Thứ tư, ngày 24/07/2024

Sổ tay phóng viên

Ngày Tết với những người tuần đường gác chắn


(12/01/2011 10:22:59)

Một trong những bức ảnh mà tôi ưng ý nhất trong phóng sự ảnh này là chụp gương mặt người tuần đường như sáng bừng, rạng rỡ đúng thời điểm pháo hoa bừng sáng trên bầu trời báo hiệu một năm mới bắt đầu. Bức ảnh "đinh" của bộ phóng sự "Lặng lẽ những người tuần đường, gác chắn"- Giải A Giải báo chí Trẻ TTXVN 2010 - được ra đời như vậy đó.

            Để chuẩn bị đón Tết, ai ai cũng có biết bao công việc bộn bề, từ việc mua sắm, sửa sang, làm mới mọi thứ để có nhiều may mắn cho năm mới. Cánh phóng viên Ban Biên tập - Sản xuất ảnh chúng tôi không phải là một ngoại lệ, nhưng bên cạnh những lo toan cho cá nhân và gia đình thì điều quan trọng không kém là phải đảm bảo thông tin bằng ảnh trong mấy ngày nghỉ không bị gián đoạn.

            Trong những ngày Tết năm 2010, chúng tôi phân công nhau tỏa về những công trình lớn, trọng điểm của quốc gia như: thủy điện Sơn La, nhà máy lọc dầu Dung Quất và các đơn vị sản xuất, xuất khẩu, các nhà máy, xí nghiệp để phản ánh không khí khẩn trương, gấp rút hoàn thành kế hoạch năm của các doanh nghiệp. Đồng thời, chúng tôi cũng tìm kiếm những chủ đề phản ánh cuộc sống của những người lao động cụ thể với những tâm tư, nguyện vọng, buồn vui và khát vọng của họ. Xuất phát từ suy nghĩ trên, để có bộ phóng sự ảnh đầu năm thật ưng ý, tôi đã cùng đồng nghiệp bàn bạc và quyết định chọn những người tuần đường, gác chắn đường sắt làm nhân vật "khai máy" trong thời khắc Giao thừa. Trong những ngày Tết, những người công nhân này đã tạm gác lại niềm vui sum họp gia đình để phục vụ cộng đồng.

           

Để thực hiện bộ phóng sự ngay từ những ngày giáp Tết, tôi quyết định chọn Công ty đường sắt Hải Hà, một trong những đơn vị quản lý cung đường sắt lớn của cả nước, để phản ánh. Tại đơn vị quản lý cụm đầu mối đường sắt Hà Nội (Công ty đường sắt Hải Hà), nơi tập trung lượng khách đến và đi lớn nhất cả nước, những ngày trước, trong và sau Tết là những ngày căng thẳng, vất vả nhất. Không những phải vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn chạy tàu mà còn phải giảm thiểu tối đa ách tắc giao thông khi các phương tiện đi qua đường ngang.

            Phóng sự ảnh này được thực hiện trong những ngày Tết Canh Dần về những người công nhân tuần đường, gác chắn đường ngang. Những con người dù mưa hay nắng cũng không bao giờ được nghỉ, thức khi mọi người đã ngủ, lặng lẽ làm việc khi mọi người được vui chơi trong khi thu nhập của họ lại rất thấp. Ngày cũng như đêm, họ lặng lẽ đi, bước chân phải đếm đủ từng thanh tà vẹt, mắt soi đủ từng miếng đệm, bu lông, cóc, cảm nhận từng mét đường ray như người mẹ cảm nhận hơi thở của đứa con thơ. Ngay cả khi thiên tai khắc nghiệt không cho phép con tàu lăn bánh thì công việc của họ vẫn tiếp tục, họ vẫn lặng lẽ đi, mò mẫm dọc theo đường ray, làm tai mắt cho những người quản lý chạy tàu.

            Những người tuần đường có chân dung dễ nhận là gầy, xạm đen (cái xạm đen không tránh được của mưa nắng), mắt lồi, nước da mai mái (do sự căng thẳng và lao lực về đêm), liêu xiêu trong đêm với ánh đèn vuông cùng đôi giày vẹt gót, trong khi tổng thu nhập của họ bao gồm cả bồi dưỡng thức đêm, độc hại... không quá 1,7 triệu đồng/tháng.

            Ông Lê Ngọc Quang, 53 tuổi, có thâm niên 29 năm làm tuần đường và cũng là thành viên cao tuổi nhất trong tổ tuần đường của cung đường Hà Nội. Để thực hiện bộ phóng sự, chúng tôi đã theo ông đi hết cung tuần từ ga Văn Điển đến ga Long Biên trong đêm Giao thừa và đêm mùng Một Tết với trên 20 km mỗi đêm. Hình ảnh mà chúng tôi xúc động nhất là khi người tuần đường gặp gỡ những đồng nghiệp của mình tại các điểm chắn, như trạm gác chắn hồ Ba Mẫu, nơi chỉ có hai cô gái thức trọn đêm Giao thừa để canh cho những con tàu qua lại. Dù so sánh có hơi khập khiễng nhưng tôi vẫn nghĩ họ như những cô thanh niên

xung phong trong các bộ phim thời chiến, thức đêm trên các cung đường Trường Sơn. Thật cảm động khi biết có nhà báo đến, bao nhiêu bánh kẹo để dành cho mấy ngày Tết các cô dồn hết ra mời bằng được. Các cô còn trẻ vậy mà mắt thâm quầng vì nhiều đêm thức trắng cùng những chuyến tàu qua lại. Khi nói chuyện với chúng tôi, ánh mắt và nụ cười trên gương mặt các cô vẫn ngời lên nét tươi vui, tự hào về công việc của mình.

            Có đi theo người tuần đường trong đêm tối mịt mùng, mưa phùn gió bấc của đêm 30 Tết mới thấu được sự cô đơn của những người làm công việc này. Tôi cứ nhìn ánh đèn leo lét phía trước mà bước theo. Người tuần đường cứ cắm cúi bước đều, nhìn thì có vẻ chậm mà càng lúc tôi lại càng bị bỏ xa. Đã vậy thỉnh thoảng tôi lại bị trượt chân, khiến bác Quang phải dừng lại đợi.

            Qua từng trạm gác chắn, tôi được mời những chén nước lọc thay rượu trong đêm giao thừa, được nghe những lời chúc đầu năm, thấy tuy cuộc sống vất vả vẫn vui tươi yêu đời làm sao và càng thêm cảm phục những người lao động quên mình. Hết ca tuần, tôi theo ông Quang về nhà. Ngôi nhà chưa đầy 10m2 nhưng ngập tràn hạnh phúc, có một mâm cỗ Tết đã dọn sẵn đang đợi ông về để ăn bữa cơm đón chào năm mới với đầy đủ người thân.

Huy Hung
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2010