Thứ ba, ngày 21/05/2024

Sổ tay phóng viên

Gian nan viết về buôn lậu vùng biên


(15/04/2011 10:19:56)

Từ ngày làm báo, cứ vào thời điểm sắp đến Tết Nguyên đán là tôi lại làm một chuyến lên biên giới Campuchia để nắm tình hình phản ánh về tình trạng buôn lậu nơi đây. Đi nhiều đến nỗi bạn bè gọi đùa là "trùm buôn lậu". Còn nhớ có lần, ba tôi đọc xong bài báo viết về buôn lậu của tôi đã gọi điện bảo: "Nghề gì mà nguy hiểm quá, thôi về quê ba gởi vào làm giáo viên cho an tâm". Và cũng nhờ những chuyến đi ấy mà tôi học được rất nhiều kinh nghiệm trong tác nghiệp sau này.

            Vùng giáp ranh biên giới Campuchia thuộc các tỉnh Tây Ninh, Long An, An Giang, Kiên Giang cứ vào dịp cuối năm trở nên sôi động. Trước đây, ở các vùng này, nhà nhà, người người đều hoặc trở thành dân buôn hoặc là làm cửu vạn. Thậm chí cả trẻ em cũng tham gia công việc này. Thời gian về sau, nhờ chính quyền địa phương làm tốt công tác vận động nên chỉ còn những nhóm chuyên nghiệp. Các mặt hàng buôn lậu ở đây chủ yếu là thuốc lá, rượu ngoại và xăng dầu.

            Đợt giá xăng dầu trong nước thấp hơn so với giá xăng dầu phía nước bạn nên mặc dù bị cấm vận chuyển sang biên giới nhưng những đầu nậu bên này vẫn lũ lượt đi buôn. Họ cho xăng dầu vào từng can nhựa 50 lít rồi chở bằng xe máy theo những đường mòn cặp dọc biên giới, đến chỗ tập kết sẽ có xuồng hoặc ghe bên phía nước bạn đến lấy hàng. Cứ thế, một xe máy mỗi chuyến chở từ 3-5 can nhựa, phóng như bay trên những con đường mòn độc đạo. Trong đợt này, tôi đã đi suốt dọc theo đường biên từ cửa khẩu Xa Mát (Tây Ninh) về đến Vĩnh Hưng (Long An). Để cơ động, chúng tôi phải đi xe máy mà không dùng phương tiện khác.

            Tại Xa Mát, không như dự đoán trước, chúng tôi nhận thấy các cây xăng ở gần cửa khẩu vẫn hoạt động bình thường. Có lẽ thấy chúng tôi là người lạ, nên nhiều ánh mắt dò xét từ những tay xe ôm hoặc xe thồ đứng ngồi cạnh các cây xăng. Để an toàn, chúng tôi chọn một góc rừng cao su đối diện một cây xăng để nấp và quan sát. Chỉ 10 phút sau, từng đoàn xe thồ chở đầy những can xăng từ phía trong cây xăng rồ máy phóng vọt qua đường nhựa, băng vào cánh rừng cao su phía chúng tôi đang nấp. Khi phát hiện chúng tôi trong rừng cao su, chúng đã báo cho người dò chừng và bám theo. Phát hiện chúng tôi chụp ảnh, chúng liền phóng xe truy đuổi. Do đã dự tính được tình hình, chúng tôi vẫn để máy xe nổ và nhanh chóng rồ ga thoát đi trong sự đeo bám rất "rát" của bọn buôn lậu. Cuộc truy đuổi của bọn chúng kéo dài gần 5km mới thôi.

            Thoát được ở Xa Mát, về đến vùng biên giới thuộc huyện Tân Hưng (Long An), chúng tôi lại bị truy đuổi tiếp. Khi đó, chúng tôi vừa vào đến địa bàn của dân buôn lậu thì bắt gặp từng đoàn xe máy chở xăng dầu lao vun vút trên bờ kênh - giáp ranh giữa hai nước. Chúng tôi cũng chạy theo và vờ hỏi thăm đường. Nhờ vậy, chúng tôi đã tới tận điểm tập kết cuối cùng của bọn chúng. Đó là một điểm tập kết trên bờ sông, sau đó họ dùng cáp để cột những bình xăng vào và thả xuống sông. Còn phía bên kia bờ sông- biên giới nước bạn - những lái buôn thoăn thoắt kéo sợi cáp cột những bình xăng qua sông và tiếp tục vận chuyển bằng xe máy vào sâu nội địa. Sau khi quan sát, nắm tình hình xong, chúng tôi tìm cách chụp ảnh. Mặc dù đã rất bí mật và dùng cách chụp ảnh qua vai người lái xe máy để giấu máy ảnh, nhưng khi vừa bấm được tấm thứ hai thì nghe tiếng ai đó la lên: "Ê làm gì đó.... Tụi bây ơi có người chụp hình kìa". Lập tức, những chiếc xe máy gần đó rú ga, phóng rầm rập về phía chúng tôi. Anh bạn đi cùng lúc đó cũng trổ tài, tăng tốc phóng xe như bay trên con đường đất nhấp nhô, băng vèo qua một cây cầu gỗ chỉ đủ một chiếc xe qua. Mặc dù vậy, 2-3 tay buôn lậu vẫn đi theo chúng tôi rất sát, có lúc chúng gần như muốn vượt được qua mặt và ép xe chúng tôi xuống triền sông. Phải mất 30 phút sau, chúng tôi mới "cắt đuôi" được bọn chúng.

            Trong lần khác, chúng tôi được biết tại khu vực Cầu Sắt (Đức Huệ, Long An), tình hình buôn lậu rất phức tạp và có hiện tượng cán bộ chống buôn lậu ở đây "bán đường". Chúng tôi lên kế hoạch là sẽ "hoá thân" vào vai một "dân thồ" để đi buôn thuốc lá. Tuy nhiên, cho dù có người quen "bảo lãnh" nhưng ông chủ thầu hàng vẫn nhất quyết không nhận. Tình thế bất đắc dĩ, chúng tôi phải dùng phương án "phục kích". Đêm đó, chúng tôi phải nằm ngoài đồng, vốn là "đường" của bọn buôn lậu. Không cần đợi đến giữa đêm, chỉ khoảng 8-9 giờ tối, hàng đoàn người "khổng lồ" đã xuất hiện, chạy băng băng trên những cánh đồng đầy cỏ năn và lác. Đó là những cửu vạn đang "cõng" thuốc lá trên lưng và hai bên nách. Mỗi người có thể cõng cả trăm cây mỗi chuyến, nên trong bóng tối, trông họ như những người khổng lồ hoặc rô bốt. Sáng hôm sau, nhiều người dân trong xã biết chuyện đã mắng chúng tôi: "Các anh liều thiệt. Bọn buôn lậu ở đây rất dữ, may là không bị phát hiện, chứ tụi nó mà thấy thì chỉ có nước bỏ xác giữa đồng".
Người phụ nữ này đang giấu thuốc lá trong người

            Chính do có nhiều chuyến đi như thế, nên tôi có hẳn một bộ ảnh khoảng chục tấm về cảnh khuân vác hay "đua nóng" hàng lậu. Để có được một tấm ảnh không phải dễ khi xung quanh luôn có nhiều người cảnh giới. Sau những chuyến đi, tôi đã có những kinh nghiệm quý báu cho những lần tác nghiệp. Điều đầu tiên là phải giả trang và ăn mặc tềnh toàng để không gây chú ý, bởi dân buôn lậu rất tinh, chỉ cần thấy người sạch sẽ là họ cảnh giác ngay. Những chuyến như thế, tốt nhất là chỉ nên đi hai người và bằng xe máy; trong đó, người lái cứng sẽ cầm lái và không được tắt máy xe khi phóng viên tác nghiệp.

            Một điều quan trọng nữa là để dễ "thoát thân" khi có sự cố, cần thăm dò địa hình trước khi tác nghiệp. Để nắm thông tin, có thể đóng giả làm người đi lạc, hỏi thăm đường và vờ hỏi về những điều "lạ" đang thấy, sau đó mới đến công đoạn "lấy hình"- công đoạn được đánh giá là nguy hiểm nhất do dễ lộ. 
            Và cuối cùng, để đảm bảo an toàn thì trước khi đi cơ sở, phóng viên cần có trong tay số điện thoại của công an xã. Đây là "cứu cánh" cuối cùng khi không may gặp tình huống xấu.

Minh Thuyết
Theo Nội san Thông tấn, số 03/2011