Thứ ba, ngày 21/05/2024

Sổ tay phóng viên

Trưởng thành hơn sau mỗi chuyến đi


(12/05/2011 09:59:15)

Hơn 4 năm "làm lính phân xã" ở Bình Phước, nơi dẫn bước tôi vào nghề, vùng đất này đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc về những nơi đã qua, những con người đã gặp trong những chuyến đi cơ sở.

            Đi "săn" voi rừng

            Vào khoảng đầu tháng 5/2009, một đồng nghiệp ở Đài truyền thanh huyện Bù Đốp gọi điện báo tin: "Voi rừng xuất hiện ở rừng Bù Đốp. Mai lên ngay!". Sau khi xác định đầu mối thông tin cần liên hệ, sáng sớm hôm sau, tôi cùng một đồng nghiệp ở báo Bình Phước đã có mặt ở Hạt kiểm lâm huyện Bù Đốp. Đón chúng tôi, anh Nguyễn Văn Ách, Hạt trưởng, cho biết: "Đàn voi có khoảng 6-7 con, trong đó có một con voi đực rất lớn, chắc là con đầu đàn, xuất hiện ở khu vực lâm trường Bù Đốp gần hai tuần nay".

Phóng viên Hoàng Tuấn đang bế cháu Hào - nhân vật trong bài viết 'Người mẹ cắt cân con gái' cuối năm 2008 - cùng các đồng nghiệp đến thăm cháu

            Nắm được thông tin sơ bộ, anh Ách và chúng tôi lên kế hoạch tiếp cận khu vực đàn voi xuất hiện, hy vọng "mắt thấy" và ghi lại được hình ảnh đàn voi. Đến cửa rừng, anh Ách bảo, khi chụp ảnh không được dùng đèn flash, tránh gây hoảng loạn cho đàn voi. Hơn 4 tiếng luồn lách trong rừng, làm theo những dấu vết voi để lại, những vạt cây bị quật đổ, phân voi và cả những điểm mà các chiến sĩ kiểm lâm thấy voi xuất hiện trước đó mà đoàn chúng tôi vẫn không thấy bóng dáng chú voi nào. Đã quá chiều, bụng sôi ùng ục, kế hoạch "săn" voi rừng tưởng như vô vọng thì một thành viên trong đoàn phát hiện con voi đầu đàn đang đứng sừng sững gần bờ suối, khu vực giáp ranh giữa biên giới Việt Nam-Campuchia. Nhưng ngay lập tức, con voi này đã "lẩn"mất vào rừng. Mục đích đi "săn" của chúng tôi mới đạt được một nửa khi không "bắt được hình ảnh" nhân vật chính. Sau này, để có ảnh đăng báo, chúng tôi đã phải dùng hình chụp qua điện thoại của anh Ách trong những lần gặp voi rừng trước đó nên chất lượng ảnh khá khiêm tốn. Sau chuyến đi, bài viết "Voi rừng về Bù Đốp" của tôi ra đời. Trong bài viết, tôi đã nêu được nguyên nhân khiến đàn voi xuất hiện gần nhà dân là do nhiều khu rừng ở Bù Đốp đang bị tàn phá, chuyển đổi mục đích sử dụng khiến khu vực sinh sống của voi bị thu hẹp.

 

            Nửa đêm leo núi Bà Rá

            Ở Bình Phước, ngọn núi Bà Rá (thị xã Phước Long) được xem là cao nhất với độ cao 732m. Đồng bào S"Tiêng gọi ngọn núi này với cái tên đầy thành kính "Bơnom Brah", có nghĩa là "ngọn núi Thần". Những năm gần đây, núi Bà Rá được nhiều người biết đến qua giải Việt dã toàn quốc leo núi Bà Rá được tổ chức vào ngày 6/1 hàng năm. Trong một lần "tham gia" thông tin về giải này, tôi đã có dịp được chinh phục ngọn núi Bà Rá lúc nửa đêm.

            Ấy là năm 2009, tôi cùng với nhiều phóng viên được Ban tổ chức Giải đưa lên địa điểm tổ chức trước một ngày. Để có thể ghi lại được hình ảnh về đích của vận động viên, các nhà báo phải leo lên núi từ trước, cộng thêm được nghe anh em đài truyền hình địa phương giới thiệu "ban đêm ở trên đỉnh núi mà nhậu thì đã lắm". Thế là tôi quyết tâm leo lên đỉnh một lần cho biết...

            Đúng 10 giờ tối, nhóm phóng viên chúng tôi lên đường chinh phục 1.767 bậc đá để tới đỉnh Bà Rá. Những bậc đầu tiên có vẻ mọi chuyện dễ dàng, nhưng được chừng nửa đường thì đôi chân của chúng tôi bắt đầu không thể điều khiển nổi. Cứ mươi bước chúng tôi lại phải ngồi nghỉ trong điều kiện người vã mồ hôi, trời lạnh và tối đen như mực. Nhưng rồi, với sự cố gắng, chúng tôi cũng có mặt ở trên đỉnh sau hơn một tiếng đồng hồ Sáng hôm sau, tôi tác nghiệp trong hoàn cảnh đôi chân mỏi nhừ, toàn thân ê ẩm. Đúng là "một lần leo núi Bà Rá bằng cả năm tập thể dục"..

 

            Phải là "phóng viên cụ Hồ" mới tiếp

            Thường trú ở một địa bàn miền núi và có đông đồng bào dân tộc sinh sống nên nhiều tin, bài của tôi gắn liền với những nhân vật là các già làng S"tiêng. Trong một chuyến công tác đến huyện Lộc Ninh, tôi được mấy anh ở huyện giới thiệu già làng Điểu Nắng ở Sóc Ông Nắng, xã biên giới Lộc Thiện. Ông năm nay ngoài 70 tuổi nhưng vẫn còn rất khỏe mạnh, là một "kho" lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào S"tiêng và có rất uy tín với bà con.

            Vẫn nghĩ "đồng bào rất tin tưởng bộ đội biên phòng" nên tôi đã nhờ mấy anh bộ đội biên phòng cùng đi để thuận tiện trong tác nghiệp. Thế nhưng, khi đến nơi, được mọi người giới thiệu là phóng viên của Thông tấn xã Việt Nam tới thăm già làng, viết bài về sóc mình, già làng liền nghiêm nghị quay qua hỏi: Có đúng là phóng viên thật không, có đàng hoàng không? Nếu đúng là phóng viên của cụ Hồ thì mới nói chuyện? Sau khi nhận được lời xác nhận của bộ đội biên phòng, già mới giải thích: Có nhiều người cũng đã vào nói chuyện, phỏng vấn rồi về làm mấy chuyện bậy bạ, xuyên tạc nên mình phải cẩn thận, không để lợi dụng được.

            Già làng đã kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về đồng bào S"tiêng đã tham gia cách mạng, chiến đấu kiên cường chống giặc và tham gia tiếp tế lương thực cho bộ đội. Già bảo: Cuộc sống bây giờ đỡ vất vả hơn, con cháu được ăn học đàng hoàng nhưng chúng lại quên hết truyền thống văn hóa cha ông để lại. Thanh niên trai tráng bây giờ không biết đánh cồng chiêng, không biết các nghi lễ truyền thống. Không thể để truyến thống mai một, già làng đã không quản vất vả, lao vào vận động bà con trong Sóc góp tiền, bán trâu để mua lại cồng chiêng, xây dựng đội cồng chiêng nổi tiếng ở Bình Phước.

            Sau mỗi chuyến đi cơ sở, trò chuyện với những con người đã gặp, tôi đã có thêm nhiều kinh nghiệm sống và cũng trưởng thành hơn trong nghề.

Hoàng Tuấn
Theo Nội san Thông tấn, số 4/2011