Thứ tư, ngày 24/07/2024

Sổ tay phóng viên

DJARBA - những ngày không thể quên


(13/04/2011 16:41:06)

Khi các nước phương Tây quyết định tấn công Libi thì hơn 10.000 lao động Việt Nam tại đây đã về nước an toàn và đang bắt đầu cho những dự định mới, càng cho thấy rằng quyết định của Đảng và Nhà nước về việc thiết lập cầu hàng không để đưa họ trở về là vô cùng sáng suốt, kịp thời, không chỉ được người dân trong nước ủng hộ mà còn được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Còn đối với bản thân tôi, việc được tham gia cùng đoàn công tác liên ngành sang Tuynidi chính là cơ hội cho tôi thể nghiệm khả năng làm báo của mình.

            Trưa 26/2 nhận được thông báo của cơ quan cho phép tôi đi công tác đột xuất cùng đoàn công tác liên ngành sang Tuynidi, cảm xúc của tôi lúc đó vô cùng lẫn lộn. Bất ngờ vì chuyến đi quốc tế nhưng không ấn định ngày về. Hơn nữa, với một phóng viên ảnh như tôi, nhiệm vụ được giao trong chuyến đi là khá... nặng vì ngoài viết tin bài và chụp ảnh, tôi còn tác nghiệp cả thông tin truyền hình. Mọi thứ đều vội vàng, gấp gáp từ chuẩn bị máy móc cho đến trang bị kiến thức về truyền hình. Hồi hộp pha chút lo lắng nhưng tôi luôn tự nhủ rằng sẽ cố gắng cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ cơ quan giao.
Phóng viên Nhan Sáng tại sân bay Nội Bài, trở về từ Tuynidi

            Hai mươi hai giờ ngày 28/2, đoàn công tác liên ngành gồm 19 người đã có mặt đầy đủ tại sân bay Nội Bài. Không khí ở đây thật sự "nóng" và khẩn trương. Thứ trưởng Ngoại giao Đoàn Xuân Hưng, thủ lĩnh chuyến đi chỉ thông báo ngắn gọn: "Chúng ta đi chuyến này có nhiệm vụ quan trọng là khảo sát chính xác địa điểm người lao động Việt Nam đang tị nạn để đề xuất với Chính phủ thiết lập cầu hàng không khẩn cấp đưa toàn bộ người lao động về nước một cách nhanh nhất. Tất cả mọi người tham gia đoàn đều phải làm việc như nhau".

            Sáng 1/3, chúng tôi đã có mặt tại Cairo. Có lẽ cho tới giờ, Cairo đã để lại cho tôi một cảm xúc thật đặc biệt, không thể quên đó là suýt bị rớt lại sân bay vì không có vé sang Tuynidi. Vì tôi mải làm tin và truyền những hình ảnh đầu tiên về nước nên không kịp cập nhật thông tin của đoàn là ai tự lo vé người đó nên đã xảy ra sự cố này. Đến giờ chót khi ra sân bay, tôi thuộc diện không có vé. Tâm trạng lúc đó nặng trĩu vì lo lắng, ở lại khi cả đoàn tiếp tục sang Tuynidi ư? Rồi còn công việc được giao sẽ ra sao? Gần như tuyệt vọng nhưng tôi vẫn cùng đoàn ra sân bay Cairo lúc nửa đêm. Thần may mắn vẫn mỉm cười với tôi khi vào giờ chót tôi mua được vé sang Tuynidi do có một hành khách người Thổ Nhĩ Kỳ hủy chuyến bay.

            Chúng tôi đến Djarba sau hai ngày di chuyển trên ba chặng bay liên tiếp. Khí hậu của thành phố du lịch đầy mộng mơ xứ Bắc Phi thật mát mẻ, bởi mùa xuân vẫn đang hiện hữu trên những ngọn ô liu xanh mướt dọc những con đường bao quanh thành phố. Cảnh sắc thanh bình của vùng đất ven bờ Địa Trung Hải này hoàn toàn đối lập với những gì đang diễn ra ở khu vực biên giới, nơi hàng chục ngàn người đang tìm cách vượt qua biên giới Tuynidi để chốn chạy khỏi cuộc khủng hoảng chính trị ở nước láng giềng Libya. Ấn tượng đầu tiên đối với chúng tôi ngay khi vừa bước chân xuống sân bay Zarsis là hình ảnh những người tị nạn đang nằm la liệt ở khu vực nhà chờ sân bay, trong đó có khoảng 270 người lao động Việt Nam. Thật lạ, ở nơi tập trung hàng trăm con người với đủ loại quốc tịch khác nhau bầu không khí lại vô cùng tĩnh mịch, hầu hết họ đều cuộn mình trong chăn. Không gian chỉ thật sự bị phá vỡ khi mấy cậu thanh niên phát hiện ra sự có mặt của chúng tôi, những nhà báo, những người đồng hương đầu tiên mà họ gặp kể từ khi về tá túc, chờ đợi ở đây. Ánh đèn flash từ máy ảnh, máy quay phim của cánh phóng viên Việt Nam tranh thủ tác nghiệp cùng với tiếng nói, tiếng cười của những người lao động làm huyên náo cả nhà ga sân bay. Khi chúng tôi báo tin chỉ ít giờ nữa thôi, chuyên cơ của Chính phủ sẽ đưa mọi người về nước thì tiếng hô: "Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!" vang lên như sấm dậy. Những người lao động Bănglađét ở quanh đó cũng rũ chăn đứng cả dậy chung vui. Hoà chung niềm vui với mọi người nhưng chúng tôi không quên nhiệm vụ của mình là phải ghi lại giây phút tuyệt vời này để gửi ngay về nước, chắc chắn nơi quê nhà, người thân của họ cũng đang từng giờ ngóng trông.

Phóng viên Nhan Sáng (thứ năm bên phải) cùng các quan chức của LHQ, Tuynidi và các đồng nghiệp Việt Nam tại khu trại tị nạn ở biên giới Tuynidi

            Những ngày tiếp theo, tôi và các đồng nghiệp chủ yếu đến lấy thông tin tại khu vực biên giới Res Jedire (nằm giữa Tunisia và Libya), nơi có trại tị nạn tập trung hàng chục nghìn người lao động các nước, trong đó có khoảng hơn 2 nghìn người lao động Việt Nam đang chờ đợi để được đưa về nước. Cũng giống như những người lao động Việt Nam đầu tiên chúng tôi gặp ở sân bay Zaris, những người Việt ở đây đón chúng tôi với tâm trạng hết sức vui mừng, có lẽ họ biết sự xuất hiện của chúng tôi cùng đoàn công tác liên ngành ở đây có nghĩa là họ sẽ có cơ hội được trở về đoàn tụ với gia đình, không còn phải chịu cảnh màn trời chiếu đất nữa. Và đúng như suy nghĩ ban đầu của tôi, nơi đây thật sự là mảnh đất màu mỡ cho cánh phóng viên tác nghiệp.

 

Mặc dù phải hoạt động nhiều ngày liền tại địa điểm nằm giữa sa mạc nóng bỏng mênh mông cát trắng nhưng không một ai trong đoàn tỏ ra mệt mỏi cả. Trái lại, ai cũng làm việc với một sự hứng khởi hiếm có cứ như thể nếu không tranh thủ làm thì chẳng bao giờ có cơ hội may mắn đến như vậy nữa. Hết quay phim lại chụp ảnh, phỏng vấn, trò chuyện, tất cả nhóm phóng viên cứ hối hả như vậy ròng rã suốt cả một tuần liền.

 

            Ngày nào chúng tôi cũng đi hơn 200 km từ trung tâm Djarba đến khu vực biên giới Res Jedire để tác nghiệp. Tối về, chúng tôi lại tập trung tại "tổng hành dinh" của đoàn công tác để nắm thông tin tổng hợp dưới sự chỉ đạo trực tiếp của "tướng mặt trận" - Thứ trưởng Đoàn Xuân Hưng - người có trách nhiệm cao nhất có thể đưa ra quyết sách cuối cùng trong việc đưa người lao động Việt Nam ở Tuynidi về nước. Với phong thái của một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, ông luôn nhìn nhận mọi vấn đề một cách điềm tĩnh, tự tin. Có thời điểm trong khi các báo mạng ở nhà đưa tin đã đưa hết người lao động Việt Nam ra khỏi Libi, thì ở bên này, tôi thấy ông và tổ công tác vẫn đang tìm biện pháp để đưa hơn 1000 người vẫn còn kẹt sâu trong nội địa Libi vượt qua biên giới Tuynidi. Dù vậy, ông chỉ cười và nhẹ nhàng nói "hoàn cảnh chiến tranh mà". Tuy nói vậy nhưng tôi biết chắc ông và tất cả mọi người ở đây đều rất khẩn trương bởi chiến tranh có thể nổ ra bất cứ lúc nào, bằng mọi biện pháp phải đưa toàn bộ người lao động Việt Nam ra khỏi Libi và về nước trong thời gian nhanh nhất có thể.

            Ấn tượng nhất, đối với tôi trong suốt thời gian công tác tại đây chính là sự chân thành, cởi mở của tất cả mọi người mà tôi đã từng được tiếp xúc. Từ những người dân bình dị, các tình nguyện viên Tuynidi cho đến các nhân viên cứu trợ của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) ai ai cũng làm việc hăng say, hồ hởi. Họ coi việc giúp đỡ người lao động Việt Nam cũng như người lao động nước khác tị nạn tại đây như là trách nhiệm của chính bản thân, hoàn toàn không vụ lợi, toan tính. Chính sự nhiệt tình của họ đã góp phần không nhỏ vào thành công của chúng ta trong việc đưa những người lao động Việt Nam về nước một cách nhanh nhất, an toàn nhất.

            Vất vả là vậy, gian khổ là vậy mà đến khi người lao động Việt Nam cuối cùng rời trại tị nạn lên đường trở về nước, tất cả chúng tôi đều có chung một tâm trạng bâng khuâng khó tả, bởi thời gian trôi nhanh quá. Với riêng tôi, mảnh đất, con người và tình người nơi đây đã tạo nên một ấn tượng mãi không bao giờ phai. Mặc dù đã thực hiện nhiều chuyến công tác trong và ngoài nước, mỗi vùng đất lại mang đến cho tôi trải nghiệm mới, nhưng những ngày ở Djarba thật sự để lại trong tôi những cung bậc cảm xúc không thể nào quên.

Nhan Sáng
Theo Nội san Thông tấn, số 03/2011