nhảy lên táp thức ăn quăng vào Tôi cứ lo cá sấu sẽ sổng ra ngoài hoặc cắn người khi thò tay vào. Về vùng nước mặn nuôi tôm thấy tôm nuôi, tôm thiên nhiên như tôm thẻ, tôm bạc, tôm đất, cua biển, cá nước lợ sống chung trong đầm. Người nuôi tôm sáng, chiều đi dỡ lú (dụng cụ bắt tôm), lấy tôm bán cho thương lái, hoặc mở cống xổ nước, tôm, cá, cua theo nước ra ngoài rồi bắt.

            Nhiều gia đình đất nuôi tôm rộng mênh mông, đi bộ mỏi cả chân, phải chèo thuyền đi mới hết. Cá phi màu đen tự nhiên, có con to 1kg, tự sinh trưởng, phát triển, tới lúc cá to thì thu hoạch chứ không cần nuôi, vậy nên loại cá này thường được bắt làm thức ăn cho các loại thủy sản hoặc vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao. Nhìn người ta dỡ lưới bắt cá mà thấy vùng đất này trù phú quá chừng, vậy mà người dân còn nói giờ tôm cá đã giảm đi rất nhiều, chứ lúc trước chỉ cần một buổi đi đặt lưới, bắt được hàng chục kg tôm, cá các loại.

            Đến rừng U Minh Hạ nổi tiếng mà mắt tròn mắt dẹt. Khu rừng trải dài ngút tầm mắt, leo lên đài quan sát không thấy đâu là điểm kết thúc, rừng trải dài mênh mông qua tới U Minh Thượng ở Kiên Giang. Rừng tràm nằm trong vùng nước ngập, những dòng nước ở đây đen như màu nước... cống, nhưng không phải vì bẩn mà do tinh dầu trong lá tràm phân hủy ra. Vùng rừng ngập này nổi tiếng về cá lóc, cá rô và cả lươn nữa. Mật ong rừng tràm thì thơm, ngọt, ngon vô cùng, là đặc sản của vùng rừng U Minh mà ai đến cũng muốn kiếm mật mang về.

            Được đến khu Đất Mũi, điểm cực Nam của Tổ quốc vươn ra biển, tôi thấy thật tự hào. Đi theo mấy con đường ở trong rừng ngập mặn lấn biển, thấy cảnh vật quen quen giống như nơi này được chọn để quay phim Đất phương Nam. Ra khỏi khu rừng ngập mặn lấn biển là tới biển. Biển ở đây không trong xanh như ở vài nơi khác mà có màu nâu đen của phù sa do các con sông lớn đổ ra. Mũi- nơi có tượng đài hình mũi tàu hướng ra biển được nhiều người chụp hình để lưu niệm. Và một nơi cực kỳ quan trọng là nơi đặt cột mốc số 0, đánh dấu lãnh thổ đất liền của Tổ quốc...

            Còn rất nhiều những điều mới lạ ở một vùng đất mà tôi mới được đặt chân. Tất cả cứ từ từ trải ra trước mắt. Và những điều mới lạ ấy đã trở thành đề tài trong các bài viết của tôi. Mỗi bài viết là một lần khám phá một điều mới. Viết ra những điều mình thấy, mình cảm nhận được, tôi cố gắng để người đọc có thể hiểu mình. Nhờ vậy mà trong thời gian ở Cà Mau, cách viết bài của tôi được nhận xét là dần khá hơn, dễ hiểu hơn, và đề tài thì không bao giờ cạn ở Đất Mũi.

Nguyễn Xuân Dự
Theo Nội san Thông tấn, số 5/2011