Thứ ba, ngày 21/05/2024

Sổ tay phóng viên

"TrẳồáỪŨng ca" cáỪậa phÃỠng viÃến TÃằy BáỨốc


(12/07/2011 15:33:26)

Đã là phóng viên, ai cũng đi và viết. Nhưng tôi dám chắc rằng, phóng viên miền núi, nhất là ở Tây Bắc, đi nhiều bậc nhất, thời gian hầu hết là ở trên đường. Và sự đi lại cũng có chuyện để kể...

           

Phóng viên Chu Quốc Hùng (người đi trước) vượt suối vùng thấp Sìn Hồ - Ảnh: Xuân Trường

Phóng viên "tạm trú"

            Bắt đầu gia nhập gia đình TTXVN vào năm 2001, tôi là phóng viên thường trú ở phân xã Lai Châu (cũ), trụ sở đóng tại thành phố Điện Biên Phủ. Khi tỉnh Lai Châu chia tách thành hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu (năm 2004), tôi được điều lên tỉnh mới Lai Châu, cách trụ sở hơn 200 km và bắt đầu cuộc đời phóng viên "5 không": Không trụ sở, không trang thiết bị làm việc, không gia đình hay đồng nghiệp bên cạnh, không chỗ ngủ cố định và... không mấy khi có tiền. Khi đó có người chế nhạo tôi là người dân tộc Lá Vàng. Kể cũng phải: Ngày đi lang lang các cơ quan đơn vị hoặc xuống cơ sở, tối kiếm nhà nào quen biết, rải chiếu xuống đất ngủ trong cái lạnh vùng cao. Phương tiện làm việc duy nhất là... chiếc điện thoại di động, viết tin xong đọc về Tổng xã. Cũng có người trêu tôi là phóng viên TTXVN "tạm trú" tại Lai Châu. Nghe thì bực thật, nhưng... họ nói cũng có lý, bởi phân xã có mỗi mình tôi, lại chưa có quyết định thành lập nên tôi vẫn trực thuộc Phân xã Điện Biên. Thi thoảng dưới Điện Biên có việc, tôi lại được điều về "hỗ trợ", ví như cái đợt kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Thôi thì, tôi là phóng viên "1 trong 2 tỉnh".

            Gần một năm trời tôi đã sống và làm việc "lưu động" như thế rồi mới mượn được nơi làm việc cố định, xin mua bàn ghế, máy móc. Tới giữa năm 2006 thì thời gian "tạm trú" hết vì phân xã Lai Châu có quyết định thành lập.

            Lang bang hai tỉnh, đi nhiều cũng có khối chuyện để kể, song đáng nhớ nhất là chuyện hồi tôi một mình phóng xe máy lên bản Nậm Coóng, nơi từng hứng chịu thảm hoạ lũ quét làm hơn 40 người chết, để làm bài phóng sự về sự hồi sinh trên "miền đất chết" này. Tôi phải chạy quãng đường hơn trăm cây số, đoạn "ngon" thì rải cấp phối, còn lại là đường đất và lội suối. Qua con ngầm cuối cùng thì gặp lũ, nước suối đỏ ngầu. Tưởng như những con suối trước, tôi phóng xe lội ào qua, không ngờ "ủm" một cái, cả người và xe chìm nghỉm. Bò được lên bờ, nhìn xuống suối chỉ còn chiếc gương xe thi thoảng trồi lên, nước mắt tôi cứ chảy ràn rụa. Chờ gần 2 tiếng, rồi cũng có 2 người đàn ông đi nương qua kéo giúp chiếc xe lên. Vốn đã có thời làm nghề sửa ô tô, tôi moi cốp lấy đồ, rã chiếc xe ra rồi lắp vào, lại lên đường vào bản. Ngày hôm sau trở ra, khi lòng vui phơi phới vì đã xong việc, tôi thả xe tụt bon bon xuống con dốc đất, bỗng nghe nhói nơi cổ họng rồi ngã uỵch. Con "ngựa sắt" chạy không người lái một quãng rồi đổ kềnh. Hoá ra chạy ngược nắng, tôi không kịp nhìn thấy sợi dây thép trần mà bà con địa phương vẫn để làm dây dẫn điện từ máy thuỷ điện nhỏ, cột gỗ bị gẫy nên nằm vắt qua đường. Tháo mũ ra, thấy quai mũ bị chém thủng dọc một đoạn dài, ma sát làm cháy sém; còn cổ tôi thì rách một vệt, tấy đỏ cả tháng mới lành. Hú vía, may mà có quai mũ bảo hiểm chịu đòn giúp!

            Làm báo, hạnh phúc nhất là đi cơ sở được bà con quí mến. Nhớ lần lên bản Nậm Vạc viết bài về cuộc sống đồng bào sau khi cả bản bỏ sang Trung Quốc, nay trở về làm ăn sinh sống trở lại. Tôi và anh Xuân Trường (lúc ấy ở Ban BT- SX ảnh báo chí) trèo bộ cắt rừng leo 4 tiếng mới đến bản khi trăng đã lên cao. Ngủ nhờ trong lán của Bộ đội Biên phòng cắm bản, ngày nào đi lấy tư liệu về cũng thấy, khi thì con gà nhỏ, lúc bó rau rừng hay quả bí đỏ treo ở cửa, mà không biết ai gửi cho. Hoá ra bà con biết có nhà báo đến nên đi nương mang về biếu bộ đội để làm cơm mời nhà báo. Quá sướng!

 

            Kiếp "con trâu trắng"

            Tròn 7 năm thường trú Lai Châu, tôi trở lại Điện Biên. "Gia tài" giờ đã khá hơn vì có thêm thằng "phóng viên con" về cùng. Nửa gia đình tôi (vợ và thằng con trai bé) ở lại Lai Châu "đắp chăn chờ độc lập". Hai bố con ở luôn trụ sở phân xã cùng Xuân Tiến (PV phân xã Điện Biên).

           

Phóng viên Chu Quốc Hùng tìm hiểu cuộc sống của học sinh bán trú dân nuôi xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé - tỉnh Điện Biên)

Về Điện Biên tròm trèm 4 tháng, tôi "dính" ngay vụ Mường Nhé. Tự thấy mình là số "con trâu trắng", đi đâu mất mùa đến đấy. Các Trưởng phân xã trước ở đấy mãi chẳng sao, tới lượt mình thì có chuyện. Thôi thì đành tận dụng hết các mối quan hệ, cơ sở địa phương rồi giỏng tai lên nghe ngóng, ngày làm đến hai báo cáo nội bộ gửi về Tổng xã. Rồi lại bỏ thằng con đang thi hết năm học ở nhà, tôi dẫn đoàn phóng viên đặc nhiệm của Tổng xã vào địa bàn nhạy cảm này...

            Ngày đi làm tin bầu cử tháng 5 vừa rồi cũng vui: Ban BTT Trong nước chỉ đạo phải có tin theo giờ, Ban Ảnh yêu cầu có ảnh đồng bào Mông đi bầu cử, Trung tâm Truyền hình gọi điện yêu cầu phải có hình, cũng là đồng bào Mông. Từ phân xã đến điểm có hình ảnh theo yêu cầu, gần thì 15km, xa trên 30km. Phân xã có hai người, tôi phân công Xuân Tiến quay phim đi điểm gần để còn kịp về dựng hình - gửi tin, tôi đi điểm xa làm tin và ảnh. Gần 8 giờ sáng 22/5, đến Sở Nội vụ lấy thông tin, chạy về phân xã viết xong tin cho bản tin 8 giờ rồi hối hả xuống xã Na Ư chụp ảnh. Đang chạy viu viu thì con ngựa sắt từ thời sinh viên của tôi ho lọc khọc mấy tiếng rồi lịm hẳn. Đoán trúng bệnh, tôi lấy đồ tháo chế hòa khí ra kiểm tra thì: Trời ơi, xăng gì mà không màu, không mùi, không vị thế này! Chắc các cô bán xăng "thương" anh em phóng viên đi đường vất vả, nên pha thêm... nước lọc đây mà. Xử lý xong "con xe", tôi chạy tiếp đến ngã ba vào xã thì bị mấy anh bộ đội biên phòng ách lại: "Khu vực biên giới, đề nghị lên gặp Trưởng đồn xin phép! Có thẻ nhà báo cũng thế". Xong việc, tôi nhìn đồng hồ thấy muộn hơn một tiếng. Đường vào Na Ư cong như dải lụa gặp... bão, lên ảnh thì đẹp chứ chạy trên đó thì hoa hết cả mắt. May quá, vào đến nơi thì còn tốp cuối cùng đi bầu cử, tôi chớp vội được mấy kiểu ảnh rồi gọi điện kiểm tra nhóm đi quay phim. Nghe đầu dây bên kia, Xuân Tiến mếu máo: "Anh ơi, trên này bà con nói tiếng Mông, nhưng lại mặc quần áo Kinh, phim quay rồi nhưng như không anh ạ!". Tôi an ủi: "Thôi thì có sao dùng vậy!".

            Công việc của phóng viên Tây Bắc là: Đi rõ nhiều, làm không nhiều như đi, nhiều sự bất ngờ đón đợi, nhưng mà... có lúc sướng như tiên. Những phóng viên, biên tập viên trẻ ưa thích sự khám phá, mạo hiểm xin mời lên thường trú ở các phân xã vùng Tây Bắc.

Chu Quốc Hùng
Theo Nội san Thông tấn, số 6/2011