Thứ năm, ngày 04/07/2024

Sổ tay phóng viên

Phóng viên thường trú Làm & chơi Tết


(12/01/2011 10:16:22)

Thấm thoắt thế mà đã 15 cái Tết trôi qua, cũng ngần ấy năm tôi đầu quân vào đội ngũ phóng viên của TTXVN. Trừ cái Tết đầu tiên tại Hà Nội (vì đang theo học lớp nghiệp vụ báo chí khóa 20 do ngành tổ chức), 14 cái tết còn lại tôi luôn luôn là "người trực Tết số 1" ở phân xã Sóc Trăng.

           Cả năm chỉ mong được vài ngày Tết, đó là tâm trạng chung của mọi người. Nhưng với phóng viên TTX thường trú tại các địa phương thì chắc hẳn những ngày Tết thường là những ngày bận rộn hơn cả. Bởi ngoài việc lo chuẩn bị Tết cho gia đình và phân xã thì công việc của một nhà báo đòi hỏi phải tập trung cao độ để "nghe ngóng", nắm bắt tình hình trên địa bàn.

        

            Vui Xuân nhưng không quên nhiệm vụ

            Sóc Trăng là tỉnh có đông đồng bào dân tộc, trong đó người Khmer chiếm gần 30% dân số, người Hoa chiếm trên 5%. Mỗi dân tộc có một sắc thái văn hóa riêng. Người Khmer không ăn Tết như người Việt, người Hoa mà Tết Chôl Chnăm Thmây (vào năm mới) của họ nhằm vào giữa tháng Tư (dương lịch). Ngoài ra, còn có hai lễ nữa là lễ Đôl Ta (tháng Tám âm lịch) và lễ hội Óoc Om Bok- Đua Ghe Ngo (giữa tháng Mười âm lịch), tổ chức cũng vui và to như Tết. Do cộng cư lâu đời của ba dân tộc trên địa bàn nên từ lâu ở Sóc Trăng đã có sự giao lưu về văn hóa. Lễ Tết của người Khmer, người Việt, người Hoa cũng tham gia vui chung, nên có thể nói ở Sóc Trăng có tớiÂ…bốn cái Tết trong năm.

            Năm nào cũng vậy, từ trước Tết dương lịch, phóng viên thường trú đã tất bật ngược xuôi vì các ngành, huyện, thị tổng kết năm, bàn phương hướng năm tới, tổ chức báo công và phát động thi đua... Chúng tôi thường nói đùa với nhau: cuối năm là mùa đi họp, mà phải "chạy sô", vì có ngày mỗi người được phân công dự vài cuộc họp. Đã nhận được thư mời thì phóng viên phải cố gắng đến, cho dù chỉ chốc lát, để lãnh đạo cơ quan mời thấy mặt, lần sau có sự kiện gì họ còn nhớ đến. Nhiều cuộc họp, phóng viên đến dự đơn thuần là hiếu, hỷ, vì dự cũng không làm tin, viết lách gì được nhưng để "giữ mối" thông tin sau này nên vẫn phải tới cho có mặtÂ…

            Khỏi phải nói chắc ai cũng biết, tác nghiệp của phóng viên vào những dịp lễ tết khó hơn những ngày thường. Là phóng viên thường trú lại có những đặc thù riêng, vừa lo mua sắm, dọn dẹp nhà cửa, trang trí phân xã, đi chúc Tết người này người kia, rồi trực tết đón khách tới thăm phân xã. Tôi còn nhớ, một lần vào Tết năm 2002, mới mùng 2 Tết, một trận hỏa hoạn lớn xảy ra ở vùng ven thành phố (khi đó còn là thị xã Sóc Trăng), cách phân xã chừng 6 km. Đang đi chúc Tết ở nhà người quen, nghe tin có cháy lớn tôi liền lấy xe máy phóng ngay theo xe cứu hỏa, khi chủ nhà mới vừa bày cỗ. Cũng may là những ngày Tết, đi đâu tôi cũng mang máy ảnh theo nên kịp thời tác nghiệp, có tin, ảnh gửi ngay về Tổng xã. Phân xã Sóc Trăng ở vị trí trung tâm của thành phố nên trực Tết cũng thuận lợi về thông tin. Cứ mỗi lần nghe xe cứu hỏa hay cứu thương hú còi chạy qua là tôi lại bốc điện thoại gọi ngay về các số 114, 115 hoặc gọi "mối" bạn ở PCCC hay bệnh viện để hỏi thông tin, để nếu có cháy hay tai nạn giao thông gì là ứng phó được nhanh chóng.

 

            Nỗi lo "nhậu" ngày Tết

            Là địa bàn đông đồng bào Khmer, bản thân lại có vốn tiếng Khmer kha khá nên tôi cũng thường xuyên đi về vùng dân tộc vào những mùa lễ tết để phản ánh không khí đón năm mới và đời sống của đồng bào. Năm 2006, vào dịp Tết Chôl Chnăm Thmây của người Khmer, tôi được anh Bí thư xã Viên Bình, huyện Mỹ Xuyên mời về ăn cơm. Với người Khmer ở Sóc Trăng, ai được mời đến nhà ăn Tết thì được coi là khách quý và đối đãi hết sức nhiệt tình.

            Hôm đó, dự bữa cơm tất niên, có tôi và vài anh bạn trong xã. Biết tôi là nhà báo trung ương, mấy ông bạn cùng nhậu cũng là người Khmer trong phum sóc lại thay nhau kéo về nhà. Tôi đã tìm mọi cách từ chối vì đường về xa (trên 30km) nhưng một ông Khmer "hù" luôn: "anh không thật tình, chê nhà tui nghèo"! Thế là tôi lại phải nhận lời vì không dám làm mấy ổng phật lòng. Bữa đó mấy anh em tôi nhậu đến "mất phương hướng". Anh Bí thư xã phải điều mấy anh công an viên đưa về tận nhà lúc hơn 23 giờ đêm.

            Cũng chuyện ăn nhậu, có lần, vào giáp Tết, đoàn nhà báo gồm PV báo, đài truyền hình tỉnh và phân xã được huyện ủy, UBND huyện Cù Lao Dung mời qua để viết bài chuẩn bị cho tập san năm mới của huyện. Sau khi hoàn thành việc nắm thông tin, chúng tôi được mời ở lại "dùng cơm" với lãnh đạo huyện. Nói là "dùng cơm" nhưng nhậu là chính và tiệc nhậu đó cũng kéo dài tới tận khuya. Cánh phóng viên cũng "người chết, người bị thương", lãnh đạo huyện phải cho xe, điều phà đưa các nhà báo qua sông Hậu để về ngay trong đêm vì gần Tết, công việc bận rộn không thể ngủ lại được.

            Qua nhiều lần bị "ăn nhậu" kiểu Tết như vậy, tôi cũng dần rút ra kinh nghiệm: thường từ chối là mình "đang uống thuốc tây"; "bị đau bao tử" hay đại loại đang kiêng cữÂ… nên không uống được rượu bia. Bởi vậy sau này, ngoài biệt danh "phóng viên thường trốn" (đọc trại từ "phóng viên thường trú") tôi còn thêm biệt danh "phóng viên thường chối" (vì hay từ chối nhậu). Xem ra, phóng viên thường trú ở tỉnh, ngoài việc có sức khỏe tốt để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn còn phải biết "ăn nhậu giỏi" mới được cơ sở "khen" nữa.

            Một mùa xuân nữa lại đang đến. Tết năm nay, tôi lại càng lo hơn những năm trước bởi phân xã chỉ còn một mình, "vừa là lính vừa là sếp" việc gì cũng đến tay và sẽ lại là "người trực Tết số 1" trong cả mùa Tết. Tuy nhiên, "vui xuân không quên nhiệm vụ", ưu tiên số một vẫn là đảm bảo không để sót, lọt thông tin, dù là trong những ngày vui Xuân đón Tết.

Trung Hiếu
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2010