Thứ ba, ngày 21/05/2024

Sổ tay phóng viên

Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển


(21/12/2011 11:01:47)

Khi tôi sinh ra, đất nước đã không còn tiếng súng, tôi chỉ được biết về chiến tranh qua những bài học lịch sử, những bài báo, trang sách hay những lời kể của ông bà, cha mẹ... Tôi rất tự hào về lịch sử dân tộc, nhưng sách vở vẫn chỉ là sách vở, khó có thể cho tôi biết tường tận, chi tiết về những người anh hùng chống Mỹ cứu nước. Phải đến khi tham gia hành trình theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển, sau ba tuần lênh đênh cưỡi sóng, được gặp gỡ các nhân vật lịch sử, được sống cùng và tìm hiểu về họ, tôi đã nhận ra được nhiều điều...

            Hạnh ngộ cùng những người anh hùng...

            Tôi có may mắn được đi trên con tàu HQ 996 trở lại với con đường huyền thoại - " đường Hồ Chí Minh trên biển", tuyến đường huyết mạch vận chuyển vũ khí từ miền Bắc chi viện cho miền Nam trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ oanh liệt của đất nước.

            Trên tàu, tôi được ban tổ chức sắp xếp ở cùng phòng hai cựu chiến binh Phạm Văn Phí, nguyên thuyền trưởng tàu V609 của đoàn tàu không số và Nguyễn Văn Với. Tôi đã được nghe các bác kể rất nhiều chi tiết về đoàn tàu huyền thoại, điều mà tôi chưa được biết qua sách vở. "Chúng tôi đi chưa hẹn gặp lại..."- đó là một câu trong bài hát "Đường trên biển Đông" mà bác Phạm Văn Phí đã sáng tác trong chuyến đi này, khi cùng đồng đội hồi tưởng về quá khứ hào hùng. Tôi đã rất xúc động khi được nghe bài hát đó. Thật khó tả bằng lời sự vất vả, khó khăn gian khổ mà những người cựu binh năm xưa đã vượt qua để vận chuyển hàng chục nghìn tấn vũ khí vào Nam, chỉ biết là họ đã làm nên một kỳ tích trong lịch sử dân tộc.

            Trong hành trình này, chúng tôi dừng chân tại 6 điểm ở những địa phương năm xưa tổ chức các bến bãi để tiếp nhận vũ khí được chuyển vào từ miền Bắc. Mỗi chặng dừng đó là một cơ hội tuyệt vời đối với những người trẻ chúng tôi, để được gặp những nhân chứng lịch sử. Khi đoàn dừng chân tại cảng Cát Lái (TP Hồ Chí Minh), tôi được gặp và trò chuyện với mẹ Nguyễn Thị Mười, quê ở thị trấn Phước Hải, huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Năm nay đã 92 tuổi nhưng mẹ vẫn không quên một chi tiết nào về con trai mình và đoàn tàu không số. Điều khiến chúng tôi cảm phục ở mẹ là niềm tin sắt son vào Đảng, vào cách mạng. Khi con trai quyết định vượt biển ra Bắc xin vũ khí, dẫu biết chuyến đi đầy hiểm nguy nhưng mẹ vẫn động viên con lên đường và đưa thêm 10 cây vàng để đóng tàu ra khơi...

            Hơn 140 đại biểu trên tàu, hầu hết là thanh niên ưu tú đại diện cho giới trẻ khắp các tỉnh thành, ai nấy đều xúc động khi được nghe những câu chuyện lịch sử của các cựu chiến binh và chứng kiến những hành động tri ân sâu sắc với những người đã ngã xuống vì Tổ quốc. Tại vùng biển Hòn Hèo, huyện Ninh Hòa, Khánh Hòa cả đoàn đã làm lễ dâng hương tưởng niệm các liệt sỹ của đoàn tàu không số. Chính nơi đây 43 năm về trước (năm1968) thuyền trưởng Nguyễn Phan Vinh - người đã cùng đồng đội lập bao chiến công oanh liệt cùng con tàu mang mật danh 235 - đã anh dũng hy sinh sau cuộc đụng độ với quân địch. Lần ấy, vận chuyển vũ khí đến vùng biển Hòn Hèo thì tàu 235 bị quân địch phát hiện, chúng đưa cả máy bay lẫn thuyền chiến đến vây hãm. Nguyễn Phan Vinh vẫn bình tĩnh chỉ huy đồng đội vượt biển khiến cho quân địch phải bó tay và gọi đây là "con tàu ma". Nhưng lực lượng của ta quá mỏng, đến khi thương vong quá nửa, biết không giữ được tàu, người thuyền trưởng mới 35 tuổi đã lệnh cho anh em di chuyển tàu vào gần bờ, thả vũ khí xuống để quân dân địa phương vớt sau rồi phát lệnh hủy tàu. Nguyễn Phan Vinh và 14 đồng đội đã hy sinh, chuyến hàng không được đến đúng bến nhưng tấm gương những người anh hùng mưu trí, dũng cảm, hy sinh vì tổ quốc luôn sáng mãi trang vàng truyền thống của dân tộc Việt Nam.

Các cựu chiến binh tập bài hát "tự biên" về con đường huyền thoại

 

            ... Và tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp

            "Theo dấu tích đường Hồ Chí Minh trên biển" là chuyến đi biển dài ngày đầu tiên trong đời làm báo của tôi nên trước khi xuất phát tôi đã chuẩn bị đủ tư trang... Nhưng tôi không thể biết hết những khó khăn đón đợi mình. Những ngày đầu của hành trình, do ảnh hưởng của cơn bão số 6 nên vùng biển ở Vịnh Bắc Bộ động rất mạnh. Đấy là quãng thời gian vất vả nhất, phần lớn thành viên trong đoàn bị say sóng, trừ các cựu chiến binh. Riêng tôi, vừa không ăn được thức ăn trên tàu vừa phải vật lộn với những cơn say sóng... Có những lúc đang say sóng vẫn phải gắng sức viết tin, làm ảnh, cứ khoảng 5 phút là tôi lại quay sang chiếc xô bên cạnh để nôn, đến khi làm xong, có sản phẩm gửi về cơ quan thì tôi đã nôn đến cả " mật xanh, mật vàng". Không có say gì sợ bằng say sóng, đó là trải nghiệm đáng nhớ nhất của tôi trong chuyến đi.

            Vẫn tuyến đường đó, bến bãi đó, chuyến tàu HQ996 đi khởi hành muộn hơn thời điểm chuyến tàu không số đầu tiên khởi hành 50 năm trước. "Hàng hóa" mà tàu HQ996 hôm nay vận chuyển không phải là vũ khí chi viện cho miền Nam, mà là tình cảm, những kỷ niệm, sự háo hức của các cựu chiến binh và các bạn trẻ khi được trở về với con đường, với những bến bãi đã trở thành huyền thoại. Tất cả những nơi chúng tôi đặt chân đến đều được những ánh mắt hân hoan, nụ cười thân ái đón chào và những bàn tay siết chặt của các o, các mế. Những cuộc hội ngộ xúc động sau hơn 40 năm, những cái ôm đầy tình cảm sau bao năm xa cách giữa các cựu chiến binh và những người dân bản địa đã cưu mang các chiến sĩ của đoàn tàu không số ... đều được tôi chớp thời cơ để có những bức ảnh ưng ý.
  Ảnh từ trên xuống:

            1. Dâng hương ở bến K15 Đồ Sơn trước khi bắt đầu hành trình

            2. Niềm vui gặp mặt của các cựu chiến binh sau hơn 40 năm

            3. Các đại biểu dâng hương và thả hoa đăng tại bến Vũng Rô, Phú Yên    

            4. Lễ hoa đăng tại bến Vũng Rô, Phú Yên

            Tại mỗi điểm dừng chân, đoàn tổ chức rất nhiều hoạt động ở nhiều địa điểm chỉ trong một ngày nên rất vất vả cho cánh nhà báo trong việc tác nghiệp. Là một phóng viên ảnh, tôi không cho phép mình bỏ sót sự kiện nào và để làm được điều đó, tôi cố gắng sắp xếp thời gian thật hợp lý, sự kiện phải làm nhiều ảnh thì phải nhiều thời gian, sự kiện khác thì ít thời gian hơn, rồi lại tính toán việc đi lại, ăn uống, gửi tin, ảnh về cơ quan một cách hợp lý, sao cho cùng một lúc có thể làm được nhiều việc nhất.

            Ngày 24/10 hành trình kết thúc, tôi trở về với cơ quan, trở lại với công việc thường nhật nhưng chuyến công tác theo dấu đường Hồ Chí Minh trên biển đã đọng lại trong tôi thật nhiều kỷ niệm và kinh nghiệm. Với tôi đây đúng là một "Học kỳ trên biển" hiệu quả nhất.

Thế Duyệt
Theo Nội san Thông tấn, số 11/2011