Thứ năm, ngày 02/05/2024

Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã

Diễn đàn thu hút những ý kiến trí tuệ và nhiệt tâm


(28/06/2012 10:53:01)

Cách đây tròn 60 năm - năm 1952, VNTTX chính thức thành lập phân xã (PX) nước ngoài đầu tiên tại Bắc Kinh do ông Ngô Điền phụ trách.

Các khóa đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên được tổ chức, tạo điều kiện cho đội ngũ PV tiếp cận với các loại hình thông tin mới, đáp ứng yêu cầu của ngành trong giai đoạn hiện nay. Trong ảnh: Khóa đào tạo về thông tin truyền hình cho các PV Phân xã khu vực phía Nam, tháng 4/2012

 Cũng năm đó, ở trong nước, VNTTX Liên khu 5 và VNTTX Nam Trung bộ được thành lập. Từ ấy đến nay, hệ thống PX TTXVN đã phát triển rộng khắp với 63 PX trong nước và 27 PX nước ngoài, trở thành lợi thế cạnh tranh không cơ quan báo chí trong nước nào có được. Có thể ví các PX như "huyết mạch" nuôi dưỡng "cơ thể" ngành. Trong giai đoạn phát triển mới của TTXVN, các PX đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Tìm một lối đi thích hợp cho hệ thống PX đang là vấn đề chung của toàn ngành.
        Trong bối cảnh đó, diễn đàn "Nâng tầm vị thế hệ thống phân xã" do Nội san thông tấn khởi xướng đã thu hút đông đảo cán bộ, PV, BTV từ nhiều đơn vị trong ngành tham gia. Trải dài trên 11 số tạp chí, mở đầu bằng bài viết "Hệ thống PX- thế mạnh tuyệt đối của TTXVN" của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Dương, Trưởng Ban Quản lý chỉ đạo PX trong nước (số tháng 8/2011) và kết thúc vào số tháng 6/2012 này với Nghị quyết số 01 của Đảng ủy về "Nâng cao vai trò, vị thế và hiệu quả hoạt động của hệ thống PX TTXVN" do Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Lợi ký ban hành, diễn đàn đã hoàn thành sứ mệnh của mình với nhiều bài viết và ý kiến tâm huyết.
 
 
Hệ thống PX - Lợi thế cạnh tranh tuyệt đối

Đối với TTXVN thì hệ thống PX vừa là bộ phận cấu thành tất yếu, vừa là lợi thế cơ bản so với các cơ quan báo chí truyền thông khác trong nước. Phó Tổng Giám đốc, Trưởng Ban Quản lý chỉ đạo PX trong nước Nguyễn Hoài Dương khẳng định: Nếu không có hệ thống PX, hẳn TTXVN sẽ khó có thể có một hệ thống báo chí xuất bản với nội dung đa dạng, thông tin rộng khắp trong nước và quốc tế. Nếu không có hệ thống PX, TTXVN khó có thể thành công với những loại hình thông tin mới như báo điện tử VietnamPlus và kênh truyền hình Thông tấn.   

Trả lời cho câu hỏi: "Đâu là thế mạnh của hệ thống PX?", Phó Giám đốc Trung tâm truyền hình Thông tấn Vũ Duy Hưng cho rằng, điểm nổi bật chính là sự trải rộng của hệ thống các PX và tính chất thường trú của đội ngũ PVPX. Được phân bố rộng khắp tất cả các tỉnh thành và 5 châu lục trên thế giới, ở hầu hết các địa bàn trọng điểm tin tức, mạng lưới PX của TTXVN là "mỏ vàng" bởi đội ngũ PV thường trú có ưu thế trong việc tiếp cận nguồn thông tin, duy trì mối quan hệ xã hội lâu dài ở địa phương, am hiểu tình hình, thông thuộc địa hình, di chuyển nhanh trong địa bàn khi có yêu cầu thông tin.

Phóng viên Mạnh Hà (người đội mũ), PX Cao Bằng đang ghi hình tại bãi khai thác vàng Khau Kiểm, huyện Thạch An, Cao Bằng

Trực tiếp quản lý 23 PX khu vực phía Nam, Phó Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại TP. Hồ Chí Minh Phạm Nhật Nam khẳng định: Hệ thống PX là thế mạnh tuyệt đối của các hãng thông tấn nói chung và của TTXVN nói riêng. Nhờ có mạng lưới rộng khắp và đội ngũ PV có năng lực, phẩm chất tốt, năng động, nhiệt tình, TTXVN đã thực hiện tốt chức năng thông tấn nhà nước.

Nhưng còn lắm bất cập

Vị trí, vai trò cực kỳ quan trọng và những đóng góp to lớn của hệ thống PX trong toàn bộ hoạt động của TTXVN đã được tất cả những ý kiến tham gia điễn đàn khẳng định. Tuy nhiên, thực trạng con người, vị thế, các mặt công tác của hệ thống PX trong và ngoài nước còn nhiều điều đáng bàn

Công tác quản lý, chỉ đạo thông tin đối với hệ thống PX trong nước hiện nay vẫn còn chồng chéo, chưa thống nhất về một mối. Theo ông Ngô Anh Văn, Giám đốc Cơ quan đại diện TTXVN tại Đà Nẵng, mỗi PX trong nước đang chịu sự quản lý, chỉ đạo từ nhiều phía, điều này khiến cho hiệu quả quản lý, chỉ đạo thông tin hàng ngày từ Ban lãnh đạo cơ quan đối với các PX chưa được như mong muốn. Trưởng PX Cà Mau Trần Thành Nên bức xúc: PX trong nước "được" quá nhiều đơn vị chỉ đạo, nhưng không rõ đơn vị nào là chủ yếu!

Yếu tố con người được rất nhiều ý kiến xác định là vấn đề mấu chốt, ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp tới chất lượng các mặt công tác của hệ thống PX. Phó TGĐ Nguyễn Hoài Dương đã nhấn mạnh, PX nào PV có những phẩm chất đạo đức của người làm báo chân chính, đam mê nghề nghiệp, được đào tạo cơ bản về nghiệp vụ và có tinh thần cầu thị thì PX đó luôn mạnh, sản phẩm thông tin đạt chất lượng cao. Trưởng PX Gia Lai Văn Thông cũng cho biết: Có những PX rất ít người nhưng công việc luôn trôi chảy. Ngược lại, có PX đông người nhưng lại "ì à, ì ạch"... Khổ nhất là PX có PV không làm được việc hoặc chây ì. Cá biệt, theo nhận định của ông Phạm Nhật Nam, một số PVPX còn thiếu tự giác, ngại đi cơ sở, chưa thực sự đầu tư, tìm tòi phát hiện chủ đề cũng như đổi mới cách thể hiện. Một số ít còn có biểu hiện làm tin theo kiểu đối phó, chạy theo số lượng. Vẫn có trường hợp "đạo tin" trên mạng.

Việc quản lý, sử dụng, khai thác giá trị tài sản tại các PX hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Theo ông Ngô Anh Văn: Nhiều PX xây trụ sở quá to, thừa diện tích rồi để xuống cấp. Một số PX cho thuê mặt bằng nhưng tiền thu được không đưa vào sổ sách để phục vụ cho việc sửa chữa nhỏ, nâng cấp trụ sở theo quy định của ngành.

Trong khi một số PX thừa diện tích thì một số lại rất chật chội. PX Hậu Giang có thể được xem là "nghèo" nhất trong hệ thống PX trong nước. Trưởng PX Hậu Giang Trần Ngọc Thiện cho biết: Hiện trụ sở PX chỉ là một căn nhà cấp 4 thuê của dân với diện tích khoảng 50m2. Mưa dột, nước từ ngoài chảy tràn vào khi có mưa lớn, mất điện, mất tín hiệu đường truyền, muỗi nhiều, nóng bức, tiếng ồn, bụi... là thường.

Trưởng PX Cà Mau đúc rút về chế độ "5 không" của nhiều PX trong nước: Không phương tiện đi lại để tác nghiệp; không chế độ trả tiền cho cộng tác viên; không được phép chi tiếp khách; không được nhiều người biết PX là gì; trưởng PX không thực quyền.

Là một trong số không nhiều ý kiến đề cập đến những tồn tại trong công tác thông tin của các PX ngoài nước, Tổng biên tập báo điện tử VietnamPlus Lê Quốc Minh cho rằng, nhiều lĩnh vực thông tin còn bị PX nước ngoài bỏ ngỏ, nhiều yếu tố khiến thông tin chưa hấp dẫn, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của thông tin quốc tế. Còn ý kiến của PVPX Luân Đôn Lê Vũ Hội cho thấy một thực trạng: Một số PV vẫn ra nước ngoài làm việc vì quyền lợi riêng, dù biết rằng năng lực của mình chưa đáp ứng được các tiêu chí của một PV TTXVN thường trú nước ngoài.

Tại diễn đàn, nhiều ý kiến cho rằng cơ chế quản lý rất cần được cải tiến, đi trước một bước. Nhiều năm nay, hệ thống PX vẫn chưa phát huy được vai trò như mong đợi một phần vì thiếu một bản quy hoạch tổng thể mang tính chiến lược. Đã lâu rồi, phóng viên hệ thống phân xã mong muốn Ngành có một "bản thiết kế toàn diện" cho hệ thống PX; bao gồm quy định cụ thể, tương đối đồng nhất về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, quyền lợi, quy chuẩn cơ sở vật chất và trang thiết bị, bộ máy nhân sự cũng như các cơ chế phù hợp để mở rộng tầm hoạt động của PX... 

Áp lực từ cơ chế định mức

Rất nhiều ý kiến cho rằng, mặc dù định mức khoán sản phẩm thông tin đối với PVPX đã giảm nhiều so với trước nhưng so với cách đây vài năm, PV các PX vẫn đang phải chịu áp lực thông tin khá lớn, bởi phải thực hiện cùng lúc nhiều loại hình thông tin, chưa kể những nhiệm vụ khác.

Đề cập thẳng thắn đến cơ chế định mức, PV PX Luân Đôn Lê Vũ Hội chia sẻ: Muốn hoàn thành và vượt định mức, trung bình một PV PX nước ngoài  (NN) phải có khoảng 30 tin bài/tháng (mỗi tin bài được chấm 60 điểm), hoặc 60 tin báo đạo (mỗi tin 30 điểm). Đó là con số hầu như ngoài khả năng của PV trong nước, chưa nói đến PV PXNN. Tin hình hoặc phóng sự điều tra có thể được chấm tới 200- 300 điểm/tin, nhưng những sản phẩm này đòi hỏi có một ê- kíp thực hiện và mất rất nhiều thời gian.

Tán thành với ý kiến của ông Lê Quốc Minh là nhiều PV khi đi PX nước ngoài đã biến thành "thợ dịch", thích dịch bài tham khảo hơn là làm tin phổ biến, nhưng PV Lê Vũ Hội cũng nói rõ, đó là do sức ép định mức. Ngồi nhà "dịch" tin tham khảo là cách nhanh và dễ để PV PXNN hoàn thành định mức nên nhiều người lựa chọn. Nếu đi ra ngoài "săn" tin thì PV rất dễ bị hụt định mức. Đồng tình với ý kiến cho rằng PV có thể gửi tài liệu tham khảo cho các "thợ dịch" ở nhà để dành thời gian "xuống đường" viết bài, song tác giả Lê Vũ Hội nhấn mạnh, muốn làm vậy thì cơ chế định mức và chấm điểm cần có sự thay đổi.     

Tìm lời gải cho bài toán "Nâng tầm vị thế"

Luân chuyển cán bộ, một trong những biện pháp giải quyết khó khăn cho vấn đề nhân sự của các PX, hiện cũng gặp không ít khó khăn. Theo Giám đốc B1- ông Ngô Anh Văn, phần lớn PV PX được bố trí tương đối ổn định tại địa bàn mà PV cùng gia đình họ sinh sống đã nhiều năm, việc luân chuyển là rất khó dù cơ quan biết rằng, không ít trường hợp đã bị "địa phương hóa", không thể hiện được vai trò là "tai mắt" của ngành khi có những sự việc nhạy cảm, đụng chạm đến địa phương. Ông cho rằng, việc luân chuyển PV phải được thực hiện kiên quyết, có kế hoạch, định kỳ theo quy chế, kèm theo những chính sách thỏa đáng hỗ trợ cán bộ, PV luân chuyển địa bàn để họ yên tâm công tác.

Đồng tình với ý kiến này, ông Mai Thế Hưng, Trưởng phòng quản lý PX trong nước, yêu cầu việc luân chuyển PV phải thực hiện công khai, rõ ràng. Đối với những trường hợp đã hoàn thành thời gian thường trú tại PX cần giải quyết về công tác tại Tổng xã ngay sau khi kết thúc nhiệm kỳ (trừ những trường hợp không có nhu cầu). Các đơn vị có PV đi thường trú có trách nhiệm tiếp nhận PV đã hoàn thành tốt nhiệm vụ ở PX; đồng thời ưu tiên đưa vào diện quy hoạch cán bộ những PV đã có thời gian thường trú ở PX.

Tuy nhiên, trước đó, để đảm bảo chất lượng đội ngũ thì ngay từ khâu tuyển chọn phải khoa học, công bằng. Theo Phó Ban Tổ chức cán bộ Dương Hồng Tư, chúng ta nên áp dụng hình thức thi tuyển. Qua thi mới thực hiện được công bằng, công khai, mới chọn được những người có năng lực thực sự, giảm bớt được những người yếu kém. Riêng Trưởng PX Bình Định, ông Nguyễn Viết Ý mong mỏi: Trong tuyển chọn PV cho các PX trong nước, cần có sự tham gia của Trưởng PX.

Đề cập đến số lượng PV ở mỗi PX, Phó Giám đốc B2 Phạm Nhật Nam cho rằng, hai PX cần bố trí lực lượng PV đông, đủ mạnh là: Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với ít nhất là 10 PV cho mỗi PX. Một số PX ở các địa bàn quan trọng khác như Đà Nẵng, Cần Thơ có ít nhất là 4 PV. Các PX còn lại bố trí 3 PV. Các PV PX được trang bị đầy đủ phương tiện, thiết bị phục vụ yêu cầu công tác; đồng thời, được đào tạo, bồi dưỡng để làm được thành thạo các thể loại tin, ảnh, truyền hình, đủ sức tác nghiệp cá nhân hoặc hỗ trợ nhau thông tin kịp thời các tình huống, sự kiện đột xuất xảy ra trên địa bàn hiệu quả và có chất lượng. Ý kiến này của ông Nhật Nam được khá nhiều Trưởng phân xã đồng tình.

Đề cập đến chính sách, chế độ đãi ngộ, nâng cao thu nhập cho PV, nhiều ý kiến cho rằng, đòi hỏi cấp bách hiện nay là ngành sớm hoàn thiện quy chế định mức sản phẩm thông tin theo hướng phát huy mặt tích cực của công cụ quản lý này, tạo điều kiện cho PV có cơ hội đóng góp cho tất cả các sản phẩm của ngành. Việc chi trả thù lao, nhuận bút cho các sản phẩm thông tin của PV PX phải theo nguyên tắc làm thêm sản phẩm nào được nhận thêm nhuận bút của sản phẩm đó, xứng đáng với chất lượng sản phẩm và công sức của PV bỏ ra.

Rất nhiều người đồng tình với ý kiến này. Theo Trưởng PX Lào Cai Lục Văn Toán, cần thống nhất cách tính định mức và công tác phí hàng tháng một cách linh hoạt trên cơ sở đánh giá được thực chất PV, khuyến khích PV phát huy tay nghề, tích cực tham gia thực hiện các loại hình thông tin của ngành. Ông Mai Thế Hưng cụ thể: Trước mắt lãnh đạo cơ quan cần xem xét tăng khoản tiền thù lao nhuận bút và năng suất lao động cho các PX trong nước; đồng thời điều chỉnh lại hoặc bổ sung thêm một số chế độ, chính sách đối với anh em, như công tác phí, chế độ nghỉ dưỡng hàng năm, trợ cấp ban đầu cho PV thường trú...

Diễn đàn của Nội san Thông tấn khép lại nhưng chặng đường "Nâng tầm vị thế hệ thống PX" trên thực tế chắc chắn còn nhiều vấn đề phải tiếp tục bàn thảo. Xin được lấy ý kiến của Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Hoài Dương để kết thúc diễn đàn: Xây dựng một đơn vị quản lý chỉ đạo PX trong và ngoài nước phù hợp; một cơ chế với hệ thống chính sách, chế độ luân chuyển, bồi dưỡng nghiệp vụ, quy hoạch cán bộ, và tài chính hợp lý, thực sự công bằng và khuyến khích, nhất là đối với hệ thống PX trong nước, đặc biệt là các PX ở các vùng sâu, vùng xa, biên giới, miền núi, hải đảo..., chắc chắn là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới, rất cần sự đóng góp trí tuệ, nhiệt tâm và kinh nghiệm thực tế của chính các PVPX, những cán bộ từng nhiều năm cống hiến cho ngành từ mọi địa bàn trong và ngoài nước.

Theo Nội san Thông tấn, số 6/2012

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Cốt lõi vẫn là yếu tố con người (29/05/2012 14:01:30)

Nâng cao chất lượng công tác tuyển dụng phóng viên trong nước (29/05/2012 10:56:34)

Hội nghị các Trưởng phân xã phía Bắc: Thời gian ngắn, chất lượng cao (02/05/2012 17:12:40)

Nâng cao chất lượng thông tin ảnh tai các phân xã (27/03/2012 16:01:11)

Hai ýº¿u tố nâng cao vị thế phân xã (27/03/2012 15:51:08)

Phân xã trong nước với tầm nhìn năm 2020 (28/02/2012 15:20:23)

Cần một "bản quy hoạch tổng thể" cho hệ thống Phân xã  (28/02/2012 15:09:41)

Trung tâm thông tin TTXVN ở địa phương: Tại sao không? (17/01/2012 12:20:18)

Nhiều việc cần làm ngay  (17/01/2012 12:14:48)

Niềm vui và thách thức (21/12/2011 10:23:47)