Thứ năm, ngày 25/04/2024

Trao đổi - Thảo luận

Đối mặt với khó khăn về bản quyền


(02/07/2019 10:01:47)

Những năm gần đây, vấn đề bản quyền nói chung và bản quyền truyền hình nói riêng đã và đang đặt ra nhiều thách thức với các đơn vị sản xuất thông tin. Đặc biệt, trong lĩnh vực thể thao - văn hóa vốn thu hút sự quan tâm của đông đảo khán giả, bản quyền thực sự mang tính sống còn trong bối cảnh bùng nổ và mở rộng của nhiều hạ tầng số.

Một talkshow tại trường quay của báo Thể thao và Văn hóa

Báo Thể thao và Văn hóa - Thông tấn xã Việt Nam hiện đang phối hợp cùng Trung tâm Truyền hình Thông tấn sản xuất các bản tin: Hành tinh thể thao, Thể thao 60s, Văn hóa toàn cảnhTalkshow Radar văn hóa phát trên kênh Vnews. Vấn đề bản quyền luôn được tòa soạn coi trọng, chẳng hạn, bản quyền truyền hình vòng chung kết U23 châu Á, FIFA World Cup, ASIAD 2018, AFF Suzuki Cup 2018, Asian Cup 2019, giải bóng đá vô địch quốc gia V - League, hay giải bóng đá ngoại hạng Anh, các cúp bóng đá châu Âu là minh chứng rõ nhất cho lĩnh vực thể thao. Đây cũng chính là những khó khăn, thách thức lớn với báo Thể thao và Văn hóa khi chịu trách nhiệm nội dung hơn 40 phút phát sóng mỗi ngày trên kênh Truyền hình Thông tấn.
 
Là đơn vị trực thuộc Thông tấn xã Việt Nam, các nội dung sản xuất, phát sóng của báo Thể thao và Văn hóa không thể vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, báo Thể thao và Văn hóa không đủ kinh phí để mua bản quyền, dù chỉ một phần hoặc chia sẻ. Trong khi đó, vẫn phải đảm bảo đầy đủ và chất lượng tin thời sự hằng ngày ở cả hai lĩnh vực thể thao và văn hóa. Việc không có bản quyền không chỉ gây khó khăn cho truyền hình truyền thống mà các sản phẩm được sản xuất cũng không thể khai thác thêm trên truyền hình OTT (truyền hình truyền dẫn trên nền tảng internet), mạng xã hội...  Đơn cử như các thông tin thể thao - văn hóa quốc tế khai thác của hãng Reuters, AFP do cơ quan mua, nhưng chỉ có bản quyền phát sóng trên truyền hình truyền thống.
 
Để khắc phục những khó khăn đó, đảm bảo chất lượng thông tin theo yêu cầu của ngành, bên cạnh việc xây dựng ý thức, kiểm soát chặt chẽ bản quyền hình ảnh, thời gian qua, báo Thể thao và Văn hóa đồng thời thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng nội dung như: Cải tiến kịch bản, format các bản tin theo hướng nhiều thông tin hơn, bám sát các sự kiện, giúp cho nhịp độ các chương trình nhanh và hấp dẫn hơn nhằm cung cấp cho người xem lượng thông tin lớn hơn.
 
Phóng viên Hoàng Linh (thứ hai bên phải) cùng các đồng nghiệp đội mưa tác nghiệp tại sân vận động Cẩm Phả, Quảng Ninh, tháng 6/2018

Đồng thời, tòa soạn tăng cường sản xuất tin, phóng sự để bù đắp thiếu hụt thông tin do không có bản quyền. Xây dựng các chuyên mục mới được công chúng quan tâm như: Chùm tin vắn 24/7, Khách mời của Thể thao và Văn hóa, Thế giới nghệ sỹ, Qua miền văn hóa, Nhịp đập âm nhạc, Ciné cuối tuần...; đầu tư nhiều hơn cho truyền hình trải nghiệm, truyền hình thực tế.
 
Về đồ họa, tòa soạn thay đổi toàn bộ hình hiệu, nhạc hiệu, hình cắt các chuyên mục theo hướng hiện đại nhưng vẫn phù hợp với bản sắc của Vnews. Tăng cường đồ họa riêng cho các sự kiện thể thao - văn hóa lớn. Thực hiện các tin hình kết hợp với đồ họa, bổ trợ cho các tuyến thông tin không có bản quyền để khai thác thêm giá trị gia tăng trên báo điện tử, mạng xã hội...
 
Tại các sự kiện lớn như: Olympic mùa đông, FIFA World Cup, ASIAD 2018, theo chỉ đạo của lãnh đạo ngành, báo Thể thao và Văn hóa đã xây dựng kế hoạch thông tin của ngành, trong đó có lĩnh vực thông tin truyền hình và kết nối các đơn vị liên quan trong và ngoài cơ quan để thực hiện đúng kế hoạch đề ra, đảm bảo chất lượng thông tin. Với sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong ngành, các Cơ quan thường trú (CQTT) trong và ngoài nước, đặc biệt là Trung tâm Truyền hình Thông tấn, báo Thể thao và Văn hóa cơ bản đã hoàn thành tốt nhiệm vụ sản xuất thông tin truyền hình, đảm bảo chất lượng, được khán giả và giới làm nghề đánh giá tích cực.
 
Quay phim Vũ Mộng Thìn tác nghiệp tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam

Để nâng cao hơn nữa chất lượng thông tin, đáp ứng yêu cầu phát triển chung của ngành cũng như những thay đổi rất nhanh trong lĩnh vực truyền hình, chúng tôi cho rằng, ngành cần phát huy hơn nữa thế mạnh của các CQTT trong và ngoài nước. Điều này vừa tạo ra sự khác biệt với các đài truyền hình khác bằng sự hiện diện của phóng viên tại hiện trường, vừa bù đắp việc thiếu hụt thông tin do không có bản quyền. Các đơn vị liên quan cần kết nối chặt chẽ hơn từ khâu lên kế hoạch đến xây dựng kịch bản nội dung hằng ngày cũng như các tuyến thông tin quan trọng. Tổ chức các lớp bồi dưỡng chuyên môn cập nhật xu hướng, cách làm mới cho phóng viên, biên tập viên truyền hình. Tăng cường đầu tư trang thiết bị, đặc biệt những thiết bị có khả năng hỗ trợ tác nghiệp tại hiện trường.

Trần Việt Dũng
Nội san Thông tấn số 6/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Từ việc xử lý hai thông tin giả (03/05/2019 15:42:02)

Tương lai của những "thợ dịch" (03/05/2019 15:40:54)

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí: Chờ đợi hay hành động? (31/01/2019 15:04:51)

Làm chủ kỹ năng tác nghiệp khi đi thường trú (02/01/2019 16:32:28)

"Kiềng ba chân" trong thực hiện tin truyền hình (04/12/2018 14:22:43)

Liên hoan ảnh khu vực phía Nam lần thứ IV - 2018: Kết nối đất phương Nam (30/10/2018 16:44:24)

Đổi mới và sáng tạo trong thông tin về xây dựng Đảng (30/10/2018 16:43:23)

Làm tin nóng cần "cái đầu lạnh" (04/09/2018 16:24:57)

Phát huy vai trò hạt nhân của Chi bộ trong thực hiện thông tin liên vùng (04/09/2018 16:22:03)

Một sai sót nhớ mãi (09/08/2018 15:41:19)