Thứ hai, ngày 20/05/2024

Sổ tay phóng viên

Những chuyến tác nghiệp nhớ đời


(17/01/2012 13:05:34)

Đầu năm 1987, từ Phân xã Hà Sơn Bình (cũ) tôi xung phong lên tỉnh miền núi Lai Châu công tác, thay cho anh Đặng Ngọc Châu hết nhiệm kỳ, về làm Trưởng Phân xã Quảng Bình.

            Làm quen địa bàn mới được vài tháng, tôi rủ nhà thơ Phương Liên - biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Lai Châu đi ngao du một chuyến ở huyện biên giới Mường Tè, nơi có diện tích rộng gấp ba lần tỉnh Thái Bình. Hồi ấy, con đường độc đạo từ thị xã Lai Châu vào huyện lỵ Mường Tè dài hơn trăm cây số rất khó đi, cả tuần mới có một chuyến xe khách. Chúng tôi phải xin quá giang trên xe của Công ty vận tải ô tô Lai Châu chở lương thực vào huyện. Đường bị sạt lở nhiều đoạn, nhà báo cũng phải xuống vác đá vá đường cùng chị em công nhân. Buổi chiều phải ngủ lại ở xã Mường Mô, bù lại được xuống suối "tắm tiên", vui té nước cùng con gái Thái, khiến bao nhiêu mệt nhọc tan biến.

            Hành trình thêm một ngày nữa mới vào đến huyện lỵ Mường Tè. Ấn tượng đến sởn gai ốc khi chứng kiến cầu treo Pô Lếch bắc ngang qua dòng sông Đà hung dữ, chiếc cầu treo nhỏ hẹp lát ván gỗ cứ đung đưa, chòng chành khi xe tải trườn qua.

            Ban ngày, chúng tôi đi làm việc với các phòng, ban của huyện, tối thì ngủ tại nhà khách của Văn phòng Huyện ủy Mường Tè. Thị trấn vùng biên này,  máy nổ phát điện chạy đến 21 giờ thì tắt ngỏm; hiu hắt và buồn tẻ. Một tối, tôi và Phương Liên gõ cửa phòng ở của Bí thư Huyện ủy Trang Pố Hừ. Ông là Tỉnh uỷ viên nhiều khoá, cây đại thụ của người Hà Nhì vùng ngã ba biên giới Việt - Trung- Lào, nổi danh là nơi "Một tiếng gà gáy cả ba nước cùng nghe". Không may lúc về già ông lại nghiện thuốc phiện. Chứng kiến cảnh ông vê tròn viên thuốc cho vào tẩu rồi hơ lửa, rít khoan thai; làn khói thuốc phiện vừa khét lại vừa thơm, tôi và Phương Liên không cưỡng nổi sự tò mò, bảo ông cho hút thử để biết. Tưởng là mê mẩn lắm nhưng tôi thì say thuốc, người lâng lâng như đi trên mây, còn Phương Liên thì suýt ói mấy lần, người ngứa ngáy, gãi sột soạt suốt đêm.

            Theo đúng chương trình công tác, sáng hôm sau tôi và Phương Liên rời Huyện uỷ, đi bộ vài chục cây số vào xã biên giới Hua Bum. Cuốc bộ mỏi cẳng, đi qua nhiều bản Thái, rồi men theo suối, nhiều đoạn phải cởi quần dài lội suối nhưng tôi không thấy mệt bởi cảnh sắc núi rừng hoang sơ cuốn hút. Với chiếc máy ảnh Zennit của Nga mới mua, tôi chụp được nhiều ảnh đẹp mê hồn, nhất là hình ảnh người H’Mông canh tác ruộng bậc thang, những chùm phong lan rừng khoe sắc... Buổi tối, chúng tôi ngủ lại ở Đồn biên phòng Hua Bum. Đại uý Đồn trưởng Nguyễn Văn Hòa quê ở Nam Định chiêu đãi thịt gà, rau cải do đơn vị tăng gia được.

            Ngày thứ tư, chúng tôi làm cuộc hành trình lên chốt - cao điểm 1912A do một tiểu đoàn bộ đội địa phương trấn giữ. Đồn trưởng Hòa cử một trung uý trinh sát trẻ dẫn đường. Đi bộ ngược dốc hàng chục tiếng mới lên đến chốt quả là cực nhọc, bi đông nước mang theo không đủ dùng, chúng tôi phải hái chùm quả dại chua để nhấm nháp cho đỡ khát. Lên cao điểm làm việc với Tiểu đoàn trưởng nắm bắt tình hình bộ đội trực chiến (giai đoạn này nước ta và Trung Quốc vẫn chưa bình thường hoá quan hệ), tôi mang máy ảnh ra tác nghiệp, ghi lại hình ảnh các chiến sỹ đi tuần tra, sẵn sàng chiến đấu. Hồi ấy đời sống của bộ đội ta thiếu thốn đủ bề, đúng như bài thơ của đồng chí Lê Đức Thọ tả cảnh bữa ăn của lính không có thịt, cá, đến nước chấm cũng phải pha loãng "nước mắm đại dương" và "bát canh toàn quốc". Ấy vậy mà tối đó, chúng tôi được bữa ăn đặc sản nhớ đời. Số là, chỉ huy đơn vị quá trọng khách nhà báo lên thăm, đã huy động chiến sỹ đi săn thú rừng. Họ kiếm được một con nai to. Lần đầu tiên trong đời, tôi được ăn thịt nai tươi, ngon ngọt lạ lùng.

            Chia tay đơn vị, trở về Phân xã Lai Châu, tôi dư cảm xúc và tư liệu để viết bài ghi nhanh về Đồn biên phòng Hua Bum và Tiểu đoàn giữ chốt thép biên cương. Tin, bài được chuyển bằng tín hiệu mooc-xơ, điện báo viên gõ ma-níp tạch tè mất vài tiếng mới chuyển xong về Tổng xã. Tôi hăm hở mang máy ảnh đi tráng phim, hy vọng có bao nhiêu tấm hình quý sau chuyến đi. Nhưng than ôi, mấy cuộn phim đen trắng của Cộng hòa dân chủ Đức đều hỏng sạch, do tôi mắc lỗi  nghiệp vụ ngớ ngẩn: Tiếc tiền mua phim cuộn, tôi mua phim rời cho rẻ (để trong lon nhôm) rồi cuốn lấy trong buồng tối, nào ngờ lắp ngược phim (mặt tráng thuốc) vào máy ảnh. Thế là toi công chụp!

*

*                 *

            Khoảng 8 giờ sáng ngày 27/6/1990 thảm hoạ lũ ống bất ngờ ập đến thị xã Lai Châu và huyện lỵ Mường Lay, làm chết trên 100 người, cuốn trôi hàng ngàn ngôi nhà, 14 công sở, trường học. Đang lúc mưa to, gió lớn, lũ dâng cuồn cuộn, tôi cùng đồng nghiệp Phạm Ngọc Trình của báo Lai Châu đi làm nhiệm vụ. Sẵn chiếc xe  Min khơ đỏ, tôi chở Ngọc Trình chạy dọc đường Na Lay (thị xã Lai Châu) theo dõi diễn biến cơn lũ. Đến chiếc cầu sắt Bản Xá, nối khu chợ trung tâm với hai bờ thị xã, chúng tôi dừng lại quan sát lũ đang xói lở mố cầu. Lúc ấy khoảng 11 giờ, lũ vẫn dâng cao, nhiều người bám trên các vật nổi bị dòng nước hút qua chân cầu trôi ra sông Đà. Để chụp cận cảnh, tôi liều chạy ra giữa cầu, chúc ống kính xuống mặt nước và mê mải bấm máy, không để ý đến mối nguy hiểm cầu sập. Nghe tiếng Trình hét to "Cầu võng rồi, sắp gãy đấy. Vào đi!", tôi giật mình, hớt hải chạy vào. Vừa kịp đặt chân vào bờ đường vài giây thì nghe tiếng "rầm" như bom nổ, chiếc cầu sắt nặng hàng trăm tấn đã sập đổ cuốn theo dòng thác lũ... Sau cú rợn tóc gáy ấy, tôi lại tiếc nuối: Giá như mình đứng trên bờ thì đã chộp được vào ống kính cái khoảnh khắc cầu sập.

            Ngày hôm sau, có chuyến máy bay trực thăng của Ban phòng chống lụt bão Trung ương lên Lai Châu thị sát, tôi kịp gửi về Tổng xã cuộn phim ghi cảnh lũ ống, và may mắn hơn là cậu phi công trẻ đã cho tôi gửi vợ và con gái 3 tuổi (mới lên thăm tôi được vài ngày) đi nhờ tàu bay về Hà Nội. Yên tâm chuyện gia đình, trong một  tháng thị xã Lai Châu bị cô lập như ốc đảo do tắc đường, thiếu lương thực, tôi vẫn yên tâm, hăng hái tác nghiệp.

Nhan Sinh
Theo Nội san Thông tấn, số 12/2011+01/2012