Thứ ba, ngày 16/04/2024

Trao đổi - Thảo luận

Tương lai của những "thợ dịch"


(03/05/2019 15:40:54)

Phóng viên Mạnh Hùng phỏng vấn Cố vấn về đối ngoại của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc

Với sự phổ biến ngày càng rộng rãi, Google dịch từng bước phát huy được hiệu quả và chất lượng dịch thuật. Lúc đó, các “thợ dịch” sẽ trở thành các hiệu đính viên. Tất nhiên, để có thể hiệu đính các bản dịch từ Google, các hiệu đính viên phải có trình độ ngoại ngữ tốt, nền tảng kiến thức chung trong nhiều lĩnh vực.
 
Hiện nay, tại Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và nhiều cơ quan báo chí khác ở Việt Nam, mảng tin quốc tế chủ yếu dựa vào việc dịch, biên tập tin, bài tiếng nước ngoài thành tin, bài tiếng Việt. Trong đó, mảng báo cáo, tin nhanh, tin tham khảo và tài liệu tham khảo do Ban biên tập tin Thế giới thực hiện là dịch nguyên văn nội dung tin, bài từ các ngữ (chủ yếu là tiếng Anh, tiếng Nga và tiếng Trung) sang tiếng Việt, rồi biên tập lại để phù hợp với các bản tin, bố cục và câu chữ rõ ràng theo phong cách báo chí Việt Nam.
 
Phần lớn công việc của các biên tập viên Phòng tin nhanh, tin tham khảo và tài liệu tham khảo của Ban biên tập tin Thế giới hiện nay là dịch thuật, như chúng tôi thường gọi vui các biên tập viên là những “thợ dịch”. Chất lượng tin, bài và tốc độ hoàn thành công việc nhanh hay chậm phụ thuộc vào trình độ ngoại ngữ, kinh nghiệm dịch thuật, nền tảng kiến thức chung và kỹ năng gõ máy tính. Sau khi dịch xong, tin, bài được chuyển tới các hiệu đính viên để chỉnh sửa một lần nữa, đảm bảo tính chính xác và văn phong báo chí.
 
Cách đây khá lâu, tập đoàn Google của Mỹ đã cho ra đời một công cụ (Google dịch) có khả năng dịch từ rất nhiều ngoại ngữ sang tiếng Việt và ngược lại. Tôi cùng một số biên tập viên lúc đó đã mày mò và dùng thử công cụ này. Tuy nhiên, chất lượng bản dịch qua Google khiến các biên tập viên vô cùng ngao ngán bởi phần lớn nội dung thu về là những câu vô nghĩa và khó hiểu. Chất lượng dịch qua Google lúc mới ra mắt rất kém, đến mức khi xem các bản dịch kém chất lượng, người ta thường ví von là “dịch như Google ”.
 
Tuy nhiên, mới đây, tôi đã khá bất ngờ với sự cải thiện chất lượng dịch của Google, nhất là các bản dịch từ tiếng Anh, có nội dung thông thường trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và với dung lượng không quá dài. Tôi đã xem và kiểm tra tính chính xác của khoảng 100 tin, bài có độ dài ngắn, các chủ đề và các thể loại khác nhau (tin ngắn, tin sâu, bài phân tích, phóng sự…). Kết quả cho thấy, chất lượng bản dịch qua Google từ tiếng Anh sang tiếng Việt hiện đang ở mức độ có thể chấp nhận được, hiệu đính viên chỉ cần chỉnh sửa lại một số câu chữ là có thể đăng báo.
 
Như vậy, nếu sử dụng Google dịch, chúng ta sẽ tiết kiệm được rất nhiều thời gian, ít nhất là một nửa thời gian để hoàn thành các tin, bài quốc tế. Ví dụ, với một tin nhanh (khoảng 240 chữ), sẽ mất khoảng 20 phút cho thời gian dịch và hiệu đính trong khi sử dụng Google dịch thì chỉ mất khoảng 5 phút (cho phần hiệu đính). Nghĩa là chúng ta sẽ không cần các biên tập viên nữa mà chỉ cần các hiệu đính viên, qua đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian và công sức của các biên tập viên.
 
Vì sao chất lượng Google dịch lại có sự cải thiện rõ rệt đến vậy? Qua tìm hiểu tôi được biết, đã có nhiều sự đóng góp từ các bản chỉnh sửa sau khi qua Google dịch, nhờ đó các lỗi dịch ngớ ngẩn trước đây dần được loại bỏ. Công cụ Google dịch trở nên thông minh hơn và lựa chọn ngày càng đúng “nghĩa của từ” (trong trường hợp một từ tiếng Anh có nhiều nghĩa tiếng Việt). Đó cũng là lý do giải thích vì sao các tin, bài có chủ đề thông thường được Google dịch tốt hơn các tin, bài có nội dung lạ lẫm, mới mẻ; các bản dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt có chất lượng tốt hơn từ các thứ tiếng khác.
 
Trong tương lai, với sự phổ biến ngày càng rộng rãi, Google dịch từng bước phát huy được hiệu quả và chất lượng dịch thuật. Công việc của các biên tập viên, biên dịch viên của Ban biên tập tin Thế giới hay các đơn vị khác sẽ thay đổi. Lúc đó, các “thợ dịch” sẽ trở thành các hiệu đính viên. Tất nhiên, để có thể hiệu đính các bản dịch từ Google, các hiệu đính viên phải có trình độ tiếng Anh tốt, nền tảng kiến thức chung trong nhiều lĩnh vực.
 
Các biên tập viên, biên dịch viên ngay từ bây giờ nên làm quen với Google dịch, dùng thử cho công việc hiện nay của mình, phát hiện các lỗi “dịch máy” bị sai và phản hồi tới các chuyên gia của Google, từ đó giúp hoàn thiện công cụ dịch này. Bên cạnh đó, các biên tập viên cũng cần nâng cao trình độ ngoại ngữ và đọc nhiều để cải thiện vốn hiểu biết của mình trong mọi lĩnh vực, sẵn sàng tâm thế đảm nhiệm công việc của một hiệu đính viên.
 
Sử dụng Google dịch chính là chúng ta sử dụng trí tuệ nhân tạo trong làm báo, dành thời gian và công sức của con người cho những việc máy móc chưa thể vươn tới.

Mạnh Hùng (Trưởng CQTT tại Seoul, Hàn Quốc)
Nội san thông tấn số 4/2019

CÁC TIN ĐÃ ĐĂNG:

Ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong báo chí: Chờ đợi hay hành động? (31/01/2019 15:04:51)

Làm chủ kỹ năng tác nghiệp khi đi thường trú (02/01/2019 16:32:28)

"Kiềng ba chân" trong thực hiện tin truyền hình (04/12/2018 14:22:43)

Liên hoan ảnh khu vực phía Nam lần thứ IV - 2018: Kết nối đất phương Nam (30/10/2018 16:44:24)

Đổi mới và sáng tạo trong thông tin về xây dựng Đảng (30/10/2018 16:43:23)

Làm tin nóng cần "cái đầu lạnh" (04/09/2018 16:24:57)

Phát huy vai trò hạt nhân của Chi bộ trong thực hiện thông tin liên vùng (04/09/2018 16:22:03)

Một sai sót nhớ mãi (09/08/2018 15:41:19)

Tác phẩm đoạt Giải báo chí quốc gia năm 2017: Trúng vấn đề, đúng thời điểm (09/08/2018 15:31:29)

Không có bất cứ thông tin nào quý giá bằng sinh mạng (29/06/2018 17:22:01)