Thứ tư, ngày 24/07/2024

Sổ tay phóng viên

Chuýằ‡n ngày Tỏº¿t ỏằŸ phÃÂn xÃÊ chÃÂu Âu


(12/01/2011 10:29:43)

Hẳn bất cứ ai từng công tác thường trú ở địa bàn châu Âu cũng đều có cảm giác "giật mình" mỗi khi Tết đến. Vì buồn. Vì nhớ. Tết Nguyên đán của cộng đồng châu Á chứ không phải lễ của người châu Âu! Cứ mải mê cuốn theo công việc hàng ngày, nào họp báo, hội nghị, hội thảo cùng hàng trăm công việc không tên khác tưởng có lúc, phóng viên thường trú "đã quên mất" cái cảm giác bồi hồi, chộn rộn trong những ngày cuối cùng của năm Âm lịch.

            Tết phân xã: Tết xa quê

           

Hội chợ ẩm thực Tết Việt Nam ở Brucxen

Hai mươi ba tiễn ông Công, ông Táo lên báo cáo Ngọc hoàng; hai mươi bẩy lại đón hai Ông về ăn Tết; thế rồi thấm thoắt 30 Tết đã gõ cửa. Điện thoại về nhà để nghe kể không khí Tết mà lòng rạo rực. Có lẽ chỉ đến ngày 30 Tết, trong cái lạnh căm căm của châu Âu, mới chợt nhớ rằng hình như mình đã "bỏ quên" một điều gì đó. Lại kéo nhau ra cửa hàng thực phẩm châu Á của anh Việt kiều quen để "sắm Tết"; dù cũng không có nhu cầu gì lớn.

            Đồ châu Á ở Brucxen không hiếm và khó mua. Mỗi dịp Tết đến, thực phẩm, hàng hóa châu Á lại càng đầy đủ cho nhu cầu của cộng đồng người Việt, người Hoa. Nói "sắm Tết" cho oai chứ thực ra cũng chỉ nhặt nhạnh thêm vài lọ hành muối sẵn, ít gia vị, rau thơm, giá đỗ. Măng miến, gạo nếp, đỗ xanh, đồ khô thường đã được từ nhà gửi sang. Có lẽ phần nhiều ra cửa hàng cốt để tìm vui khi nâng lên đặt xuống mớ rau thơm, cuộn lá dong, hộp mứt Tết trong không gian lao xao lời thăm hỏi bằng tiếng nước mình. Tiện thể, gọi điện thoại cho bạn bè, đồng nghiệp xem đã chuẩn bị Tết nhất đến đâu. Có cần mua hộ gì không đặng bày biện cho đủ Tết.

            Có năm, anh chị em cầu kỳ không mua gà làm sẵn trong siêu thị mà cậy cục nhờ các bác Việt kiều mua bằng được một con gà sống để làm mâm cơm cúng giao thừa. Lông gà phải vùi thật kỹ dưới đáy túi rác trước khi đem đổ sợ bị phạt vì phạm lỗi "giết mổ gia cầm, vật nuôi không phép và không đúng nơi quy định". Thịt, cá tươi thì đã sắm ở chợ Trời Cleamenceau vào dịp cuối tuần. Bánh chưng, giò chả thì sát Tết thường cũng hòm hòm; khi thì được bên Phái đoàn Ngoại giao tặng, khi thì là hàng "xách tay xịn" từ Hà Nội mang sang. Chỉ cần thêm chút khéo tay nữa thì đủ mâm ngũ quả hoành tráng và một lọ hoa tươi để bầy cho đẹp bàn thờ ngày Tết. Có thiếu chăng là sắc hồng của cành đào hay một cây quất cho đủ phong vị Xuân truyền thống. Đúng là dù có đi bất cứ nơi đâu người Việt vẫn luôn mang theo mình một không gian truyền thống, văn hóa và tâm linh như một phần không thể thiếu trong cuộc sống.

            Trong không gian ngan ngát hương trầm, anh chị em ngồi quây quần xem không khí Tết nhất ở khắp mọi miền trên cả nước truyền qua VTV4 chờ hạ mâm cơm cúng. Gần 18 giờ chiều (thời khắc Giao thừa ở Việt Nam), ai nấy đều tranh thủ bắt máy gọi điện thoại về nhà chúc Tết cho kịp Giao thừa. Mỗi người đều như chùng lại để điểm từng thời khắc cuối của năm của đêm Giao thừa ở quê nhà. Dù ngay bên ngoài kia, xe cộ vẫn đi như mắc cửi và nhịp sống thường nhật vẫn cứ trôi...

 

            Tết phân xã: Tết bận rộn

            Sẽ không quá khi nói rằng Tết phân xã nước ngoài còn là Tết bận rộn. Cũng chỉ chùng lại đôi ba tiếng chiều 30 Tết, rải rác suốt từ ngày 23 cho đến 5 - 6 Tết Âm lịch, phóng viên trong phân xã phải thay nhau đi dự Tết của nhiều hội đoàn, gia đình Việt kiều, sinh viên ở khắp nơi trên đất Bỉ. Đặc biệt, những hoạt động có mặt Đại sứ hay đại diện của Đại sứ quán ta trong dịp Tết thì phóng viên thường trú cũng được tính là "quân chính quy" trong thành phần đại biểu.

            Đối với phóng viên thường trú nước ngoài, đã là Tết thì cứ phải đôn đáo, tất bật chứ không nhẩn nha được như mấy ngày Tết ở Việt Nam. Nhiều khi, đón Giao thừa ở cơ quan xong, là anh chị em lại tất bật, tay máy ảnh, tay máy quay, ôm vô lăng lên đường đi tác nghiệp "khai bút đầu năm" cho đến tận đêm khuya. Gần gần thì có các sự kiện loanh quanh ở Brucxen mà xa xa thì cũng có khi đến thành phố khác cách cả trăm cây số. Đã đi cơ sở về là lập tức phải ngồi canh máy, phát tin, gửi hình về Tổng xã cho xong chứ cũng không ngại cớ ngày Tết mà để thư thư lại được.

            Nếu đã từng công tác thường trú tại Brucxen, chắc có lẽ không ai quên được những buổi liên hoan văn nghệ, hội chợ ẩm thực Tết do Sứ quán Việt Nam chủ trì tổ chức ở hội trường Saint-Michel; những tiết mục hát múa của các bạn trẻ Việt kiều nhóm Trường Sơn hay những cái Tết họp mặt sôi nổi của các bạn sinh viên Việt Nam ở Leuven với đầy đủ "bánh chưng, thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ", cả những cánh mai, đào dù bằng giấy nhưng không kém phần rạng rỡ. Ấn tượng nhất có thể kể đến Tết châu Á ở thành phố Mons do một gia đình Việt kiều đứng ra tài trợ, tổ chức hàng năm cho cả cộng đồng châu Á. Ngoài ẩm thực truyền thống, múa Lân, múa Rồng, các tiết mục văn nghệ, điểm đặc biệt là chính quyền thành phố Mons cho phép đốt pháo ở trước cửa Tòa thị chính để lấy may đầu năm. Vị khách danh dự được mời bấm công tắc "khai hỏa" thường là Đại sứ Việt Nam. Mùi khói pháo thơm, xác pháo hồng cuộn bay trong gió xuân vẫn gợi nên một cảm giác thật quen thuộc, xóa nhòa sự phân định về cả không gian lẫn thời gian, kéo ta về thời thơ bé, đưa ta trở lại giữa quê hương.

Tạ Quang Thanh (Nguyên phóng viên TTXVN tại Brucxen)
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2010